Đặt sư tử đá ở đền chùa: Nhầm chỗ!

vuongxinh vuongxinh @vuongxinh

Đặt sư tử đá ở đền chùa: Nhầm chỗ!

Người Trung Hoa xưa dùng sư tử đá để canh mộ cho người chết. Trong khi đó, người Việt Nam sử dụng để ở đền chùa.

20/08/2014 10:31 PM
1,165

Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch vừa có văn bản yêu cầu không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật trái với thuần phong mỹ tục Việt Nam. Trước thông tin này, phóng viên có cuộc trao đổi với GS.Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hoá tín ngưỡng Việt Nam.

Hiện nay, một số đình chùa, tòa nhà xuất hiện nhiều linh vật lạ như sư tử đá, cá sấu đá. Xét về góc độ văn hóa có đúng không, thưa ông?

Người Trung Hoa xưa dùng sư tử là con vật dùng để canh mộ cho người chết. Tuy nhiên, người Việt Nam đem linh vật đó để ở đền chùa. Như vậy nhầm chỗ, thiếu hiểu biết.

Ở Trung Hoa người ta dùng sư tử để canh mộ trong khi đó Việt Nam sử dụng để ở khách sạn, di tích. Đấy gọi là vay mượn nhưng không hiểu, chưa phù hợp.

Thưa ông, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch vừa cấm sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam. Là một nhà nghiên cứu văn hóa, ông đánh giá như thế nào về lệnh cấm này?

Tôi nghĩ khuyến nghị của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đưa ra là đúng. Điều này giúp người dân có ý thức hơn về văn hóa đình chùa. Tuy nhiên, Bộ Văn hóa cũng không cần thiết phải ra lệnh cấm đoán.

Văn bản đề nghị không sử dụng biểu tượng, linh vật không phù hợp đưa ra thời điểm này đã quá muộn. Lẽ ra xu hướng sử dụng các linh vật lạ đã được loại bỏ từ lâu. Nhà quản lý văn hóa nên tuyên truyền, khuyến nghị, lý giải để người dân hiểu, loại bỏ xu hướng này.

Có ý kiến cho rằng, cấm sử dụng biểu tượng, linh vật lạ của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch không khả thi. Ông nghĩ sao?

Bộ Văn hóa khuyến nghị không sử dụng biểu tượng, linh vật lạ là đúng. Tuy nhiên, Bộ này cần tìm cách thay thế những linh vật đó bằng linh vật khác cho phù hợp. Nếu văn bản đưa một chiều sẽ không khả thi.

Người Việt Nam vốn thích cái mới. Người Việt nhìn con sư tử có dáng vẻ uy nhưng không hiểu ý nghĩa của nó, không biết nó phù hợp với văn hóa nhất định. Bộ Văn hóa nên tuyên truyền giúp người dân hiểu hơn về ý nghĩa sử dụng linh vật.

Như ông nói, Bộ Văn hóa khuyến nghị bỏ linh vật không phù hợp là đúng. Tuy nhiên, những người có tâm công đức sư tử đá, cá sấu đá trong đền chùa, vậy nên ứng xử như thế nào cho phù hợp?

Công đức cần phải hiểu việc mình đang làm, không phải thích là công đức. Không loại trừ một vài trường hợp giả học làm sang, thích tỏ ra với mọi người sự sang trọng nhưng không hiểu mình làm gì, mục đích ra sao.

Người công đức linh vật không phù hợp với văn hóa nên bỏ. Nhà quản lý cũng nên thẩm định kỹ từ đầu, tránh trường hợp nhiều người công đức rồi lại bỏ đi. Điều này vừa lãng phí, vừa không phù hợp, vừa lố bịch về mặt văn hóa.

Vậy theo ông, ở những di tích lịch sử nước ta nếu không sử dụng sinh vật lạ như sư tử, cá sấu đá thì nên sử dụng linh vật nào?

Ở các nơi di tích lịch sử chỉ nên sử dụng Long, Ly, Quy, Phượng.

Long, Ly, Quy, Phượng sử dụng trong đền chùa có phải do Việt Nam vay mượn từ Trung Quốc?

Nguồn gốc của rồng từ Việt Nam được Trung Hoa tiếp nhận. Sau này, Việt Nam lại lấy lại rồng làm linh vật. Vì vậy, nên ta nói con vật đó lấy toàn bộ từ Trung Quốc cũng không phải

Long, Ly, Quy, Phượng không hẳn có nguồn gốc từ Việt Nam hay vay mượn của Trung Quốc. Xét về góc độ văn hóa, Ly của Trung Quốc và Ly của Việt Nam khác nhau. Mỗi dân tộc đều tạo hình linh vật đó theo phong cách riêng.

Ở góc độ văn hóa, làm thế nào để phân biệt linh vật ngoại lai và linh vật của Việt Nam, thưa ông?

Linh vật ngoại lai là linh vật là không chứa biểu tượng văn hóa của Việt Nam. Ví dụ: Nhân sư không phải của Việt Nam. Nó gắn với nền văn hóa Ai Cập.

Đối với Việt Nam, con vật mang ý nghĩa biểu tượng cho dân tộc, gắn bó với truyền thống văn hóa của dân tộc (Rồng) được coi là linh vật của người Việt Nam.

Xin cảm ơn ông!

Theo Khampha.vn

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý