Festival đờn ca tài tử Quốc gia lần thứ I - Bạc Liêu C2014: Vinh danh “đặc sản” của miền đất Nam Bộ

doremon1 doremon1 @doremon1

Festival đờn ca tài tử Quốc gia lần thứ I - Bạc Liêu C2014: Vinh danh “đặc sản” của miền đất Nam Bộ

Congly.vn Nếu như miền Bắc là cái nôi của nghệ thuật chèo, quan họ; miền Trung là nơi sản sinh ra nghệ thuật tuồng thì miền đất Nam Bộ là nơi nảy nở và phát....

19/04/2014 12:10 PM
12,300

Nếu như miền Bắc là cái nôi của nghệ thuật chèo, quan họ; miền Trung là nơi sản sinh ra nghệ thuật tuồng thì miền đất Nam Bộ là nơi nảy nở và phát triển nghệ thuật cải lương; mà cải lương lại có nguồn gốc từ đờn ca tài tử. Từ một loại hình nghệ thuật diễn xướng của người dân miền đất sông nước, đờn ca tài tử đã được UNESCO vinh danh là “Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại” vào năm 2013.

Nhằm bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật độc đáo này, từ ngày 20 đến 25/4/2014, tại Bạc Liêu - nơi được mệnh danh là “thánh đường” của đờn ca tài tử Nam Bộ sẽ diễn ra Festival Đờn ca tài tử Quốc gia lần thứ I, quy tụ các nhóm, câu lạc bộ đờn ca tài tử đang hoạt động ở 21 tỉnh, thành phố phía Nam.

Phối cảnh công trình Nhà hát mang tên cố nhạc sỹ Cao Văn Lầu (Bạc Liêu)

Từ hát chơi, trở thành “đặc sản” nghệ thuật

Theo GS.TS Trần Văn Khê, cải lương được sinh ra từ ca ra bộ, mà ca ra bộ được hình thành từ nghệ thuật ĐCTT. ĐCTT Nam Bộ là một dòng nhạc dân tộc của Việt Nam ở vùng Nam Bộ, hình thành và phát triển từ cuối thế kỷ 19, bắt nguồn từ nhạc Lễ, Nhã nhạc cung đình Huế và văn học dân gian. Đây là loại hình diễn tấu có ban nhạc, gồm 4 loại nhạc cụ: Đàn kìm, đàn cò, đàn tranh và đàn bầu (gọi là tứ tuyệt), sau này có cách tân bằng cách thay thế độc huyền cầm bằng cây ghi - ta phím lõm. Tuyệt tác đỉnh cao của ĐCTT là bản “Dạ cổ hoài lang” (1919) của nhạc sỹ Cao Văn Lầu; từ đây, phát triển thành vọng cổ và cải lương. Suốt thời gian dài, cải lương trải qua biến đổi thăng trầm thì ĐCTT Nam Bộ tuy không rầm rộ nhưng vẫn âm thầm sống, như nguồn huyết mạch vẫn âm ỉ và tuôn chảy trong đời sống dân gian.  Nghệ thuật ĐCTT hiện đang được phát triển ở 21 tỉnh, thành phố phía Nam. ĐCTT hiện nay là “đặc sản” Nam Bộ không thể thiếu trong các làng du lịch sinh thái miệt vườn. Du khách khi đến các tỉnh, thành Nam Bộ đều thật sự bị cuốn hút bởi những ngón đờn điêu luyện hay một giọng ca ngọt ngào, bình dị.

Ngày 5/12/2013, tại phiên họp Ủy ban liên chính phủ về bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 8 của UNESCO diễn ra tại TP Baku (nước Cộng hòa Azerbaijan), ĐCTT Nam Bộ của Việt Nam đã được công nhận là “Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại”. Tại buổi lễ đón bằng của UNESCO được tổ chức long trọng tại TP Hồ Chí Minh vào tối 11/2/2013, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phát biểu, nhấn mạnh sự kiện nghệ thuật ĐCTT được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại không chỉ là niềm tự hào của đồng bào Nam Bộ, của người Việt Nam chúng ta, mà còn góp phần thiết thực vào việc gìn giữ sự đa dạng các biểu đạt văn hóa trong kho tàng văn hóa thế giới. Thủ tướng yêu cầu, Bộ VH-TT&DL, các cơ quan liên quan cùng các nghệ sỹ - nghệ nhân cùng chung tay hợp tác chặt chẽ, triển khai có hiệu quả Chương trình hành động Quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị đối với nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ, để nghệ thuật này luôn được bảo tồn và phát triển sáng tạo, luôn có vị trí xứng đáng trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào Nam Bộ, của nhân dân Việt Nam và của nhân loại.

Biểu diễn Đờn ca tài tử Nam bộ trên thuyền

Cần bảo tồn và phát triển vốn quý ĐCTT

Giáo sư - nhạc sỹ Trần Quang Hải (trưởng nam của GS.TS Trần Văn Khê) -  một trong những người có nhiều đóng góp quan trọng để hồ sơ về ĐCTT được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, cho biết: “Đờn ca tài tử có 20 bản cổ, gồm: 6 bài Bắc, 3 bài Nam, 4 bài Oán và 7 bài Lễ. Hiện nay, hầu như không có nghệ nhân nào có thể nhớ được, đờn được toàn vẹn 20 bài đó. Vì vậy, cần phải cấp thiết có biện pháp lưu giữ; bằng không, ĐCTT sẽ mai một, thất truyền”.

Festival Đờn ca tài tử Quốc gia lần thứ I nhằm vinh danh, bảo tồn và phát huy nghệ thuật ĐCTT. Ban Tổ chức Festival chọn Bạc Liêu làm nơi tổ chức lần thứ nhất là do các tỉnh bạn ở Nam Bộ nhất trí rất cao. Bạc Liêu là quê hương của vị thầy đàn mù nổi tiếng tên là Lê Tài Khí, tục gọi là Hai Khị, hay Nhạc Khị, là thầy của nhạc sỹ Cao Văn Lầu và là người đầu tiên có công sưu tầm hầu hết các bản nhạc ĐCTT của cả Nam Bộ. Bạc Liêu cũng là nơi sống và sáng tác của nhạc sỹ Cao Văn Lầu, tác giả bản “Dạ cổ hoài lang” bất hủ. Ngoài ra, nhiều soạn giả, nghệ sỹ Bạc Liêu đã góp công lớn vào việc phát triển nghệ thuật ĐCTT thành vọng cổ, cải lương...

Biểu diễn Đờn ca tài tử

Theo bà Lê Thị Ái Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, Phó trưởng Ban thường trực BTC thì Festival lần thứ nhất này có quy mô rất lớn, quy tụ 21 tỉnh Nam Bộ tham gia với nhiều nội dung, bao gồm từ trình diễn nghệ thuật ĐCTT, đến hội nghị, hội thảo, chương trình nghệ thuật tôn vinh nghệ thuật ĐCTT và các tác giả, nghệ sỹ, đến các cuộc thi trên các lĩnh vực sáng tác nhạc, phim tài liệu, báo chí, người đẹp, triển lãm nghệ thuật và các chương trình xúc tiến đầu tư thương mại, du lịch, các lễ hội ẩm thực...

Được biết, Bộ VH-TT&DL đang cân nhắc tổ chức Festival theo định kỳ và cân nhắc việc nên để cho các tỉnh luân phiên tổ chức hay để Bạc Liêu thành địa chỉ cố định gắn với Festival ĐCTT (như Thừa Thiên Huế với Festival Huế; Đà Nẵng với với cuộc thi pháo hoa quốc tế)…

Nguyễn Linh Giang

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý