Gặp nữ thủ khoa kép say mê hóa học

vuongxinh vuongxinh @vuongxinh

Gặp nữ thủ khoa kép say mê hóa học

Là thủ khoa năm 2009 của ĐH Sư phạm Hà Nội, bốn năm sau, Bùi Thị Yến Hằng tiếp tục vinh dự trở thành sinh viên có thành tích tốt nghiệp xuất sắc nhất của trường.

12/09/2013 09:08 AM
892

Thủ khoa được vinh danh

Bùi Thị Yến Hằng là một trong bốn kép được Thành đoàn Hà Nội vinh danh năm 2013. Sinh năm 1991, tại TP. Hải Phòng, Yến Hằng sớm tiếp nối được truyền thống hiếu học của gia đình và trở thành một trong những cái tên được nhắc đến nhiều tại trường THPT chuyên Trần Phú. Đạt thành tích cao trong kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia, Hằng chỉ cần đạt tổng điểm ba môn đại học qua mức điểm sàn là có thể lựa chọn bất cứ chuyên ngành nào mình yêu thích.

Thế nhưng, chỉ với hai tháng ôn luyện, em đã khiến gia đình và bạn bè không khỏi ngạc nhiên khi trở thành thủ khoa của ĐH Sư phạm Hà Nội với tổng điểm 29 (hoá: 9,75; toán: 9 và lý 10).

Yến Hằng tươi tắn trong ngày tốt nghiệp

Yêu thích hoá học từ thời phổ thông, Hằng chăm chỉ học hành và đỗ vào lớp chuyên hoá. Khi lựa chọn ngành nghề cho tương lai, Hằng đã ước mơ trở thành bác sĩ để cứu người giống như người mẹ thân yêu của mình với dự định sẽ thi vào ĐH Y Hà Nội. Tuy nhiên, dự định của Hằng ngay lập tức bị phản đối, vì gia đình sợ em phải chịu nhiều vất vả, áp lực.

Nghe theo nguyện vọng của cha mẹ và suy nghĩ rằng, dù ở lĩnh vực nào, mình sẽ vẫn có "đất" để gắn bó với hoá học nên Hằng chọn sư phạm. Vào giảng đường đại học, có cơ hội nghiên cứu và thể hiện ý tưởng của mình bằng những thí nghiệm thực tế, hoá học càng "ăn vào máu" của cô gái khiến cô ngày càng có động lực học tập, phấn đấu.

Yến Hằng tâm sự: "Nhiều người nghĩ rằng, học sư phạm ra chỉ có thể đi dạy học nhưng thực ra chúng em cũng có rất nhiều cơ hội nghiên cứu trong trường và có thể lựa chọn đi theo con đường nghiên cứu. Em nghiên cứu khoa học từ năm thứ ba và được làm thực nghiệm từ đó. Công trình mà em theo đuổi liên quan đến lý thuyết thuần tuý, còn để ứng dụng và phát triển nó lại có những bộ phận chuyên biệt riêng".

Không đặt mục tiêu sẽ trở thành thủ khoa đầu ra nên khi biết mình là một trong những người có thành tích tốt nghiệp xuất sắc nhất trường, Hằng cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Tính theo điểm tín chỉ, Hằng được 3,84/4; còn nếu theo thang điểm 10 là 9,21. Cô gái trẻ tâm sự: "Em không đặt áp lực, sức ép để đạt danh hiệu thủ khoa lần nữa mà chỉ cố gắng học tốt, nỗ lực làm việc và học tập với kết quả tốt nhất.

Còn bí quyết học tập cũng không có gì ngoài cách biết bố trí thời gian học hợp lý và một phương pháp hiệu quả. Em phân chia thời gian khoa học, không để khối lượng công việc quá lớn, không phải học dồn khi ôn thi. Ngoài việc học, em cũng tham gia hoạt động Đoàn ở khoa, trường và các hoạt động thường niên như nghiệp vụ sư phạm, kỷ niệm thành lập khoa, trường…".

Với vốn kiến thức sẵn có, như bao nữ sinh sư phạm khác, Hằng cũng thường xuyên đi gia sư, dạy ôn tốt nghiệp. Ngoài ra, cô gái trẻ còn thường xuyên truyền đạt kinh nghiệm học tập và thi cử của mình cho những đàn em đi sau. Với sự giúp đỡ nhiệt tình của Hằng, không ít bạn trẻ đã có thêm niềm tin và giành được giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia. Không chỉ có thế, Hằng còn giúp đỡ các anh chị cao học thực hiện các thí nghiệm trong quá trình học tập.

Lửa thử vàng, gian nan thử sức

Ngoài những giờ trên lớp, cô gái dành hầu hết thời gian đến phòng thí nghiệm của trường. Không ai bắt ép học, thầy cô giáo ra yêu cầu về bài tập cũng có mức độ, song tự bản thân Hằng lúc nào cũng thấy ham nghiên cứu nên cứ tự tìm tòi, đọc sách vở, xin hướng dẫn của thầy để làm thí nghiệm. Hằng làm ở phòng thí nghiệm thực hành, phải thường xuyên thực hiện các thí nghiệm, có những giai đoạn, cô gái cảm thấy vô cùng khó khăn và chán nản khi các thí nghiệm của mình liên tục bị thất bại.

Các thí nghiệm thường biến đổi khôn lường và muốn biết kết quả có đúng hay không, Hằng lại sang viện Hoá học để đo chất. Suốt hai năm trời, Hằng không nhớ nổi mình đã thực hiện bao nhiêu thí nghiệm. Có những chất cô phải làm đi làm lại tới hàng trăm lần. Các nhân viên bên viện Hoá học dường như cũng đã "quen mặt" với cô gái có nước da bánh mật và khuôn mặt tròn tròn khá dễ thương.

Hiểu được sự say mê của Hằng, gia đình, bạn bè và thầy cô cũng thường xuyên động viên em. Mọi nỗ lực của Hằng cũng được đền đáp. Sau hai năm miệt mài thực nghiệm, Hằng cũng nghiên cứu ra được hai chất mới và đề tài ấy đang được tiếp nối thực hiện để đi dự nghiên cứu khoa học cấp bộ. Kết quả Hằng đạt được không nhiều nhưng đều được các thầy ngợi khen và có giá trị cao.

Trò chuyện với nữ thủ khoa kép của ĐH Sư phạm Hà Nội, chúng tôi lại có thêm cơ hội để hiểu hơn về hoá học và những khó khăn khi đã trót đam mê ngành tự nhiên này. Hằng cho hay, không ít lần bạn bè "gàn" Hằng vì cô thường xuyên thực hiện những thí nghiệm nguy hiểm với những chất độc hoặc chất dễ bay hơi.

Chẳng hạn như H2SO4 đặc là axit, nếu làm không cẩn thận để rớt ra tay thì sẽ rất dễ bị cháy, bỏng tay; Brom là khí độc, nếu để rớt ra tay thì còn kinh khủng hơn là axit-sun-fu-ric; hoặc như khí NO2 là khí độc, nếu để bay ra ngoài sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ.

Tuy nhiên, để không ảnh hưởng đến sức khoẻ bản thân, Hằng luôn tuân thủ mọi nguyên tắc về bảo hộ và khi lắp thí nghiệm cần phải chính xác từng thao tác. Vì mọi sơ suất sẽ rất dễ gây ra những phản ứng không tốt hoặc gây ra cháy nổ nên Hằng luôn ý thức bảo vệ bản thân cũng là bảo vệ cho mọi người và phòng thí nghiệm.

Mong muốn của Hằng là sẽ được trở thành giảng viên đại học và theo đuổi con đường nghiên cứu. Vì vậy cô gái sẽ tiếp tục học lên cao hơn để nâng cao kiến thức. Hằng được trường ĐH Sư phạm giữ lại làm giảng viên. Hiện tại, cô gái trẻ đang gấp rút chuẩn bị cho kỳ thi cao học để làm bước đệm cho dự định trở thành giảng viên tương lai của mình.

Phạm Hạnh

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý