Để Mai tính 2: Đồng tính - làm không khéo dễ phản tác dụng

msstit msstit @msstit

Để Mai tính 2: Đồng tính - làm không khéo dễ phản tác dụng

Khai thác từ yếu tố đồng tính, bộ phim Để mai tính 2 đang khiến cộng đồng LGBT nổi giận, vì khiến hình ảnh cộng đồng bị sai lệch. Đây không phải là phim đầu tiên ở Việt Nam bị lên tiếng phản đối vì đề tài đồng tính, dù cho người trong cuộc một mực khẳng định không dùng yếu tố này để câu khách.

22/12/2014 08:09 PM
1,175

 

Ồn ào những ngày đầu công chiếu

Chỉ vừa mới ra mắt trong một thời gian ngắn (công chiếu vào ngày 12/12), bộ phim Để mai tính 2 của đạo diễn Charlie Nguyễn đã khiến dư luận bàn cãi trái chiều. Có mặt tại các cụm rạp ở TP.HCM như Galaxy, BHD Star Cineplex, Cinebox, Lotte Cinema... PV ghi nhận số lượng khán giả đến xem phim đông nghịt. Các suất chiếu khít nhau từ 9h - 22h dường như vẫn chưa thỏa mãn với công chúng.

Phải thừa nhận, Để mai tính 2 đem lại cho khán giả những tràng cười liên hồi, bởi sự duyên dáng, ngây thơ và cũng rất đỗi chân tình của nhân vật Hội do diễn viên Thái Hòa thủ vai.

 - Ảnh 1

Thái Hòa duyên dáng hóa thân thành chị Hội trong Để mai tính 2.

Rõ ràng, nhân vật Hội lần này khác biệt và cũng vô cùng hấp dẫn. Nói về bộ phim của mình với PV, đạo diễn Charlie Nguyễn cho biết: "Chúng tôi xây dựng trên bộ phim Để mai tính 2 trên nền tảng khá thành công của Để mai tính 1 trong năm 2010. Lần này, Để mai tính 2 được lấy bối cảnh nhân vật Hội từ nước ngoài trở về. Bây giờ Hội là một doanh nhân thành đạt, sang, đẹp và đầy màu sắc hơn. Tuy nhiên, Hội vẫn phải vướng vào lưới tình khi gặp Nam. Nam đã vốn thuộc về một cô gái xinh đẹp và giỏi giang khác từ lâu rồi, vì thế những tình huống bi hài cũng từ đây xuất hiện".

Những tình huống bi hài đã gây ra những tiếng cười trái chiều cho khán giả. Tại rạp Galaxy Nguyễn Trãi, sau khi xem xong bộ phim, chị Nguyễn Vân (ngụ quận 3, TP.HCM) cho biết: "Bộ phim tuy có tính hấp dẫn, nhiều người xem và cười thích thú. Bộ phim nắm đúng tâm lý khán giả. Tuy nhiên, tiếng cười này được dựng lên với những chiêu thức cũ, vẫn thường thấy ở Thái Hòa. Ngoài ra, phim dùng quá nhiều từ ngữ chợ búa, sến sẩm và quá bình dân".

Thực ra, cái duyên của Hội lại bắt nguồn từ việc khai thác đề tài đồng tính. Dù mang lại tiếng cười, song những người đồng tính trong cuộc không khỏi chua xót. Có mặt tại rạp BHD Star Cineplex 3/2, anh Huỳnh Minh Thuận (ngụ quận 10, TP.HCM) chia sẻ: "Tôi cảm thấy ngán ngẩm, nói thật những tiếng cười này rất vô duyên. Làm sao người ta có thể cười khi tiếng cười ấy bắt nguồn từ những tình tiết phi giới tính. Nghe những người xung quanh cười mà tôi thấy tê tái. Còn nếu xét về bộ phim, tôi cảm thấy tính logic và nội dung không ăn nhập nhau. Đó là chưa kể đến lời thoại và sự gắn kết của những phân cảnh khiến nó chẳng đâu vào đâu".

Cảnh phim bị lên án của 'chị Hội' trong 'Để Mai Tính 2'

Dựa trên yếu tố đồng tính, bộ phim Để mai tính 2 khiến người xem cảm thấy phiến diện và lạc lõng. Theo ghi nhận của PV tại Lotte Cộng Hòa, tiếng cười của Để mai tính 2 khiến khán giả bức xúc. Anh Lê Thanh Sơn (ngụ quận 1, TP.HCM), vừa xem phim vừa buồn bã chia sẻ: "Xem tình yêu trên phim, tôi cảm thấy rất bức xúc, không có tình yêu nào... dở hơi như Hội cả. Rồi những ám ảnh của Hội về tình dục, về đàn ông... khiến chúng tôi cảm thấy bị xúc phạm. Điều này sẽ khiến những người bình thường nghĩ sao về tình yêu của những người đồng tính. Tại sao, khi khai thác yếu tố đồng tính, mọi người luôn đặt chúng tôi vào những tình huống như thế?".

Theo tìm hiểu của PV, việc phản đối Để mai tính 2 vì những yếu tố phản cảm dựa trên đề tài đồng tính cũng còn bị lên tiếng tại một số trang mạng của người đồng tính. Đặc biệt là trên trang mạng Tôi đồng ý. Việc phản đối Để mai tính 2 đưa tình huống giới tính ra câu khách cũng khá đông đảo. Những lời kêu gọi như "Hội vô tội nhưng Hội không vô hại", "Đừng để Hội tính, bạn hãy tính", "Phản đối việc thể hiện hình ảnh người chuyển giới đầy định kiến trong phim Để mai tính 2"... liên tiếp xuất hiện.

Đề tài đồng tính không phải miếng mồi ngon

Từ lâu, khán giả đã ấn tượng với nhân vật chị Hội, bởi nét duyên và diễn rất ngọt của Thái Hòa. Do xây dựng trên bối cảnh đề tài đồng tính, nên các luồng dư luận nhiều chiều khiến khán giả hoang mang. Tuy nhiên, là người có kinh nghiệm làm phim lâu năm và cũng rút kinh nghiệm từ những bộ phim trước, đạo diễn Charlie Nguyễn cho rằng, phim thật sự không dùng người đồng tính để câu khách. Việc xây dựng nhân vật Hội trên yếu tố tích cực.

 - Ảnh 2

Đạo diễn Charlie Nguyễn khẳng định, không dùng yếu tố đồng tính để câu khách.

Chia sẻ với PV, đạo diễn Charlie Nguyễn cho biết: "Khi thực hiện bộ phim này, chúng tôi có một thời gian dài để chuẩn bị kỹ lưỡng và cẩn thận đến từng chi tiết. Chúng tôi không dùng nhân vật Hội - một người đồng tính để câu khách, mà chúng tôi muốn mọi người nhìn Hội với những nét đáng yêu ở anh. Đây là con người hết lòng hy sinh vì người khác. Hội tận tụy và cũng rất chân thành. Hơn nữa, đây là một bộ phim mang tính giải trí, chứ chúng tôi không dùng phim để miêu tả thực ngoài đời. Cái cười trong phim chúng tôi bộc lộ qua các tình huống, các chi tiết, thắt nút gì, mở nút gì... chứ không phải việc dùng một nhân vật đồng tính để chọc khán giả. Chúng tôi mong mỏi, bộ phim đem lại cho khán giả những dư vị ngọt ngào. Qua Hội, khán giả sẽ thấy hình ảnh một người đồng tính nhưng biết chia sẻ, hy sinh và cũng rất dễ mến".

Ngoài ra, đạo diễn Charlie Nguyễn cũng chia sẻ thêm: "Khi làm phim, tôi không nghĩ đến việc dùng đề tài đồng tính để khai thác nhằm thu hút sự quan tâm của khán giả. Đề tài nào cũng vậy, tôi nghĩ để đến với khán giả cần sự chăm chút kỹ lưỡng và hết mình với bộ phim. Cũng như trong phim này, việc chọn các diễn viên, tôi cũng rất cân nhắc.

Ngoài Thái Hòa - người từng hợp tác với tôi qua một số bộ phim, tôi cũng khá yên tâm để giao cho một số diễn viên khác. Trong đó, tôi nghĩ Quang Sự cũng có một diễn xuất tốt. Với những nhân tố đã được chọn lựa kỹ, tôi nghĩ mình đã cố gắng làm hết mình, phần còn lại tôi sẽ để cho khán giả xem phim và đánh giá".

Hiện nay, vấn đề đồng tính được đề cập khá nhiều. Khán giả xem, khóc và cười cho những nhân vật đồng tính trong phim. Tuy nhiên, công bằng mà nói, hình ảnh người đồng tính trong phim thường chỉ hướng người xem đến những nhân vật màu mè, thích thể hiện và hơi lố. Chính những điều này cũng gây mặc cảm cho người đồng tính.

Phân tích về điều này, Giáo sư - tiến sỹ Vũ Gia Hiền - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng văn hóa chia sẻ: "Ngày nay, tình trạng kỳ thị đối với người đồng tính đã giảm bớt. Tuy nhiên, do một số kỳ thị đã ăn sâu thế nên người đồng tính dù được công nhận, song họ cũng dễ bị tổn thương. Bên cạnh đó, có không ít các tác phẩm nghệ thuật, phim ảnh dùng người đồng tính để câu khách, nếu cách làm không khéo thì dễ gây cho người đồng tính sự mặc cảm. Tôi nghĩ rằng, dù đồng tính hay người bình thường thì việc được tôn trọng, thương yêu luôn là điều quan trọng và cần quan tâm".

Hãy để khán giả đánh giá

Đạo diễn, diễn viên hài Trường Giang chia sẻ: "Trong thời gian gần đây, có nhiều bộ phim dựa vào yếu tố giới tính, nhưng không phải bộ phim nào cũng thành công. Một bộ phim thành công còn gồm nhiều yếu tố khác như nội dung kịch bản, diễn viên cũng như cách thể hiện... Tôi nghĩ, việc đánh giá phim hãy để cho khán giả thẩm định. Đó là những người khách quan và trung thực nhất. Khi khán giả đến rạp và quan tâm đến bộ phim đó chính là sự thành công của những người thực hiện. Nếu người thực hiện không tốt thì chắc chắn việc khán giả không quan tâm cũng là điều hiển nhiên".

Mai Thy

 

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý