Điểm danh những ‘ông lớn’ dính nghi án trốn thuế tại Việt Nam

ban ban @ban

Điểm danh những ‘ông lớn’ dính nghi án trốn thuế tại Việt Nam

Liên tục mở chi nhánh, sản phẩm được nhiều người sử dụng,... nhưng những ông lớn này liên tục báo lỗ và chây ỳ trong việc thực hiện nghĩa vụ đóng thuế với nhà nước.

03/09/2014 01:39 PM
2,122

Metro

 - Ảnh 1

Metro dù liên tục tăng doanh thu nhưng 12 năm hoạt động tại Việt Nam chưa từng đóng thuế thu nhập doanh nghiệp do khai báo lỗ.

Tháng 3.2002, Công ty Metro Cash & Carry Vietnam (MCC Việt Nam) gia nhập thị trường bằng việc khai trương trung tâm đầu tiên tại TP HCM với số vốn 78 triệu USD. Tháng 7.2003, MCC mở tiếp trung tâm bán sỉ thứ hai, đặt tại Hà Nội. Từ đó đến nay, mỗi năm đơn vị này khai trương đều đặn một đến hai trung tâm. Trong giai đoạn 2010 - 2012, Metro thậm chí còn mở mới 4 đại siêu thị mỗi năm - tốc độ khiến không ít đại gia phân phối trong nước phải giật mình.

Sau 12 năm, Metro Việt Nam có 19 trung tâm tại 14 tỉnh thành, 5 kho trung chuyển với tổng cộng 3.600 nhân viên, kèm theo đó là tốc độ tăng trưởng không ngừng của doanh thu. Theo báo cáo tài chính của Tập đoàn Metro năm 2002, doanh thu của MCC Việt Nam đạt 38 triệu euro, tương đương hơn 600 tỷ đồng (theo tỷ giá lúc đó). Đến năm 2013, doanh thu tăng lên 516 triệu euro, tức vào khoảng 14.731 tỷ đồng. Việt Nam cũng là thị trường có doanh thu lớn thứ 2 tại châu Á, sau Trung Quốc.

Tương phản với tốc độ mở rộng và doanh thu, con số lợi nhuận, theo báo cáo của doanh nghiệp lại không hề khả quan. Báo cáo ngành thuế công bố năm 2013 cho thấy Metro Cash & Carry đứng đầu bảng trong danh mục các doanh nghiệp FDI khai lỗ.

Trong hơn 12 năm hoạt động tại Việt Nam, duy nhất năm 2010, công ty báo lãi 116 tỷ đồng, nhưng do được chuyển lỗ của những năm trước đó nên chưa phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp. Các năm còn lại, con số lỗ của Metro dao động từ 89 đến 160 tỷ đồng. Do đó, thời gian qua doanh nghiệp này mới chỉ nộp thuế giá trị gia tăng, môn bài, tiền thuê đất, thuế nhà thầu và trở thành một trong những doanh nghiệp FDI bị cơ quan thuế đặt dấu hỏi lớn về vấn đề chuyển giá.

Đại diện phía MCC từng cho biết, do chi phí để đầu tư một trung tâm bán sỉ rất lớn. Trong khi những năm gần đây số lượng siêu thị mở mới nhiều, doanh nghiệp phải cạnh tranh gay gắt nên phải mất trung bình ba năm kể từ khi khai trương mới có lãi. Các trung tâm lại mở liên tiếp nhau, hoạt động chưa ổn định ngay nên công ty bị lỗ kéo dài.

Đầu tháng này, Tập đoàn Metro thông báo đã thỏa thuận bán Metro Việt Nam cho Tập đoàn Berli Jucker (BJC) của Thái Lan với giá 655 triệu euro (khoảng 18.700 tỷ đồng). Dự kiến thương vụ sẽ hoàn tất trong nửa đầu năm 2015.

Gucci, Milano

 - Ảnh 2

Cơ quan pháp luật liên tiếp phát hiện các vụ gian lận thuế của các thương hiệu nổi tiếng thế giới. Gần đây nhất, vụ việc lô hàng lậu Gucci, Milano trị giá gần 100 tỷ đồng bị phát hiện, gây xôn xao dư luận. Cơ quan chức năng đã giật mình trước thủ đoạn hết sức tinh vi của thương hiệu này.

Cụ thể, sau mỗi ngày kinh doanh, toàn bộ các hoạt động thương mại trên máy chủ ở TP.HCM và Hà Nội đều được chủ cửa hàng xóa sạch, không để sót lại bất cứ dấu vết nào. Bộ hóa đơn đầu vào là thật nhưng được quay vòng...

Trong 2 ngày 7/12/2012 và 9/12/2012, Công an Hà Nội đã kiểm tra cơ sở kinh doanh quần áo, giày dép, đồ da nhãn hiệu Guici, Milano tại số 63 Lý Thái Tổ (Hoàn Kiếm). Qua kiểm tra đã phát hiện và tạm giữ 1.447 đôi giày, dép các loại; 5 chai nước hoa, 5.545 sản phẩm quần, áo, váy, dây lưng..., 312 chiếc kính; 320 chiếc túi xách, ví... Cùng thời điểm đó, Công an TP.HCM cũng ập vào cửa hàng Guici để kiểm tra.

Bà Nguyễn Thị Như Mai, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết, sau 10 ngày đấu tranh quyết liệt, các đối tượng kinh doanh mới thừa nhận hành vi "quay vòng" hóa đơn. Theo đó, hàng bị phát hiện là hàng thật 100%, tuy nhiên, toàn bộ hóa đơn giấy tờ đều thuộc lô hàng khác.

Theo giá niêm yết, toàn bộ lô hàng trên có giá khoảng hơn 99 tỷ đồng. Nhưng đó không phải là giá bán cho người tiêu dùng mà còn giảm giá khuyến mại, chi phí thuê nhà, vốn... Khi cơ quan thẩm định để đưa hàng ra bán đấu giá, số hàng trên chỉ còn khoảng 29,6 tỷ đồng.

Chi cục Quản lý thị trường đã ra quyết định xử phạt hơn 42 triệu đồng và tịch thu 2.438 sản phẩm nhãn hiệu Gucci, 5.333 sản phẩm nhãn hiệu Milano và các nhãn hiệu khác.

Coca Cola

 - Ảnh 3

Chiến lược marketing ghi tên trên lon của Coca Cola đang rất thành công, nhưng tiếp tục bị nhắc đến về chuyện không đóng thuế.

Thành lập tháng 2.1994,  đến nay chưa năm nào Coca Cola Việt Nam khai có lãi. Năm 2004 công ty đạt doanh thu 728 tỷ đồng, nhưng báo lỗ 110 tỷ đồng. Năm 2006 doanh thu vọt lên 1.026 tỷ đồng, số lỗ cũng tăng theo lên đến 253 tỷ đồng.

Năm 2010, doanh thu của Coca Cola Việt Nam lên đến 2.529 tỷ đồng, nhưng chi phí khai báo 2.717 tỷ đồng, dẫn đến số lỗ 188 tỷ. Lũy kế đến thời điểm 2010, công ty lỗ tổng cộng 3.768 tỷ đồng, vượt cả số vốn đầu tư ban đầu 2.950 tỷ đồng.

Năm 2011, công ty này lỗ 39 tỷ đồng. Qua năm 2012 và 2013 vẫn tiếp tục khai báo chưa có lợi nhuận. Vì thua lỗ liên tiếp nên sau hàng chục năm đầu tư vào Việt Nam, Coca Cola Việt Nam chỉ nộp thuế giá trị gia tăng, thuế môn bài, mà chưa đóng thuế thu nhập doanh nghiệp.

Lý do để doanh nghiệp này liên tục kê khai lỗ nằm ở chi phí nguyên phụ liệu, trong đó chủ yếu là hương liệu được nhập trực tiếp từ công ty mẹ với giá rất cao. Trung bình, chi phí nguyên phụ liệu của Coca Cola chiếm trên 70% giá vốn, cá biệt năm 2006-2007 lên đến 80-85%. Như năm 2010, chi phí cho khâu này là 1.671 tỷ đồng trên doanh thu 2.329 tỷ đồng.

Khai lỗ nhưng Coca Cola Việt Nam vẫn liên tục tăng vốn đầu tư vào một loạt dự án. Cuối tháng 10.2012, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành Coca Cola, ông Muhtar Kent tới Việt Nam và tuyên bố rót thêm 300 triệu USD vào Việt Nam trong ba năm tới.

Giữa tháng 6 năm nay, Coca Cola khánh thành 4 dây chuyền sản xuất mới tại Việt Nam. Cơ sở hạ tầng mới này là một phần của gói đầu tư 300 triệu USD tại Việt Nam trong giai đoạn 2013-2015.

Cục Thuế TP HCM đang liệt Công ty Coca Cola Việt Nam vào vị trí số một trong danh sách doanh nghiệp nghi vấn có dấu hiệu chuyển giá.

Adidas

 - Ảnh 4

Adidas tham gia thị trường dụng cụ thể thao Việt Nam từ 1993, song đến năm 2009 mới chính thức thành lập Công ty Adidas Việt Nam, được sở hữu 100% vốn bởi Adidas International B.V (Amsterdam, Hà Lan).

Ngành nghề đăng ký kinh doanh của Adidas Việt Nam là bán buôn tổng hợp, tự thực hiện quyền nhập khẩu. Đến đầu 2012, Adidas Việt Nam đã có trên 50 cửa hàng đặt tại các trung tâm thương mại ở các thành phố lớn. Doanh thu lên tới 22.000 tỷ đồng, sử dụng khoảng 80.000 lao động, thế nhưng Adidas Việt Nam thường xuyên báo lỗ.

Năm 2012, Adidas đã bị Cục Thuế TP HCM đưa vào tầm ngắm thanh tra do nghi ngờ có dấu hiệu giao dịch liên kết. Hoạt động theo giấy phép kinh doanh là phân phối bán buôn, nhưng Adidas Việt Nam lại phát sinh hàng loạt chi phí của nhà bán lẻ. Điều này bị cơ quan thuế nghi là cách chuyển giá theo phương thức liên kết giữa công ty mẹ và các công ty con thuộc Tập đoàn Adidas nhằm né thuế thu nhập tại Việt Nam.

Theo giải thích từ Adidas Việt Nam, đây là khoản chi phí quản lý vùng và được hạch toán vào chi phí quản lý doanh nghiệp của Adidas Việt Nam, tức được giảm trừ thu nhập chịu thuế và có kê khai nộp phí nhà thầu. Ngoài ra, Adidas Việt Nam cũng phải trả chi phí hoa hồng mua hàng cho Addias International Trading B.V với tỷ lệ 8,25% giá trị mỗi giao dịch...

Trao đổi với VnExpress trước đây, đại diện Adidas Việt Nam cho biết đã được thẩm tra bởi cơ quan thuế địa phương trong năm 2009-2010, hai năm đầu tiên từ khi bắt đầu hoạt động. Quyết định kiểm tra thuế được ban hành bởi cơ quan thuế địa phương đã kết luận rằng không bị phạt khoản thuế quan trọng nào. Trong năm 2011 và 2012, Adidas Việt Nam đã đạt được những mức lợi nhuận hợp lý, đã và sẽ đóng thuế thu nhập tích lũy trên lợi nhuận này.

Cục Thuế TP HCM cho biết sẽ tiếp tục kiểm tra và làm rõ các nghi vấn liên kết của Adidas vào đầu năm 2013. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có kết luận chính thức nào về việc này.

Keangnam – Vina

 - Ảnh 5

Keangnam - Vina (công ty 100% vốn Hàn Quốc) được biết đến là chủ đầu tư tòa tháp cao nhất Việt Nam, căn hộ có mức giá “khủng” là 3.000 USD/m2 và nhiều cuộc tranh chấp về sở hữu chung - riêng, phí quản lý chung cư giữa chủ đầu tư và cư dân.

Theo đó, tháng 5/2007, khi thực hiện đầu tư dự án căn hộ cao cấp Keangnam Hanoi Landmark Tower tại huyện Từ Liêm (Hà Nội), Công ty Keangnam-Vina vay vốn từ ngân hàng Kookmin bank (Hàn Quốc) - thành viên trong cùng tập đoàn - với tổng vốn vay 400 triệu USD. Công ty này phải trả lãi vay bình quân các năm tới 12%/năm, cao hơn cả lãi vay USD ngân hàng Việt Nam (khoảng 5-7%/năm). Khoản lãi vay, chi phí tài chính đã được hạch toán là 2.030 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Quang Tiến, Vụ trưởng - Phó trưởng ban cải cách (Tổng cục Thuế): “Thanh tra Cục thuế Hà Nội đang kiểm tra cả công ty xây dựng tòa tháp Keangnam liên quan đến việc dàn xếp vốn vay, các dịch vụ tư vấn… để làm rõ có giá chuyển nhượng, giao dịch liên kết không?”.

Ông Tiến cho biết, Công ty Keangnam-Vina đã vay vốn của ngân hàng cùng tập đoàn với lãi suất cao, trả trước chi phí dàn xếp vốn vay cho công ty mẹ, tức là có giao dịch giữa 3 đơn vị cùng tập đoàn. Đây là một căn cứ để cơ quan thuế nghi vấn dấu hiệu chuyển giá.

Một điểm đang chú ý nữa, đó là hợp đồng xây dựng cơ bản giữa Keangnam-Vina và nhà thầu chính - Công ty Keangnam Enterprises.Ltd ký theo hình thức “chìa khóa trao tay”. Tuy nhiên, trong khi chủ đầu tư hạch toán lỗ nhiều năm thì nhà thầu chính lại có lãi và chỉ phải nộp thuế 2% doanh thu sau khi trừ đi doanh thu của nhà thầu phụ đã nộp trực tiếp. Hơn nữa, Công ty Keangnam-Vina còn ký hợp đồng với nhà thầu chính cung cấp dịch vụ tư vấn tài chính, dàn xếp vốn vay.

Trong đó, riêng phí dịch vụ sắp xếp nguồn vốn vay đã lên tới 20 triệu USD. Chi phí tư vấn quảng cáo, tư vấn cấp quyền sử dụng đất, cấp giấy phép đầu tư vài triệu USD (năm 2008, Keangnam-Vina đã hạch toán chi phí tài chính lên tới 30 triệu USD).

Trước những dấu hiệu bất thường, từ tháng 9/2012, Cục thuế TP Hà Nội đã tiến hành thanh tra thuế, đặc biệt là hoạt động chuyển giá tại Công ty Keangnam-Vina.

Trong đó, cơ quan thuế sẽ làm rõ giá trị tài sản đầu tư đưa vào kinh doanh, giá vốn đối với chuyển nhượng bất động sản, bóc tách các chi phí bất hợp lý và các giao dịch giữa Keangnam-Vina với Keangnam Enterprises.,Ltd là nhà thầu chính trong cùng tập đoàn với chủ đầu tư  Keangnam Investment.,Ltd (Hàn Quốc).

Năm 2011, Keangnam-Vina bắt đầu có doanh thu từ dự án Landmark Tower, đạt trên 5.200 tỷ đồng, nhưng Cty này báo lỗ hơn 140 tỷ đồng. Trong hơn 5 năm đầu tư, Keangnam-Vina liên tục báo lỗ vài chục tỷ đồng mỗi năm.

Đến hết năm 2011, tổng số lỗ lũy kế lên tới 277 tỷ đồng. Do thua lỗ nên Keangnam-Vina chưa đóng thuế thu nhập doanh nghiệp, ngoại trừ đóng thuế VAT, thuế sử dụng đất “không đáng kể”.

PepsiCo

 - Ảnh 6

Pepsi là một trong các công ty giải khát có vốn nước ngoài đầu tiên đặt chân tới Việt Nam. Thời gian đó, cũng như nhiều công ty khác, muốn hoạt động tại Việt Nam, Pepsi phải hoạt động dưới danh nghĩa liên doanh. Ngày 24.12.1991, Công ty Nước giải khát Quốc tế (IBC) được thành lập bởi liên doanh giữa Công ty Thương mại và Du lịch Sài Gòn (SP.Co) và Marcondray-Singapore với tỷ lệ vốn góp 50% - 50%.

Đến tháng 7.2003, SP.Co quyết định bán toàn bộ cổ phần trong Liên doanh nước giải khát quốc tế (IBC) cho Công ty Pepsi. Theo đó, Pepsi IBC đã chuyển từ loại hình liên doanh sang doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài.

Ngày 23.10.2012, Pepsi công bố bán cổ phần của Công ty Pepsi Việt Nam cho Công ty Suntory Holdings Ltd., một công ty đồ uống và thực phẩm dinh dưỡng tại Nhật Bản, để cả hai cùng hợp tác nguồn lực mở rộng thị trường đang tăng trưởng nhanh này.

Giống Coca Cola, kể từ khi thành lập cho tới năm 2006, Pepsi cũng liên tục báo lỗ. Năm 2007 là năm đầu tiên PepsiCo có lãi, với tổng thu nhập chịu thuế là 58 tỷ đồng. Nhưng vì vẫn được điều chỉnh chuyển lỗ, nên công ty chưa phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.

Năm 2008, Pepsi lại lỗ 58 triệu đồng, sang năm 2009 lãi 141 tỷ đồng. Con số lãi  của năm 2010 là 137 tỷ đồng, năm 2011 là 191 tỷ đồng. Tuy nhiên, do vẫn được điều chuyển lỗ (từ năm 1991, lỗ lũy kế tính đến ngày 31/12/2010 là 1.206 tỷ đồng) nên tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp mà công ty này đã nộp từ năm 2009 cho đến 2013 chỉ là 40,2 tỷ đồng.

Vào tháng 7.2012, Tổng cục Thuế ra quyết định kiểm tra thuế tại công ty này, thời điểm kiểm tra là năm 2011. Theo đó, đã thu về ngân sách Nhà nước hơn 5 tỷ đồng; trong đó truy thu thuế giá trị gia tăng 1,3 tỷ đồng; thuế thu nhập doanh nghiệp hơn 4,4 triệu đồng, thuế giá trị gia tăng đối với nhà thầu nước ngoài là trên 500 triệu đồng và thuế thu nhập doanh nghiệp đối với nhà thầu nước ngoài là 3,2 tỷ đồng.

Bảo Long

 - Ảnh 7

Không chỉ doanh nghiệp nước ngoài “làm nghèo đất nước”, doanh nghiệp trong nước cũng tìm mọi cách để “làm xiếc” báo cáo tài chính.

Nghi ngờ Bảo Long khai gian, lậu thuế trong một thời gian dài, Cục Thuế TP Hà Nội đã lập đoàn thanh tra để kiểm tra việc chấp hành luật thuế ở Bảo Long từ đầu năm 2008 đến cuối năm 2011.

Đầu tiên là việc Bảo Long “làm xiếc” ngay ở khoản mở sổ, ghi chép hạch toán kế toán. Dù đã mở sổ kế toán để theo dõi các hoạt động kinh tế nhưng lại hạch toán các khoản chi phí không đúng quy định: Hạch toán các khoản chi phí không liên quan tới hoạt động sản xuất kinh doanh; hạch toán không đúng giá trị khấu hao của tài sản cố định, nhiều chi phí không có hóa đơn chứng từ hợp lệ.

Đấy là chưa kết đến việc Bảo Long để ngoài sổ sách doanh thu bán hàng, khai sai, khai thiếu doanh thu. Thậm chí sổ sách, chứng từ kế toán còn không đóng dấu pháp nhân và thiếu chữ ký, không nộp hồ sơ khai thuế, kê khai thiếu thuế giá trị gia tăng.

Sau nhiều tháng thanh tra, Cục Thuế TP Hà nội đã yêu cầu Bảo Long phải nộp lại số thuế cộng với tiền phạt lên tới 1,9 tỉ đồng. Trong đó, thuế GTGT và thuế Thu nhập doanh nghiệp Bảo Long đã cố tình gian lận trong 3 năm là gần 1,5 tỉ đồng.

Doanh nghiệp này còn phải chịu 2 khoản phạt do trốn thuế, chậm thuế lên tới hơn 462 triệu đồng.

Ngọc Anh (Tổng hợp)

Xem thêm video clip : Xăng giảm giá 600 đồng/lít, còn 24.210 đồng/lít

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý