Em gái mang thai hộ anh trai liệu có loạn luân?

sakura1 sakura1 @sakura1

Em gái mang thai hộ anh trai liệu có loạn luân?

Từ ngày 15/3, theo Nghị định số 10/2015/NĐCP “Quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo” chính thức có hiệu lực.

23/03/2015 10:39 AM
6,053

Nghị định này áp dụng với cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam và cá nhân là người nước ngoài thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và mang thai hộ tại Việt Nam. Tuy nhiên, nghị định vẫn vấp phải một số vấn đề khiến nhiều người trăn trở.

 - Ảnh 1

Mẫu cam kết mang thai hộ vì mục đích nhân đạo

Tại Điều 3 của Nghị định nêu rõ: Cặp vợ chồng vô sinh và phụ nữ độc thân có quyền sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa; cặp vợ chồng vô sinh có quyền nhờ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.

Vợ chồng nhờ mang thai hộ, người mang thai hộ, trẻ sinh ra nhờ mang thai hộ được bảo đảm an toàn về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và được pháp luật tôn trọng, bảo vệ.

Việc thụ tinh trong ống nghiệm, cho và nhận noãn, cho và nhận tinh trùng, cho và nhận phôi, mang thai hộ vì mục đích nhân đạo được thực hiện trên nguyên tắc tự nguyện.

Việc cho và nhận tinh trùng, cho và nhận phôi được thực hiện trên nguyên tắc vô danh giữa người cho và người nhận; tinh trùng, phôi của người cho phải được mã hóa để bảo đảm bí mật nhưng vẫn phải ghi rõ đặc điểm của người cho, đặc biệt là yếu tố chủng tộc.

Việc thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm phải tuân theo quy trình kỹ thuật; quy định tiêu chuẩn sức khỏe của người được thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, mang thai và sinh con do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành.

 - Ảnh 2

Người nhờ MTH với người MTH có thể là những người cùng dòng máu về trực hệ.

Bên cạnh đó, quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ (MTH) vì mục đích nhân đạo ghi rõ, người MTH phải là “người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ MTH bao gồm: Anh, chị, em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha; anh, chị, em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì của họ; anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người cùng cha mẹ hoặc cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha với họ”. Như vậy, người nhờ MTH với người MTH có thể là những người cùng dòng máu về trực hệ, những người có họ trong phạm vi ba đời và những người có quan hệ thân thích khác của bên vợ hay bên chồng.

Một ý kiến được đăng tải trên báo Lao động cho rằng, nếu em gái mang thai hộ cho anh trai liệu có bị loạn luân không? Người em gái MTH cho vợ chồng người anh, khi đứa trẻ sinh ra lớn lên biết được cô ruột đã sinh ra mình và gọi là mẹ, như vậy, vô hình chung, hai anh em ruột trở thành cha mẹ của đứa trẻ sẽ nảy sinh những bất cập ảnh hưởng đến luân thường đạo lý. Hiện nay, trình độ dân trí ở một số nơi còn thấp, còn lạc hậu nên họ không hiểu hết ý nghĩa của việc MTH vì mục đích nhân đạo mà chỉ thấy em gái mang thai của anh trai là nghĩ ngay đến... sự loạn luân.

Một ý kiến nữa cho rằng, Luật Hôn nhân và Gia đình (HNVGĐ) cấm kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời. Như vậy, trong thời gian em gái MTH cho anh, thai nhi phát triển nhờ dinh dưỡng từ người mang thai, vậy giữa em gái, anh trai và đứa trẻ có phải là cùng dòng máu về trực hệ hay không?

Một ý kiến khác, Luật HNVGĐ quy định như thế là không khả thi vì anh em trai không thể nhờ chị em gái ruột hoặc chị em gái con bác, chú, cô, dì ruột MTH. Do đó, đề nghị sửa đổi thành “là người thân thích cùng hàng của bên vợ nhờ MTH” (bỏ cụm từ “hoặc bên chồng”). Vì người được nhờ MTH là người thân thích cùng hàng bên vợ của cặp vợ chồng nhờ MTH thì đứa trẻ sinh ra không bị ảnh hưởng gì đến tâm sinh lý, phù hợp với thuần phong mỹ tục của người Việt Nam.

Bên cạnh đó, việc mang thai hộ còn phải đối mặt với nhiều rắc rối về quan niệm xã hội cũng như những thắc mắc về quy định thẩm quyền của các cơ quan chức năng. Chẳng hạn như bệnh viện có đủ năng lực thẩm định hồ sơ pháp lý người mang thai hộ hay không? Quy định cụ thể về việc bảo vệ quyền lợi của người MTH sẽ như thế nào nếu xảy ra những tranh chấp liên quan tới chi phí trong quá trình mang thai? Đó vẫn là những trăn trở được đặt ra.

Dù sao, một quy định hoàn toàn mới ra đời và đang được người dân đặc biệt quan tâm, do vậy những băn khoăn, vướng mắc là điều không tránh khỏi.

Bình Nguyên (T.H)

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý