'Đừng cứ thế là vắt, là bóp các em'

mesuhao mesuhao @mesuhao

'Đừng cứ thế là vắt, là bóp các em'

Theo PGS.TS Trịnh Hòa Bình, nếu khai thác Quang Anh, Mỹ Chi theo hướng bóc lột sẽ gây hại đến cho các em , và cho cả cộng đồng.

27/09/2013 09:09 AM
1,550

Những thành công vang dội cuộc thi đã biến Phương Mỹ Chi và Quang Anh trở thành một cái tên rất 'hot' của những sân khấu âm nhạc lớn nhỏ trên toàn quốc. 

Chính bởi vậy, khi đạt được thành công sau cuộc thi, ngoài số tiền giải thưởng dành cho người chiến thắng tại cuộc, đây còn là cơ hội rất tốt để các em kiếm thêm thu nhập để giúp đỡ gia đình. 

Quang Anh và Phương Mỹ Chi khoảnh khắc được xướng tên trong đêm chung kết The Voice Kids 

Do chưa phải trong độ tuổi tự lập, nên định hướng phát triển của các em phụ thuộc hết vào quyết định của gia đình. Bởi thế cho nên, sau khi thấy lịch chạy show kín mít của Phương Mỹ Chi và Quang Anh, cộng thêm những thông tin về giá cát-xê khủng của Phương Mỹ Chi được đăng tải trên một số báo đã khiến nhiều người đã tỏ ra lo ngại về sự phát triển của các em.

Cũng từ câu chuyện đó đã nảy sinh ra 2 luồng ý kiến trái chiều nhau, một đồng tình cho các em tạm gác việc học lại tập trung chạy show kiếm tiền, một phản đối gay gắt việc chạy show triền miên của các em sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng.

PV đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Trịnh Hòa Bình - Giám đốc Trung tâm Dư luận xã hội - Viện Xã hội xung quanh câu chuyện này. 

GS.TS Trịnh Hòa Bình - Giám đốc Trung tâm Dư luận xã hội - Viện Xã hội 

- Thưa ông, ông nhìn nhận như thế nào về câu chuyện 'gác show để học' hay 'gác học chạy show' của Phương Mỹ Chi và Quang Anh gây tranh cãi trong những ngày vừa qua?

Xung quanh câu chuyện này có nhiều cách nhìn nhận, nhiều cách đánh giá nhưng dẫu thế nào chăng nữa thì thấy cũng phải nói rằng mười mươi các em đang phải gánh những cái áp lực rất lớn.

Đó không chỉ là áp lực của sự phải nối tiếp những thành công đã có, cả áp lực phải đi tiếp con đường có thể không phải do các em lựa chọn mà do những người khác đạo diễn, gửi gắm, do lợi ích từ các phía khác.

Dẫu nhìn nhận thế nào chăng nữa thì đó cũng là những áp lực, lại còn thêm áp lực phải nhập thân như thế nào để toàn tâm toàn ý cho lĩnh vực âm nhạc, hay là vẫn phải tiếp tục học hành.

Tuy nhiên, với một lịch chạy show kín nghẽn như vậy, chúng ta có thể sử dụng một hình ảnh các em đó bị tước đoạt tuổi thơ.

Điều đó sẽ dẫn đến một cái hệ lụy là nếu không phân phối tốt thì không chỉ ảnh hưởng đến việc học hành trước mắt mà nó còn liên quan đến sức khỏe. Mà thậm chí còn ảnh hưởng đến khả năng chuyên môn âm nhạc của các em.

Tất cả tài năng đều cần phải được hun đúc, vun trồng. Tới thời điểm bây giờ, các em không phải là những người được đào tạo bài bản có tính chất hàn lâm kinh viện, được tắm trong môi trường âm nhạc để có nội lực thâm hậu để đi xa và vươn cao.

Vì thế ngay cả việc chỉ muốn phát triẻn về âm nhạc đi nữa thì cũng phải có những chương trình, những kế hoạch thích hợp đi kèm quá trình đào tạo cơ bản chứ không phải là có được cái tín hiệu, thành công, thắng lợi, sự bùng nổ sau một chương trình rồi cứ thế rồi cứ thế "vắt" cứ thế là "bóp" các em nhỏ.

Cái nam châm điện dùng nhiều cũng phải mòn. Kể cả lựa chọn âm nhạc không mà không có kế hoạch và sự ngơi nghỉ hợp lý thì cũng đe dọa nhãn tiền đến chất lượng.  

- Nhưng đây là một cơ hội kiếm tiền rất tốt để giúp đỡ gia đình đang gặp nhiều khó khăn của hai em và có thể cơ hội này sẽ chẳng quay lại nữa?

Lựa chọn nào sẽ cho kết quả đó. Nếu chúng ta xác định mục đích trước mắt là kiếm tiền thì gạt tất cả các việc khác sang một bên để kiếm tiền. Tất nhiên sẽ phải trả giá, sẽ có hệ lụy kể cả về sức khỏe đến việc phát triển đường dài trong lĩnh vực đó.

Kịch bản thứ 2 là gác việc chạy show lại để tập trung học hành chưa hẳn đã tuyệt đối hay. Cũng không thể nào từ chối nhất loạt việc đến với sân chơi âm nhạc nếu có thể bố trí được thời gian.

Đây không phải là giải pháp trung dung, một phép cộng thuần túy để có được điểm ở mọi phía nhưng tôi nghĩ rằng quan tâm sự phát triển lâu dài, phát triên toàn diện sức khỏe, trí tuệ, tâm hồn lâu dài của các cháu đó thì nên chăng hãy lựa chọn một kịch bản vừa phải để vẫn có thể đảm bảo việc học hành phát triển đúng với lứa tuổi đồng thời không bị suy giảm hao mòn bỏ đi một cách lãng phí những thành công, những thắng lợi đã đạt được.

- Nếu gia đình tiếp tục cho Phương Mỹ Chi và Quang Anh chọn chạy show kiếm tiền ...?

Tôi cho rằng nếu khai thác một cách kiệt quệ như đào những vỉa than, đào hối đào hả xong cuối cùng để lại lẫn dưới đấy rất là nhiều quặng chẳng khai thác được hết chỉ nó làm nghèo kiệt đi. Chẳng có lợi gì cả.

Hai trường hợp tài năng nhí này nếu khai thác theo hướng 'bóc lột', thì chắc chắn là bất lợi cho các em ấy, cho chính cả cộng đồng nếu các em ấy là những tài năng.

Chúng ta lấy ví dụ như diễn viên Hùng Thuận được biết đến với vai An của bộ phim 'Đất rừng phương Nam' từng được đẩy tới quá mức, hay là giọng hát của bé Xuân Mai.

Ở đây tôi không muốn nói là bị bóc lột, khai thác, nhưng không có gì đảm bảo rằng lóe sáng trong một thời điểm nào đó mà không có sự vun trồng một cách khoa học, hợp lý thì rất có khả năng sẽ bị thui chột.

Thêm một cái hậu quả nữa, còn nguy hiểm hơn, đó chính là sự nghèo kiệt, xơ cứng về tâm hồn. 

 

- Vậy nếu là ông, ông sẽ lựa chọn ...?

Lựa chọn thuộc về gia đình. Nếu gia đình cho rằng lợi ích của con trẻ của gia đình mình là như thế nào. Chúng ta không thể làm thay được họ. Bởi lẽ đúng là thời cơ có thể sẽ không trở lại. Nhưng nhân thời cơ đó để vắt kiệt thì sẽ có hệ lụy đi kèm. Bởi thế chính gia đình phải tự giải bài toán đó.

Cá nhân tôi không chủ trương vắt kiệt quệ để kiếm tiền. Bởi tính lâu dài thì tiền bạc nó vẫn về sau này, lại ổn định và vững chắc hơn.

Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Theo Tri thức trẻ

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý