Điểm danh dàn vũ khí khủng "lỡ hẹn" với Quân đội Việt Nam

vuongxinh vuongxinh @vuongxinh

Điểm danh dàn vũ khí khủng "lỡ hẹn" với Quân đội Việt Nam

(Quốc phòng) Chỉ vì kế hoạch bị hủy bỏ vào phút chót nên một số vũ khí khủng đã lỡ hẹn với Quân đội nhân dân Việt Nam.

28/09/2014 08:32 AM
1,673

Xe tăng chiến đấu chủ lực T-72

T-72 là một loại vũ khí “khủng” đã lỡ hẹn với Việt Nam. Đầu những năm 2000, Việt Nam có dự định hiện đại hóa lực lượng tăng thiết giáp, tìm kiếm một ứng viên xe tăng chiến đấu chủ lực đủ mạnh để bổ sung và thay thế dần cho lực lượng T-54/55 đã già cỗi theo thời gian.

Đúng lúc đó, Ba Lan đang có ý định thanh lý một số lượng khá lớn xe tăng chiến đấu chủ lực T-72 do Liên Xô sản xuất để thay thế bằng các vũ khí theo chuẩn NATO. Xe tăng T-72 được xem là một ứng viên lý tưởng trên cả 2 tiêu chí đặc tính kỹ chiến thuật và chi phí.

xe tăng

T-72 là một loại vũ khí “khủng” đã lỡ hẹn với Việt Nam.

Tờ Army-guide cho biết, trong năm 2005 Việt Nam và Ban Lan đã tiến hành các cuộc đàm phán về việc mua 150 xe tăng chiến đấu chủ lực T-72M1 với đơn giá khoảng 1 triệu USD/chiếc. T-72M1 là biến thể xuất khẩu của xe tăng chiến đấu chủ lực T-72 phục vụ trong lục quân Nga.

T-72M1 của Ba Lan được nâng cấp khá nhiều về giáp bảo vệ, cụ thể tháp pháo được tăng cường với 108 khối giáp phản ứng nổ ERA, thân xe có 118 khối ERA, 2 bên hông có 84 khối ERA, tổng cộng là 394 khối. Các khối ERA này có khả năng làm giảm sức xuyên của vũ khí chống tăng đặc biệt là đạn xuyên lõm từ 50-70% tùy thuộc vào góc chạm.

Xe tăng được trang bị pháo chính 125mm ổn định 2 trục có khả năng bắn chính xác trong khi đang di chuyển, tích hợp khả năng phóng tên lửa chống tăng 9M119 Svir (AT-11 Sniper) qua nòng pháo. T-72M1 được trang bị động cơ diesel V-84MS công suất 840 mã lực cho phép xe chạy với tốc độ tối đa 70 km/h.

Ban đầu, dự kiến hợp đồng sẽ được ký kết trong năm 2006 tuy nhiên sau đó thương vụ này đã không thành. Theo những thông tin được đưa ra thảo luận trên các diễn đàn quốc phòng thì sau khi tiến hành đánh giá lại đặc tính kỹ chiến thuật của xe tăng chiến đấu chủ lực T-72M1, phía Việt Nam nhận thấy nó vẫn chưa đáp ứng được các yêu cầu của chiến tranh hiện đại.

Mặt khác, vai trò của xe tăng chiến đấu chủ lực trên chiến trường đang giảm dần, nguy cơ các cuộc xung đột quân sự hiện tại và ở tương lai chủ yếu diễn ra trên không hoặc trên biển nên hiện đại hóa lực lượng xe tăng chưa phải là ưu tiên hàng đầu của Việt Nam.

Sau khi từ chối thương vụ T-72M1 Việt Nam đã đầu tư khá mạnh cho không quân và hải quân bằng các hợp đồng mua tàu chiến, máy bay, tàu ngầm, tên lửa với số lượng tương đối lớn từ Nga đặc biệt là hợp đồng mua 6 tàu ngầm Kilo 636 – thương vụ mua bán vũ khí lớn nhất từ trước đến nay của Việt Nam.

Tiêm kích Mirage-2000

Vào những năm 1980, Không quân Việt Nam thiếu một loại máy bay chiến đấu đa nhiệm, tức là vừa có thể làm tiêm kích phòng không bảo vệ không phận vừa có khả năng thực hiện nhiệm vụ tấn công mặt đất.

Cuộc chiến tranh biên giới năm 1979 đã cho thấy giá trị của chiến thuật chi viện hỏa lực đường không đối với các hoạt động tấn công trên bộ, trong khi đó Không quân Việt Nam lại khá yếu trong lĩnh vực này. Đầu những năm 1990, Không quân Việt Nam đã tích cực tìm kiếm một ứng viên tiêm kích đa nhiệm để bổ sung cho số máy bay MiG-21 đã phần nào lạc hậu trong điều kiện chiến tranh hiện đại.

tiêm kich

Mirage-2000 là một tiêm kích đa nhiệm cánh tam giác rất nhanh nhẹn.

Trong các ứng viên tiêm kích đa nhiệm lúc đó thì Mirage-2000 của tập đoàn Dassault Aviation là một lựa chọn khá lý tưởng. Mirage-2000 xuất khẩu cho một số quốc gia đã chứng minh được tính ưu việt trên cả hai tiêu chí: chi phí và tính năng. Đặc biệt trong cuộc xung đột Kargil, Mirage-2000 đã cho thấy năng lực vượt trội các máy bay MiG-27 và MiG-23 được Ấn Độ mua từ Nga khi tỏ ra rất xuất sắc trong việc thực hiện nhiệm vụ oanh kích tại độ cao lớn.

Mirage-2000 là một tiêm kích đa nhiệm cánh tam giác rất nhanh nhẹn được sản xuất và đưa vào sử dụng trong Không quân Pháp từ năm 1982. Nó có thể đạt tốc độ tối đa Mach 2,2 (2.530 km/h), tầm bay 1.550 km. Mirage-2000 có khả năng mang theo tới 6,3 tấn vũ khí, các biến thể nâng cấp về sau có thể mang theo tới 7 tấn vũ khí.

Máy bay có thể mang tên lửa không đối không tầm ngắn MICA hoặc R-550, tên lửa không đối đất AS-30L, tên lửa hành trình tấn công mặt đất ASMP, đặc biệt Mirage-2000 còn có thể mang theo 2 tên lửa không đối hạm AM-39 Exocet. Khi đó tác chiến không đối hạm là lĩnh vực mà Không quân Việt Nam vừa thiếu lại vừa yếu.

Hệ thống điện tử của Mirage-2000 khá hiện đại với cảm biến chính là radar xung Doppler Thomson-CSF RDY có tầm phát hiện mục tiêu tối đa 110 km ở chế độ đối không và 37 km ở chế độ đối đất. Radar có thể phát hiện 24 mục tiêu, theo dõi đồng thời 8 mục tiêu và dẫn đường cho vũ khí tấn công 4 mục tiêu cùng lúc.

Với đặc tính kỹ-chiến thuật cao của mình, Mirage-2000 là lựa chọn phù hợp để nâng cao sức mạnh cho Không quân Việt Nam. Trang Defencetalk cho biết vào đầu những năm 1990, Không quân Việt Nam đã tiến hành đàm phán cùng tập đoàn Dassault và chính phủ Pháp về thương vụ mua bán 24 chiếc tiêm kích Mirage-2000.

Quá trình đàm phán sơ bộ đã kết thúc thành công, hợp đồng chính thức dự kiến sẽ được ký kết trong năm 1996. Tuy nhiên vào phút chót, Washington đã gây áp lực với Paris buộc họ phải hủy bỏ hợp đồng bán tiêm kích Mirage-2000 cho Việt Nam. Nếu không gặp phải áp lực từ phía Mỹ thì chắc chắn Mirage-2000 đã được tung cánh trên bầu trời Việt Nam.

Tiêm kích Su-30KN

Cuối năm 2012, Nga và Việt Nam đã tiến hành đàm phán về việc mua lại 18 tiêm kích Su-30KN đã qua sử dụng được Không quân Ấn Độ trả lại cho phía Nga sau khi đã nhận đủ số Su-30MKI theo hợp đồng.

Su-30KN đã trải qua quá trình nâng cấp tại nhà máy sửa chữa máy bay số 558 ở Belarus, máy bay được cải tiến khá nhiều về hệ thống điện tử, vũ khí, động cơ.

vu khi

Su-30KN đã trải qua quá trình nâng cấp tại nhà máy sửa chữa máy bay số 558 ở Belarus.

Tuy nhiên trong tháng 07/2013, Ria Novosti dẫn lời Phó tổng giám đốc Rosoboronexport Aleksandr Mikheyev cho biết, Nga đang đàm phán để bán 18 chiếc Su-30K cho Ethiopia, điều đó có nghĩa là Việt Nam đã rút lui khỏi thương vụ này.

Việc Việt Nam từ chối thương vụ Su-30KN có thể do đặc tính kỹ chiến thuật của tiêm kích này tương đối hạn chế trong khi sau nâng cấp, sửa chữa máy bay có giá lên tới 45 triệu USD, gần bằng giá của một chiếc Su-30MK2 sản xuất mới.

Do chi phí bỏ ra để nâng cấp, sửa chữa là quá lớn trong khi máy bay đã trải qua nửa vòng đời sử dụng, mặt khác vào thời điểm đó diễn biến mua sắm vũ khí trong khu vực có nhiều thay đổi, khả năng Trung Quốc mua được Su-35 từ Nga là rất lớn vì vậy việc Việt Nam bỏ qua thương vụ Su-30KN để hướng đến một lựa chọn khác tốt hơn chẳng hạn như tiêm kích Su-35 là hoàn toàn hợp lý.

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý