Giả danh hiếm muộn xin con nuôi: Nghi vấn về đường dây buôn bán trẻ em

dinhhuong dinhhuong @dinhhuong

Giả danh hiếm muộn xin con nuôi: Nghi vấn về đường dây buôn bán trẻ em

Mặc dù đã quyết định ngày đi từ Tây Ninh xuống TP.HCM để nhận con nuôi nhưng Bảy lại bất ngờ thay đổi số điện thoại. Gọi vào số máy cũ không có tín hiệu liên lạc...

29/06/2017 09:46 PM
887

Mặc dù đã quyết định ngày đi từ Tây Ninh xuống TP.HCM để nhận con nuôi nhưng Bảy lại bất ngờ thay đổi số điện thoại. Gọi vào số máy cũ không có tín hiệu liên lạc, cập nhật Zalo cũng không được. Tìm hiểu thêm, PV nhận định, có thể đối tượng là một chân rết của đường dây buôn trẻ, khi có dấu hiệu bị phát hiện nên chọn cách “án binh” cho lành.

Liên tục thay đổi số điện thoại

Tính từ ngày gặp gỡ tới ngày hẹn gặp mặt xuống nhận cháu bé của em gái PV thì Bảy đã đổi 3 lần số điện thoại. Lần cuối cùng, Bảy điện cho PV vào ngày giữa tháng Năm. Lúc này, PV có hỏi việc vì sao đổi số điện thoại liên tục, chị ta trả lời vì người chồng cũ biết chị sắp lấy chồng nước ngoài nên ghen tuông phá phách. Do vậy, Bảy phải đổi số điện thoại để tránh bị làm phiền. Thời gian này, chị ta cũng tích cực đi học tiếng Hàn Quốc để giao tiếp với chồng ngoại.

Giả danh hiếm muộn xin con nuôi: Nghi vấn về đường dây buôn bán trẻ em - Ảnh 1Phóng to

Đối tượng Bảy lân la tại bệnh viện để xin con nuôi (áo trắng).

PV giả vờ ngó lơ về những thông tin đã xác minh ở địa chỉ Bảy cho là không có thực và nói sắp tới có đi dự đám cưới ở thị trấn Châu Thành, muốn ghé nhà Bảy chơi. Sau khi biết nhà cửa của Bảy sẽ giúp chị ta giới thiệu xin con nuôi. Hiện tại, PV đang quen ba cô gái tại một nhà tạm lánh mang thai tháng cuối muốn cho con. Còn cháu bé con em gái PV đã đổi ý không muốn cho con nữa.

Vừa nghe vậy, Bảy liền trả lời: “Em lên trên này thì hẹn trước chị biết. Dạo này, chị gái chị đang đi chùa miền Tây để cầu phúc nuôi con. Chỉ sợ em lên mà chị không có nhà thì lại không gặp được”. Mặc dù không từ chối PV trong việc tới nhà nhưng chị ta nói chuyện quanh co, lấp lửng.

Tiếp đó, người phụ nữ này chuyển chủ đề sang nội dung khác: “Em hỏi kỹ người quen đó có cho con thật không để chị thu xếp xuống dưới đó (xuống TP.HCM) để gặp gỡ nhé. Còn không, giống như cháu nhà em lúc cho lúc không thì lỡ việc”. Nói đoạn, Bảy nhấn mạnh: “Việc xin con nuôi này em nên giữ kín nha, để khỏi ảnh hưởng tới cuộc sống những người cho con và cả người xin nhận cũng như chị là người ở giữa”.

Theo lịch hẹn, Bảy cho biết cuối tháng Năm sẽ xuống Sài Gòn gặp PV để nhờ dẫn đi gặp người cho con, nhưng tới nay số điện thoại thứ ba của Bảy không liên lạc được. Nhắn tin cũng không thành công. Xâu chuỗi tất cả các mối liên hệ, sự gặp gỡ về người đàn bà này từ lần ở bệnh viện tới nay, PV nhận định, đây có thể là đối tượng chuyên đi tìm các trẻ sơ sinh với danh nghĩa nhận làm con nuôi để bán cho người hiếm muộn, hoặc đưa ra nước ngoài.

Giả danh hiếm muộn xin con nuôi: Nghi vấn về đường dây buôn bán trẻ em - Ảnh 2Phóng to

Những tin nhắn lần cuối mà Bảy trao đổi với PV.

Nhớ lại lần đầu gặp mặt, người này trò chuyện giả gia cảnh thảm thiết, buồn vì khao khát có đứa trẻ để nuôi nhưng không được. Thế nhưng, thái độ nói chuyện của chị ta úp mở, rất cảnh giác, có lúc đeo khẩu trang che mặt. Hơn thế, người này không dùng một số điện thoại cố định mà liên tục thay đổi, rất đáng ngờ.

Điều rõ nhất là những địa chỉ cho PV và khoe gia cảnh giàu có là không có thực. Trên tất cả hình ảnh Zalo ban đầu liên lạc với PV chỉ để ảnh đại diện là một em bé dễ thương. Ngoài ra, không có thông tin ngày tháng, năm sinh và số điện thoại cụ thể.
Nghi vấn đường dây buôn trẻ

Ngay khi bị mất liên lạc với Bảy, PV vẫn chờ đợi chị ta gọi điện lại nhưng tới nay vẫn bặt vô âm tín. PV tiếp tục quay lại cổng bệnh viện Từ Dũ túc trực xem có gặp lại Bảy không, đồng thời thu thập thêm thông tin về người phụ nữ này. Qua đó, PV được một người xe ôm cho biết, trước đây ông từng chở một người phụ nữ lạ tới bệnh viện nói đi thăm người quen sinh con. Tuy nhiên, trên đường đi, chị ta hỏi rất nhiều việc có biết ai sắp sinh mà muốn cho con không. Sau khi chở chị ta ra trạm xe buýt để về bến xe An Sương, người phụ nữ này còn xin số điện thoại ông xe ôm, nói nếu ông xe ôm biết ai có nhu cầu cho con thì liên hệ với chị ta nhưng lâu rồi không thấy người phụ nữ gọi lại.

Ông xe ôm chia sẻ: Ở bệnh viện Từ Dũ rất nghiêm ngặt về an ninh và có nhiều camare giám sát. Có thể người phụ nữ PV đang tìm gặp đã xin được con nên không quay lại bệnh viện nữa.

Xác minh thông tin về người phụ nữ tên Bảy bất thành, PV trao đổi vụ việc với Trung tá Nguyễn Duy Thanh, Đội trưởng đội 4, phòng 6 (đội Phòng chống mua bán người), cục Cảnh sát hình sự phía Nam, bộ Công an. Trung tá Thanh cho biết, những thông tin PV thu thập được có thể đặt ra khả năng đây là một đường dây buôn bán người.

Tuy nhiên, việc đối tượng tự nhiên mất dấu rõ ràng cho thấy đối tượng đã phát hiện có động. Bởi những đường dây hoạt động buôn người dưới mọi hình thức thường rất tinh vi. Chúng có thể hoạt động trải dài từ Bắc vào Nam với nhiều chân rết trên từng địa bàn. Do vậy, thời gian theo dõi đối tượng lâu dài, phải bắt quả tang, đúng người, đúng tội mới xử lý triệt để nạn buôn người trái phép. Qua chia sẻ, PV cho biết sẽ tiếp tục theo dõi khi có tin hiệu mới về các đối tượng để phối hợp cùng công an triệt phá.

“Hiện nay, có rất nhiều đối tượng buôn bán, môi giới với danh nghĩa mai mối người ra nước ngoài lấy chồng hoặc xin, cho, nhận con nuôi. Hầu hết, bọn tội phạm nhắm vào những nạn nhân có gia cảnh nghèo khó, éo le, yêu đương lỡ làng để dụ dỗ, mua chuộc. Phần đông khi cho con đi rồi, hay gả con lấy chồng ngoại, cha mẹ sẽ không biết được số phận con mình ra sao. Người dân cần cảnh giác hơn trong việc cho con làm con nuôi người khác khi không được chính quyền công nhận, làm thủ tục giấy tờ pháp lý...”, Trung tá Thanh cảnh báo.

Phường chỉ mới ký nhận việc bỏ rơi con tại bệnh viện

PV đã liên hệ với Công an phường Phạm Ngũ Lão, quận 1 - nơi bệnh viện Từ Dũ đóng trên địa bàn, Trung tá Phạm Anh Tuấn – Phó trưởng Công an phường cho biết: Nhiều năm nay, phường ký nhiều giấy xác nhận tình trạng sinh con xong bỏ rơi lại bệnh viện của các thai phụ. Riêng việc các đối tượng giả danh người hiếm muộn xin con nuôi để thực hiện các mục đích phi pháp thì chưa nhận tin báo. Thông thường, khi làm thủ tục xác nhận các trẻ sơ sinh bị bỏ rơi thì sẽ bàn giao lại cho bệnh viện Từ Dũ, sau đó chuyển các bé vào trung tâm trại trẻ mồ côi, hoặc việc cho – nhận con nuôi thì sẽ thuộc quyền của bệnh viện, phía quận và các cơ quan tư pháp.

Cũng theo Trung tá Tuấn, nếu người dân phát hiện các đối tượng có hành vi xin con nuôi giả danh người hiếm muộn nhằm mục đích mua bán, lợi dụng trẻ em... thì chúng ta cần báo sự việc cho chính quyền nơi gần nhất, hoặc bệnh viện để ngăn chặn những hành vi phạm tội mà bọn tội phạm nhằm vào các trẻ em.

Huệ Trần

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý