Đi tìm dấu tích nhà ga thủy phi cơ từ thời Pháp thuộc

vuongxinh vuongxinh @vuongxinh

Đi tìm dấu tích nhà ga thủy phi cơ từ thời Pháp thuộc

Ít ai biết rằng, từ thời Pháp thuộc, ngay ở hồ Tây (Hà Nội) đã có một nhà ga thủy phi cơ. Những câu chuyện về thủy phi cơ thời kỳ này dường như vẫn rất mờ nhạt, dù rằng nhà ga vẫn hiện hữu và có lúc đã có người đề xuất đập phá nó…

27/08/2014 08:35 PM
737

Phế tích một thời

Dăm năm trước, mỗi khi hội họp bạn bè hay đưa gia đình đi ăn cuối tuần, tôi vẫn thường rủ mọi người về nhà hàng Vọng Ba Lầu, nằm ở sát Hồ Tây, nổi tiếng với món ốc và tôm Hồ Tây. Nhiều người bạn ở các miền Tổ quốc khi đến Hà Nội, được tôi dẫn đi ăn món này đều tấm tắc khen ngon; không ít trong số đó đã trở lại thêm lần nữa để cảm nhận món ăn ngon và hít hà không khí lãng mạn, mát mẻ của Hồ Tây.

Do không có địa chỉ cụ thể cho nên thực khách vẫn chỉ cho nhau đường đến đây rằng: Đi thẳng vào ngõ 4 Thụy Khuê, đi qua Hãng phim">phim truyện Việt Nam, ra đến đường ven hồ Tây thấy cái nhà xinh xinh được xây trên mặt nước thì đó chính là nhà hàng Vọng Ba Lầu. Nhiều năm trôi qua như thế, tôi vẫn không để ý nên không hề biết rằng, mình đang ngồi ăn trên một dấu tích có từ thời Pháp thuộc, gắn liền với một sân bay dành riêng cho thủy phi cơ.

 - Ảnh 1

Ga thủy phi cơ bên Hồ Tây (Hà Nội).

Khi viết bài này, tôi đã quay trở lại nơi đây và thực sự bất ngờ vì bây giờ nó đã thành phế tích. Phòng ăn thoáng mát hôm nào giờ đã không còn; thay vào đó là chiếc khóa dây nơi cửa chính đã hoen gỉ. Nhiều phần kính đã bị vỡ nát. Hầu hết các bức tường đã loang lổ, nham nhở. Mấy cục nóng của chiếc điều hòa đã từng phục vụ khách, giờ nằm nghiêng ngả, hoen gỉ, không còn xè xè chạy như trước. Trên tầng thượng, vốn là nơi những người được đi thủy phi cơ lên để vào khoang máy bay, giờ cũng đầy lá bàng rụng, tơi tả những bàn những ghế những cốc những chén…

Thấy tôi loay hoay, bác Tâm, vốn là một cán bộ đã về hưu thường xuyên câu cá tại đây chỉ cho tôi khe cửa hẹp để vào bên trong. Toàn bộ tầng một mốc meo, bốc mùi ẩm ướt. Những chiếc bàn, ghế khi xưa còn cho thực khách ngồi thì giờ đã hỏng hóc, được vất chỏng chơ khắp nơi.

Bác Tâm còn chỉ cho tôi chiếc cầu thang cũ kỹ đã bị bịt kín lối lên tầng hai. “Đây là cầu thang để các quan khách thời Pháp lên tầng để vào thủy phi cơ. Nó đã được người ta bịt kín cả chục năm nay. Ngày xưa, khu nhà này còn chắc chắn, đẹp đẽ lắm, tiếc là…”, bác Tâm thở dài ngao ngán. Cũng theo bác Tâm, bác về đây từ những năm 1976, khi đất nước vừa thống nhất. Lúc đó, nhà thủy phi cơ này là một trong những địa điểm đẹp ở Hồ Tây. Nhiều người đến đây ngắm cảnh, câu cá, chụp ảnh kỷ niệm…

 - Ảnh 2

Thế nhưng, sau đó, ngôi nhà thủy phi cơ từng được Hãng phim truyện cho thuê để người ta làm nhà hàng. Tới năm 2007, khi còn chưa hết hạn hợp đồng, ông Giám đốc Hãng khi đó đã ký cho thuê thêm hơn chục năm nữa, tới tận năm 2018 mà chẳng ai biết. Thế nhưng, sau đó, do có vụ kiện tụng giữa Ban quản lý Hồ Tây và Hãng phim truyện nên nhà hàng này phải đóng cửa. Cùng đó, Hãng phim đã gắn tấm biển “Phòng truyền thống”, bên trong trưng bày những giải thưởng, những bức ảnh lịch sử của các nghệ sỹ và những bộ phim kinh điển của điện ảnh Việt Nam.

Thế nhưng, khi tôi đến, khu nhà truyền thống này đã cửa đóng then cài, rêu phong lối cũ. Mạng nhện đã giăng mắc khắp nơi; bụi bặm bám đầy, che mờ nhiều tấm ảnh giá trị. Điều đó chứng tỏ dù là nhà truyền thống nhưng Hãng phim đã không quan tâm đúng mức; hay nói đúng hơn, giờ chẳng ai quan tâm đến nó nữa, như thể nó chưa từng tồn tại… Một buổi chiều, tôi đến Hãng phim xin được làm việc, tìm hiểu về nhà thủy phi cơ. Bác bảo vệ sau khi gọi điện cho ai đó, quay sang lạnh lùng bảo tôi: “Không có lãnh đạo nào ở nhà, đi làm phim hết rồi, sang tuần sau gọi lại nhé!”. 

 - Ảnh 3

Theo tin tức, ga thủy phi cơ bên Hồ Tây có từ thời Pháp thuộc.

Những thông tin ít ỏi về nhà thủy phi cơ

Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, nhà sử học Dương Trung Quốc nói: “Trong lịch sử ngành hàng không, thủy phi cơ là một trong những phương tiện được người ta quan tâm rất sớm, vì nó khắc phục được nhu cầu rất lớn là hạ tầng. Việc có thể hạ - cất cánh trên mặt nước giúp nó có thể tăng thêm tính thực dụng. Do đó, khi người Pháp đến Việt Nam, họ đã sớm đưa thủy phi cơ vào. Điều này đặt ra một câu hỏi rằng, lâu nay chúng ta rất ít quan tâm đến thủy phi cơ, dù rằng nước ta có nhiều tiềm năng về mặt nước (biển, sông, hồ…) để phát triển loại hình này. Khi người Pháp biến Hà Nội thành thủ phủ, một trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa của Đông Dương thì đương nhiên họ rất quan tâm khai thác lợi ích của Hồ Tây. Ngoài bề mặt rất rộng, nhất là giai đoạn đầu thế kỷ XX, nơi đây rất hoang sơ, lại rất gần nơi mà người Pháp chọn lựa là trung tâm chính trị - hành chính của Đông Dương. Nếu như khu vực quanh hồ Hoàn Kiếm là trung tâm của Bắc Kỳ hoặc của Hà Nội thì khu vực là làng Ngọc Hà là trung tâm của cả Đông Dương, ở đó có hai công trình quan trọng là vườn Bách Thảo gắn liền không gian của Phủ toàn quyền và các trường học quan trọng”.

Cũng theo ông Quốc, khu vực nơi này vốn thuộc sự quản lý của ông Schneider - một ông trùm về truyền thông, in ấn và làm báo và sản xuất giấy, gắn liền với nhà bát giác hiện còn trong khuôn viên trường Chu Văn An. Sau này, ngày 9/12/1908, nơi này được Toàn quyền Đông Dương Klobukowski ra quyết định thành lập Collège du Protectorat (Trường Thành chung Bảo hộ - tương đương trường cấp II hiện nay)). Năm 1931, trường được nâng cấp thành một Lycée (tương đương trường cấp III hiện nay) - Lycée du Protectorat (Trường Trung học Bảo hộ), sau đó là trường Bưởi, nay là trường Chu Văn An.

Khoảng những năm 1920, thủy phi cơ sang Việt Nam nhiều. Cho nên, người Pháp mới xây dựng Sở Thủy cơ, thực chất nó là một sân bay, bao gồm một hang ga là một tòa nhà kho trên bờ, nằm ở khu vực sân vận động của trường Chu Văn An hiện nay; phía ngoài bãi đậu là một hòn đảo đất nhưng sau đó, họ nạo đất đi và xây dựng một cái chòi bê tông làm nhà ga. Như vậy là họ sử dụng được một mặt bằng nước rất lớn nằm ngay trung tâm đô thị, từ đó đi vào khu vực Toàn quyền rất gần.

 - Ảnh 4

Ông Dương Trung Quốc nhấn mạnh: “Có một sự kiện lịch sử quan trọng: Ngày 24/3/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh khi ra Hạ Long (Quảng Ninh) để gặp Đô đốc D’Argenlieu (Cao ủy Đông Dương) tại tuần dương hạm Emile Bertin, đã đi trên một chiếc thủy phi cơ tương đối hiện đại ngày đó. Chiếc máy bay có hiệu Catalina, là loại máy bay có thể hạ toàn thân xuống mặt nước rất an toàn. Chủ tịch Hồ Chí Minh đi cùng với Ủy viên cộng hòa ở Bắc Kỳ Sainteny để bàn việc củng cố quan hệ giữa Việt Nam và Pháp, trước chuyến đi của Hồ Chí Minh sang Pháp. Vì thế, thủy phi cơ không có gì mới mẻ ở Việt Nam”.

Khi tôi hỏi vì sao nó không được xem là một di tích, nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, nó chỉ cần được xem là một dấu tích là đủ. Người đọc sử để biết được rằng, đã từng tồn tại một nhà thủy phi cơ như vậy. Cũng theo ông Dương Trung Quốc, trong lịch sử chúng ta chưa ghi lại nhiều về nhà thủy phi cơ này, chỉ có trong các tài liệu của người Pháp. “Trong cuốn lịch sử về hàng không Đông Dương cũng có ghi nhưng chỉ lướt qua. Tôi cũng không rõ là hoạt động sân bay thủy phi cơ này kéo dài đến bao giờ. Việc họ sử dụng mặt nước Hồ Tây làm nơi hạ cánh thủy phi cơ là vấn đề thuần túy kỹ thuật, nhưng rõ ràng, khai thác nó như sân đậu cho các công việc cứu hộ là khả thi, thí dụ như cấp cứu hay có những loại thủy phi cơ chuyên chữa cháy…”, ông Dương Trung Quốc nói.

“Nhà ga này cho đến nay có rất ít người biết. Nó chỉ tồn tại được một thời gian, nếu tôi nhớ không nhầm thì đến những năm bắt đầu Đại chiến Thế giới thứ II thì hầu như không hoạt động nữa, dù dấu tích vẫn còn. Lực lượng sử dụng thủy phi cơ có rất nhiều nơi, nhất là trong miền Nam, người Pháp đã xây dựng sân bay rất lớn cho thủy phi cơ là Cát Lái - Bình Chánh...”, nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ.

Đức Kế

Xem thêm video clip : Vụ 3 trẻ tử vong do phẫu thuật: Đình chỉ, kiểm tra thẻ hành nghề của y, bác sĩ

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý