Độc quyền: Một tiệm cầm đồ, trăm người điêu đứng

mesu mesu @mesu

Độc quyền: Một tiệm cầm đồ, trăm người điêu đứng

Trong thời gian dài, rất nhiều gia đình, doanh nghiệp... trên địa bàn huyện Lâm Thao (Phú Thọ) đã trở thành nạn nhân của vợ chồng chủ hiệu cầm đồ cho vay nặng lãi.

18/09/2014 07:32 PM
1,502

Cả làng oán than!

Những ngày qua, tại thị trấn Lâm Thao (huyện Lâm Thao, Phú Thọ), người dân xôn xao về câu chuyện hàng loạt “con nợ” đang lao đao vướng vòng kiện tụng vì bị chủ nợ viết đơn khởi kiện ra tòa. Chỉ khi nhận được thông báo thụ lý đơn khởi kiện của Tòa án nhân dân huyện Lâm Thao, những “con nợ” mới vỡ lẽ, và bà con hàng xóm mới hay biết…

Cũng chỉ khi ấy, người ta mới vỡ lẽ, không phải một, hai trường hợp là nạn nhân của vợ chồng chủ hiệu cầm đồ cho vay nặng lãi theo ngày, mà còn có rất nhiều gia đình khác, nhưng vì tâm lý “chuyện trong nhà giữ kín”, nên hầu hết họ chỉ biết ngậm đắng nuốt cay. Điều này đã vô tình “tiếp tay” cho vợ chồng chủ hiệu cầm đồ hoành hành trong một thời gian dài và có thêm nhiều gia đình, vì khó khăn, đã trở thành nạn nhân, vướng phải chiếc bẫy giăng sẵn, để rồi cuối cùng tan nhà nát cửa.

Buổi tối đầu thu, vùng trung du vốn yên tĩnh, nay bị không khí nặng nề bao trùm, bởi những nạn nhân đang sắp phải hầu tòa do chủ nợ đơn phương phát đơn khởi kiện.

 - Ảnh 1

Ông Thạch Văn Thỉnh...

Hai vợ chồng ông Thạch Văn Thỉnh - bà Nguyễn Thị Tô (sinh năm 1954) được bà Vũ Thị Lan (Chi hội trưởng hội Phụ nữ thôn Tiến Mới, thị trấn Lâm Thao) đi xe máy đến gặp chúng tôi khi biết có nhà báo đang tìm hiểu thông tin sự việc. Khi được hỏi: “Nhà bác ở đâu?”, ông Thỉnh ngỡ ngàng trong giây lát, rồi trầm buồn: “Tôi đã mất nhà cửa rồi nên biết trả lời là ở đâu bây giờ?. Nói có trời làm chứng, vợ chồng tôi thuần túy lao động chân tay, quanh năm chỉ biết lam lũ với mảnh vườn, thửa ruộng. Đất đai tổ tiên để lại, có mình tôi là con trai trưởng nên được ở đất hương hỏa của các cụ 500 m2 với bốn gian nhà cấp bốn. Vợ chồng tôi nào có ăn tiêu, chơi bời gì để phải đi vay nặng lãi mà ăn…”, ông Thỉnh bắt đầu câu chuyện đã vùi chặt mấy năm nay.

Vợ chồng ông lão nông dân vùng trung du có đứa con trai làm ăn rồi lập nghiệp ở Hà Nội. Năm 2006, anh con trai mở xưởng cơ khí cần vốn làm ăn, gọi điện về cho bố mẹ ở quê. Thương con, ông bà mang sổ đỏ thửa đất hương hỏa đem vay ngân hàng được 50 triệu đồng. Một tháng sau, đứa con trai gửi tiền về để bố trả nợ. Lần thứ hai, ông lại cắm sổ đỏ vay ngân hàng số tiền 60 triệu; thời gian ngắn sau đó cũng trả dóc nợ…

Lần thứ ba, ông mang sổ đỏ đi vay cho con 100 triệu đồng. Khi trao cho con món tiền ấy, ông Thỉnh còn dặn: “Mày làm ăn như thế nào cho tử tế thì làm, đừng có để bố mẹ mất nhà mất cửa, không có chỗ thờ tự tổ tiên…”. Đứa con trai của ông quả quyết, làm ăn lớn nên cần vốn. Để chắc chắn, ông đánh điện hỏi ông thông gia (trên Hà Nội), được xác nhận: “Nó làm ăn tử tế, nghiêm túc” nên ông tạm yên lòng.

Đến những lần tiếp sau, con trai ông bảo “cần món tiền vì nhận được hợp đồng lớn” và nhờ bố mẹ ở quê đi vay cho 400 triệu. Ông bà nông dân rối tung đầu không biết xoay xở sao cho được món tiền mà con nhờ cậy. Nghĩ đến gia đình anh chị Hiền – Hợp, chủ hiệu cầm đồ chuyên cho vay tiền từ lâu trong thị trấn, ông Thỉnh đến nhờ vả.

Theo ông Thỉnh: “Chị Hiền (Nguyễn Thị Hiền, SN 1967, chủ hiệu cầm đồ Hiền – Hợp, thị trấn Lâm Thao) bảo tôi: Nnếu vay sẽ tính lãi theo ngày, 2.000 đồng/1 triệu đồng/1 ngày, không cần tín chấp hay thế chấp gì cả”. Ông lão nông dân lần đầu tiên đi vay món tiền lớn trong đời, chẳng biết làm gì, gọi điện cho cậu con trai ngoài Hà Nội. Có lẽ vì quá cần kíp món tiền để làm ăn, cậu con trai gật đầu đống ý.

Điền tên vào tờ khế ước vay nợ, ông Thỉnh mang món tiền 400 triệu về. “Mỗi tháng tôi mang 32 triệu đồng ra trả lãi, xót hết cả gan ruột. Được chừng chục tháng, cháu lại nói cần thêm số tiền nữa để làm ăn. Nghĩ rằng đang vay mượn cả đống tiền, ai người ta cho vay nữa, con trai tôi gọi về bảo: Bố cứ ra nhà chú Hợp, con gọi cô chú ấy đã đồng ý rồi”. Ông Thỉnh nhận thêm 250 triệu đồng nữa về đưa cho con. Mang trong người món nợ 650 triệu đồng, mà với vợ chồng ông, đó là số tiền lớn, có nằm mơ ông cũng không dám nghĩ đến… Vợ chồng ông không biết được, những cái “ách” đã chờ sẵn để siết vào đầu vợ chồng người nông dân nghèo…

  - Ảnh 2

...và ngôi nhà bị mất do vay nặng lãi từ chủ hiệu cầm đồ phố huyện.

Nỗi đau cặp vợ chồng già xin ở nhờ nhà kho...

Câu chuyện của vợ chồng ông Thỉnh, có sự xác nhận của bà Vũ Thị Lan (Chi hội trưởng chi hội Phụ nữ khu Tiến Mới, thị trấn Lâm Thao). Bà Lan nói: “Thời điểm chi cục Thi hành án đến cưỡng chế ngôi nhà của ông bà Thỉnh, tôi cũng có mặt. Nói có bác Thỉnh ở đây, khi đó bác Thỉnh đang bị tai biến vì suy nghĩ nhiều quá, bà Tô (vợ ông Thỉnh) vừa chăm chồng ốm, vừa chăm ba đứa cháu nội còn trứng gà trứng vịt, không ai cầm được nước mắt. Tôi nghĩ, đận ấy chắc bác Thỉnh chẳng thể nào sống được…”.

Nhiều người đã rơi vào cảnh điêu đứng, tan cửa nát nhà. Nhiều người vướng vòng kiện tụng... Sự việc chỉ vỡ lở khi nạn nhân viết đơn tố cáo ra cơ quan điều tra công an huyện Lâm Thao tố cáo hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của vợ chồng này. Trong đơn tố cáo, các nạn nhân phản ánh có cả sự tiếp tay của cán bộ TAND, chi cục Thi hành án huyện Lâm Thao (Phú Thọ)… cho chủ cho vay nặng lãi siết nợ, dồn nạn nhân vào đường cùng. Từ số báo này, Người Đưa Tin sẽ khởi đăng loạt bài điều tra độc quyền về câu chuyện chưa có hồi kết này...

Sau khi mang món nợ 650 triệu vay nợ lãi theo lãi suất “cắt cổ” 2000 đồng/triệu/ngày, ông Thỉnh như người mất hồn. Con ông gửi tiền lãi về trả được hai tháng đầu tiên, sau đó là chậm dần. Linh tính của người cha mách bảo, con ông đang lâm vào khó khăn và ngôi nhà hương hỏa của vợ chồng ông sắp sửa bị đe dọa…

Rồi, chuyện gì đến đã đến. Sau khi bắn tin về việc vợ chồng ông Thỉnh không trả nợ, sẽ bị khởi kiện ra tòa, sẽ bị mất trắng nhà cửa, chủ nợ Hợp – Hiền đến nhà ông Thỉnh yêu cầu trả nợ. Số tiền quá lớn, lại không ghi thời hạn trả nợ là ngày tháng nào, ông Thỉnh chỉ biết xin khất để vợ chồng, con ông có thêm thời gian sẽ thu xếp trả sau. Tuy nhiên, những van xin của ông Thỉnh không được chấp nhận.

TAND huyện Lâm Thao thụ lý vụ án theo đơn khởi kiện của chủ nợ Hợp – Hiền. “Ngày đầu tiên lên TAND huyện Lâm Thao, họ hẹn tôi 7h30 sáng nhưng tôi phải đợi đến hơn 8h. Anh Nguyễn Hà Giang (Phó Chánh án TAND huyện) bảo tôi: Vì có việc bận nên đến muộn, nhưng thực ra là anh Giang với anh Hợp (chủ hiệu cầm đồ) cùng đi ăn sáng về muộn.

Chưa hết, khi vào phòng làm việc của anh Giang, anh Hợp đã ngồi trên ghế, để nguyên giày gác chân lên bàn. Thấy tôi, anh Hợp bảo: “Ra tòa, trả nợ, không nói nhiều gì hết”.

Tôi bức xúc nói với anh Giang rằng, tôi dù là bị đơn nhưng vẫn đang là công dân. Tôi lên làm việc theo giấy mời của TAND huyện, thế nhưng, ngay tại phòng làm việc của Phó chánh án mà anh Hợp còn có những hành động như thế, tôi không làm việc nữa”, ông Thỉnh bức xúc.

video: Sổ đỏ chưa cấp đã nằm trong hiệu cầm đồ.

Vẫn theo lời kể của ông Thỉnh: “Anh Giang lúc đó mới yêu cầu anh Hợp bỏ chân xuống, rồi đứng ra hòa giải. Tôi bỏ về. Buổi trưa, anh Giang cùng một người nữa đến tận nhà tôi, mang theo biên bản hòa giải, mà chủ yếu là anh Giang đến nói với tôi là bán nhà để trả nợ, anh ấy sẽ cho người đến định giá ngôi nhà của tôi”.

Câu chuyện của ông Thỉnh chưa biết đúng sai thế nào, cần điều tra làm rõ. Tuy nhiên, chúng tôi cảm nhận được sự uất ức của ông khi kể lại hành trình vợ chồng ông bị mất nhà, ông uất hận sinh tai biến, phải đi điều trị mấy tháng trời.

Đến khi đã bị mất nhà, vợ chồng ông trắng tay ở tuổi xế chiều, đã nghĩ đến phương án bỏ quê đi biệt xứ, nhưng rồi, nghĩ lại trách nhiệm còn hương hỏa tổ tiên, vợ chồng ông gắng gượng ở lại, xin ở nhờ nhà kho của nhà văn hóa thôn, liền kề với mảnh đất hương hỏa mà tổ tiên ông bao đời giữ lại… (Còn nữa)

Thùy An

Xem thêm video clip : Phẫn nộ clip: Ông bố đánh dã man vào đầu đứa con nhỏ

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý