‘Edison’ tuổi Nhâm Thìn

mitdac1 mitdac1 @mitdac1

‘Edison’ tuổi Nhâm Thìn

Là cha đẻ của hơn 100 sáng chế kỹ thuật lớn nhỏ, kỹ sư Nguyễn Duy Tiến (TP Hải Dương) vẫn ấp ủ nhiều công trình, tuy không cao siêu, nhưng hữu ích cho đời sống người dân.

25/01/2012 08:35 AM
1,195

Ngày giáp Tết Nhâm Thìn, thầy giáo Nguyễn Duy Tiến, người được mệnh danh là Edison của Việt Nam mới có thời gian xách máy ảnh đi chụp chợ hoa. Nhưng chỉ một lát đã có điện thoại từ Nam Định gọi đến, đặt một máy ấp trứng công suất 5.000 quả mỗi mẻ. Trao đổi với khách xong, ông cúp máy rồi cho hay "vị này khách quen, nông dân nuôi gà có tiếng ở Nam Định đấy".

Sinh năm Nhâm Thìn 1952, đến xuân này thầy Tiến vừa hoàn thành một vòng “hoa giáp”, nhưng vẫn nhanh nhẹn như thanh niên. Từng tốt nghiệp ĐH Sư phạm, sau đó là khoa Toán ĐH Tổng hợp, thầy Tiến có niềm đam mê sáng chế. Hơn 100 sáng chế kỹ thuật lớn nhỏ và hàng loạt giải thưởng, danh hiệu đã mang lại tên gọi “Edison” cho ông.

Nổi tiếng nhất là máy ấp trứng gà, còn được gọi với tên khác đầy trìu mến: Gà mái điện tử. Đây cũng là sáng chế được ấp ủ lâu nhất. Ý tưởng hình thành từ khi ông còn đi bộ đội, ở trọ một gia đình nông dân chăn nuôi vịt. Thấy họ ấp trứng bằng đèn dầu, tỷ lệ nở thấp, ông đã nghĩ tới việc làm máy ấp trứng.

Tuy nhiên, mãi 20 năm sau khi có điều kiện ông mới thực hiện được ý tưởng này. Chiếc máy ấp tự định giờ đảo trứng, giữ nhiệt độ chuẩn đầu tiên ra đời năm 2001 mang lại cho ông một loạt giải thưởng. Hoạt động ổn định, giá không đắt, lại không đòi hỏi cao như máy nhập từ Pháp, Đức, đến nay máy ấp trứng gà của ông Tiến có mặt khắp nơi.

Sáng chế đến với kỹ sư Nguyễn Duy Tiến nảy sinh theo cách rất tự nhiên. Xong máy ấp trứng gà, có người đặt hàng ông làm máy ấp trứng gà lôi (chim trĩ), trứng cá sấu, trứng rắn. Ông tự nhận, các công trình đều xuất phát từ thực tế, chứ công nghệ chẳng có gì cao siêu.

Ngoài mảng “ấp trứng”, sáng chế tâm đắc của ông Tiến là cải tiến kỹ thuật dây chuyền sản xuất gạch làm tăng năng suất gần 40%. Không tiết lộ cụ thể vì đối tác đòi phải bí mật, ông cho biết, sáng kiến này đến cũng tình cờ. Trong lần đi thực tế cho đề tài ấp trứng cá sấu, ông tham quan một cơ sở sản xuất gạch. Xem thiết bị nhập từ Hàn Quốc và Trung Quốc vận hành, ông nhận xét là chưa tối ưu.

Với một chút cải tiến ở bộ định thời gian, dây chuyền mới hoạt động hiệu suất hơn hẳn. Ông bảo may mắn là doanh nghiệp đó đồng ý cho thí nghiệm ngay trên dây chuyền của họ bởi không có mạnh thường quân, công trình khoa học sẽ mãi chỉ nằm trên giấy.

Không phải lúc nào Edison Việt Nam cũng thành công mỹ mãn. Cách đây vài năm ông từng chế ra máy soi thịt ôi, nhưng chưa phổ biến được thì nay trên thị trường đã đầy máy nhập.

Hay như năm 2009, ông hoàn thành chiếc máy phá bèo và phá chướng ngại vật trên sông, mục đích là giúp dọn sạch con sông Cầu Cất chảy ngay sau nhà. Ở đó, cứ mỗi dịp cuối năm lại tắc nghẽn vì bèo, bát hương và đồ dùng cũ của người đã khuất, bị người nhà mang ra thả sông. Máy làm xong nhưng chưa bao giờ được sử dụng vì ông thấy có một đơn vị gồm mấy chục lao động đang làm công việc dọn vệ sinh. Nếu đưa máy vào, có thể họ sẽ mất việc.

Dù khẳng định các sáng chế của mình không cái nào viển vông, nhưng nhắc lại thời kỳ đầu với công trình đầy trắc trở là chế tạo xe máy, ông Tiến phải tự nhận mình là “hâm”. Năm 1981, ông đã có chiếc Honda 67, với mặt bằng chung lúc đó là hiếm. Thế nhưng ông lại bán đi để có tiền theo đuổi ước mơ “xe máy riêng”.

Ông đi mua máy, khung xe thanh lý về chế tạo và đã làm được chiếc xe trong bối cảnh có thể gặp nhiều rủi ro. "Mình có ông chú là thợ hàn giỏi nhất Hưng Yên, chỉ vì rút khung xe đạp mà suýt đi tù. Xe đạp Liên Xô lúc đó thường cao so với người Việt nên phải rút khung, thay vành cho phù hợp. Thế mà mình còn chế cả xe máy", ông nói.

Và chiếc xe máy chế này đúng là đã mang đến tai họa. Trong lần đi thử xe, ông chọn đường thật xấu để thẩm định chất lượng cho kỹ. Vợ ông ủng hộ chồng nên xin đi theo. Lúc này bà đang mang bầu và đường quá xóc nên bị sảy thai. Cuối cùng, công trình xe máy phải bỏ dở.

Sau sự cố ấy, các sáng chế của ông Tiến chỉ xuất phát từ nhu cầu thực tế, hoặc theo đơn đặt hàng. Máy soi thịt ôi ra đời sau lần ông ăn giò chả bị đau bụng. Máy đưa nôi tự động làm để tặng cháu nội. Các máy ép mùn cưa, ép than tổ ong… đều bắt nguồn từ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày.

Vì chỉ làm để phục vụ sản xuất và đời sống, chứ không dám nhận là “nghiên cứu khoa học” nên ông Tiến cho biết chẳng thấy khó khăn về kinh phí như các nhà khoa học khác. Sang năm Nhâm Thìn, ông đang ấp ủ dự định làm máy… ngửi gạo tám thơm, để phân biệt gạo tám thật với gạo pha hương liệu. Ông nhận định, đây sẽ là một công trình khó khăn.

Không chỉ nghiên cứu, sáng chế, ông Tiến còn sáng tác kịch truyền hình, làm thơ và đảm nhận giảng dạy tại Trung tâm kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp Hải Dương. Trong lĩnh vực đào tạo nghề, đến nay ông là một trong số ít giáo viên giành được danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc. Ông đang rất lo lắng cho việc dạy nghề bởi nó đang “thoi thóp”.

Ông giáo 60 tuổi chia sẻ, đào tạo kém do học sinh không thích học mà cũng do việc dạy chưa bám sát đời sống. Nhiều sinh viên ra trường phải học lại vì chưa làm được việc ngay. Nghiên cứu khoa học trong ngành giáo dục thì phần nhiều xuất phát từ danh hiệu thi đua, mà đã đăng ký danh hiệu nên phải có một vài đề tài, chứ không xuất phát vì đề tài mới mẻ hữu ích.

Trước khi xách máy ảnh hối hả chạy ra chợ hoa để "sáng tác", nhà sáng chế Nguyễn Duy Tiến chúc bạn đọc của VnExpress, các bạn sinh năm Nhâm Thìn 1952 và các em, các cháu sinh năm Thìn khác một năm mới “ăn như rồng cuốn, nói như rồng leo, và làm như rồng bay".

Là "cha đẻ" của hơn 100 sáng kiến khoa học phục vụ nhu cầu thực tiễn của xã hội, kỹ sư Nguyễn Duy Tiến đã giành khoảng 16 giải thưởng sáng tạo kỹ thuật của tỉnh Hải Dương và trung ương; 9 lần được cử đi dự đại hội thi đua yêu nước của tỉnh, ngành, trung ương.

Kiều Trinh

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý