Đời bi kịch của Tài tử Lộc Vàng

mesuhao mesuhao @mesuhao

Đời bi kịch của Tài tử Lộc Vàng

Người nghệ sỹ già với những thanh âm sang trọng của dòng nhạc tiền chiến mà ông si mê tới “chí chết” ấy có đôi mắt rưng rưng bởi bao bĩ cực và giông bão của cuộc đời.

07/09/2014 08:03 AM
3,208

Người nghệ sỹ già với những thanh âm sang trọng của dòng nhạc tiền chiến mà ông si mê tới “chí chết” ấy có đôi mắt rưng rưng bởi bao bĩ cực và giông bão của cuộc đời. Hàng ngày, ông vẫn hát những ca khúc của một dòng nhạc đã đi qua bầu trời văn nghệ Việt Nam với biết bao trầm luân. Ngồi với ông trong một sớm chớm thu, ông nói cuộc đời ông là một nỗi đau nhưng nó đong đầy ý nghĩa...

Lận đận bên trời

 - Ảnh 1

Lộc Vàng và Toán “xồm” bên hè phố năm1994.

Lộc Vàng hay tài tử Lộc Vàng là cái tên thân thuộc mà bạn bè, những người yêu mến ông gọi. Ông tên thật là Nguyễn Văn Lộc, sinh năm 1945, con một chủ thầu lò vôi có tiếng ở Hà Nội xưa. Từ nhỏ, ông đã ảnh hưởng niềm say mê âm nhạc từ bố mình. Bố ông trước đây không học hành qua bất kỳ trường lớp âm nhạc nào, nhưng ông hát cải lương, tuồng, chèo từ gan ruột mình. Ông từng là thầy dậy hát cho ông Lê Chiêm, người hát chính của rạp hát Kim Phụng (rạp có trước năm 1954).

Trước năm 1954, đâu đâu cũng nghe người ta hát nhạc vàng (đó là dòng tân nhạc nay gọi là tiền chiến. Hồi đó vì vẻ đẹp sang trọng và đáng quý nên người ta so sánh nó quý như vàng, chứ không phải nhạc vàng hiểu theo nghĩa sến, héo úa sau này-PV) nó ngấm vào ông từ khi nào không biết. Thế nên, từ trẻ trâu, Lộc Vàng đã thuộc nằm lòng những ca khúc vang lên trong mỗi ngôi nhà thủ đô thời đó.

Sau 1954, dòng nhạc không được hát ở miền Bắc nhưng ông và hai người bạn nữa (Phan Thắng Toán và Nguyễn Văn Thành), vì quá yêu quý nên vẫn âm thầm đêm đêm tụ tập ở số nhà 125 Triệu Việt Vương, ôm đàn hát cho nhau nghe cho thỏa lòng đam mê của tuổi trẻ mà thôi. Ba anh em góp tiền mua trà ấm, “bó củi” (10 điếu thuốc lá cuộn theo bó) ngồi hát say sưa đến sáng.

Hồi đó, Lộc Vàng không có may mắn được học hành, học hết cấp hai, ông làm đủ nghề kiếm sống. 18 tuổi bố mẹ mất, một mình bươn chải đủ nghề, từ kéo xe ba gác, gánh đất, quét vôi, lái xe... Vất vả mưu sinh, nhưng đêm đêm, tiếng hát của Lộc Vàng và nhóm nhạc của ông lại vang lên trong căn nhà nhỏ. Thế nhưng, những cơn cớ của số phận đã khiến cuộc đời Lộc Vàng rơi vào vòng tù tội…

Năm 1987, những ca khúc trữ tình lần đầu được khôi phục và biểu diễn trên sân khấu. Được mời đi hát trong đêm đầu tiên ở Tràng Thi do NSND Khắc Huề làm đạo diễn. Ông rút hết những đồng tiền cuối cùng mua 30 cặp vé mời khắp bạn bè. Lần đó, Lộc Vàng đã hát “Chuyển bến”, “Thu Quyến rũ” của Đoàn Chuẩn. Đứng trên sân khấu sau nhiều năm tưởng như phải đoạn tuyệt với niềm đam mê, nước mắt ông rưng rưng bởi hạnh phúc. Niềm tin và những nỗi niềm đau đáu của ông đã trở thành hiện thực. Bởi những người bạn trong ban nhạc của ông khi ra tù đều đã quay lưng với âm nhạc, như ông Thành mắc một chứng bệnh sợ đàn, sợ nghe nhạc. Còn ông Toán thì bị mất nhà cửa, lang thang hè phố và mất năm 1994.

Người con gái chờ đợi… 17 năm

Bà Mai là bạn của em gái ông Thành. Từ năm 1965, mỗi khi nhóm nhạc của ông ngồi hát trên gác xép ở số nhà 125 Triệu Việt Vương, khi đó bà Mai 17 tuổi thường ngồi dưới chân cầu thang gác xép lắng nghe. Thỉnh thoảng bắt gặp, ông lại xoa đầu bà như cô em gái và bảo: “Đi chỗ khác chơi cho bọn anh hát”. Nhưng suốt những năm tháng đó, người thiếu nữ ấy đã trở thành khán giả đặc biệt của ban nhạc.

Và mãi tới cuối năm 1967, khi tình yêu của họ bắt đầu chớm nở thì ông vướng vào “trò đùa của số phận”. Thế rồi ông bị cuốn vào vòng lao lý. Suốt 8 năm đó, những lúc gia đình được vào thăm nuôi, bà Mai thường gửi cho ông gói thuốc lá nhưng ông không nghĩ người con gái đó vẫn đợi chờ ngày ông trở về. Ngày ra tù, gặp lại người yêu, biết bà Mai vẫn khắc khoải đợi chờ, ông không nói nên lời mà chỉ ôm bà thật chặt cho nước mắt rơi.

Ra tù, công ăn việc làm không có, tới cái quần không có mà mặc, bà Mai đã sửa lại quần của bà cho ông. Ông không hề xấu hổ và cảm thấy tự hào vô cùng bởi tình yêu của người con gái đã chờ đợi ông suốt thời son sắc. Bà Mai bỏ nghiệp diễn, khẳng khái về nhà bán đậu phụ ngoài chợ để được ở bên người mình yêu. Họ cưới nhau năm 1981 ( sau 17 năm tình yêu chớm nở), tiền bạc không có, phải đi vay khắp nơi gây dựng cuộc sống. Nhà bà Mai chỉ có mình bà và người mẹ già yếu, sống trong căn buồng 9m2 ngay trên nóc nhà vệ sinh số nhà 128 Bùi Thị Xuân, ông về ở rể để tiện bề chăm sóc mẹ. Để mưu sinh, Lộc Vàng làm nghề vôi cho HTX. Cuộc sống tuy vất vả nhưng chưa bao giờ niềm đam mê trong ông dừng lại.

Và những “tai bay”

 - Ảnh 2

Tài tử Lộc Vàng

Những tưởng cuộc sống tới đó rồi cũng phải bình yên, nào ngờ tai ương vẫn liên tiếp ập tới với cuộc đời bi kịch của ông. Năm 1991, khi con trai lớn của họ được 9 tuổi thì cả nhà bị chém bởi “tai bay vạ gió”. Hàng xóm sát vách có một con rể hay cờ bạc, cô con gái có ít tiền đi Tây về, mang gửi bố mẹ giữ hộ. Hai vợ chồng đánh nhau, cô kia sợ quá chạy xộc vào buồng ông nấp thì bị chồng đuổi theo chém chết. Mẹ vợ ông bị chém gẫy đùi để cảnh cáo, con trai ông bị chém ngang lưng, khâu 31 mũi, may mà không vào xương sống. Sau tai nạn ấy, gia đình ông lại thêm một lần điêu đứng, vay mượn khắp nơi để chữa trị cho hai bà cháu.

Sau năm đó, khi 45 tuổi, bà Mai sinh thêm con gái thứ hai nhưng bị băng huyết nằm liệt suốt nửa năm. Ba năm sau, bà lại bị trận cảm lạnh, đưa vào bệnh viện lao họ tiêm thuốc kháng sinh quá liều, nên bị chuyển sang bệnh gan.

Khi ấy ông là chủ thầu sơn vôi, cũng kiếm được tiền. Nhưng vợ bệnh như vậy thì tiền kiếm được chẳng khác nào “gió vào nhà trống”. Ông sống trong cảnh vay nợ khắp nơi, nói cho đúng là “lừa” bạn bè để có tiền mua thuốc cho vợ. “Từ lúc Mai sinh con bé thứ hai đến lúc cô ấy qua đời là 10 năm, nhưng mỗi tháng ít nhất cũng mất 5 triệu đồng tiền thuốc, tháng nào nhiều phải đến 20 triệu đồng”- ông kể.
Một mình ông làm, nuôi mẹ vợ bị xơ gan cổ chướng, nuôi vợ liệt, con què, những tháng ngày đó trong nỗi tuyệt vọng về bệnh tình của người thân, ông chạy tới khắp các đền chùa cầu xin cho người thân được sống. Cho dù bà Mai nằm một chỗ mãi như vậy nhưng ông vẫn hạnh phúc vì được hy sinh và làm tất cả cho người bạn đời và cũng là người yêu của mình.

Trước đó ông vẫn ngày là anh chủ thầu tối đến lại đi hát quán café nhưng sau này vợ ốm nằm một chỗ thì không hát nổi nữa. Hồi đó, ở Hà Nội chỉ có Z Cà phê Tông Đản là chuyên hát dòng nhạc này, khách đến quán là giới thượng lưu nên khi đi hát ngoài cát-sê ông có tiền bo cũng kha khá. Ông vẫn nhớ như in ngày sinh nhật nhạc sỹ Đoàn Chuẩn năm 2002, café Z gọi điện nhờ ông hát giúp 2 bài, tiền cát-sê họ trả là 200 ngàn đồng (cũng khá lớn khi ấy). Tiền bạc trong nhà đã cạn kiệt, mà bà Mai đã yếu lắm, không biết ra đi lúc nào. Ông đành cho bà uống thuốc ngủ để tránh những trận đau đớn triền miên, dặn con trông mẹ, mẹ tỉnh phải gọi điện thoại cho bố ngay.

Tới quán, ông xin cho mình hát trước để kịp về. Chưa bao giờ trong đời mình, ông hát mà trong lòng nóng như lửa đốt đến vậy. Hát xong ông tất tả về. Sau đó 4 ngày thì bà ra đi…

Vĩ thanh

Từ lâu lắm, Lộc Vàng vẫn luôn tâm niệm, sẽ mở một quán nhạc của riêng mình. Ở đó ông sẽ được hát. Hát cho thỏa niềm đam mê. Những năm 90, khi kinh tế ổn định, Lộc Vàng cùng bạn bè đã vài lần mở quán nhưng lận đận mãi cho tới năm 2009, quán cà phê Lộc Vàng, một góc giản dị ở ven Hồ Tây ra đời. Nói là mở quán nhưng cà phê Lộc Vàng chẳng vì mục đích kinh doanh mà chỉ là cuộc chơi của người nghệ sỹ.

Bây giờ ông đã có một không gian riêng, các con ông đã trưởng thành và đều chơi nhạc có tiếng ở Hà Nội. Ông chỉ tiếc rằng, sau quá nhiều mất mát, bà Mai đã không thể ở bên ông trong những năm tháng ông được trải lòng mình tha thiết tới những ai vì yêu quý mà tới nghe ông hát hằng đêm… Ông nói, khi nào dòng nhạc xưa còn thì cái tên Lộc Vàng cũng sẽ đứng bên cạnh. Dù dòng nhạc đó giờ đang thịnh hành và nhiều ca sỹ trẻ chọn nhạc xưa như một cách tự làm sang cho mình. Nhưng ông rầu lòng khi thấy các ca sỹ ngày nay với quá nhiều kỹ thuật nên giọng hát bị bóp méo, không lột tả đúng nội tâm của người nghệ sỹ.

Uyên Na

Xem thêm video clip : Trailer rùng rợn phim 'Ngôi làng tử khí'

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý