Đốt đô la giả giải xui, người bán vé số có đáng bị xử lý?

mesu mesu @mesu

Đốt đô la giả giải xui, người bán vé số có đáng bị xử lý?

Theo luật sư, cơ quan điều tra phải làm rõ nguồn gốc số tiền đô la giả, mục đích sử dụng số tiền này, quá trình lưu hành số tiền từ đó mới có căn cứ xử lý.

27/05/2015 10:05 AM
187

Mới đây, dư luận xôn xao trước sự việc VKSND tỉnh Đồng Tháp phê chuẩn quyết định khởi tố, bắt giam có thời hạn đối với Lê Văn Lượng (SN 1975; ngụ ấp Vĩnh An, xã Vĩnh Hội Đông, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) về hành vi lưu hành và tàng trữ đô la giả.

Tin tức từ cơ quan chức năng cho hay, tối 8/5, tại khu vực chợ Lấp Vò thuộc khóm Bình Thạnh 1, thị trấn Lấp Vò, huyện Lấp Vò, lực lượng chức năng bắt quả tang Lượng đang giữ 34 tờ mệnh giá 1.00 USD có dấu hiệu lạ. Qua trưng cầu giám định, số USD đã thu giữ là giả.

   - Ảnh 1

Luật sư Giang Hồng Thanh - Trưởng Văn phòng luật sư Giang Thanh.

Tại cơ quan điều tra, Lượng khai nhận số USD trên mua ở huyện An Phú (tỉnh An Giang). Do hằng ngày đi bán dạo vé số nên Lượng thường dùng USD giả để đốt xả xui mỗi khi bán ế. Những lần đầu, thấy đốt có “hiệu nghiệm” nên Lượng mua về nhiều để mang theo, dùng giải xui.

Trước sự việc trên có nhiều ý kiến độc giả thắc mắc rằng việc khởi tố đối với Lê Văn Lượng ở đây đã đúng pháp luật chưa khi anh này cho rằng chỉ mua để đốt giải xui?

Băn khoăn nữa được nhiều người đặt ra là việc hiện nay có nhiều loại tiền vàng mã được in giống tiền thật khiến nhiều người dân hết sức khó phân biệt. Vì vậy, nhiều người đặt câu hỏi, có chăng họ sẽ bị vin vào hành vi và tội danh tương tự khi mang những loại tiền này?

Thắc mắc thứ ba là việc số tiền giả của anh Lê Văn Lượng lại là ngoại tệ (USD) nên có thể anh Lượng không hay biết đó là tiền giả hay tiền vàng mã nên đã mua đốt. Như thế hành vi của anh Lượng cần được xem xét lại?

Giải đáp thắc mắc trên, PV Người đưa tin có cuộc trao đổi với Luật sư Giang Hồng Thanh – Văn phòng luật sư Giang Thanh (Đoàn luật sư Hà Nội).

   - Ảnh 2

Nhiều loại tiền vàng mã có màu giống với tiền thật được lưu hành trên thị trường (Ảnh Internet)

Trên góc độ pháp lý, Luật sư Thanh phân tích, tiền giả là loại giấy tờ được làm giống như tiền thật nhưng không phải do cơ quan có thẩm quyền tổ chức in, đúc, phát hành.

Tại Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17/4/2003 của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật hình sự, tiền giả bao gồm tiền đồng Việt Nam giả và ngoại tệ giả; ngân phiếu giả, công trái giả bao gồm ngân phiếu, công trái giả ngân phiếu, công trái của Việt Nam hoặc của nước ngoài phát hành, nhưng có giá trị thanh toán tại Việt Nam.

“Như vậy, ngoài tiền đồng Việt Nam, việc làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành đô la Mỹ giả hoặc các loại ngoại tệ giả khác trên lãnh thổ Việt Nam cũng là hành vi vi phạm pháp luật. Việc xác định tiền thật hay giả do cơ quan giám định (Bộ Công an) hoặc cơ quan chuyên môn (Ngân hàng Nhà nước) thực hiện” – Luật sư Giang Hồng Thanh nêu rõ.

Về việc vừa xảy ra tại tỉnh Đồng Tháp, luật sư Thanh khẳng định: Cơ quan điều tra sẽ phải làm rõ nguồn gốc số tiền đô la Mỹ giả, mục đích sử dụng số tiền này, quá trình lưu hành số tiền… để từ đó xác định việc người đàn ông bán vé xổ số tàng trữ số tiền này có phải là hành vi vi phạm pháp luật hình sự hay không.

Trong trường hợp mặc dù người đàn ông đó khai rằng ông ta chỉ mang theo số tiền này để đốt giải xui mỗi khi ế vé số, nhưng cơ quan điều tra lại chứng minh được ông ta đã từng sử dụng số tiền này như là sử dụng tiền thật, hoặc có ý thức làm cho người khác tin rằng đó là tiền thật, hoặc biết rằng số tiền này là tiền giả nhưng vẫn cất giữ… thì đương nhiên hành vi của người đàn ông vẫn là hành vi vi phạm pháp luật. Cụ thể là phạm vào Điều 180 Bộ luật hình sự quy định về Tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả.

Về vấn đề lo lắng của người dân khi tiền vàng mã giống với tiền thật Luật sư Thanh phân tích: "Đối với việc sản xuất vàng mã giống với tiền thật, đây là hành vi đã bị nghiêm cấm".

Tại Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 130/2003/QĐ-TTG ngày 30 tháng 6 năm 2003 về việc Bảo vệ tiền Việt Nam, khoản 3 Điều 3 quy định: “Nghiêm cấm sao chụp tiền Việt Nam với bất kỳ mục đích nào không có sự chấp thuận trước bằng văn bản của Ngân hàng Nhà nước”.

“Những năm trước ở nước ta phổ biến tình trạng sản xuất vàng mã giống với tiền thật, tuy nhiên cho đến thời điểm hiện nay, vàng mã đã được sản xuất với hình dạng, kích thước, chất liệu, màu sắc, nội dung… có sự khác biệt rõ ràng so với tiền thật. Do đó việc sản xuất cũng như việc mua bán, sử dụng vàng mã không phải là hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền giả” – Luật sư Thanh nhận định.

Luật sư Thanh cũng cho rằng, cơ quan chức năng cần ban hành những văn bản hướng dẫn cụ thể hơn nữa về vấn đề tiền giả để mọi người cùng hiểu và phòng tránh.

Nhất Nam

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý