Em gái Cường đô la: ‘chủ nợ’ trăm tỷ ‘không danh phận’ của QCG?

ban ban @ban

Em gái Cường đô la: ‘chủ nợ’ trăm tỷ ‘không danh phận’ của QCG?

Em gái Cường đô la Nguyễn Ngọc Huyền My hiện là chủ nợ của khoản tạm ứng hàng trăm tỷ đồng tại Quốc Cường Gia Lai (QCG) dù cô chỉ là cổ đông và không nắm giữ chức vụ trực tiếp nào trong bộ máy điều hành của công ty này.

11/12/2014 07:28 AM
64,248

 

Không “danh phận”

Quốc Cường Gia Lai là Tập đoàn lớn về bất động sản. Có thời, cổ phiếu QCG của Quốc Cường Gia Lai nằm trong rổ VN30 – nơi tập trung những cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất sàn Thành phố Hồ Chí Minh. Nhưng lý do khiến Quốc Cường Gia Lai được quan tâm nhiều, thậm chí bị “soi”nhiều chủ yếu lại nằm ở chỗ Cường đô la.

Nhắc tới Quốc Cường Gia Lai, người ta nghĩ ngay tới Cường đô la, một tay chơi khét tiếng, người từng khiến cộng đồng mạng “khuynh đảo” vì bộ sưu tập siêu xe trị giá trăm tỷ đồng. Sau Cường đô la, Nguyễn Thị Như Loan, bà chủ thực sự của Quốc Cường Gia Lai, mẹ Cường đô la mới được quan tâm.

Chính vì vậy, cái tên Nguyễn Ngọc Huyền My dường như bị lu mờ sau hai “cái bóng” quá lớn của mẹ và anh trai. Có thể nói ví von rằng ở Tập đoàn ngàn tỷ Quốc Cường Gia Lai, Nguyễn Ngọc Huyền My là người “không danh phận”.

Không danh phận vì cô lép vế trước người thân và vì cô không giữ chức vụ gì. Trong khi mẹ cô, bà Nguyễn Thị Như Loan lẫy lừng ở cương vị Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc QCG, anh Cường đô la của cô là Phó tổng giám đốc thì cô lại chỉ khiêm tốn với vị trí “cổ đông nhỏ lẻ”.

Với việc nắm giữ hơn 180 ngàn cổ phiếu QCG, Huyền My thậm chí còn có ít cổ phiếu hơn một số nhà đầu tư lướt sóng. Giá trị cổ phiếu QCG mà cô nắm giữ cũng rất khiêm tốn, chỉ là 1,3 tỷ đồng. Trong khi đó, anh Cường đô la của cô có 4 tỷ đồng. Tổng tài sản trên sàn chứng khoán của mẹ cô là 448 tỷ đồng.

 - Ảnh 1

Có thể nói ví von rằng ở Tập đoàn ngàn tỷ Quốc Cường Gia Lai, Nguyễn Ngọc Huyền My là người “không danh phận”.

Mới đây, cô càng đuối thế so với anh trai khi Cường đô la tăng thêm sức ảnh hưởng trên thương trường. Cuối năm 2013, Quốc Cường Gia Lai công bố đã bán 2 công ty con là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Nhà Quốc Cường (QCH) và Công ty TNHH Thương mại Xây dựng Phát triển Nhà Hưng Thịnh.

Điểm đáng lưu ý chính là Nhà Quốc Cường (QCH) được chuyển nhượng cho Bà Lại Thị Hương Giang và ông Nguyễn Quốc Cường. Nhà Hưng Thịnh được bán cho 3 cá nhân là ông Nguyễn Quốc Cường, bà Lại Thị Hương Giang và ông Đinh Văn Hùng. Cả hai thương vụ đều diễn ra vào tháng 7/2013.

Như vậy, Cường đô la đã sở hữu một phần hai công ty con của Quốc Cường Gia Lai. Tuy giá trị thương vụ này không được tiết lộ nhưng chắc chăn số tiền mà Cường đô la bỏ ra để mua “con” của mẹ Như Loan là không hề nhỏ.

Trong khi đó, ngoài hơn 180 ngàn cổ phiếu QCG, Nguyễn Ngọc Huyền My không nắm giữ bất cứ thứ gì tại Quốc Cường Gia Lai.

Nhưng là “chủ nợ” khoản vay trăm tỷ của Quốc Cường Gia Lai

Trong nhiều năm gần đây, báo cáo tài chính của công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai liên tục có giao dịch chéo với các cổ đông và người liên quan với công ty, dưới hình thức chi và nhận tạm ứng.

Theo báo cáo quý III/2014, một trong những "chủ nợ" lớn nhất của công ty này là 9X Nguyễn Ngọc Huyền My, khi cổ đông này đang duy trì giao dịch trị giá hàng trăm tỷ đồng với công ty.

Cụ thể, QCG đang nhận tạm ứng số tiền gần 300 tỷ đồng của Nguyễn Ngọc Huyền My. Cổ đông này cũng đã tạm ứng hơn 2,26 tỷ đồng với công ty để mua bất động sản. Số tiền tạm ứng mua bất động sản này đã giảm một nửa so với năm 2013. Tuy nhiên, giao dịch mua bán cụ thể lại không được giải trình chi tiết trong báo cáo tài chính.

 - Ảnh 2

Tuy nhiên tầm ảnh hưởng của em gái Cường đô la với Quốc Cường Gia Lai thì lại vô cùng lớn, hiện Nguyễn Ngọc Huyền My là "chủ nợ" của QCG.

Ngoài ra, trong nghiệp vụ với các bên liên quan, tại khoản mục các khoản phải trả, phải nộp ngắn hạn, công ty này cũng có khoản phải trả lên tới 390 tỷ đồng cho bà Huyền My. Đây cũng là cổ đông có giao dịch tạm ứng lớn nhất với QCG, vượt qua cả chủ tịch Như Loan, chiếm gần 37% tổng giá trị khoản phải trả ngắn hạn của công ty với các bên liên quan tính đến hết tháng 9/2014.

Thực tế, các giao dịch với bên liên quan, cổ đông của công ty này đã từng xuất hiện trong báo cáo soát xét của công ty từ năm 2012, và Chủ tịch QCG cũng đã từng có văn bản giải trình về những khoản mục này. Theo điều lệ QCG, công ty không được phép cấp các khoản vay, bảo lãnh hoặc tín dụng cho các thành viên HĐQT, tổng giám đốc, cán bộ quản lý và gia đình của họ, hoặc pháp nhân mà những người này có các lợi ích tài chính, trừ khi ĐHCĐ có quyết định khác.

Văn bản giải trình khi đó của bà Như Loan gửi lên Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM cho biết, trong điều kiện kinh doanh năm 2012, công ty không thể không có những phát sinh này, và chúng đều có đủ tính pháp lý để thực hiện. "Khi công ty có nhu cầu về vốn thì các thành viên này hỗ trợ, khi công ty thừa vốn thì sẽ chuyển trả lại và có khi vượt số phát sinh phải trả".

Thời điểm đó, QCG đã có cam kết sẽ thực hiện bảo lãnh các khoản vay với các bên liên quan và xử lý trong thời gian sớm nhất. Tuy nhiên, cho đến những quý cuối của năm 2014, công ty này vẫn ghi nhận khoản phải trả do đã nhận tạm ứng của các bên liên quan, cổ đông và cả Chủ tịch công ty số tiền lên tới hơn 1.000 tỷ đồng.

Ngọc Anh (Tổng hợp)

 

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý