Dấu hiệu, cách phòng trẻ bị bạo hành, bắt nạt ở trường mẹ nên biết

sakura1 sakura1 @sakura1

Dấu hiệu, cách phòng trẻ bị bạo hành, bắt nạt ở trường mẹ nên biết

Sau vụ việc bé trai 14 tháng tuổi bị 3 cô giáo trói tay chân, nhét giẻ vào miệng gây xôn xao dư luận vừa qua, nhiều bậc phụ huynh tỏ ra hoang mang, lo lắng khi gửi con đi học.

07/10/2015 11:25 AM
1,305

Thực tế, không khó để nhận biết con bạn bị bạo hành, bắt nạt ở trường. Do vậy, bố mẹ cần hết sức nhạy cảm, quan tâm đến con để kịp thời phát hiện và xử lý trước khi con bị ảnh hưởng tâm lý quá nghiêm trọng.

Biểu hiện trẻ đang bị bắt nạt, bạo hành ở trường

- Cơ thể trẻ xuất hiện những vết thương, vết bầm tím do tác động của ngoại lực.

- Trẻ nghiến răng, cắn móng tay, thở nhanh, hồi hộp hoặc toát mồ hôi khi về nhà.

- Bé sợ vào nhà vệ sinh khi đi tắm hoặc đi vệ sinh vì có thể ở trường bị nhốt vào không gian kín này.

- Bé sợ phải đến trường và có các phản ứng như ôm chặt, giãy giụa khi bố mẹ giao con cho cô giáo mỗi khi đến lớp. Khi cô giáo dỗ nín, trẻ sẽ tỏ ra sợ sệt và mếu máo. Khi cô giáo đón trẻ vào lớp, trẻ sẽ khóc thảm thiết và nhoài người về phía cha mẹ.

- Sau khi bị bạo hành, khi bố mẹ đến đón, trẻ thường ôm chặt bố mẹ, khóc và đòi về nhà ngay vì cảm thấy bị tủi thân.

- Bé lảng tránh khi bố mẹ có cử chỉ yêu thương hoặc tự nhiên bé quá bám dính lấy cha mẹ, hay tức giận hoặc hay chán nản.

- Bé sợ cảm giác một mình, thường đột ngột nép chặt người vào bố mẹ, hoặc níu bố mẹ ở lại khi đưa trẻ đến trường.

   - Ảnh 1

Bé thường đột ngột nép chặt người vào bố mẹ, hoặc níu bố mẹ ở lại khi đưa trẻ đến trường. Ảnh minh họa.

- Tâm trạng của bé trở nên bất thường, thường lo lắng, giận dũ, buồn bã, hay thất vọng mà không rõ lý do.

- Trẻ thường kêu ca về vấn đề thể chất: đau đầu, đau bụng, hay phải đến phòng y tế của trường.

- Trẻ khó ngủ, hay gặp ác mộng, thường khóc rất nhiều và tè dầm khi ngủ.

- Trẻ thay đổi thói quen ăn uống

- Trẻ bắt nạt những em bé nhỏ hơn trong gia đình hoặc những em bé khác.

-Trẻ liền đi vệ sinh sau khi đi học về.

-Trẻ về nhà trong tình đạng đói ( Có thể những kẻ bắt nạt ở trường sẽ cướp đồ ăn của con).

- Điểm số của bé bất ngờ bị tụt giảm. (Bị bắt nạt có thể khiến trẻ bị ảnh hưởng nặng nề đến khả năng tập trung học hành).

- Hay trẻ thường nhận lỗi của mình trong mọi chuyện.

- Trẻ có dấu hiệu chán nản, phàn nàn về mọi thứ, bỏ trốn.

Tuy nhiên, khi thấy trẻ có những dấu hiệu này, bố mẹ cũng không nên vội vàng kết luận con bị bạo hành ở trường. Bố mẹ cần gần gũi hỏi han con nếu bé đã biết nói, dành nhiều thời gian hơn để quan sát, chú ý tới bé.

Chẳng hạn: Một vài vết thương, vết bầm tím hoặc vết xước nhẹ có thể xuất hiện ở trẻ mà không phải do nguyên nhân bạo hành. Trẻ ngã hay đánh nhau, xô đẩy với bạn trong quá trình chơi cũng có thể gây ra những vết này.

Những vết thương này sẽ khỏi sau vài ngày và không để lại hậu quả về mặt tâm lý. Các bé mới đi học thì cô đón cũng hay khóc và bám chặt bố mẹ, không muốn vào lớp…

Ảnh hưởng nghiêm trọng

Theo Hiệp hội Tâm lý học Mỹ, việc trẻ bị bắt nạt, nạo hành sẽ khiến trẻ phải chịu tổn thương lâu dài, cả về thể chất lẫn tinh thần. Việc trẻ bị bạo hành cũng sẽ khiến trẻ thiếu tự tin, rụt rè, luôn trong trạng thái thảng thốt. Khi bị căng thẳng thần kinh, dễ bị kích động bạo lực hoặc có tư tưởng trầm uất, gây ảnh hưởng đến tương lai của trẻ.

Khi bị bạo hành, trẻ thường bị những ảnh hưởng sau:

- Trẻ sống khép kín, gặp trở ngại trong giao tiếp xã hội.

- Trẻ mặc cảm, thiếu tự tin vào bản thân.

- Trẻ hung hăng, bạo lực với mọi người, thậm chí có hành vi tự hại. Luôn muốn tự làm đau mình để giảm stress căng thẳng.

- Khi liên tục đánh đập, hành hạ hoặc bị làm nhục dưới mọi hình thức, trẻ trở nên mất lòng tự trọng, lì lợm, ngang bướng, và không còn coi chuyện vi phạm lỗi là quan trọng.

Cách bảo vệ con khỏi bị bạo hành ở trường

- Chọn trường uy tín: Điều đầu tiên và quan trọng nhất là tuyệt đối không gửi con ở những cơ sở không được cấp giấy phép hoặc đang gặp vấn đề về cấp phép. Nhà trẻ không được quá kín, đủ “mở” để hàng xóm và những người xung quanh dù không nhìn thấy được thì cũng nghe được tiếng động bên trong. Đừng tin vào mối quen thân bạn bè hay bất kỳ ai mà gửi con không đúng chỗ.

- Nói chuyện với cô giáo: Hãy thường xuyên cho bảo mẫu biết, con rất hay kể chuyện ở lớp cho bố mẹ nghe, và bố mẹ tối nào cũng tự tắm, chăm con, trò chuyện với con.

- Lúc đón con: Hãy trò chuyện cùng con luôn trên đường về, gợi cho bé kể xem hôm nay ở lớp có chuyện gì. Trẻ con thường rất nhanh quên, nên nếu bạn không trò chuyện, không phải bé nào cũng tự kể ra, đặc biệt là khi chúng đã bị “răn đe” trước đó.

- Cách đặt câu hỏi cho con: Đừng hỏi thẳng cô giáo đánh con không mà hỏi rằng: “Ở lớp con có ngoan không? Lớp con bạn nào ngoan nhất? Bạn nào không ngoan? Lúc không ngoan cô giáo phạt như thế nào?

Khi phát hiện ra vết bầm, đừng hỏi con “Tại sao lại có vết bầm này?”, nếu bị bạo hành chắc chắn con đã bị dọa không được kể với ai, nếu không sẽ còn bị đánh đau hơn.

Nếu do con té ngã, hãy nói chuyện với cô giáo để cô có biện pháp phòng tránh té ngã lần khác.

- Chơi trò dạy học: Bố mẹ sẽ là học sinh, để bé làm giáo viên. Trẻ con thường bắt chước người lớn, hãy xem cách con bạn dạy học sinh là bạn như thế nào, từ lời nói, nét mặt, lúc học sinh sai thì phạt như thế nào,… bạn có thể biết được cách dạy của cô giáo ở trường.

- Dạy con cách yêu thương bản thân, đừng dạy chúng nghe lời: Ở phương Tây trẻ con được dạy cho nhận thức về cái tôi rất sớm. Còn ở Việt Nam, trẻ con được dạy cách vâng lời, không nghe lời người lớn là hư, là đáng bị đánh. Thế thì làm sao chúng dám nói gì. Trẻ con có thể chưa dám phản kháng, nhưng ít nhất nó sẽ ý thức được nó không có lỗi khi bị bạo hành và kẻ bạo hành nó là sai.

- Con mình là con mình, đừng để người khác làm cha mẹ thay: Dù bận rộn đến đâu, hãy dành chút thời gian tắm cho con, mặc quần áo cho con. Nhiều người để ý con từng tí một, nhưng cũng không ít người không nhận ra những chấn thương nhỏ trên cơ thể con. Nếu con bạn đang còn quá bé và chưa biết nói, có lẽ đây cũng là cách duy nhất để bạn đảm bảo mình không giao trứng cho ác.

Hạ Vy (T.H)

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý