Gặp nhà khoa học nữ dầm mưa dãi nắng xử lý chất độc da cam

remember1 remember1 @remember1

Gặp nhà khoa học nữ dầm mưa dãi nắng xử lý chất độc da cam

(ĐSPL) Chia sẻ chân thành với PV báo ĐS&PL, bà nói mình được Nhà nước cử đi học nước ngoài nên còn sống, còn sức khỏe sẽ vẫn nghiên cứu ...

05/05/2016 09:49 PM
16

(ĐSPL) - Chia sẻ chân thành với PV báo ĐS&PL, bà nói mình được Nhà nước cử đi học nước ngoài nên còn sống, còn sức khỏe sẽ vẫn nghiên cứu để cho ra đời những công trình thiết thực với đời sống nhân dân.

Bà chính là PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà (SN 1952, nguyên Trưởng phòng Công nghệ sinh học, viện Công nghệ sinh học) - Người đã làm chủ nhiệm gần 30 đề tài, dự án các cấp và công bố gần 150 công trình khoa học công nghệ.

Vị nữ PGS này còn vinh dự nhận Huy chương vàng cho sáng chế Quy trình xử lý đất nhiễm dioxin bằng phương pháp phân hủy sinh học.

Gặp nhà khoa học nữ dầm mưa dãi nắng xử lý chất độc da cam - Ảnh 1Phóng to

Người phụ nữ say mê nghiên cứu khoa học.

Muốn làm khoa học phải có tình yêu

Trong cái nắng đầu hè, chúng tôi tìm đến phòng Công nghệ sinh học tái tạo môi trường, viện Công nghệ sinh học, viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, nơi PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà đã gắn bó hơn 40 năm.

Tiếp chúng tôi, bà Hà kiệm lời về bản thân mình, cũng không dùng những từ hoa mỹ để nói về cái nghề đã và đang làm. Nghe tôi đề nghị viết bài về bà, bà cười nói: “Viết cũng được, nhưng cô có gì để viết đâu? Cô sẽ giới thiệu cho cháu một người cùng thời với cô, tràn đầy năng lượng và nhiệt huyết với công việc. Đó là TS. Nguyễn Hoàng Uyên”.

Và rồi, tôi vẫn may mắn được hai người phụ nữ cả đời say mê khoa học kể cho nghe về một thời chinh phục ngọn lửa đam mê.

PGS.TS Cẩm Hà nhớ lại: “Thời bấy giờ, có mấy người được đi học nước ngoài đâu. Chúng tôi đi theo sự phân công chứ không có khái niệm thích hay không thích. Thế nên, học sinh Việt Nam được cử đi học rất ít người không đáp ứng được kiến thức đại học ở các nước thuộc khối xã hội chủ nghĩa (cũ). Ở nước ngoài, dù vất vả trăm bề, dù phải học kiến thức mới mẻ bằng ngôn ngữ không phải là tiếng mẹ đẻ nhưng vẫn phải cố gắng liên tục và giúp nhau cùng vượt qua các kỳ thi rất khó. Sau 6 năm, chúng tôi nhận được bằng đại học, trong đó rất nhiều người nhận bằng tốt nghiệp hạng ưu. Phải nói rằng, nếu không có các thầy cô và nhân dân ở các nước thuộc khối xã hội chủ nghĩa (cũ) hết lòng giúp đỡ thì không có chúng tôi ngày hôm nay”.

Sau khi nhận bằng đại học, bà Hà cùng các bạn hồ hởi quay về Việt Nam làm việc. Họ đã trở về nước với tâm thế "trái tim mình trở lại" để góp phần xây dựng đất nước sau chiến tranh với bộn bề khó khăn. Họ coi đó là quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của những người con đất Việt. Dù con đường phát triển sự nghiệp ở nước ngoài đối với bà Hà và các bạn học có thể thuận lợi hơn nhưng làm việc tại quê hương mình, cho gia đình mình là sự lựa chọn số một. Kể đến đây, hai người bạn, hai người đồng nghiệp nhìn nhau cười. Niềm đam mê khoa học đã ngấm vào máu, thấm vào tim họ.

TS. Nguyễn Hoàng Uyên chia sẻ: “Mình được đi du học trong khi nhiều bạn khác phải học ở nhà. Ngày đó không điện thoại, không internet. Chúng tôi nhường cơm sẻ áo và giúp đỡ nhau học tập bởi ai cũng hiểu rằng, làm khoa học khác với ngành nghề khác. Chính vì thế, chúng tôi rất quý trọng cái nghiệp của đời mình. Chúng tôi coi nghiên cứu khoa học quan trọng như đồ ăn thức uống hàng ngày. Cũng vì quá đam mê nghiên cứu khoa học đến mức đôi lúc chúng tôi quên cả ăn. Tôi luôn tâm niệm đã “dấn thân” vào lĩnh vực khoa học công nghệ thì phải bền bỉ và dẻo dai. Một thời, chúng tôi chịu thương chịu khó học để đến bây giờ, khi đã nghỉ hưu vì yêu nghề nhưng vẫn không thể dứt bỏ nó một cách dễ dàng được”.

Gặp nhà khoa học nữ dầm mưa dãi nắng xử lý chất độc da cam - Ảnh 2Phóng to

PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà

Được biết, một chuỗi công trình ra được thực tế, TS. Uyên và cộng sự của mình đã phải mất tới 26 năm. Còn theo đuổi xử lý chất diệt cỏ/dioxin, PGS. Hà cũng phải tập trung mất hơn 10 năm và cho đến nay vẫn phải tiếp tục để nâng cao hiệu quả.

Có nhiều công trình được cấp kinh phí nhưng cũng có công trình, họ phải chi tiền túi ra để làm. Luôn nung nấu với nguyện vọng làm được nhiều hơn chút nữa góp phần làm cho đất nước phát triển bền vững hơn, họ có một tình yêu mãnh liệt đối với khoa học.

Nghề nào cũng phải đam mê mới thành công nhưng với khoa học, ngoài đam mê còn phải có tình yêu và hy sinh nhiều hơn nữa. Vì khoa học, họ phải giảm bớt sở thích cá nhân, không quan tâm đến kinh tế, danh vọng, chấp nhận xa ra đình nhiều ngày, tháng, thậm chí là nhiều năm.

Quyết tâm với cái “say” của cuộc đời

Những năm tu nghiệp ở nước ngoài là điều kiện để PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà được theo học, làm việc dưới sự hướng dẫn của những giáo sư hàng đầu thế giới về di truyền phân tử. Trong 10 năm ở nước ngoài, sau khi tốt nghiệp đại học Tổng hợp Azecbaijan (Liên Xô cũ), bà Cẩm Hà lấy bằng TS ở viện Hàn lâm Khoa học Hungary, rồi làm cộng tác viên khoa học, nghiên cứu và giảng dạy tại Hungary và Áo.

Khi về Việt Nam, bà may mắn nhận được sự quan tâm và điều kiện tốt nhất có thể của các thế hệ lãnh đạo viện Công nghệ sinh học, của viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; được hợp tác với những người đồng nghiệp trong nước và quốc tế. Bà bảo nếu không có sự khích lệ và giúp đỡ của mọi người,... bà không thể thành công như ngày hôm nay.

Vì đam mê khoa học nên dù ở tuổi 64 nhưng bà Hà không bao giờ cho phép mình được an nhàn. Bà nghĩ rằng, mình đã được Nhà nước cử đi học ở nước ngoài nên cả đời sẽ phải cống hiến cho khoa học, cho đất nước.

Và bà đã cho ra đời những công trình có lợi cho cộng đồng của bà cùng đồng nghiệp. Cái “say” với nghiên cứu khoa học khiến bà Hà quyết tâm hơn rất nhiều trong nghiên cứu của mình. Chưa hết đề tài, dự án này, bà lại lên kế hoạch làm tiếp những vấn đề khác, vì bảo vệ sự sống ngày một tốt đẹp và an toàn hơn cho con người.

Cuộc đời một nhà khoa học giống như những thước phim của bao nhiêu người khác, chỉ có một sự khác biệt nhỏ đó là tình yêu đối với những điều mới lạ được phát hiện thấy. Chính vì vậy mà dù khó khăn, họ cũng vẫn không từ bỏ nó.

Điểm nhấn nhất của công trình của PGS. Hà chính là chuỗi công trình nghiên cứu gồm 12 đề tài, dự án xử lý khử độc đất ô nhiễm chất diệt cỏ/dioxin do Mỹ sử dụng trong chiến tranh tại các điểm nóng TP.Đà Nẵng và Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) bằng công nghệ phân hủy sinh học đã được thực hiện trong 10 năm, từ năm 1999 đến năm 2009.

Trên thực tế, chẳng ai muốn đến những vùng đất nhiễm chất độc dioxin. Thế nhưng, 10 năm đằng đẵng, nhà khoa học nữ này đã dãi dầm để tìm ra biện pháp xử lý. Và, tự hào hơn nữa, trước khi có sáng chế của bà, chưa có một công bố nào trên thế giới về khử độc đất nhiễm chất diệt cỏ/dioxin có hiệu quả bằng công nghệ sinh học và thực hiện ở hiện trường quy mô lớn 3384m3 đất như ở Việt Nam.

Sáng chế của bà chính là công nghệ “Chôn lấp tích cực”, tham gia vào tất cả các đường chuyển hóa, phân hủy và khoáng hóa hỗn hợp các chất ô nhiễm khó phân hủy, rất an toàn và chi phí lại rất thấp.

Với kết quả này, Quy trình xử lý đất ô nhiễm dioxin bằng phương pháp phân hủy sinh học đã được cục Sở hữu trí tuệ, bộ Khoa học và Công nghệ cấp Bằng độc quyền sáng chế cho viện Công nghệ sinh học, viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

MAI HẰNG

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý