Gặp khó khi thanh tra tài sản người thân lãnh đạo

baybeface1 baybeface1 @baybeface1

Gặp khó khi thanh tra tài sản người thân lãnh đạo

Khi vợ, con, người thân quan chức đứng tên tài sản “khủng”, việc thanh tra sẽ gặp khó khăn. Áp lực từ sự nể nang, e ngại khiến dư luận băn khoăn việc cán bộ thanh tra....

02/07/2017 07:57 PM
176

Khi vợ, con, người thân quan chức đứng tên tài sản “khủng”, việc thanh tra sẽ gặp khó khăn. Áp lực từ sự nể nang, e ngại khiến dư luận băn khoăn việc cán bộ thanh tra không dám làm quyết liệt rõ ràng. Vấn đề này đã được ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đặt ra một cách thẳng thắn.

PV: Thưa ông, lâu nay, kiểm soát tài sản “khủng” của người thân quan chức là việc không dễ. Ông nhìn nhận vấn đề này thế nào?

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng: Tôi nghĩ đây là câu chuyện bình thường của xã hội phát triển. Bình thường không có nghĩa là tôi ủng hộ, mà nó là lúc giao thời của nền kinh tế thị trường. Người ta luôn cố gắng “bung” ra từ tiêu cực cán bộ đến thu vén tài sản, lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm khi thấy cơ chế có thể sử dụng được quyền lực làm những việc đó. Vấn đề này, Đảng và Nhà nước đã và đang rất mạnh tay nhưng chưa xuể. Bởi vì cái gốc là đội ngũ cán bộ chưa hoàn thiện. Chính vì thế, Trung ương hiện đang đi sâu vào phòng chống tham nhũng bắt đầu từ công tác cán bộ, chống tự diễn biến, tự chuyển hóa, tham nhũng lãng phí cũng từ công tác cán bộ. Đã có nhiều ý kiến cho rằng cần phải truy nguồn gốc tài sản của người nhà quan chức.

Gặp khó khi thanh tra tài sản người thân lãnh đạo - Ảnh 1Phóng to

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng.

Theo tôi, việc xác minh tài sản của một người không có gì khó lắm. Phát hiện của báo chí, của người dân rất đáng quan tâm. Cũng vì tài sản người thân quan chức chưa bao giờ rõ ràng nên phải xác minh cẩn thận. Các cơ quan Nhà nước có quyền đặt dấu hỏi đối với khối tài sản “khủng” của một công dân. Nhà nước chỉ bảo hộ tài sản hợp pháp theo đúng quy định của Hiến pháp và Bộ luật Dân sự, không bảo hộ những tài sản bất hợp pháp. Bởi thế, Nhà nước có quyền kiểm soát tài sản của công dân chứ không chỉ là kiểm soát tài sản những người có chức có quyền. Bởi vì nguồn tài sản tham nhũng có thể đi vào bất cứ chỗ nào, từ người thân đến ra nước ngoài. Dù là một công dân, nếu không trả lời được về nguồn gốc tài sản thì không phải tài sản hợp pháp. Tài sản của mình mà không chứng minh được nguồn gốc là câu chuyện khó chấp nhận. Nếu người thân làm quan chức, dư luận sẽ dễ nghi vấn là “rửa tiền”. Còn nếu do tài sản của người khác thì truy tiếp có đúng hay không, tài sản ấy ở đâu... Chúng ta cứ đi truy ngược như vậy sẽ ra nguồn gốc thực của tài sản công dân. Nếu có cơ sở, phương pháp, điều kiện mà không làm được thì do có sự nể nang, ngại ngùng nên mới không rõ ràng.

PV: Như ông nói, chúng ta có đủ khả năng làm nhưng vì sao còn nể nang? Làm sao để “triệt tiêu” sự nể nang này?

 ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng: Người Việt Nam có câu “trăm cái lý không bằng tí cái tình”. Cho nên đôi khi khó là vì cái đó chứ không phải không có khả năng. Tôi nghĩ cần thanh tra chéo hoặc với những tài sản quá lớn, quá phức tạp có thể thuê tổ chức độc lập đứng ra xem xét. Còn nếu địa phương không làm được thì Trung ương phải vào cuộc để đảm bảo khách quan.

PV: Một số vụ việc tài sản đứng tên người thân, nhưng quan chức cố tình lách luật, không trung thực, phải chăng do cơ chế thanh tra có vấn đề, thưa ông?

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng: Tôi không muốn nói thanh tra có vấn đề nhưng quả thực, chưa đáp ứng được yêu cầu. Thực ra, thanh tra đã làm được hàng nghìn vụ việc, đã thu lại cho Nhà nước hàng nghìn tỷ đồng. Nhưng có thể nói, lấp ló đằng sau đó, các hệ thống thanh tra của chúng ta chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu. Nếu nói cho đúng nhiệm vụ, thanh tra là tai mắt, gác cửa, gác cổng ra cổng vào của Nhà nước nhưng chưa thực hiện được hiệu quả.

Có hai vấn đề, thứ nhất là do cơ chế, tính độc lập của thanh tra không cao, còn chịu chi phối của nhiều tầng lớp. Ví dụ khi thủ trưởng phê duyệt kế hoạch thanh tra, ra quyết định thành lập đoàn, giao cho một người phụ trách thì từ thời điểm đó trở đi chỉ làm theo luật, không ai có quyền chỉ đạo. Nhưng ở đây, chúng ta vẫn có quyền chỉ đạo. Thứ hai là năng lực cán bộ thanh tra chưa bài bản, có đào tạo bồi dưỡng nhưng chưa đạt. Chưa nói còn nể nang, tiêu cực...

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Ông Dương Trung Quốc (Đoàn Đồng Nai): Cơ chế phụ thuộc nhau về quyền lực

Giám sát tài sản người thân quan chức không phải là vấn đề của riêng Việt Nam. Từ những quy định pháp luật cần hướng dần đến tập quán, ý thức của mỗi người trong việc kê khai tài sản. Chúng ta nói nhiều đến vấn đề này nhưng không tạo ra môi trường, công cụ để kiểm soát thì nói chỉ để mà nói. Việc phân tán tài sản là đương nhiên để giữ lợi ích riêng cho mình, né tránh sự điều chỉnh của pháp luật. Vậy phải có chế tài khống chế, không chỉ vợ con quan chức mà mọi công dân đều phải được điều chỉnh bởi pháp luật. Báo chí nêu lên trường hợp nào, Nhà nước có trách nhiệm trả lời đúng hoặc sai. Quan chức giàu có chính đáng là điều đáng mừng nhưng không chính đáng khiến dư luận xã hội bức xúc. Chúng ta khuyến khích người làm giàu hợp pháp nhưng phải điều chỉnh với những người làm giàu bất hợp pháp. Tôi nghĩ rằng, trước hết, đoàn đại biểu Quốc hội ở các địa phương xảy ra hiện tượng này cần có tiếng nói, nêu lên vấn đề. Khi có tiếng nói từ cơ quan dân cử, các cơ quan Nhà nước phải trả lời. Về nguyên lý có các cơ chế giám sát việc này nhưng vấn đề là thực thi chưa nghiêm vì nhiều yếu tố, trong đó có tập tính của người Việt Nam là nể nang né tránh. Cơ chế phụ thuộc nhau về quyền lực theo kiểu tôi làm khó anh chỗ này, anh làm khó tôi chỗ khác. Mỗi người đều tìm giải pháp nhưng là phục vụ lợi ích cá nhân mà không vì lợi ích xã hội, tác động tích cực lên xã hội, đó cũng là sự trì trệ vốn có.

Dương Thu
Đăng lại báo giấy Đời sống & Pháp luật tháng số 26
Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý