Giá dầu thô tiếp tục giảm mạnh

sakura1 sakura1 @sakura1

Giá dầu thô tiếp tục giảm mạnh

Giá dầu thô trên thị trường Mỹ đã giảm 8,1% trong tuần qua. Cùng lúc đó, các công ty sản xuất năng lượng trên khắp thế giới vẫn tiếp tục bơm dầu ra thị trường..

10/02/2016 09:18 AM
7

(ĐSPL) - Giá dầu thô trên thị trường Mỹ đã giảm 8,1% trong tuần qua. Cùng lúc đó, các công ty sản xuất năng lượng trên khắp thế giới vẫn tiếp tục bơm dầu ra thị trường ở mức cao kỷ lục.

Giá dầu thế giới tiếp tục đi xuống trong phiên giao dịch ngày 8/2, với giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) trượt xuống dưới 30 USD/thùng sau khi cuộc thảo luận giữa Saudi Arabia và Venezuela hôm cuối tuần "dập tắt" hy vọng về khả năng sẽ sớm thực hiện chính sách cắt giảm sản lượng.

Tại thị trường New York, giá dầu WTI giao tháng Ba giảm 1,2 USD, tương đương 3,9%, xuống 29,69 USD/thùng. Trong khi đó, tại London, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng Tư hạ 1,18 USD, hay 3,5%, và đóng cửa phiên này ở mức 32,88 USD/thùng.

Trong tuần này, giá dầu thô trên thị trường Mỹ đã giảm 8,1%. Còn tính từ đầu năm 2016 đến nay, giá dầu giảm 17%. Tuy nhiên cùng lúc đó, các công ty sản xuất năng lượng trên khắp thế giới vẫn tiếp tục bơm dầu ra thị trường ở mức cao kỷ lục.

Dự trữ dầu tại Mỹ trong tuần qua vượt mức 500 triệu thùng lần đầu tiên trong hơn 8 thập kỷ. Với những yếu tố trên, nhiều chuyên gia tin rằng giá dầu sẽ còn tiếp tục sụt giảm.

Bộ trưởng Dầu mỏ của hai nước thành viên Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), Saudi Arabia và Venezuela, đã thảo luận về vấn đề cùng phối hợp bình ổn thị trường, nhưng quốc gia sản xuất “vàng đen” hàng đầu Saudi Arabia vẫn tiếp tục tỏ ý không sẵn sàng tổ chức một phiên họp khẩn cấp của OPEC nhằm giải quyết về tình trạng giá dầu thấp.

Hồi cuối tháng 1/2015, đồn đoán về khả năng Nga và OPEC có thể cùng thảo luận về khả năng cắt giảm sản lượng đã hỗ trợ giá dầu trong một khoảng thời gian ngắn.

Giá dầu thô tiếp tục giảm mạnh - Ảnh 1Phóng to

Giá dầu thế giới tiếp tục đi xuống trong phiên giao dịch ngày 8/2.

Cuộc họp hôm Chủ nhật 7/2 giữa Arab Saudi và Venezuela kết thúc mà không đưa ra được bất kỳ kế hoạch nào về cắt giảm sản lượng, dập tắt mọi hy vọng rằng các nước xuất khẩu dầu chủ chốt sẽ hợp tác về việc giảm sản lượng. Số liệu của Barclays cũng cho thấy nhu cầu dầu thô của Mỹ và Trung Quốc - nước tiêu thụ lớn nhất và thứ 2 thế giới - cũng giảm.

Theo báo cáo của Barclays, nhu cầu sản phẩm lọc dầu của Mỹ trong tháng 1/2016 giảm 3,9% so với tháng 1/2015. Tại Trung Quốc, mặc dù nhu cầu dầu thô trong tháng 12/2015 ổn định, song đây là số liệu yếu kém nhất trong một năm qua.

Trong khi đó, theo báo cáo của Platts China Oil Analytics, nhu cầu dầu thô của Trung Quốc trong tháng 12/2015 giảm 0,8% so với cùng kỳ xuống 11,35 triệu thùng/ngày. Tuy vậy, cả năm 2015, nhu cầu dầu thô vẫn tăng 5,8% lên 11,11 triệu thùng/ngày.

Số liệu về nhu cầu rất ảm đạm và chưa có sự chuyển biến tích cực nào về những yếu tố cơ bản, Barclays cho biết. Báo cáo bi quan về nhu cầu dầu thô được đưa ra khi nguồn cung cho thấy những dấu hiệu tiếp tục tăng với tốc độ kỷ lục.

Giá dầu giảm đã khiến nhiều công ty dầu khí phải cắt giảm chi phí đầu tư nhưng hiệu quả khai thác tiếp tục tăng lên. Sản lượng dầu thô của các giàn khoan đang hoạt động vẫn đạt mức kỷ lục, theo báo cáo của ANZ. Sản lượng dầu thô của Mỹ ổn định ở 9,2 triệu thùng trong những tháng gần đây, bất chấp số giàn khoan giảm.

Ngay từ những ngày đầu năm 2016, giá dầu thế giới liên tục thiết lập đáy mới. Kết thúc phiên giao dịch ngày 20/1/2016, giá dầu WTI của Mỹ giao tháng 2/2016 trên sàn New York Mercantile Exchange giảm 1,91 USD xuống 26,55 USD/thùng, thấp nhất kể từ 7/5/2003; giá dầu giao tháng 3/2016 giảm 1,22 USD xuống 28,35 USD/thùng.

Trên toàn cầu, các chỉ số chứng khoán giảm mạnh khi giới đầu tư tỏ ra lo lắng về sức khỏe kinh tế Trung Quốc và các thị trường mới nổi khác. Trung Quốc là thị trường tiêu thụ hàng hóa chủ chốt và kinh tế nước này tăng trưởng chậm lại sẽ khiến thế giới ngập trong dầu thô và các loại nguyên vật liệu thô khác trong nhiều tháng.

Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), tăng trưởng nhu cầu dầu thô của Trung Quốc sẽ chậm lại, xuống 3,1% trong năm nay so với 5,6% của năm 2015. Tại Trung Đông, việc Chính phủ Saudi Arabia và UAE đã giảm trợ cấp nhiên liệu cũng khiến tăng trưởng nhu cầu dầu thô của khu vực này chậm lại.

IEA cũng đưa ra nhận định cho rằng, thế giới có thể sớm ngập trong dầu thừa. Cụ thể là, sản lượng dầu thô của các nước ngoài OPEC năm 2016 sẽ giảm do cắt giảm chi tiêu, nhưng lượng dầu giảm này sẽ được bù đắp khi Iran tăng sản lượng sau khi các lệnh trừng phạt nước này được dỡ bỏ. Tiêu thụ dầu thô toàn cầu năm 2015 tăng khi người tiêu dùng tận dụng lợi thế giá dầu rẻ và Trung Quốc tăng dự trữ dầu chiến lược, nhưng xu hướng này sẽ không kéo dài.

Một số chuyên gia kinh tế cảnh báo, những tác động tích cực của việc giá dầu ở mức thấp đối với chi tiêu dùng có thể bị lu mờ bởi các yếu tố mà nhiều nhà phân tích đánh giá thấp khi giá dầu bắt đầu giảm. Đó là, giá dầu giảm thêm sẽ dẫn đến hậu quả là làm tăng tỷ lệ thất nghiệp, cắt giảm đầu tư và chi tiêu và sự sụt giảm nguồn thu của nhiều chính phủ.

Do triển vọng ảm đạm của kinh tế toàn cầu, các tổ chức tài chính quốc tế đều hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới, trong đó có đề cập đến giá dầu. Theo báo cáo do Ngân hàng Thế giới công bố vào ngày 6/1/2016, giá dầu thế giới năm 2016 sẽ giảm 8,5%, sau khi giảm 46,5% vào năm 2015. Tương tự, báo cáo cập nhật do Quỹ Tiền tệ quốc tế công bố vào ngày 19/1/2016 dự báo, giá dầu thế giới năm 2016 sẽ giảm tới 17,6% sau khi giảm 47,1% vào năm 2015.

Theo nhận định do Tập đoàn Citibank đưa ra vào ngày 19/1, giá dầu Brent và WTI bình quân chỉ đạt 34 USD/thùng trong quý I/2016, sau đó giảm xuống 31 USD/thùng trong quý II/2016.

Chuyên gia Minerd của Guggenheim Partners còn đưa ra dự đoán ảm đạm hơn khi cho rằng, giá dầu năm 2016 chỉ còn 20 USD/thùng do nhà đầu tư tháo chạy khỏi thị trường và tìm tới những tài sản an toàn hơn.

Ngọc Anh (Tổng hợp)

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý