GDP tăng cao: Bộ trưởng "ngỡ ngàng", Thống đốc "giật mình"

bexinh bexinh @bexinh

GDP tăng cao: Bộ trưởng "ngỡ ngàng", Thống đốc "giật mình"

(ĐSPL)  Việc GDP tăng vượt mọi dự báo khiến các thành viên Chính phủ có mặt tại cuộc họp không khỏi bất ngờ...

31/03/2015 02:40 PM
519

GDP tăng 6,03%

Phát biểu tại cuộc họp ban chỉ đạo liên bộ về phối hợp trong quản lý, điều hành kinh tế vĩ mô quý I/2015 chiều nay (30/3), ông Cao Viết Sinh – Tổ trưởng Tổ Vĩ mô liên ngành thông tin bức tranh kinh tế quý đầu năm nay sáng sủa hơn nhiều so với các năm trước khi GDP tăng 6,03%, cao nhất so với cùng kỳ 5 năm qua.

Việc GDP tăng vượt mọi dự báo khiến các thành viên Chính phủ có mặt tại cuộc họp không khỏi bất ngờ. “Khi nghe GDP tăng trưởng 6,03% tôi cũng giật mình. Trong những cuộc họp trước, hào hứng phấn khởi lắm thì hội đồng mới chỉ đánh giá GDP quý I tăng khoảng 5,6%”, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình phát biểu.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cũng chia sẻ khi nhận được con số báo cáo từ Tổng cục Thống kê cũng không khỏi ngỡ ngàng. “Lúc đó tôi đang ở New Zealand, nhận được thông tin GDP quý I tăng 6,03% thì trong niềm vui cũng cảm thấy lo lắng vì con số cao quá”, ông Vinh nói.

Tuy nhiên, sau khi cho rà soát lại, lãnh đạo các Bộ đều thừa nhận con số tăng trưởng GDP “đáng yên tâm".

GDP tăng cao: Bộ trưởng "ngỡ ngàng", Thống đốc "giật mình" - Ảnh 1

 Việc GDP tăng vượt mọi dự báo khiến các thành viên Chính phủ có mặt tại cuộc họp không khỏi bất ngờ. (Ảnh minh họa)

Ông Vinh phân tích, nhập khẩu vừa qua tăng mạnh, thì chủ yếu là phục vụ sản xuất, với 80% là hàng máy móc, thiết bị. Ngay cả nhập khẩu ô tô tăng, nhưng là ô tô tải, nghĩa là đều phục vụ cho sản xuất, vận chuyển vật liệu, chở đất cát..., chứ không phải xe du lịch, đi chơi.

Ngoài ra, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và đầu tư, số các doanh nghiệp đã quay trở lại hoạt động hiện tăng hơn 12%. Nhiều doanh nghiệp đã nhận được nhiều đơn hàng xuất khẩu cao hơn trước.

Cuối buổi họp, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nói: "Tôi không nghĩ là mình có thể đạt được. Tăng trưởng công bố lên, hơi bất ngờ, nhưng có cơ sở".

Ông nói, nhìn lại dãy năm 2011-2015, có thể thấy có chuyển biến ở nhiều chỉ tiêu. Trong 5 năm qua, với con số 6,03%. GDP quý I năm nay đã bứt phá, tăng cao nhất. Năm 2011, quý I GDP tăng 5,9%, năm 2012 là 4,75%, năm 2013 là 4,26%, 2014 là 5,06%.

"Kinh tế quý I/2015 tương đối yên tâm, tình hình vĩ mô ổn định vững chắc hơn. CPI âm 0,1% nhưng sản xuất vẫn tăng trưởng nên không liên quan đến giảm phát kinh tế", Bộ trưởng Vinh nhận định.

"Lẽ ra phải tăng giá điện thêm 9,5%"

Ông Nguyễn Văn Bình còn lạc quan khi cho rằng với đà tăng trưởng trên, giá điện tăng 7,5% từ 16/3 sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến GDP. “Lẽ ra hôm đó nên quyết tăng giá điện thêm 9,5%. Trước đó, tôi cũng báo cáo Thủ tướng nên mạnh dạn tăng 9,5% để không phải làm đi làm lại nữa. Nếu giá điện tăng 9,5% thì tăng trưởng cả năm vẫn có thể trên 6,2% và lạm phát dưới 5%”, Thống đốc Bình nói.

Nhưng theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, việc giá điện tăng 7,5% đã được tính toán kỹ lưỡng bởi ở mức đó thì ngành điện bắt đầu có lãi mà chi phí đầu vào của doanh nghiệp cũng như giá cả thị trường không có nhiều biến động.

GDP tăng cao: Bộ trưởng "ngỡ ngàng", Thống đốc "giật mình" - Ảnh 2

Theo vị Thống đốc ngân hàng, đáng ra nên quyết tăng giá điện thêm 9,5%. (Ảnh minh họa).

Nhận định về kinh tế quý II, các thành viên Chính phủ đều thống nhất kinh tế sẽ tiếp tục đà tăng trưởng. “GDP quý I tăng 6,03% sẽ là nền tảng cho tăng trưởng quý tiếp theo”, ông Cao Viết Sinh phát biểu. Đồng thời, nếu thực hiện hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thì tăng trưởng kinh tế 2015 có thể đạt 6,3-6,5%, cao hơn mục tiêu 6,2%.

Tổ công tác liên bộ cũng lưu ý những thách thức cho phát triển kinh tế sắp tới như đồng USD tăng giá ảnh hưởng đến xuất khẩu, giá dầu tăng cao trở lại và điều chỉnh giá điện ảnh hưởng đến lạm phát, việc giảm thuế cũng tạo áp lực cạnh tranh hàng hóa với các nước trong khu vực.

Phát biểu kết thúc cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá với kết quả đạt được trong quý đầu năm, kinh tế Việt Nam đã dần phục hồi từ mức đáy năm 2012, khi riêng quý I năm nay đã tăng trưởng vượt cả các năm trước (cả năm 2012 tăng 5,25%; 2013 tăng 5,42% và năm 2014 tăng 5,98%)

Tuy vậy, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh không nên vội chủ quan do tình hình kinh tế thế giới đầy biến động. "Chúng ta ngồi đây nhưng chưa biết đồng đôla Mỹ biến động thế nào. Giá dầu cũng tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro. Do vậy phải hết sức coi trọng trong điều hành kinh tế vĩ mô", Thủ tướng nói.

‘Không có doanh nghiệp chết là có vấn đề’

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, quý I chỉ có 4.040 doanh nghiệp khó khăn, giải thể, phá sản, thấp hơn 1.000 DN so với cùng kỳ năm ngoái là 5.100 doanh nghiệp khó khăn, dừng hoạt động.

Trong đó, số giải thể quý I mới là 2.565 DN, tạm ngừng hoạt động là 16.1675. Ngoài ra, quý I cũng ghi nhận đã có có 5.094 DN đã quay trở lại hoạt động, tăng 12,7%.

Thêm vào đó, doanh số kê khai nộp thuế năm ngoái là 482.615 DN. Đến 3 tháng đầu năm nay, đã có 490.000 DN, tăng 11.974 DN. Nếu tính 2 tháng đầu năm, doanh số kê khai tính thuế tăng 16,2%.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, Bộ KHĐT cho biết, tham khảo các chuyên gia Úc, New Zealand, trong nền kinh tế thị trường, số DN phá sản, giải thể, khó khăn bình quân trên thế giới là 12-14% là bình thường. Đó là quy luật của kinh tế thị trường.

Ông tính toán, chúng ta có gần 500.000 DN đang hoạt động bình thường thì 12% tỷ lệ rời bỏ tương ứng là 60.000 DN. Nếu số này chết, khó khăn là bình thường.

Tuy nhiên, số giải thể và tạm ngừng hoạt động cộng lại vừa qua mới là hơn 18.000, chưa đến 20.000 DN, mới đến 4% so với số doanh nghiệp hoạt động.

"Tôi cho Cục đăng ký kinh doanh rà soát thì thấy, 97% là DN nhỏ, vốn dưới 10 tỷ, rất bé. Họ muốn giải thể đi để làm việc khác, để đổi mới hoạt động. Đó là việc bình thường trong kinh tế hiện nay", bộ trưởng Vinh nói.

AN NHIÊN (Tổng hợp)

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý