Giá điện: EVN được 'tự quyết' nếu đầu vào tăng từ 3-5%

ban ban @ban

Giá điện: EVN được 'tự quyết' nếu đầu vào tăng từ 3-5%

Nếu các thông số đầu vào làm giá điện cơ sở cập nhật biến động tăng từ 35% so với giá điện hiện hành thì EVN được quyết định điều chỉnh giá đây là quyết định mới của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải.

30/01/2015 08:47 AM
458

Thông tin trên báo Vietnamnet, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đồng ý chủ trương sửa đổi cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân.

Cụ thể, EVN sẽ xây dựng phương án sửa đổi Quyết định số 69/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng ban hành ngày 19/11/2013 quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và Thông tư số 12/2014/TT-BCT ngày 1/6/2014 quy định tính toán mức giá bán lẻ điện bình quân.

Bộ Công Thương sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính chỉ đạo EVN thực hiện nhiệm vụ trên và chịu trách nhiệm trình Thủ tướng phương án sửa đổi.

Trong đó, Phó Thủ tướng đồng ý sẽ giảm các biên độ về quyền điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân. Nếu các thông số đầu vào làm giá điện cơ sở cập nhật biến động tăng từ 3-5% so với giá điện hiện hành thì EVN được quyết định điều chỉnh giá. Các Bộ Công Thương, Tài chính thực hiện công tác hậu kiểm.

Theo Quyết định 69 hiện hành, các mốc biến động giá cơ sở điện là 7-10%, trong đó, nếu tăng dưới 7%, EVN sẽ được tự tăng giá. Nếu tăng từ 7-10%, EVN sẽ phải xin ý kiến Bộ Công Thương và Bộ Tài chính thẩm định, đồng ý.

Nếu giá điện tăng trên 10%, việc điều chỉnh giá sẽ do Bộ Công Thương trình Thủ tướng cho ý kiến phê duyệt.

Đồng thời, các mức tăng giá điện này cũng phải đảm bảo nằm trong phạm vi khung giá bán lẻ điện bình quân với mức cao nhất là 1.437 đồng/kWh đến 1.835, đồng/kWh vào năm 2015.

 - Ảnh 1

Nếu các thông số đầu vào làm giá điện cơ sở cập nhật biến động tăng từ 3-5% so với giá điện hiện hành thì EVN được quyết định điều chỉnh giá. (Ảnh minh họa).

Tại cuộc họp của 4 bộ thuộc Tổ điều hành kinh tế vĩ mô tuần trước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã yêu cầu Bộ Công Thương tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình giá cả thị trường để hoàn thiện các phương án điều chỉnh giá điện trong năm 2015, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3.

Thủ tướng cũng chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam rà soát, có các biện pháp cụ thể, quyết liệt để giảm mạnh chi phí sản xuất, kinh doanh điện, nhất là phải giảm tỷ lệ hao hụt, nâng cao năng suất lao động và tạo thuận lợi hơn nữa, tiết kiệm thời gian trong tiếp cận điện năng của doanh nghiệp, người dân, bảo đảm đạt kết quả cụ thể và được công khai rộng rãi ngay trong năm 2015.

Trước đó, trao đổi với báo chí bên lề cuộc gặp mặt chiều 26/1, nhiều câu hỏi liên quan đến vấn đề tăng giá điện và hoạt động của Tập đoàn Điện lực EVN đã được đặt ra với Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải. Theo đó, Thứ trưởng Hải khẳng định, tới đây giá điện sẽ được điều chỉnh với 3 phương án nhưng phương án cụ thể phải được tính toán dựa trên sức chịu đựng của nền kinh tế.

Trước quan điểm cho rằng, năng suất lao động, quản trị của EVN thiếu minh bạch, yếu kém nên dẫn tới lỗ khủng, nay lại muốn hạch toán chi phí lỗ vào giá thành điện để người tiêu dùng phải "gánh" là không công bằng, ông Hải phản bác, “không ai có thể nói EVN tăng giá chỉ để bù lỗ và cũng không thể nói chuyện tăng giá bù đắp được các khoản lỗ của EVN. Vấn đề mấu chốt là cần đưa giá điện tiến tới giá thị trường, chứ không nên làm bóp méo nó đi”.

Theo số liệu thống kê, giá điện của Việt Nam mặc dù ở mức thấp hoặc tương đương với một số nước trong khu vực nhưng thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam thấp hơn nhiều. Do đó có ý kiến đánh giá giá điện Việt Nam là cao nếu tính theo thu nhập bình quân đầu người. Cụ thể, trong khi giá điện của Việt Nam tương đương với Malaysia, Indonesia nhưng thu nhập bình quân của Việt Nam vào năm 2013 là 1.911 USD/người/năm còn Malaysia là 10.538 USD/người/năm, Indonesia là 3.475 USD/người/năm…

Nêu quan điểm về vấn đề này, Thứ trưởng Hải cho rằng, ưu tiên hàng đầu đối với giá điện phải “chuẩn với thị trường”, trường hợp thu nhập thấp người dân phải có trách nhiệm dùng ít thay vì dùng nhiều điện.

Thứ trưởng Hải cho biết, tại cuộc làm việc với Ngân hàng Thế giới (WB) mới đây về tài chính của EVN, các chuyên gia của WB đã báo động về tình trạng tài chính của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) bởi giá điện quá thấp. Nếu kéo dài tình trạng này, EVN có thể sẽ phá sản.

Ngọc Anh (Tổng hợp)

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý