Đứa bé là gì sau tội ác hiếp dâm? - Kỳ 3: Khi ông nội làm ác: tình cha, tình con

mesu mesu @mesu

Đứa bé là gì sau tội ác hiếp dâm? - Kỳ 3: Khi ông nội làm ác: tình cha, tình con

Nhà của anh Huy, chị Mỹ Ngọc (xã Xà Phiên, Long Mỹ, Hậu Giang) chỉ là một túp lều bằng lá dừa nước, nền đất. Kế bên nhà là chòi của ông nội các con anh chị, cha của anh Huy.

23/07/2014 12:15 PM
2,570

Từ hai túp lều, người nhà có thể thấy mặt nhau, nhưng đã nhiều tháng nay, họ không còn đủ can đảm nhìn mặt nhau nữa.

“Ông nội làm vậy em con chết thì sao?”

Chỉ cao hơn 1 m một chút (7 tuổi), bé Hiền đã phải chịu những tổn thương không bù đắp được, do chính người thân trong nhà gây ra

Vừa qua tết, vợ chồng anh Huy, chị Ngọc đi lên Sài Gòn làm ăn. Anh làm bốc vác ở cảng Đồng Nai, chị đổ quần áo xô ra đường bán.

Chị Ngọc kể: “Trước khi tôi đi, tôi có kêu cậu qua giữ mấy đứa con dùm, nhưng ông nội ở kế bên giận hờn, bảo mướn người ta giữ mà không cho ông giữ cháu”. Chiều lòng cha già đã 84 tuổi, anh chị để 4 đứa con thơ, đứa lớn nhất mới học lớp 3, cho ông nội ở nhà chăm sóc.

Một ngày vừa đổ quần áo ra hàng, chị Ngọc nghe điện thoại, cô giáo trên trường điện thoại gọi anh chị về quê gấp: con Hiền, đứa con 7 tuổi của anh chị, đã bị hiếp dâm.

Sáng hôm ấy đi học, thằng Ngoan (anh cả, là anh trai kế của Hiền) khi đi học và giơ tay phát biểu, bị thầy giáo phát hiện cánh tay bầm đen. Thầy giáo gặng hỏi vì nghĩ thằng bé đánh nhau. Thằng bé bảo: “Ông nội đánh em!”.

Nhà trường đưa bé lên văn phòng, hỏi kỹ lưỡng, thằng bé kể lại thấy ông nội “làm vậy” với em gái nó.

Thằng Ngoan nói: “Ông nội ơi, con Hiền nó còn nhỏ, ông nội làm vậy nó chết là ông nội ở tù”, vậy là ông đánh nó bầm tím từ đầu tới chân.

Khi các giáo viên gọi Hiền lên hỏi, con bé kể lại chuyện ông nội làm với em. Nhà trường lập tức gọi cho công an. Người đã hiếp dâm cô bé 7 tuổi không ai khác lại chính là... ông nội đang trông giữ chúng ở nhà.

Khi về đến nhà, anh Huy đau đớn khi phát hiện ra tất cả họ hàng anh chị em đã biết cha mình làm vậy với con mình, nhưng giấu nhẹm, không ai nói gì hay bảo vệ đứa nhỏ. Chị Ngọc thở dài: “Nếu không có vết đánh đó, anh em họ hàng gì cũng giấu hết. Thầy giáo cởi đồ thằng bé ra từ đầu tới chân toàn vết đánh”.

Tình cha hay tình con?

Nghèo khổ cùng cực, không mảnh đất trồng trọt, họ mới bỏ quê lên Sài Gòn kiếm sống, nào ngờ con ở nhà lại bị cưỡng hiếp.

Đứng từ bên lều nhà mình, nhìn qua người cha 84 tuổi đang lọ mọ xếp đồ đạc, anh Huy lại nhìn đứa con mới 7 tuổi, gầy như tàu lá của mình cứ ngồi im hàng giờ liền. Có khi vừa ngồi nhìn vào vách lá, miệng nó vừa nhép nhép, như muốn nói gì đó rồi lại giật mình khi ai đó lay phải.

Những ngày đó, công an đi lại làm việc liên tục. Cả gia đình anh Huy co cụm trong sự giận dữ của họ hàng. Nhiều anh chị ruột đến năn nỉ anh Huy xin tha tội cho cha, hàng xóm lại bảo “ổng làm con bà vậy, bà cho ổng ở tù mọt gông luôn đi”. Con bé không học hành gì được nữa, lơ mơ như một đứa trẻ mất hồn. Thầy cô cũng không biết làm sao để giúp đỡ em bé.

Nhà ở sâu trong đồng, đi qua những đoạn kênh và đường hẹp, cái nghèo đã đẩy vợ chồng anh Huy đi làm ăn xa, để lại 4 đứa con với người thân và cả rủi ro xung quanh các em

Có khi con Hiền hỏi mẹ: “Giờ ông nội vậy mẹ tính sao? Con không thương ông nội nữa. Con buồn lắm”.

Đến một hôm, chị mua được tờ vé số trúng 100.000 đồng, chị nghĩ dắt con bé đi chơi cho nó bớt sợ. Cả nhà chở nhau trên xe máy, đi ra huyện chơi hết thú nhún, ngựa gỗ, vòng quay, hết nửa ngày trời và tất cả những đồng bạc lẻ còn lại trong túi của cả nhà. Đó là lần đầu tiên con Hiền cười lại sau vụ việc.

Nhưng bi kịch của vụ cưỡng hiếp chưa dừng lại ở đó. Dù con bé chịu đi học, chịu học bài và bớt đi những lúc “khùng khùng” như mẹ nó thấy, thì vụ án sắp xử với người cha già 84 tuổi lại khiến vợ chồng anh không biết phải làm gì.

Anh Huy nói trong nước mắt: “Một bên thì con, một bên thì cha. Cha sanh đẻ nuôi mình lớn, giờ xảy ra chuyện vầy, không lẽ mình nói cho cha mình ở tù suốt đời? Con mình cũng còn nhỏ. Cha mình thì già, không biết sống được bao lâu nữa. Con thì mình kiếm được, chứ cha mình không kiếm được. Tôi nghĩ nhiêu đó thôi, khi ra phiên tòa tôi cũng sẽ xin tội cho cha”.

Những bữa cơm nhà nghèo vẫn được chị Ngọc nấu đủ, cho thằng con lớn bưng qua cho nội, rồi thu chén dĩa về rửa, nhưng con Hiền thì không nhìn mặt ông nữa, và ông không được phép đi qua nhà nữa.

Đi từ đầu làng cuối xóm, ở đâu chị Ngọc cũng nghe người ta xúi giục mình “Cho ổng tù mọt gông đi!” hoặc trách cứ “Ai biểu mày đi mần ăn, vứt con ở nhà cho ổng”.

Chị Ngọc kể: Hàng xóm cứ hỏi này kia, hỏi giờ ổng bị sao, đi ra chợ người ta cứ hỏi miết, không biết đường trả lời luôn. Người ngoài thì nói ra, nói ác, người trong nhà thì nói vào, xin xỏ, không biết bao giờ mới kết thúc.

Xấu hổ vì cha, đau khổ vì con, anh Huy đứng ở giữa không biết phải làm sao. Anh chỉ ra ngoài vào ban đêm để đi cắm câu, không bao giờ bước ra đường để đi cà phê hay gặp bạn bè cùng xóm như trước, không dám đi đến đâu có người quen trong xóm. Anh nói: “Mình khổ tâm lắm!”.

Cuối học kỳ II, con Hiền được giấy khen vì lời hứa đi công viên chơi với ba má. Nhưng hết mùa hè này, chị Ngọc bảo phải chuyển trường cho nó sang nhà bà ngoại học, chứ không chịu nổi người ta nói mãi thế này....

Anh Huy đỏ con mắt nhìn cơn mưa chiều. Con Hiền gầy như đọt chuối ở tuổi lên 7, xanh xao ngồi gặm trái xoài. Hiền trầm ngâm nói với tôi: “Chú công an bảo con sẽ cho ông nội 5 ngày mới ăn cơm một lần. Con xin chú cho ông nhịn 2 ngày thôi, rồi Hiền cho ăn, chứ không ổng chết mất. Ổng già rồi”.

Chị Ngọc nói rằng chị chưa bao giờ kể cho con nghe về chuyện con gái có thể bị người ta làm gì, chị không nghĩ xa như vậy, và chị không nghĩ chuyện đó có thể xảy ra với đứa bé 7 tuổi con gái của mình nhanh như thế....

Chị Nguyễn Lam Anh - nhân viên xã hội của tổ chức phi chính phủ Partage - kinh nghiệm 9 năm làm việc trong lĩnh vực chống xâm hại tình dục trẻ em mô tả trường hợp của bé Hiền:

Hiền còn quá nhỏ để hiểu tình dục là gì. Ảnh hưởng của việc đó đến bản thân mình em cũng chưa hiểu. Sự tác động của dư luận xã hội đối với em và gia đình rất lớn: hàng xóm láng giềng bàn tán, những ánh mắt thương hại, những lời nói xầm xì. Đặc biệt là vùng nông thôn thì sẽ trở ngại cho cuộc sống của em trong tương lai; ngay cả việc em lấy chồng sau này. Em và gia đình phải đối mặt hằng ngày.

Điều quan trọng không phải giúp em quên đi việc xảy ra mà hãy giúp em chấp nhận những việc xảy ra để tiếp tục học tập và sống. Đó là tai nạn và sự cố trong cuộc sống mà lỗi không hoàn toàn do em. Không ảnh hưởng đến phẩm chất của em. Niềm tin, sự tin tưởng cũng là yếu tố cần thiết để giúp em vượt qua: ba mẹ phải tin tưởng trẻ, cho trẻ hiểu là ba mẹ luôn hỗ trợ, giúp đỡ và đồng hành cùng trẻ. Sự lắng nghe, tôn trọng và chấp nhận giá trị của con người em.

Việc nâng cao nhận thức cho người dân trong cộng đồng là điều quan trọng để mọi người có thể tự bảo vệ cho con em của mình. Trẻ em cũng cần phải được dạy cách từ bảo vệ bản thân mình. Trẻ nhỏ 3 tuổi là có thể bắt đầu dạy cách tự bảo vệ cơ thể của mình.

(*) Tên các nhân vật đã được thay đổi

 

Theo Thanhnien.com.vn

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý