Đòn tâm lý của nữ cảnh sát với người vận chuyển ngoại quốc

mitdac1 mitdac1 @mitdac1

Đòn tâm lý của nữ cảnh sát với người vận chuyển ngoại quốc

(ĐSPL) Để một tên tội phạm nhận tội, thành khẩn đòi hỏi sự khéo léo và bản lĩnh của người điều tra viên. Và trung tá Trần Thị Thanh Hương là người như như thế.

19/11/2015 10:51 AM
213

Nói về những cuộc đấu trí lấy khẩu cung với người phạm tội liên quan đến ma túy, Trung tá Trần Thị Thanh Hương (Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy – Công an Hà Nội) có thể được coi là một chuyên gia. Bắt giữ được một tên tội phạm ma túy đã khó, để họ khai ra cả đường dây, phương thức, thủ đoạn không phải là điều dễ dàng. Những lúc như thế, Trung tá Hương lại phải vận dụng hết những ngón đòn tâm lý của mình.

Cô gái lau dọn và va li chứa 1,5kg ma túy đá

Ngày 25/4/2012, đồn công an cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài, Cục quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) phát hiện, bắt quả tang Ana Safitri (Quốc tịch Indonesia) có hành vi vận chuyển trái phép vào Việt Nam hơn 1,5kg ma túy Methamphetamin (ma túy đá). Ngay sau đó, vụ việc được bàn giao cho Phòng cảnh sát điều tra về ma túy – Công an Hà Nội điều tra làm rõ.

Ana Safitri sinh ra ở một quê huyện Wetes, thành phố Kediri, Indonesia. Khi mới 18 tuổi, Ana đã lấy chồng. Cuộc hôn nhân này không tồn tại lâu khi cô mất đi đứa con đầu lòng vì bạo bệnh. Năm 2010, qua môi giới, Ana sang Hong Kong làm giúp việc gia đình và quen biết Kris, người sau này là khúc ngoặt của cuộc đời cô.

Bẵng đi một thời gian, khoảng tháng 3/2012, người bạn cũ Kris bỗng dung liên lạc với Ana. Kris nói hiện cô ta không làm giúp việc nữa mà đã tìm được một công việc buôn quần áo. Thương Ana có hoàn cảnh khó khăn, cô ta có thể tạo điều kiện cho bạn tham gia kiếm thêm thu nhập.

Đang túng quẫn, Ana ngay lập tức nhận lời. Kris nói sẽ chuyển cho Ana 400.000 rupiah (tương đương 400 USD) để Ana mua vé máy bay sang Bangkok. Kris sẽ đón Ana tại Bangkok và cùng nhau làm ăn.

Ngày 30/3, Ana từ Indonesia bay sang Bangkok. Xuống sân bay, Ana mua sim điện thoại quốc tế liên lạc với Kris. Tuy nhiên, đón cô lại là Robert, người tự xưng là bạn trai của Kris. Hắn ta đưa Ana 500USD rồi bỏ đi. Dù cố gắng liên lạc lại với Kris nhưng điện thoại của người bạn gái này đã bị ngắt.

Ngày 9/4, Ana sang Niger và được một thanh niên da đen khác đón và đưa về khách sạn. Anh ta "thu" hộ chiếu của Ana cùng 500 USD mà Robert đưa cho cô lúc ở Thái Lan. Sợ hãi, Ana chỉ quanh quẩn trong khách sạn, không dám đi đâu do không có hộ chiếu.

Đến ngày 22/4, thanh niên da đen kia quay lại mang theo một valy màu đen có hoa văn, 1 vé máy bay đi Việt Nam, 1 vé máy bay từ Việt Nam đi Indonesia (chuyến bay ngày 30/4/2012) và bảo Ana mang chiếc valy này đi Việt Nam, anh ta sẽ trả lại 500 USD và cho thêm 200 USD nữa. Mở valy không có gì, Ana đã nghi ngờ trong valy có giấu ma túy.

Cô lo lắng hỏi thanh niên da đen: "Trong valy này có gì? Nếu là ma túy thì tôi không làm đâu vì tôi rất sợ bị bắt". Thanh niên da đen trả lời: "Không cần hỏi nhiều, cứ chuyển đến Việt Nam, thuê khách sạn nghỉ là lắp sim điện thoại quốc tế sẽ có người liên lạc điện thoại, gặp và nhận valy. Còn nếu không làm thì tự mua vé mà về Indonesia". Nói xong, thanh niên da đen này bỏ đi luôn.

Ở lại khách sạn với chiếc valy, Ana hết sức hoảng sợ. Không hộ chiếu, không c�� tiền mua vé máy bay, cô chỉ biết gọi điện thoại về cho người bạn trai sắp cưới tại Indonesia xin tiền. Nhưng chồng sắp cưới của cô cũng rất nghèo, không có đủ tiền gửi cho Ana. Bản thân Ana cũng không dám báo cơ quan an ninh của Niger bởi cô không thể chứng minh về chiếc valy chứa ma túy kia.

Ngày 24/4, thanh niên da đen kia quay lại. Ana đành theo anh ta ra sân bay cùng chiếc valy. Để ngụy trang, Ana cho quần áo của mình vào valy. Lúc đó thanh niên da đen mới trả lại Ana hộ chiếu và đưa cho cô  200 USD. Ana lên máy bay trong tâm trạng đầy lo sợ. Chuyến bay từ Niamey quá cảnh qua Casablanca (Marocco), Doha (Qatar) và nhập cảnh vào Việt Nam lúc 21 giờ ngày 25/4/2012 và bị bắt tại sân bay Nội Bài ngay lúc đó.

 - Ảnh 1Phóng to

Safitri lúc mới bị bắt

Cảm hóa cô gái vận chuyển “ma túy ảo giác”

Bị bắt khi vừa đặt chân vào lãnh thổ Việt Nam, Ana Safitri gần như hoảng loạn thật sự. Cô gái này liên lục nói bằng tiếng Indonesia và khóc lóc. Theo nhận định của lãnh đạo Phòng PC47, cần phải giúp cô gái này bình tĩnh lại đển đấu tranh khai thác. Nhiệm vụ này, không ai phù hợp hơn điều tra viên Trần Thị Thanh Hương.

Được giao nhiệm vụ, trung tá Hương liền lên mạng tra cứu phong tục tập quán của đất nước Indonesia, nơi Ana Safitri sinh ra và lớn lên. Không biết tiếng bản ngữ của đối tượng, chị nảy ra ý tưởng tiếp cận bằng những món quà nhỏ, mà khi còn ở nước nhà Ana Safitri vốn rất đỗi quen thuộc.

Những buổi làm việc, hỏi cung tiếp theo đối với Ana Safitri, chị Hương đều mang theo lúc thì Kopiko coffee, kẹo  Dynamite, … Những hành động tưởng như rất nhỏ khiến cô gái Indonesia xúc động, bình tâm hơn để khai rõ tội trạng của mình.

Chị Hương nhớ lại, khó khăn lắm mới tìm được phiên dịch tiếng Indonesia. Nhưng người này rất bận, chính vì thế, những buổi hỏi cung phải làm càng nhanh càng tốt. Ngoài giờ  hỏi cung, các điều tra viên nói chuyện với Ana bằng tiếng Anh. Viết kém nhưng khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh của Ana khá tốt. Những lúc trò chuyện như vậy, Ana cảm thấy gần gũi với chị Hương và các đồng đội nhiều hơn.

Biết Ana theo đạo Hồi nên kiêng thịt lợn, chị Hương luôn chuẩn bị cho cô gái này trứng rán. Càng tiếp cận nhiều, Ana càng nể phục chị Hương và các đồng đội nhiều hơn và nhiều lúc còn đặt ngược câu hỏi cho các điều tra viên về hậu quả mình phải gánh chịu của pháp luật Việt Nam.

Thậm chí về sau, vì Ana Safitri  bị tạm giam trong khu vực riêng, ít được giao tiếp nên cô này còn mong được đi hỏi cung để có thể nói chuyện với điều tra viên.

Đó chỉ là một trong nhiều lần Trung tá Trần Thị Thanh Hương trực tiếp tham gia đấu tranh vận động những đối tượng vi phạm pháp luật về vận chuyển, mua bán ma túy thành khẩn trước pháp luật. Không chỉ “đi cung” hay, chị Hương còn là một trinh sát tài.

Trong kỳ 4 của tuyến bài, chúng ta sẽ theo dõi một trong những vụ án để đời của chị Hương và các đồng đội. Chúng ta đã từng xem những bộ phim nước ngoài về những kẻ buôn bán ma túy tự điều chế chất gây nghiện. Thế nhưng, ở Việt Nam cũng đã từng có vụ án như vậy, một vụ án được gọi là “Breaking bad (tên một bộ phim Mỹ) phiên bản Việt.”.

Thành Trung

 

Đọc báo Pháp luật Đời Sống trong ngày cập nhật liên tục từng giờ tại chuyên mục Pháp Luật

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý