Giả điện thoại cảnh sát lừa đảo tiền tỷ

mitdac1 mitdac1 @mitdac1

Giả điện thoại cảnh sát lừa đảo tiền tỷ

Sau khi thông báo nợ cước điện thoại, nhóm tội phạm hù dọa, nói “nạn nhân liên quan đường dây buôn ma túy”, “rửa tiền” quốc tế… và yêu cầu chuyển tiền để xác minh làm rõ. Nhiều nạn nhân bị sập bẫy.

26/08/2014 11:30 AM
700

Hù “dính” đường dây rửa tiền, ma túy…

Ngày 20/8, điện thoại bàn nhà bà T.T.T.C (trú phường Chung Mỹ Tây, quận 12, TPHCM) có số lạ gọi đến thông báo bà đang nợ cước điện thoại 8,6 triệu đồng. Khi bà C. phản ứng thì kẻ kia nói bà liên quan đường dây tội phạm ma túy và rửa tiền mà công an và Viện KSND TP Hà Nội đang điều tra.

Công an TPHCM đang đọc lệnh bắt đối tượng Li Shi Min

Với lý do “để xác minh số tiền trên là hợp pháp”, đối tượng yêu cầu bà C. chuyển tiền vào tài khoản “cơ quan công an” để kiểm tra, sau đó sẽ trả lại.

Lo sợ, bà C chuyển 300 triệu đồng vào tài khoản mang tên Huỳnh Thanh Phong (số 19028174839010, ngân hàng Techcombank). Tuy nhiên, hơn một ngày sau, các đối tượng vẫn không chuyển tiền trở lại, bà C. đến báo công an phường thì được biết số tiền trên đã bị bọn lừa đảo rút hết.

Ngày 19/8, bà L.T.K.N (49 tuổi, phường 25, quận Bình Thạnh, TPHCM) nhận được điện thoại của một người thông báo, bà nợ tiền cước điện thoại. Người này tiếp tục nối máy để bà N. nói với một người tự xưng là cán bộ điều tra.

Sau đó bà N. được thông báo tài khoản ngân hàng của bà có liên quan đường dây tội phạm quốc tế nên yêu cầu bà chuyển tiền sang tài khoản của “cơ quan điều tra” để xác minh nguồn gốc. Bà N. đã chuyển gần 870 triệu đồng vào tài khoản mà người xưng là “cán bộ điều tra” cung cấp nhưng hơn một ngày sau vẫn không thấy tiền được chuyển trả về. Bà N. đã đến công an địa phương trình báo vụ việc và mới biết bị lừa đảo.

Với thủ đoạn trên, nhóm tội phạm cũng lừa được ông Đ.T.T, 43 tuổi, chiếm đoạt 600 triệu đồng; bà N.T.H.M, 60 tuổi bị chiếm đoạt 350 triệu đồng (đều trú phường Tân Quý, quận Tân Phú, TPHCM); bà T.T.D.N (40 tuổi, trú phường 7, quận Phú Nhuận, TPHCM) bị chiếm đoạt 500 triệu đồng…

Cầm đầu là đối tượng người Đài Loan - Trung Quốc

Ngày 25/8, trung tá Nguyễn Thành Nhân, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, PC46, CA TPHCM) cho biết, lực lượng vừa bắt ba đối tượng liên quan các vụ lừa đảo qua điện thoại xảy ra trên địa bàn trong thời gian qua.

Theo đó, chiều 24/8, công an bắt khẩn cấp Li Shi Min (30 tuổi, quốc tịch Trung Quốc) tại phòng 305 Khách sạn Hà Nội, đường Hoàng Việt (quận Tân Bình, TPHCM) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tại đây, công an thu giữ nhiều thẻ ATM của các ngân hàng ACB, VIB, Sacombank, BIDV, Vietinbank... và giấy tờ, tài liệu có liên quan vụ án. Cùng ngày, công an bắt khẩn cấp Huỳnh Thị Như Mai (30 tuổi, trú phường Mỹ Phước, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang).

Huỳnh Thị Như Mai tại cơ quan điều tra

Theo điều tra, Li Shi Min cùng một kẻ tên Sán (người Trung Quốc, chưa xác định được lai lịch) sang Việt Nam gặp Mai để thu mua thẻ ATM. Sau đó, Li Shi Min cung cấp thẻ này cho đồng bọn để chuyển tiền lừa đảo. Ngày 20/8, đồng bọn của Li Shi Min gọi điện thoại cho bà T.T.T.C. để thực hiện hành vi lừa đảo. Ngay khi nhận được tiền, các đối tượng rút hết số tiền này.

Ngoài vụ bà C, các đối tượng đã thực hiện trót lọt nhiều vụ khác, số tiền chuyển vào tài khoản 19028174839010 do ông Huỳnh Thanh Phong đứng tên có hơn 500 triệu đồng. Riêng Mai khai nhận đã làm đầu mối thu mua hơn 80 thẻ ATM cung cấp cho Li Shi Min với giá từ 1 - 3 triệu đồng/thẻ.

Trung tá Nhân cho biết thêm, các tổ chức tội phạm này sử dụng thiết bị viễn thông công nghệ cao, thực hiện cuộc gọi qua internet, giả mạo số thuê bao, thường là hiển thị số điện thoại của các cơ quan pháp luật Việt Nam như Công an Hà Nội, Công an Tây Ninh…

Bằng sự lựa chọn ngẫu nhiên, các đối tượng thực hiện cuộc gọi đến các thuê bao trong nước, giả danh nhân viên công ty viễn thông Việt Nam thông báo nợ cước, nếu không thanh toán sẽ bị cắt và chuyển sang công an xử lý.

“Người bị hại phản ứng, lập tức được hướng dẫn bấm phím 0 hoặc phím 9 để được giải quyết nhưng thực tế, các số này được bọn chúng kết nối sẵn, sau đó xưng danh thiếu úy A, thiếu tá B… là “cán bộ điều tra” đang thụ lý điều tra vụ rửa tiền hoặc buôn bán ma túy”, trung tá Nhân nói.

Cũng theo trung tá Nhân, các tài khoản mà nạn nhân chuyển tiền là các tài khoản được mua từ các đầu mối tại Việt Nam hoặc tài khoản do người Đài Loan- Trung Quốc đứng tên.

Thượng tá Nguyễn Việt Thái, Phó trưởng Công an quận Bình Thạnh, TPHCM nói: “Chúng tôi đã tuyên truyền, vận động người dân rất nhiều, thậm chí còn cử cán bộ đem phát tờ rơi đến tận nhà nhưng người dân vẫn bị lừa, thật không hiểu nổi”.

Để cảnh báo người dân, CA TPHCM phối hợp với mạng viễn thông gửi tin nhắn với nội dung: “CA TPHCM khuyến cáo nhân dân cảnh giác với bọn tội phạm gọi điện thoại để lừa đảo, hăm dọa, chiếm đoạt tiền. Cơ quan Công an, Viện Kiểm sát khi điều tra vụ án, không tùy tiện giữ tiền và làm việc với người dân qua điện thoại. Tuyệt đối không chuyển tiền vào tài khoản của người lạ. Đường dây nóng báo tin tội phạm 113”.

Tính đến thời điểm hiện tại, các nhóm nghi can đã lừa trót lọt 104 người bị hại với tổng số tiền hơn 21 tỷ đồng. CA TPHCM đã ra quyết định khởi tố 11 vụ án hình sự, khởi tố 55 bị can (trong đó có 13 bị can người Đài Loan, 42 bị can người Việt Nam; phong tỏa tài khoản, thu hồi gần 5,9 tỷ đồng trả cho người bị hại.

 

Theo Tienphong.vn

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý