Doanh nghiệp Việt thận trọng với 'sân chơi' FTA

baybykiu baybykiu @baybykiu

Doanh nghiệp Việt thận trọng với 'sân chơi' FTA

Đại đa số doanh nghiệp Việt còn mơ hồ với FTA và BIT, điều này sẽ mang lại nhiều rủi ro trong cuộc đua với các đối thủ nhất là khi chính sách bảo hộ, hỗ trợ của nhà nước đang ngày càng thu hẹp.

30/06/2015 07:03 PM
502

   - Ảnh 1

Doanh nghiệp nội địa e dè trước FTA và BIT?

Thông tin được Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương CIEM công bố ngày 29/6: các mục tiêu phát triển dài hạn của Việt Nam sẽ chịu tác động nhiều phía từ các Hiệp định thương mại tự do (FTAs) và đầu tư song phương (BITs).

CIEM đánh giá việc tham gia các FTAs tạo điều kiện giúp Việt Nam mở rộng xuất khẩu, đồng thời tạo sức ép để các doanh nghiệp trong nước tăng cường hiệu quả sản xuất, năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, nếu không tận dụng được cơ hội thì trên “con đường xuất khẩu lớn” sẽ không có tên hàng Việt.

Doanh nghiệp nội mơ hồ

“Cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài ngay sát sườn trên sân nhà nhưng doanh nghiệp trong nước đến nay cũng không nắm rõ về các ưu đãi của đối thủ,” ông Nguyễn Anh Dương – Phó trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô – CIEM, nói.

Kết luận của ông Dương được rút ra từ một khảo sát nghiêm túc, tiến hành trong 2 tháng, với 11 câu hỏi được gửi đến các doanh nghiệp trong nước, nội dung: Doanh nghiệp hiểu biết thế nào về FTAs và BIT?

“Chỉ có 20% doanh nghiệp trong ngành chế biến thực phẩm và điện tử hiểu biết về cắt giảm thuế quan theo các cam kết FTA và 10% doanh nghiệp hiểu biết về những ưu đãi dành cho doanh nghiệp FDI cùng ngành. Về hiểu biết chính sách hỗ trợ cho ngành, số doanh nghiệp thuộc 2 lĩnh vực trên cũng chỉ đạt trung bình 10%,” ông Nguyễn Anh Dương thông tin.

Những con số trên rõ ràng là điều không vui. Nhất là với các doanh nghiệp thuộc hai ngành mang sứ mệnh và được kỳ vọng trở thành “mũi nhọn” xuất khẩu của Việt Nam.

TS Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đặt câu hỏi: “Làm sao để doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu lớn?”. Bằng kinh nghiệm của một người nhiều năm nghiên cứu kinh tế, câu trả lời của ông Thành là: Doanh nghiệp phải tự tin vào thị trường và dám chơi với những “người” khổng lồ.

Mặc dù một số doanh nhân, chủ doanh nghiệp trong nước khi được nhóm khảo sát của ông Nguyễn Anh Dương hỏi tỏ ra “phấn khởi với hội nhập và thấy trước nhiều cơ hội”. Tuy vậy, ông Dương nhận định “hoạt động phỏng vấn sâu cho thấy khả năng chuẩn bị trước xu thế hội nhập còn tương đối hạn chế.”

   - Ảnh 2

TS. Võ Trí Thành

Theo ông Dương, FTAs và BIT giúp doanh nghiệp trong nước thu hút đầu tư, tự do hóa thương mại, nhưng đồng thời cũng sẽ tước bỏ những ưu đãi do chính sách bảo hộ của nhà nước mang lại, buộc doanh nghiệp trong nước phải “dũng cảm” vượt qua những áp lực cạnh tranh gay gắt.

“Đơn cử, ngành công nghiệp điện tử có những nhân tố tác động đến không gian chính sách là hạn chế về nguồn tài chính, quy định nới lỏng hơn về sở hữu nước ngoài tại doanh nghiệp trong nước theo cam kết hội nhập,” ông Dương nói.

“Riêng trong ngành chế biến thực phẩm, tác động của các FTA dẫn đến những thách thức như: không gian chính sách thuế quan và đầu tư thu hẹp hơn; biện pháp chống bán phá giá nghiêm ngặt hơn từ các nước đối tác; hỗ trợ tín dụng hạn chế hơn..” ông Dương nói thêm.

Ông Dương đánh giá, nhiều doanh nghiệp chế biến thực phẩm trong nước có khả năng đáp ứng các yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm dịch động thực vật và tiêu chuẩn kỹ thuật nhưng vẫn cần hướng dẫn, bởi đang quá “đói” thông tin về các cam kết hội nhập. Thứ nữa, việc chưa quan tâm phát triển thương hiệu sản phẩm cũng như chưa hình thành các liên kết hợp tác doanh nghiệp bền vững để tạo ra sức mạnh chung trên thị trường xuất khẩu cũng như ngay tại thị trường nội địa là điểm yếu làm giảm sức mạnh doanh nghiệp Việt.

FDI sẵn sàng

Trong khi doanh nghiệp nội địa hiểu ít về FTAs và BIT thì khối FDI tỏ ra quá “xông xáo”. Nghiên cứu của CIEM cho thấy nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã “tranh thủ mặc cả” để “đòi” những ưu đãi đặc biệt.

Trường hợp Samsung liên tục đòi các ưu đãi lớn từ chính phủ để đổi lại việc đổ tiền đầu tư vào dự án Samsung Electronics CE Complex là một thí dụ. Ngoài miễn thuế, Samsung còn “đòi” ưu đãi cả thủ tục Hải Quan.

Không chỉ Samsung, Toyota mới đây cũng đưa ra 5 đề xuất để hãng này có thể duy trì sản xuất tại Việt Nam sau năm 2018. Trong đó có giảm thuế nhập khẩu cho linh kiện lắp ráp và giảm thuế thu nhập doanh nghiệp.

Những đòi hỏi này của Samsung và Toyota là không dễ thực thi, bởi không chỉ ảnh hưởng đến ngành công nghiệp phụ trợ trong nước mà còn cả các doanh nghiệp khác. Việt Nam đnag theo đuổi kinh tế thị trường, mà kinh tế thị trường thì phải có sự bình đẳng và công bằng trong cạnh tranh.

   - Ảnh 3

Samsung có "ăn đời ở kiếp" với Việt Nam?

Không chỉ là chính sách

“Hội nhập là điều kiện phát triển nhưng chưa đủ,” ông Võ Trí Thành nói. Để “sống” được, doanh nghiệp Việt cần nhiều yếu tố: năng lực quản trị, khả năng cạnh tranh, cơ hội và chính sách.

Những chính sách của Nhà nước, theo ông Thành nên chuyển đổi chức năng, từ chỗ cái gì cũng can thiệp phải hướng đến việc phải hỗ trợ về mặt đào tạo, thông tin, kết cấu hạ tầng, R&D...

Liên quan đến chính sách, Ts. Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO của VCC cho rằng một số ngành (điện tử) đang được hỗ trợ nhưng người hưởng lợi chủ yếu là doanh nghiệp FDI.

Trước việc hàng loạt các FTAs được thông qua, ông Nguyễn Anh Dương tỏ ý nghi ngại: chúng ta đã quá “nôn nóng” khi gia nhập các FTA? Việt Nam đã cắt giảm thuế ưu đãi quá nhanh?

“Lẽ ra phải 10 năm thuế nhập khẩu mới giảm về 0% nhưng chỉ sau 5 năm, Việt Nam đã hoàn tất lộ trình giảm thuế, vô tình mang lại rủi ro cho doanh nghiệp trước hàng nhập khẩu nếu các hiệp định thương mại tự do được kí kết”, ông Dương nói.

Sự nôn nóng này đã đặt nhiều doanh nghiệp nội trước thực tế buộc phải “chiến đấu” khi chưa thực sự sẵn sàng.

Chung quan điểm với ông Dương, Ts. Trần Hữu Huỳnh - Chủ tịch Ủy ban Tư vấn Chính sách thương mại quốc tế của VCCI, hỏi: “Liệu chúng ta có quá “hăng hái” khi tham gia hàng loạt hiệp định thương mại tự do?”

“Chúng ta tự nguyện mở cửa, loại bỏ thuế trước lộ trình là điều đáng tiếc, giống như nhà mình đang to mà tự nguyện… cắt bớt cho nhỏ lại,” - Ts. Nguyễn Thị Thu Trang trả lời.

Chuyên gia Võ Trí Thành nhấn mạnh: “Hội nhập sẽ có rủi ro.” Nhưng theo ông “rủi ro” nhất là không hội nhập bởi không hội nhập thì không phát triển. Điều quan trọng nhất, theo ông Thành là cần có “ứng xử” tốt nhất để tận dụng được thời cơ hội nhập bởi khi cơ hội bị bỏ qua sẽ khó tìm lại được.

H.Hưng

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý