Doanh nghiệp nhập khẩu ô tô "kêu cứu" vì cách tính thuế

biettuot biettuot @biettuot

Doanh nghiệp nhập khẩu ô tô "kêu cứu" vì cách tính thuế

Trong vòng nửa năm đã có 2 lần điều chỉnh cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt, theo các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô, việc này khiến họ trở tay không kịp.

30/04/2016 09:48 AM
10

(ĐSPL) - Trong vòng nửa năm đã có 2 lần điều chỉnh cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt, theo các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô, việc liên tục thay đổi cách tính thuế khiến họ trở tay không kịp....

Liên tục điều chỉnh cách tính thuế

Thông tin trên tạp chí Ô tô- Xe máy, chỉ trong vòng 6 tháng đã có tới 2 lần điều chỉnh cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB). Sự thay đổi chóng mặt này khiến các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô tại Việt Nam lại một lần nữa đồng thanh gửi đơn kêu cứu đến Thủ tướng và các bộ ngành liên quan.

Trước thời điểm điều chỉnh tăng thuế TTĐB kỷ lục cho các dòng xe sử dụng động cơ dung tích lớn đang cận kề, đại diện 10 thương hiệu ô tô nhập khẩu chính hãng lớn tại Việt Nam bao gồm Audi, BMW, Bentley, Jaguar, Rolls-Royce, Renault, Maserati... đã ký chung văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ cùng Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và Ủy ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội. Theo đó, các doanh nghiệp này cho rằng việc áp dụng Luật thuế TTĐB mới từ ngày 1/7/2016 sẽ gặp vấn đề bởi phương thức tính thuế mới theo dự luật chưa rõ ràng. Cụ thể, rất khó để xác định được căn cứ tính thuế mới do sự thay đổi khung tỷ lệ để so sánh với giá bán bình quân. Bên cạnh đó, việc xác định “cơ sở kinh doanh thương mại là cơ sở đầu tiên trong khâu lưu thông thương mại” (nhà bán sỉ / nhà phân phối) chưa cụ thể do mối quan hệ trong “cơ sở có mối quan hệ liên kết” chưa được định nghĩa trong bất cứ văn bản Luật nào trên thực tế.

Đặc biệt, các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô còn nêu ra những khó khăn về việc ứng dụng Luật thuế mới khi hiệu lực thực thi chỉ còn khoảng 2 tháng nữa. Nguyên nhân được các nhà nhập khẩu đưa ra là việc kinh doanh ô tô mới nhập khẩu chính hãng được căn cứ trên 6 tháng thời gian chờ tính từ lúc bắt đầu đặt hàng sản xuất đến khi giao xe cho khách hàng Việt Nam. Do đó, trong thời gian này, các hãng không thể báo giá chính xác bằng Việt Nam đồng cho những đơn đặt mua xe ô tô giao sau ngày 1/7/2016. Điều này đương nhiên sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến việc kinh doanh của các doanh nghiệp này và làm sụt giảm nguồn thu Ngân sách nhà nước.

Trước những khó khăn trên, các nhà nhập khẩu ô tô kiến nghị tạm hoãn áp dụng phương thức tính thuế TTĐB mới và duy trì phương thức tính thuế hiện tại theo quy định của điều luật thuế sửa đổi, bổ sung đã được áp dụng từ ngày 1/1/2016 cho đến khi xác định được căn cứ tính thuế rõ ràng, xác định rõ nghĩa cơ sở kinh doanh thương mại là cơ sở đầu tiên trong khâu lưu thông thương mại và có định nghĩa cụ thể về “cơ sở có mối quan hệ liên kết”.

Thực tế, đây không phải lần đầu tiên, các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô đồng thanh kêu cứu lên Thủ tướng và các bộ ngành liên quan vì các chính sách thuế. Mới đây nhất, hồi tháng 11/201, 8 nhà nhập khẩu ô tô cũng gửi kiến nghị đến các bộ luật về Luật thuế TTĐB mới có hiệu lực từ ngày 1/1/2016. Với cách tính thuế mới đã khiến giá nhiều loại xe ước tính tăng thêm từ 15-30%. Hậu quả là lượng xe tiêu thụ của ô tô nhập khẩu trong 3 tháng đầu năm giảm mạnh tới 36% xuống còn khoảng 13.000 xe.

Doanh nghiệp nhập khẩu ô tô "chóng mặt" vì cách tính thuế liên tục thay đổi - Ảnh 1Phóng to

Chỉ trong vòng 6 tháng đã có tới 2 lần điều chỉnh cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB). (Ảnh minh họa). 

Không kịp trở tay

Báo Pháp luật TPHCM thông tin, trong công văn kiến nghị lên Thủ tướng và các bộ, ngành liên quan, các công ty nhập khẩu ô tô cũng phản ánh đến nay vẫn chưa có thông tin chi tiết về kế hoạch triển khai thuế TTĐB mới, trong khi ngày hiệu lực chỉ còn khoảng hai tháng nữa. Từ đó các công ty nhập khẩu ô tô kiến nghị tạm hoãn áp dụng phương thức tính thuế TTĐB mới cho đến khi Bộ Tài chính có hướng dẫn chi tiết nhằm đảm bảo việc thực hiện dễ dàng và tránh các hiểu nhầm, diễn dịch sai.

“Chỉ trong vòng sáu tháng, cách tính thuế TTĐB thay đổi tới hai lần là quá nhanh và mỗi lần thay đổi thì được áp dụng ngay trong vòng 2-3 tháng sau đó khiến DN gặp khó khăn trong việc lên kế hoạch kinh doanh, không trở tay kịp” - ông Trần Tấn Trung, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Liên Á quốc tế, nói.

Không chỉ vậy, theo các công ty ô tô, việc áp dụng Luật Thuế TTĐB mới từ ngày 1-7 sẽ gặp vấn đề bởi phương thức tính thuế mới theo luật chưa rõ ràng. Chẳng hạn, việc xác định cơ sở kinh doanh thương mại là cơ sở đầu tiên trong khâu lưu thông thương mại (nhà bán sỉ/nhà phân phối) là chưa cụ thể…

Trong khi đó, theo giải thích của Bộ Tài chính, việc điều chỉnh thuế TTĐB nhằm khuyến khích việc sản xuất và tiêu thụ dòng xe nhỏ, tiêu thụ ít năng lượng, phù hợp với hạ tầng giao thông và thu nhập của người dân. Đồng thời cách tính thuế mới này đảm bảo sự công bằng và thống nhất giữa các DN nhập khẩu và sản xuất, lắp ráp trong nước chứ không vì mục đích tăng thu thuế.

Bên cạnh đó, điều này còn nhằm chống khai gian lận thuế của các nhà nhập khẩu, sản xuất ô tô nhỏ lẻ và tránh tình trạng thất thu thuế. Đồng thời để khắc phục hiện tượng chuyển giá tính thuế TTĐB qua công ty con hoặc công ty con trong cùng công ty mẹ.

Tuy vậy, một chuyên gia kinh tế cho rằng cách tính thuế TTĐB dựa trên giá bình quân của các cơ sở kinh doanh thương mại bán ra không mang tính ổn định mà có tính thời điểm, không chính xác. Giá tính thuế là giá bán lẻ đến người tiêu dùng cuối cùng là không khả thi và chưa có cơ chế kiếm soát hữu hiệu. “Vì vậy việc các nhà nhập khẩu ô tô kiến nghị duy trì phương thức tính thuế hiện tại áp dụng từ đầu năm nay là hợp lý” - vị chuyên gia này nêu quan điểm.

TUYẾT MAI (Tổng hợp- Nguồn: Pháp luật TPHCM, Ô tô- Xe máy)

 

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý