Đi săn “thần dược” chống lão hóa và có khả năng ức chế... ung thư

lover lover @lover

Đi săn “thần dược” chống lão hóa và có khả năng ức chế... ung thư

(ĐSPL) Nấm mối có hàm lượng dinh dưỡng tự nhiên, giúp tăng sức đề kháng cho cơ thể, chống lão hóa và có khả năng ức chế tối đa sự sinh trưởng của các virus, ngăn ngừa ung thư...

01/08/2015 05:59 PM
418

Mùa săn nấm mối

Từ giữa tháng 5-8 âm lịch hằng năm, khắp vùng đồng đất miệt vườn Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Trà Vinh dẫn lên các khu đồn điền cao su, cây ăn trái Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, dọc dài các tỉnh Tây Nguyên đến tận miền cao Việt Bắc, nơi nào có gò mối đùn đất, nơi đó có thể tìm thấy nấm mối đâm chồi, sinh sôi từ meo nấm do nước miếng mối chúa kết hợp với vi sinh vật ươm mầm.

 - Ảnh 1Phóng to

Mùa nấm mối kéo dài từ khoảng đầu tháng Năm đến nửa tháng Sáu lịch hàng năm, rộ nhất vào đầu tháng Sáu. 

Nấm mối có tên khoa học termitomyces albuminosa. Nấm mối cao trung bình 3-5cm, thân cây tròn 1,5-2cm, tai nấm hình nón chóp hoặc mũ nồi tròn 3cm, nở xòe đầy đặn chu vi 6-7cm. Nấm có màu đất nâu xám nhạt hoặc màu xám trắng lúc còn non. Khi già, nấm trở màu trắng ngà như gạo nếp, mũ nở hình dù rộng 5-8cm.

Chúng tôi theo dân săn “thần dược” nấm mối ở một số tỉnh miền Tây như Bến Tre, Tiền Giang, Đồng Tháp, An Giang, Cà Mau... Khi xuất hiện những đám mưa nặng hạt kéo dài vài ngày thì trời chớm nắng – cũng là lúc nấm mối bắt đầu mọc. Mùa nấm mối kéo dài từ khoảng đầu tháng Năm đến nửa tháng Sáu lịch hàng năm, rộ nhất vào đầu tháng Sáu. Theo dân buôn nấm mối này, đây là loại nấm tự nhiên, con người không thể trồng được và thường xuất hiện gần những tổ mối đất trong vườn.

Loại mối này làm tổ nơi đất cao ráo, có nhiều cây mục. Khi trời mưa dầm kéo dài nhiều ngày, loại mối này tiết ra một chất men xung quanh tổ, đến khi trời nắng thì nấm từ những nơi này sẽ mọc lên thành từng đám, có khi kéo dài vài mét. Biết được đặc điểm này, người dân đi săn nấm mối phải dậy từ lúc trời còn khuya, xách đèn đi dò tìm khắp nơi trong vườn. Có điều, nấm mối thường mọc lại hay mọc xung quanh nơi mà năm trước đã có nên dễ tìm. Nấm mối ngày đầu mọc chỉ nhỏ bằng hạt tiêu, đầu nhọn vừa nhú trên mặt đất, người dân gọi đó là “núm nứt đất”.

Nấm cỡ này chưa thể nhổ, nên người nào phát hiện sẽ “xí phần” – lấy 1, 2 tàu lá dừa phủ lên hay cắm một đoạn cây vào đó làm dấu hiệu để mọi người biết đây là nơi đã có chủ. Chứ không như phải mắc võng canh cây sưa. Không tới hai ngày nấm đã nhô khỏi mặt đất, cao khoảng 3 – 4cm nhưng nấm chưa nở. Đến hết ngày thứ hai nấm mới bắt đầu nở, đây là lúc thu hoạch tốt nhất và dùng làm thức ăn ngon nhất.

Đặc biệt, nhổ nấm không được dùng dao hay bất cứ thứ gì bằng kim loại, vì người dân cho rằng, nấm nghe hơi dao sắt mùa sau sẽ lặn mất, không mọc nữa, nên những chỗ đất cứng dùng que tre, que gỗ để bới gốc nhổ nấm. Đi săn nấm, hái nấm có nhiều chuyện ly kỳ, có người kể rằng: Ai “nặng vía” không thể nào tìm được nấm mối, nếu có đi ngang chỉ có giẫm lên mà thôi, còn người “nhẹ vía” có thể tìm được rất nhiều. Hoặc những người nào mà không ăn được nấm mối có thể đánh hơi được mùi nơi có nấm mọc.

Đi săn “thần dược”

Anh Nguyễn Văn Toản, một dân săn nấm mối thứ thiệt ở Tiền Giang đưa chúng tôi đi hái nấm và cho biết kinh nghiệm: “Không dùng vật bằng kim loại để nhổ các cây nấm này mà phải sử dụng que gỗ để bẩy cả gốc lên. Nấm mối hái về chỉ cần ngâm nước muối và rửa sạch đất bám trên nấm bằng vòi nước đang chảy, rửa phải nhẹ tay tránh không để nấm bị vỡ hay bị nhão sẽ mất chất ngọt”.

Cũng theo anh Toản, loại ngon nhất là nấm vừa nở vào buổi sáng – rất tươi, thân nấm săn chắc; loại lý tưởng nhất để chế biến các món ăn. Thứ nấm không trồng được nên nhiều khi có tiền cũng khó mà mua. Nấm mối được xem là đặc sản quý, hiếm của vùng quê. Với vị ngọt dịu tự nhiên, mùi thơm đặc trưng, nấm mối làm được nhiều món ngon, bổ dưỡng như: xào mỡ, um lá cách, làm nhân bánh xèo, nấu canh với các loại rau...

 - Ảnh 2Phóng to

Theo y học cổ truyền, các loại nấm đều có tác dụng chữa bệnh nhưng giá trị dược liệu không thể vượt qua nấm mối. 

Mỗi năm vào tết Đoan ngọ (mùng 5 tháng 5 âm lịch) ở vùng nông thôn, gia đình thường sum họp dòng họ, con cháu lại đổ bánh xèo ăn chơi. Nhất là thời điểm này đã vào mùa nấm mối. Bánh xèo nhân tôm đất, đậu xanh, nấm mối thơm ngon đáo để; ăn cùng rau vườn nhà, ai đã thưởng thức một lần sẽ nhớ mãi. Dân “lai rai” coi nấm mối là thượng hạng, chỉ cần xào với mỡ để giữ nguyên vị ngọt và mùi thơm của nấm mà không cần phải thêm thịt, cá... Nấm vừa chín cho hành vào rồi nhấc xuống ngay, rắc thêm tiêu vậy là hả hê nhâm nhi món trời cho này. Ngoài ra, nấm mối còn được dùng để nấu cháo cá, cháo thịt, cháo gà... Nhưng ngon nhất là cháo cóc nấu nấm mối.

Buổi chiều quê, mưa lất phất, cóc phóc ra kiếm ăn. Bắt cóc, làm thịt thật sạch, bỏ hết toàn bộ nội tạng, chỉ lấy phần thịt băm nhuyễn đem nấu cháo thật nhừ rồi cho nấm mối vào. Theo dân gian, ăn cháo cóc nấm mối lúc còn nóng với hành, tiêu là món có nhiều vị thuốc, lợi cho sức khoẻ, trẻ con ăn sẽ tránh được bệnh còi xương, thanh nhiệt; còn người lớn ăn thì... sung. Ngoài ra, món canh tập tàng nấu với nhiều loại rau ngót, rau má, rau dền, lá cách... trong vườn cùng nấm mối thì khỏi phải chê.

Cung không đủ cầu

Theo con buôn nấm mối, năm nay, giá nấm mối tại nhà vườn ngay đầu mùa đã rất cao, từ 400.000 đến 500.000 đồng/kg.Giá nấm bán tại các siêu thị hoặc đưa lên TP.HCM từ 600.000 đến gần 1 triệu đồng/kg, tăng gần gấp rưỡi so với năm ngoái nhưng số lượng không đủ cung cấp cho những khách sành ăn. Ông Trần Văn Tư - nông dân trồng nhãn ở xã Nhị Quý, huyện Cai Lậy (Tiền Giang) kể trên tờ Dân việt: “Chuyện thu hoạch nấm mối tự nhiên cũng có nhiều chuyện khó lý giải.

Thông thường khi bước vào những cơn mưa đầu mùa thì nấm mối thường mọc ở các gò mối cao trong vườn cây ăn trái lâu năm và thường mọc lặp lại chỗ cũ hàng năm. Do đó, nhiều người thường tranh thủ rảo bước đi hái nấm mối từ sáng sớm khi những cơn mưa đầu mùa bắt đầu rơi. Thế nhưng có người đi qua gò đất đó không thấy nấm mối đâu nhưng lại có người hái cả thúng nấm mối cũng ở khu vực đó”.

Theo ông Tư, nấm mối được bà con nơi đây chế biến rất đơn giản nhưng rất ngon và giữ nguyên hương vị tự nhiên. Nấm mối nhổ về chỉ cần cạo gọt cho bớt đất cát rồi rửa sạch qua nước muối, vớt ra để ráo rồi xé cây nấm ra làm ba làm tư. Vắt nấm thật ráo nước mới trút vào nồi, cho thêm ít muối. Khi đặt nồi lên bếp lửa, nấm sẽ tự tiết ra nước nên phải trộn rất lâu cho nồi nấm ráo hẳn, hơi khô lại là có một món ăn ngon lành. Nấm mối có thể được chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn như: Nấm mối cháo gà (rất bổ dưỡng), lẩu nấm mối, nấm mối xào chay, cháo nấm, nấm xào lá cách nước cốt dừa, nấm mối cuốn lá lốt nướng...                                 

Bác sĩ Nguyễn Việt Anh – bệnh viện Ung bướu TP.HCM: “Chu kỳ nấm mối xuất hiện rất ngắn. Nấm mọc từ giữa đêm, đến khoảng 5 - 6h sáng thì bắt đầu mọc rộ, và đến 9 -10h sẽ nở bung, khoảng 11h-12h là tàn lụi, nên việc hái nấm được thực hiện từ sáng sớm. Theo y học cổ truyền, các loại nấm đều có tác dụng chữa bệnh nhưng giá trị dược liệu không thể vượt qua nấm mối. Nấm mối có giá trị về mặt dinh dưỡng cao, đồng thời còn chữa được nhiều bệnh như ung thư tế bào máu, phổi, gan, thận. Theo một nghiên cứu của bác sĩ Christine Dzerko, chuyên gia nội tiết trung tâm y khoa phụ nữ Austin Texas, thực hiện với 1.475 bệnh nhân trong 60 tuần cho thấy, xác suất trị liệu ung thư vú từ nấm mối đối với phụ nữ và người béo phì đạt mức 92,45%”.

Kỳ Tây

Xem thêm video:

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý