Đề nghị đưa đảo ngầm vào Luật đề bảo vệ chủ quyền

mesu mesu @mesu

Đề nghị đưa đảo ngầm vào Luật đề bảo vệ chủ quyền

Đại biểu Quốc hội cho rằng chúng ta chưa đưa bãi cạn, đảo ngầm... vào Luật có thể sẽ mất chủ quyền, nhất là trong bối cảnh TQ đang tiến hành bồi đắp các đảo chìm ở Trường Sa...

29/05/2015 05:16 PM
244

Cảnh báo được các đại biểu Quốc hội đưa ra trong buổi thảo luận ngày 28/5 về dự án Luật tài nguyên môi trường biển và hải đảo. Các đại biểu cho rằng, đã thiếu sót khi không đưa các bãi cạn nửa nổi nửa chìm, đảo ngầm, bãi đá, bãi san hô... vào chương “Quản lý tài nguyên hải đảo”.

Theo Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982, các bãi cạn chìm xuống khi triều lên và nổi lên khi triều xuống là bãi cạn lúc nổi lúc chìm, không được coi là đảo. Hiện trong Luật biển Việt Nam cũng không quy định, do đó, những khái niệm này cũng không được đưa vào Luật tài nguyên môi trường biển và hải đảo - Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra lý do không đưa các khái niệm trên vào dự án Luật tài nguyên môi trường biển và hải đảo.

Tuy nhiên, theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM), điều 19 và 20 của Luật biển quy định về chế độ pháp lý của đảo và quần đảo có nhắc đầy đủ các cấu trúc bãi cạn nửa nổi nửa chìm, đảo ngầm, bãi đá, bãi san hô.

Theo ông, nếu không đưa những khái niệm này vào luật, "chúng ta sẽ không quản lý được tài nguyên ở các cấu trúc này. Và thậm chí sẽ mất chủ quyền, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc đang tiến hành mở rộng, bồi đắp và xây dựng trên các đảo chìm tại Trường Sa".

   - Ảnh 1

Trung Quốc bồi đắp, xây dựng trên đảo Gạc Ma của Việt Nam

Đại biểu Nghĩa đề nghị bổ sung vào dự án luật theo hướng, giải thích từ ngữ tài nguyên biển và hải đảo "bao gồm tài nguyên sinh vật và tài nguyên phi sinh vật thuộc khối nước đáy biển, lòng đất dưới đáy biển, vùng đất ven bờ, các đảo, quần đảo, bãi đá, bãi nổi khi nước ròng, thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam".

Đại biểu cũng đề nghị định nghĩa hải đảo theo luật này là "các đảo, quần đảo trên biển bao gồm cả các bãi đá, các bãi nổi khi nước ròng, nằm trong lãnh hải vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam".

Đồng ý với ý kiến của đại biểu Trương Trọng Nghĩa, đại biểu, chuẩn đô đốc Nguyễn Viết Nhiên - phó tư lệnh Quân chủng hải quân cũng cho rằng, việc luật xem nhẹ cấu trúc này sẽ gây khó khăn hơn trong việc bảo vệ chủ quyền. Hiện tại Trường Sa, Brunei không giữ đảo nào những họ vẫn tuyên bố chủ quyền với 1 bãi đá ngầm, Trung Quốc cũng đang chiếm giữ 7 đảo chìm.

Đại biểu Lê Việt Trường - phó chủ nhiệm Ủy ban An ninh, quốc phòng của Quốc hội - đánh giá, nếu Việt Nam tụ loại bãi đá ngầm, đảo chìm ra khỏi Luật tài nguyên môi trường biển và hải đảo thì trong bối cảnh Trung Quốc đang đổ hàng vạn tấn sắt thép, đất đá để bồi đắp, mở rộng đảo như hiện tại trên các đảo chìm, bãi đá ngầm, chúng ta rất khó lên tiếng phản đối.

Bên cạnh đó, khi được đưa vào Luật, Việt Nam cũng có thể phản đối hành động bồi đắp, tạo đảo của Trung Quốc ở biển Đông là hành động phá hủy môi trường biển, điều đó sẽ dễ dàng nhận được sự ủng hộ của quốc tế hơn.

Trong khi đó, để bảo vệ chủ quyền biển đảo, các đại biểu Quốc hội còn đề nghị mở tuyến du lịch biển đảo, đẩy mạnh kinh tế biển...

Đại biểu Đỗ Văn Vẻ đề nghị Chính phủ cần có chính sách phát triển đổi với Hoàng Sa - Trường Sa để các doanh nghiệp, cá nhân có động lực đầu tư cho khu vực này.

“Tôi cho rằng cần tổ chức các tuyến thăm quan, du lịch để các vị ĐBQH, cử tri và nhân dân có thể thường xuyên tới thăm Trường Sa, để Trường Sa mãi mãi không xa hơn” - ông Vẻ nói.

Đại biểu Bùi Thị An cũng đưa ra đề xuất lập Bộ kinh tế biển để giải quyết nhanh và kịp thời cho nhu cầu phát triển kinh tế biển. Theo đại biểu An, Bộ kinh tế biển "Không chỉ có ý nghĩa khai thác tiềm năng phát triển kinh tế mà còn vô cùng quan trọng trong việc bảo vệ chủ quyền"...

Hà An

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý