Đồn thổi 'thiên lôi giáng tội', người dân lập đàn cầu 'vong'

mesu mesu @mesu

Đồn thổi 'thiên lôi giáng tội', người dân lập đàn cầu 'vong'

Chỉ trong vòng ít ngày, hàng chục vụ sét đánh gây chết người xảy ra ở hầu khắp các tỉnh miền Trung. Một số gia đình các nạn nhân tổ chức mai táng một cách khá cầu kỳ, rồi cúng bái cầu cho vong linh

24/05/2015 12:10 PM
781

   - Ảnh 1

Giông sét đang trở thành nỗi ám ảnh thực sự với người dân miền Trung.

Đại họa thiên lôi

Ngày 22/5, ông Lê Hàn Phong, Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi) cho biết, chiều tối 19/5, tại thôn Con Riêng, xã Ba Trang (huyện Ba Tơ) xuất hiện mưa giông trên diện rộng, kèm theo sấm sét. Lúc này, các hộ dân trong thôn Con Riêng đang tổ chức bốc củ mì (sắn) lên xe tải để chở về xuôi tiêu thụ.

Không may một luồng sét cực mạng đã đánh trúng khu vực người dân đang vận chuyển củ mì, khiến ba người chết và ba người bị thương nặng. Các nạn nhân tử vong gồm hai cha con anh Phạm Văn L. (31 tuổi), cháu Phạm Thị Th. (6 tuổi, con anh Lo) và bà Đinh Thị Kim Th. (45 tuổi, cùng trú thôn Con Riêng, xã Ba Trang).

Thương tâm nhất là trường hợp của hai cha con anh L.o, người vợ ốm nặng, nên anh vừa phải đi bốc củ mì thuê kiếm tiền mua thuốc cho vợ, vừa phải dắt đứa con gái mới sáu tuổi đi theo. Nhưng vụ tai nạn đã cướp đi mạng sống của cả hai cha con. Ba người bị thương được xác định là ông Phạm Văn Huân (52 tuổi), anh Phạm Văn Thanh(21 tuổi, cùng trú xã Ba Trang, Ba Tơ) và ông Đinh Văn Vinh (36 tuổi, xã Sơn Kỳ, huyện Sơn Hà).

Trước đó, ngày 17/5, tại xã Ba Thành (huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi), cơn mưa lớn kèm sấm, sét cũng đánh trúng chị Phạm Thị L. (32 tuổi, thôn Trường An, xã Ba Thành) khiến nạn nhân tử vong tại chỗ.

Được biết, lúc xảy ra vụ việc chị L. đang đi chăn bò và mở nhạc điện thoại nghe nên bị sét đánh trúng gây tử vong. Tại thị trấn Phú Lộc (huyện Phú Lộc, Thừa Thiên – Huế), khoảng 14h ngày 18/5, ông Phan Th. (50 tuổi, trú tại thị trấn Phú Lộc) đang phát bờ ruộng thì bị sét đánh trúng. Chiếc mũ bảo hiểm ông đang đội bị đánh nứt làm đôi, bàn tay bị cháy đen.

Mọi người nhanh chóng đưa ông Thương đi cấp cứu, nhưng bác sỹ cho biết, ông đã tử vong trước đó. Trong vòng ba ngày (từ 17 đến 19/5), ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Trị, Bình Định, cũng ghi nhận các trường hợp tử vong do bị sét đánh trúng. Chỉ trong một thời gian ngắn liên tiếp các vụ sét đánh gây chết người, đã dấy lên những mối lo ngại về một “đại họa”, xung quanh hiện tượng thiên nhiên đáng sợ này.

Nhiều người cho rằng, bị “sét đánh” chính là bị “quả báo”, do ăn ở thất đức, gây nhiều điều xấu lúc sinh thời nên bị trời phạt. Anh Nguyễn Trọng Tiến (trú Quảng Ngãi) cho biết: “Tôi không phải là người đặt nặng vấn đề tâm linh nhưng quả thật chuyện người bị sét đánh lâu nay dân gian vẫn truyền miệng là bị trời phạt, kẻ ác sẽ bị thiên lôi dùng đinh ba giáng sấm sét xuống đầu mà chết. Nếu thật sự không phải như vậy nhiều người cùng bị sét đánh một lúc, cùng một địa điểm nhưng có kẻ lại chết, người lại không hề hấn gì...”.

Còn tại một số xã miền núi của tỉnh Quảng Ngãi, việc người bị sét đánh chết là một điềm xấu trong làng. Người làng tin rằng, việc có người trong làng bị sét đánh chết chính là điềm báo về sự quở phạt của thần linh. Chỉ có làm lễ cúng tế, xin thần linh tha tội mới mong qua khỏi kiếp nạn này.

Đây cũng là điểm khởi nguồn cho nhiều nghi lễ cúng tế phức tạp của đồng bào thiểu số. Song song với việc cúng tế cầu cho linh hồn người chết siêu thoát, việc tổ chức ma chay, an táng cho người chết cũng được các gia đình đặc biệt coi trọng.

Anh Hồ Trọng Hải (trú TT Phú Lộc, Thừa Thiên Huế) cho biết: “Khi người anh cả trong nhà bị sét đánh chết, gia đình đã phải đào huyệt sâu đến 5m, vừa chôn xong phải đổ bê tông, xây quách ngay trong ngày. Thêm vào đó, phải cắt cử người trong gia đình thay nhau túc trực khu mộ của người chết đủ 100 ngày mới thôi...”.

Không có chuyện “trời phạt”

Theo thạc sỹ Nguyễn Văn Vui, một trong những chuyên gia nhiều năm nghiên cứu về hiện tượng giông, sét tại Việt Nam, hoàn toàn không có chuyện người bị sét đánh trúng là do trời phạt.

Đây là một hiện tượng tự nhiên. Sét thực chất là những tia lửa được phát sinh do sự phóng điện trong khí quyển giữa các đám mây và đất hay giữa các đám mây mang điện tích trái dấu. Còn sấm là tiếng động do sét đốt nóng không khí tạo ra. Ngoài ra, sấm sét còn được hình thành trong các trận phun trào núi lửa, bão cát, thậm chí là một vụ cháy rừng.

Việt Nam thuộc vùng khí hậu nhiệt đới nên dòng điện sét thường rất lớn, khoảng 30kA. Việt Nam cũng là nước có tỷ lệ sét xuất hiện nhiều nhất do nằm ở tâm dông châu Á - một trong ba tâm dông của thế giới.

Tuy nhiên, sét không phân bố đồng đều giữa các quốc gia mà có sự khác nhau giữa các vùng miền. Trong đó, tập trung phần nhiều (khoảng 70%) ở vùng nhiệt đới, nơi đối lưu không khí là lớn nhất. Ở Việt Nam, trung bình mỗi năm nước ta phải hứng chịu 2 triệu cơn bão sét đánh xuống lòng đất; tập trung phần nhiều ở miền Trung và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

Hiện tại, thời tiết đang chuyển mùa, cũng là đầu mùa mưa nên những con mưa dông xuất hiện nhiều hơn kèm theo những tia sét rất nguy hiểm. Hiện chưa thể lý giải được nguyên nhân tại sao sét lại xuất hiện với cường độ và tần suất dày hơn trước, nhưng một số chuyên gia đầu ngành cho rằng, sự thay đổi này có thể liên quan đến tình trạng biến đổi khí hậu, đến diện tích rừng phòng hộ ngày càng bị thu hẹp và dân số ngày một tăng lên.

   - Ảnh 2

Nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải.

Còn nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải (viện Nghiên cứu và Ứng dụng Tiềm năng con người) cho biết tin tức, việc các gia đình có người bị thân bị sét đánh chết an táng người chết cẩn thận, xây quách bằng bê tông và cử người trông giữ là có thật. Chuyện này thực chất là xuất phát từ lời đồn về những tên đạo chích thường rình rập đào mộ để chặt lấy cánh tay của người bị sét đánh làm “bảo bối” hành nghề.

Chỉ cần đặt cánh tay đó để quay về hướng nào thì tên trộm cứ tới đó mà hành nghề, đảm bảo cuộc đào tường khoét ngạch không bao giờ bị phát giác, trộm đâu thắng đó... Ngoài ra, còn vô số lời đồn khác như dùng xương bánh chè “sao vàng, hạ thổ” chữa được bệnh, làm bùa thiêng... Tuy nhiên, cần khẳng định, tính đến hiện tại, chưa từng biết đến một trường hợp nào cho thấy khả năng thần bí như trên.

Làm gì để tránh bị sét đánh?

Tiến sỹ Nguyễn Xuân Anh (Viện trưởng viện Vật lý địa cầu) khuyến cáo người dân một số phương pháp tránh sét khi gặp mưa dông. Cụ thể, khi ở trong nhà nên đứng xa cửa sổ, cửa ra vào, các đồ dùng điện, tránh các chỗ ẩm ướt như buồng tắm, bể nước, vòi nước...

Các đường dây điện thoại hay dây điện, vì nối với lưới bên ngoài, nên rất có thể bị ảnh hưởng sét đánh lan truyền. Do đó, nên tránh xa các dây này và các vật dùng điện, giữ khoảng cách ít nhất 1m. Cần rút ăng-ten ra khỏi ti vi khi có dông.

Nếu ở ngoài trời, tuyệt đối không dùng cây cối làm chỗ trú mưa, tránh các khu vực cao hơn xung quanh, tránh xa các vật dụng kim loại như xe đạp, xe máy, hàng rào sắt. Nên tìm chỗ khô ráo, nếu xung quanh có cây cao hơn thì nên tìm chỗ thấp.

Đảm bảo thân người ở vị trí càng thấp càng tốt, tay ôm cổ, phần tiếp xúc của người với mặt đất càng ít càng tốt. Nên nhón chân, không được nằm xuống đất; đặc biệt, không đứng thành nhóm người gần nhau.

Trang Chi

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý