Gây khó luật sư chính là gây khó việc bảo vệ công lý của Toà

mesu mesu @mesu

Gây khó luật sư chính là gây khó việc bảo vệ công lý của Toà

Giới luật sư vẫn chưa được tạo điều kiện thuận lợi trong việc tham gia các vụ án hình sự, khó khăn nhất vẫn là thủ tục “xin” cấp Giấy chứng nhận người bào chữa.

02/07/2015 07:36 PM
205

Ngày 26/6, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về tăng cường các biện pháp phòng, chống oan, sai và bảo đảm bồi thường cho người bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự.

Nghị quyết yêu cầu các cơ quan tiến hành tố tụng phải tạo điều kiện thuận lợi cho luật sư, bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội và tranh tụng trong xét xử.

Trên thực tế cho đến nay, giới luật sư vẫn chưa được tạo điều kiện thuận lợi trong việc tham gia các vụ án hình sự. Khó khăn nhất vẫn là thủ tục “xin” cấp Giấy chứng nhận người bào chữa.

Mặc dù Điều 27 Luật Luật sư (sửa đổi, bổ sung năm 2013), Thông tư 70/2011/TT-BCA ngày 10/10/2011 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết thủ tục cấp giấy, thời hạn cấp giấy chứng nhận.

Luật, thông tư đã quy định rõ không chỉ người bị tạm giữ, bị can, bị cáo mà cả người thân hoặc người đại diện hợp pháp của họ đều có quyền yêu cầu luật sư; thế nhưng phần lớn các cơ quan tiến hành tố tụng không thực hiện đúng thời hạn và từ chối hoặc gây khó trong việc cấp không có căn cứ pháp luật.

Mới đây nhất là tin tức vụ việc TAND quận I (TP. HCM) đã từ chối cấp giấy chứng nhận người bào chữa cho các luật sư với lý do bị cáo đã trên 18 tuổi mẹ của bị cáo mời luật sư bào chữa là không đúng theo Điều 57 BLHS. Theo đó,Tòa này chỉ chấp nhận cấp giấy cho luật sư khi bị cáo bị tam giam có yêu cầu?!

   - Ảnh 1

Gây khó luật sư chính là gây khó việc xét xử,bảo vệ công lý của Toà án.

Ngày 29/6, TAND Quận 1 đã lập biên bản giải thích, hướng dẫn các luật sư đến gặp trực tiếp bị cáo tại trại tạm giam để bổ túc đơn yêu cầu luật sư theo quy định pháp luật. Tuy nhiên khi Luật sư đến trại tạm giam xin vào gặp bị cáo thì lại bị trại giam từ chối. Mặc dù việc này được TAND Quận 1 “hướng dẫn” nhưng lại chối bỏ trách nhiệm xử lý vì “việc này không thuộc thẩm quyền xử lý”!?

Luật sư Phạm Công Út (Đoàn Luật sư tp Hồ Chí Minh) cho rằng: “Việc làm của TAND Quận 1 đặt ra khó khăn,cản trở hoạt động hành nghề của luật sư cũng như quyền lợi của bị cáo.Trong khi nghĩa vụ đó thuộc về Tòa án. Điều này không chỉ gây phiền phức cho những vụ án khác mà còn cản trở quá trình cải cách tư pháp”.

Thực tiễn thi hành BLTTHS 2003 cho thấy thủ tục cấp giấy chứng nhận người bào chữa là rào cản lớn đối với hoạt động tham gia tố tụng hình sự của luật sư, ảnh hưởng đến quyền được bào chữa của bị can, bị cáo. Càng gây khó đối với luật sư bao nhiêu thì Toà án càng khó khăn bấy nhiêu trong việc thực hiện quyền tư pháp, bảo vệ công lý,bảo vệ quyền con người.

Từ thực tiễn có thể thấy, quy định thủ tục "cấp giấy Chứng nhận bào chữa" như luật hiện hành hoặc thủ tục "cấp giấy đăng ký bào chữa" như dự thảo BLTTHS (sửa đổi, bổ sung) vẫn còn tư duy trì trệ, chưa thể hiện quyết tâm cải cách tư pháp.

Nếu thay việc cấp giấy chứng nhận bào chữa bằng việc đăng ký bào chữa thì phải quy định khi luật sư xuất trình đủ các giấy tờ đăng ký, cơ quan tiến hành tố tụng phải tiến hành việc đăng ký cho luật sư (Ghi nhận ngay vào sổ đăng ký bào chữa) mà không cần phải quy định thêm thủ tục cấp.

Vì vậy, đề nghị Liên đoàn LSVN tiếp tục kiến nghị tiếp thu,đề xuất chỉnh sửa Chương 7 – BLTTHS, kiến nghị Ban soạn thảo BLTTHS (Viện Kiểm sát nhân dân tối cao) đặc biệt lưu ý đến việc loại bỏ những”rào cản” luật sư hành nghề đã tồn tại bấy lâu.

Luật sư Nguyễn Hồng Hà

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý