'Dị nhân' xứ Thanh tiết lộ khả năng tiên đoán chấn động dư luận

mesu mesu @mesu

'Dị nhân' xứ Thanh tiết lộ khả năng tiên đoán chấn động dư luận

Tiếp tục câu chuyện tìm những tấm bia lịch sử, “dị nhân” Trần Văn Lưu kể về nhiều cơ duyên giúp ông tìm được những tấm bia có nhiều giá trị về lịch sử, văn hóa; trong đó có bia Đức Thánh Tản…

23/05/2015 06:30 AM
5,529

Hé lộ bia cổ về Đức Thánh Tản

Ông Lưu lật giở cho nhóm PV chúng tôi xem khá nhiều tư liệu liên quan việc ông tham gia chỉ dẫn tìm những tấm bia cổ. “Trong tất cả những lần tiên đoán đi tìm bia, vất vả, mất nhiều thời gian nhất vẫn là đi tìm bia Đức Thánh Tản. Đó là nơi mà tới bốn lần, chúng tôi mới tìm thấy bia và cả bốn lần đó đều được tôi dự báo chính xác những đặc điểm nhận dạng nhưng các nhà nghiên cứu lại không nhận ra…”.

Vì sao vậy? Ông Lưu kể tiếp: “Sau một chuyến đi công tác ở Suối Hai (Ba Vì, Hà Nội), tôi cũng không biết có bia Đức Thánh Tản ở đấy, nhưng có một vị Chủ tịch xã đã liên hệ với tôi và nhờ tôi trợ giúp. Tôi lập tức nói rằng, tấm bia đó nằm ngay dưới gốc đa trong chùa của làng. Quả thật là có tấm bia ở đó, nhưng họ vẫn không thể nào tìm ra được. Họ chỉ tìm được một tảng đá, mặc dù giội nước rất nhiều nhưng cứ giội lên là chữ lại biến mất? Và không có bất cứ thứ gì khẳng định rằng, đó là tấm bia? Và nếu có là tấm bia thì cũng không thấy chứng cứ thể hiện đó là bia của Đức Thánh Tản…”.

“Mãi đến lần thứ tư, tôi đi cùng với các chuyên gia Hán - Nôm Việt Nam, trong đó có ông Ngô Thế Long và nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải cùng một số nhà nghiên cứu khác nữa. Trong lần này, tôi được các vong linh nói rằng, cần phải lật tấm bia lên và chùi sạch bốn cạnh, đến mặt thứ tư mới lờ mờ xuất hiện dòng chữ “Tổng Cẩm Đái” và qua những dòng chữ đó các nhà nghiên cứu xác định đúng là tấm bia Đức Thánh Tản”, ông Lưu khẳng định.

   - Ảnh 1

Ông Trần Văn Lưu, ông Nguyễn Phúc Giác Hải, chuyên gia Hán – Nôm Ngô Thế Long bên tấm bia Đức Thánh Tản.

“Trong những lần trước, khi tôi chưa lên, đưa ra dự đoán như thế, có nhà nghiên cứu cho là tôi tìm được hòn đá, chứ không phải tìm được bia, cho đến khi tôi lên và áp vong thì mới chứng minh đúng và được ông Ngô Thế Long xác nhận và dịch ra. Hóa ra tấm bia này được người dân thuộc họ Phùng, thuộc Tổng Cẩm Đái (thuộc huyện Bất Bạt, tỉnh Sơn Tây xưa; nay thuộc Ba Vì, Hà Nội) thờ trong ngôi đình cổ”, ông Lưu kể.

Nói về tầm quan trọng của những tấm bia này, ông Lưu cho biết: “Việc tìm ra tấm bia này nó vô cùng có ý nghĩa. Bởi, tìm được tấm bia đá cổ giống như tìm được một chìa khóa, mà đằng sau những chìa khóa này là tài sản tâm linh vô giá và ý nghĩa quan trọng trong tư liệu lịch sử Việt Nam…”.

Cũng theo ông Lưu, chính từ chiếc bia cổ này, nhiều thông tin quan trọng về Đức Thánh Tản đã dần được hé lộ, mở đầu cho nhiều công trình nghiên cứu khoa học về Đức Thánh Tản với vùng đất Cẩm Đái nhiều huyền thoại.

   - Ảnh 2

Cận cảnh tấm bia Đức Thánh Tản với những thông tin cực kỳ quý báu.

Vẽ từ xa ngôi đình cổ …

Sau câu chuyện về tấm bia cổ Đức Thánh Tản, ông Lưu kể cho chúng tôi nghe câu chuyện khá lý thú về ngôi đình thiêng của thôn Hú (xã Hòa Tiến, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình).

Ông Lưu cho biết: “Ngôi đình cổ thờ Tứ vị Thành hoàng, đình được cấp bằng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1999. Ngôi đình mang ý nghĩa to lớn, sâu sắc về mặt văn hóa tâm linh và có nhiều giá trị to lớn, là niềm tự hào của nhân dân trong thôn.

Trong đình có rất nhiều đồ thờ vô cùng quý giá từ đồ gốm sứ, đồ gỗ, đồ đồng, có những đồ khó xác định được niên đại. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây đã nhiều lần xảy ra mất trộm những cổ vật quý giá. Dân làng vô cùng hoang mang lo lắng, tinh thần bất an. Một số kẻ xấu lợi dụng tình hình đó đã có những lời lẽ thiếu văn hóa làm cho tình hình an ninh trật tự và tư tưởng của nhân dân thêm phức tạp”.

Nhấp chén trà như để nhớ lại chi tiết hơn câu chuyện, ông Lưu kể tiếp: “Ngày 1/3/2013, tôi đang ngồi nói chuyện với anh Nguyễn Đức Huy ở Hà Nội, anh là người con của quê hương Thái Bình, có điện về quê để nói chuyện với bà con và nhờ giúp đỡ dự đoán về ngôi đình thiêng đã nhiều lần bị mất trộm.

Sau đó, tôi vào Quỳnh Lưu, Nghệ An có chút công việc, ngay hôm đó, một người phụ nữ tên là Dư có điện cho tôi để hỏi về ngôi đình này. Tôi có nhắc bà Dư lấy giấy bút ra ghi lại những điều sau: Bên cạnh bà có ba người, một người mặc áo xanh (sau này bà Dư xác nhận có bác Biên - Trưởng thôn mặc áo xanh); một người trán hói (bác Thanh - thủ từ) và một người nữa là bác Hanh (Phó Trưởng thôn)”.

“Đó là câu chuyện dạo đầu cho vui. Nhưng trúng phoóc!”, ông Lưu nói. Rồi ông kể tiếp: “Vừa nói chuyện đến đâu cảnh vật xung quanh ngôi đình cứ hiện ra đến đó, tôi đã đọc cho bà Dư như sau: “Ngôi đình rất to, sân đình rất to và đẹp có phần mới và cũ. Trước đình có một cái ao rộng và một cái giếng rộng. Cổng vào có bia đá, sân đình có cắm hai lá cờ, sân chùa cũng cắm hai lá cờ, tường cạnh đình có ô kính sáng, cạnh đình có con đường, trên có cây rất to, mặt đường 3,5m; sửa đường đã gây đứt long mạch (năm 2011 sửa đường mức sâu 07m để đổ cát). Đình gần UBND xã, cạnh UBND xã có trường học, cạnh đình có nhà nuôi lợn nên có xú uế, không tốt cho làng(?)”.

“Lúc ấy, hình ảnh cứ hiện lên như tôi là người trực tiếp đi vào trong đình vậy. Trên đường vào, tôi thấy có người mặc áo kẻ sọc vừa vào, tay họ cầm một đồ vật (đó là ông Mạnh bê hộ đồ cho ông Biên vào đình làm lễ). Rồi tiếp tục hiện lên các hình ảnh trong đình có chiếc thau bằng đồng, những đồ thờ để trong hòm sắt gồm có: Có nhiều cuộn gì màu vàng vàng (sắc phong), có 2 quyển sách quý có nhiều chữ Nho, khi đọc phải đeo găng tay sạch. Có mảnh vải đỏ. Rồi nhiều cột to màu vàng hiện ra(?)”, ông Lưu kể.

Dừng lại trầm ngâm một lát, ông Lưu bảo: “Khi nói chuyện với bà Dư, tôi có thấy một số đồ vật nhưng lại thấy một bàn tay khác nhanh chóng cầm đi, đó có thể là những cổ vật đã mất, tôi dặn bà Dư ghi lại: Một Lư cổ rất quý; cái gì đó giống chum, nải (sau này xác định là đôi chóe bằng sứ); một kiếm đồng đã mất rất lâu và kẻ gian còn có ý định lấy nữa chủ yếu là đi đường sau…”.

Để kiểm chứng những thông tin trên, nhóm PV chúng tôi đã liên hệ với bà Trần Thị Dư (Trưởng ban công tác mặt trận thôn Hú, Hòa Tiến, Hưng Hà, Thái Bình) được bà xác nhận rằng: “Tôi và bác Lưu trao đổi thông tin từ 8h – 8h45 thì dừng, trong thời gian đó, nhân dân đến dự lễ ngày một đông và ngồi nghe tôi, bác Lưu trao đổi qua điện thoại. Đến 9h, sau khi xong lễ tạ Thánh, nhân dân trong thôn đã họp bàn, đồng tâm nhất trí đề nghị và được viện Nghiên cứu Tiềm năng con người cùng bác Trần Văn Lưu, các cộng sự của Viện giúp địa phương tìm lại được đồ thờ đã mất, mang lại niềm tin cho nhân dân…”.

Câu chuyện tìm bia cổ của ông Lưu chưa dừng lại ở đó, khi ông kể cho chúng tôi nghe về hành trình vô cùng ly kỳ khi đi tìm bia Chúa Chổm – Lê Trang Tông. Mời quý bạn đọc theo dõi kỳ sau.

Nhóm PV cũng đã làm việc với các cá nhân liên quan để xác thực thông tin này. “Việc tìm được lăng bia Chúa Chổm đối với tôi là một hành trình dài và mất nhiều công sức, nhưng có rất nhiều điều kỳ lạ và trùng hợp ngẫu nhiên… Và khi nói chuyện với ông Trần Văn Lưu, ông đã vẽ lại bức tranh về những gì tôi đã trải qua trong quá trình đi tìm lăng bia. Đây quả là điều khó tin nhưng có thật. Khả năng tiên đoán, thấu thị của ông Lưu rất đáng để chúng ta suy ngẫm…”.

Đức Kế - Đức Anh

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý