Đề xuất giảm uống rượu, tăng uống sữa của Bộ GTVT có khả thi?

mesu mesu @mesu

Đề xuất giảm uống rượu, tăng uống sữa của Bộ GTVT có khả thi?

Liên quan đề xuất giảm uống rượu bia, tăng cường uống sữa của ngành GTVT, PV Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội.

04/05/2015 08:05 AM
281

   - Ảnh 1

Hình ảnh minh họa về tác hại của rượu bia với sức khỏe con người. 

 

Như tin tức đã đưa, ngày 2/5 vừa qua, ông Đỗ Việt Nga - Chủ tịch Công đoàn ngành GTVT đã chia sẻ với báo chí về việc ký ban hành văn bản yêu cầu toàn bộ cán bộ trong ngành thực hiện cuộc vận động “Giảm uống rượu bia và tăng cường uống sữa”.

Theo đó, người đứng đầu Công đoàn ngành giao thông yêu cầu các cán bộ, công nhân viên chức (CNVC) thực hiên nghiêm quy định của Chính phủ về chính sách quốc gia phòng chống tác hại của việc lạm dụng đồ uống có cồn. Song song với việc giảm uống bia rượu là khuyến khích cán bộ CNVC tăng cường uống sữa để nâng cao sức khỏe và góp phần hỗ trợ tiêu thụ sữa cho bà con nuôi bò sữa.

Liên quan tới đề xuất của phía Công đoàn ngành GTVT, PV Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội để hiểu hơn về vấn đề này.

Tính khả thi chỉ 50%

Ông Bùi Danh Liên cho rằng: “Về chủ trương, đây là một đề xuất có tính nhân văn và tính xã hội cao. Nó góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện chủ trương của Chính phủ về giảm thiểu việc lạm dụng rượu bia và chất có cồn. Qua đó sẽ kéo giảm được tình trạng gia tăng các vụ TNGT liên quan tới bia rượu". 

   - Ảnh 2

Ông Bùi Danh Liên – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội nêu quan điểm quanh đề xuất mới đây của Công đoàn ngành GTVT về “giảm uống rượu bia và tăng cường uống sữa” với cán bộ CNVC ngành này.

Tuy nhiên, theo ông Liên thì đề xuất này tính khả thi chỉ khoảng 50%. “Hiện nay tình trạng TNGT do ảnh hưởng của lạm dụng rượu bia đang là nỗi nhức nhối với nhiều người và bộ ngành liên quan không chỉ của ngành GTVT. Vận động cán bộ CNVC toàn ngành hạn chế uống rượu bia là rất tốt. Tuy nhiên, thay vào đó là tăng cường uống sữa thì tôi thấy nó chưa thật cần thiết”, ông Bùi Danh Liên cho biết.

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội dẫn chứng: “Ở Việt Nam, nhất là các khu vực vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo thì trẻ em là bộ phận chịu thiệt thòi nhất. Thậm chí để có được một ly sữa mỗi ngày cũng là điều xa xỉ với các cháu. Ta cần có những biện pháp thúc đẩy và nâng cao mức sống cho các cháu ở việc huy động các tổ chức xã hội và doanh nghiệp tiến hành cuộc vận động đem lại ly sữa tươi cho trẻ em ở vùng khó khăn đó sẽ tốt hơn rất nhiều”.

Thử hình dung trong bối cảnh hiện nay, sữa tươi của bà con nông dân là mặt hàng không thể để được lâu. Mà chủ yếu ta nhập sữa bột từ nước ngoài về và làm thành sữa đóng hộp. “Hơn nữa, thực tế xã hội đang cho thấy tầng lớp trẻ em với người cao tuổi mới là nhóm đối tượng chính có nhu cầu sử dụng sữa cao. Còn thành phần người lao động dường như chưa có nhu cầu cao về mặt hàng này”, ông Liên chia sẻ.

Thay vì uống sữa, nên quan tâm tới đời sống của lao động ngành

Đứng dưới góc độ nghề nghiệp, người đứng đầu Hiệp hội Vận tải Hà Nội còn cho hay, song song với việc đưa đề xuất này vào thực tế thì lãnh đạo Bộ cũng như Công đoàn các cấp nên quan tâm nhiều hơn tới đời sống và nhu cầu của chính đội ngũ lao động trong ngành vận tải. Áp lực công việc của họ là rất lớn, cần được chia sẻ đúng mức.

“Riêng đối với các lái xe khách, xe taxi thì việc lạm dụng rượu bia khi làm việc là rất ít mà chủ yếu là xe gia đình. Đằng sau họ còn là gánh nặng cơm áo của cả gia đình nên phần lớn tự ý thức được phải tránh xa rượu bia và chất có cồn như thế nào để đảm bảo an toàn trong khi lái xe. Việc uống sữa tuy tốt nhưng chưa phải là nhu cầu thiết yếu của họ”, ông Liên giải thích.

“Tuy nhiên, để đề xuất giảm uống bia rượu và tăng cường uống sữa do Công đoàn ngành GTVT đi vào cuộc sống thiết nghĩ cần phải có một thời gian dài nữa thì mới đạt được hiệu quả toàn diện được”, ông Bùi Danh Liên chia sẻ thêm.

Trước đó vào hồi đầu tháng 4, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cũng đã ban hành chỉ thị nghiêm cấm cán bộ, công chức, người lao động trong toàn ngành sử dụng rượu bia trước và trong giờ làm việc, kể cả khi có hội nghị, tiếp khách. Chỉ thị cũng nhằm thực hiện Chính sách Quốc gia phòng chống tác hại của việc lạm dụng đồ uống có cồn trong ngành GTVT.

Đình Tuệ

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý