Dòng vốn Mỹ đang chảy vào Việt Nam

ban ban @ban

Dòng vốn Mỹ đang chảy vào Việt Nam

Dòng vốn FDI từ Mỹ chảy vào Việt Nam đang không ngừng tăng....

04/05/2015 07:30 AM
386

   - Ảnh 1

Starbucks, McDonald's - hai thương hiệu lớn của Mỹ đã vào Việt Nam

Năm 1986, Việt Nam bắt đầu thực hiện quá trình Đổi mới. Đến năm 1995, Việt Nam chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Mỹ và gia nhập Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN). Nguồn vốn FDI cũng bắt đầu “đổ” vào trong nước kể từ đây.

Với bước đặt nền móng đó, nguồn vốn từ các công ty nước ngoài đầu tư vào Việt Nam không ngừng tăng. Sự đầu tư này một mặt đã khai thác hiệu quả nguồn nhân lực dồi dào, tạo cơ hội việc làm cho hàng triệu lao động, đồng thời góp phần không nhỏ vào sự phát triển và hội nhập kinh tế Việt Nam.

Trong các dòng vốn FDI, không thể không nhắc tới các công ty của Mỹ. Nguồn vốn từ các công ty của Mỹ “rót” vào Việt Nam cũng là một phần vô cùng quan trọng. Việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Mỹ đã “cởi trói” cho các doanh nghiệp từ cường quốc này mạnh tay đầu tư hơn.

Có thể kể đến một số đại diện tiêu biểu như hãng sản xuất hàng tiêu dùng Procter & Gamble (P&G) đang xây một nhà máy tại Bình Dương với chi phí 100 triệu USD. Nhà máy này sẽ làm sản phẩm dao cạo râu Gillette.

Hay như Intel, bắt đầu hoạt động tại Việt Nam năm 2008, tập đoàn này cũng đang gia tăng “đổ” thêm tiền để đầu tư phát triển. Đại gia sản phẩm bán dẫn đang lên kế hoạch sản xuất tại đây phần lớn chip xử lý tiên tiến cho máy tính cá nhân trong tương lai.

Và mới đây là Starbucks và McDonald’s. Hai tên tuổi “đình đám” này bắt đầu mở cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam vào tháng 12/2013 và tháng 2/2014.

Với việc gia tăng không ngừng về số lượng, dòng vốn của các công ty Mỹ đang được hi vọng sẽ là “làn sóng mới”, thổi bùng lên sự phát triển mạnh mẽ nền kinh tế Việt Nam.

Để có được dòng vốn đầu tư nước ngoài dồi dào như trên là do Việt Nam có những lợi thế riêng của mình. Trong đó, chi phí lao động thấp là yếu tố hàng đầu. Bên cạnh đó, sức mua của người tiêu dùng Việt Nam ngày càng tăng, lạm phát được kiềm chế và nhiều biện pháp nới lỏng quy định nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

   - Ảnh 2

Intel đang đầu tư vốn mở rộng tại Việt Nam

Ngoài ra, một yếu tố không thể thiếu chính là Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) về tự do thương mại, mà Việt Nam là một trong 12 nước đang tham gia đàm phán. Thời gian tới, nếu thỏa thuận về Hiệp định được thông qua, Mỹ sẽ trở thành đối tác quan trọng hơn với kinh tế Việt Nam trong tương lai.

Việc thắt chặt quan hệ với Mỹ sẽ còn giúp Việt Nam hưởng lợi lớn trong nhiều lĩnh vực khác. Trong khoảng 4,5 triệu người Việt sống tại nước ngoài, khoảng 2 triệu là đang ở Mỹ. Trong đó, nhiều người đã làm nên tên tuổi trong giới kinh doanh. Đó là ông Henry Nguyễn - người đã mang McDonald’s tới Việt Nam, và David Thái - nhà sáng lập chuỗi cà phê Highlands.

Theo thống kê của Bộ Ngoại giao, khoảng 180.000 công ty tại Mỹ do người Việt Nam sở hữu, đạt tổng doanh thu 20 tỷ USD. Thắt chặt quan hệ giữa hai nước có thể kích thích dòng tiền lớn hơn chảy xuyên Thái Bình Dương.

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch - đầu tư), tính đến nay Mỹ đã đầu tư khoảng 11,03 tỉ USD vào Việt Nam.

Trong đó tập trung vào lĩnh vực dịch vụ lưu trú và ăn uống với 17 dự án với tổng số vốn đăng ký xấp xỉ 4,68 tỉ USD (chiếm 42,3% tổng vốn đăng ký của Hoa Kỳ tại Việt Nam).

Chỉ tính riêng ba tháng đầu năm 2015, các nhà đầu tư Mỹ đã rót thêm 70 triệu USD vào Việt Nam với tám dự án FDI mới và hai dự án tăng vốn. Phần lớn các nhà đầu tư Mỹ chọn hình thức đầu tư 100% vốn (chiếm 74,8% tổng vốn đăng ký).

Quy mô vốn bình quân một dự án của Mỹ là khoảng 15 triệu USD, cao hơn so với mức bình quân chung của một dự án đầu tư là 14,5 triệu USD.

Văn Nguyễn

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý