Giả mạo cảnh sát bắt tội phạm, nam sinh 16 tuổi phạm tội gì?

mesu mesu @mesu

Giả mạo cảnh sát bắt tội phạm, nam sinh 16 tuổi phạm tội gì?

(ĐSPL) Một nam sinh 16 tuổi đã giả mạo cảnh sát để bắt trộm tại khu chợ. Hành vi này đã bị lực lượng cảnh sát phát hiện và cậu bé đã bị bắt giữ.

27/03/2015 03:37 PM
481

Bị bắt vì giả mạo cảnh sát bắt tội phạm

Theo báo Đời sống & Pháp luật đã lược dịch, cậu học sinh 16 tuổi, Wang Shin, bị bắt vì tội giả mạo cảnh sát. Wang Shin đã mặc một bộ đồng phục cảnh sát giả, sử dụng ID giả và vũ khí để bắt trộm tại khu chợ mà cậu ta đang sống.

Cậu thiếu niên này đã bị lực lượng cảnh sát bắt giữ tại thành phố Thạch Gia Trang, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc vì phát hiện mặc đồng phục giả.

Cảnh sát đã thu giữ một chiếc xe ô tô, chiếc xe đã được Wang Shin tân trang trông giống ô tô cảnh sát. Bên trong chiếc này, công an tìm thấy một chiếc dùi cui giả, một còng tay và cả một khẩu súng ngắn.

 - Ảnh 1

Công cụ giả mạo cảnh sát của cậu học sinh.

Khi bị đưa về đồn cảnh sát để thẩm vấn, Wang Shin vẫn ngoan cố nói rằng mình là một công an phường và các sĩ quan nên để cho cậu ta đi. Theo phát ngôn viên cảnh sát Chung Hu cho biết: “Lúc bị bắt, cậu ta đang mặc một bộ đồng phục cảnh sát giả. Đây không phải đồng phục chính thức được cấp, nó được cậu ta mua từ một cửa hàng trang phục”.

Ông Chung Hu còn cho biết thêm, thẻ công an cũng là giả mạo. Trong ảnh thẻ, cậu ta thậm chí còn không mặc đồng phục như yêu cầu. Điều làm cho lực lượng cảnh sát ngạc nhiên nhất là khi bị bắt cậu ta chỉ mới 16 tuổi và vẫn còn đi học.

Giải thích về hành vi giả mạo của mình, Wang Shin nói: “ Tôi không thấy mình đã làm gì sai. Đơn giản chỉ là tôi mơ được trở thành một cảnh sát. Tôi nhận ra mình còn quá trẻ và tôi không muốn đợi chờ lâu hơn nữa”. Cậu học sinh này còn nói với cảnh sát rằng những hành động của cậu là để giúp đỡ người dân trong khu vực, đồng thời cũng khai nhận đã thực hiện một số vụ bắt giữ.

Pháp luật Việt Nam xử lý thế nào về hành vi này?

Đối với tội phạm giả danh, hiện nay theo án lệ thường có hai quan điểm. Một là chế tài hành vi giả danh theo Điều 265 Bộ luật Hình sự: Tội giả mạo chức vụ, cấp bậc quy định: Người nào giả mạo chức vụ, cấp bậc thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

Nếu tội phạm có chức vụ nhưng giả danh chức vụ khác hoặc cao hơn để nhằm thực hiện hành vi vi phạm pháp luật sẽ bị truy tố theo Điều 284 Bộ luật Hình sự: Tội giả mạo trong công tác có khung hình phạt đến mười năm tù. Hình thức xử lý này thông thường áp dụng trong trường hợp các tội phạm giả danh đã giả danh nhưng chưa thực hiện được mục đích của việc giả danh là chiếm đoạt tài sản, gây thiệt tại đến tài sản, sức khỏe, sinh mạng người khác.

Tuy nhiên, hầu hết các tội phạm giả danh đã bị xử lý trước pháp luật đều bị truy tố theo tội danh mà các tội phạm giả danh để vi phạm, ví dụ cưỡng đoạt, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thậm chí là cướp tài sản, trộm cắp tài sản.

Kẻ giả danh người có chức vụ, quyền hạn để phạm tội luôn tin rằng chỉ cần dùng các thủ đoạn gian dối là có thể thực hiện hành vi phạm tội một cách dễ dàng. Tuy nhiên, mọi hành vi phạm tội đều bị phát hiện và xử lý triệt để. Khi bị phát hiện, những kẻ này sẽ bị xử lý theo tội danh đã thực hiện. Chẳng hạn, nếu tội phạm giả danh để lừa tiền thì phạm tội lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 139, Bộ luật Hình sự... với những tình tiết tăng nặng là giả danh người có chức vụ quyền hạn. Ngoài ra, những đối tượng còn làm giả giấy tờ để dễ giả danh, ngoài việc bị xử lý về tội phạm đã thực hiện còn bị xử lý về Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức quy định tại Điều 267, Bộ luật Hình sự với mức án lên tới 7 năm tù.

Theo nội dung vụ việc trên, nếu dựa theo pháp luật Việt Nam thì Wang Shin có thể phạm tội “Giả mạo chức vụ, cấp bậc”.

Tội phạm này xâm phạm trật tự quản lý hành chính Nhà nước, gây mất uy tín của cơ quan Nhà nước, xâm hại đến lợi ích của Nhà nước, tổ chức hoặc công dân.

Đối tượng tác động là chức vụ, cấp bậc mà nhà nước quy định cho cán bộ, nhân viên trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị lực lượng vũ trang.

Người phạm tội có hành vi giả mạo cấp bậc hoặc chức vụ, được thực hiện bằng mọi hình thức (nói, viết, mặc trang phục, phù hiệu…).

Chỉ hành vi giả mạo chức vụ, cấp bậc để thực hiện hành vi trái pháp luật mới cấu thành tội phạm này. Nếu hành vi giả mạo chức vụ, cấp bậc chỉ để khoe khoang, bắt tội phạm hay mục đích nào khác không phải để thực hiện hành vi trái pháp luật thì không cấu thành tội phạm. Tuy nhiên, nếu hành vi giả mạo chức vụ, cấp bậc để thực hiện hành vi phạm tội thì sẽ cấu thành thêm các tội phạm tương ứng đó (như tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản chẳng hạn). Tội phạm này không cần dấu hiệu hậu quả.

Điều luật này quy định hai hành vi là “giả mạo chức vụ”, “giả mạo cấp bậc”. Chỉ cần người phạm tội thực hiện một trong hai hành vi trên đã đủ cấu thành tội phạm.

Động cơ, mục đích không là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này.

Người nào giả mạo chức vụ, cấp bậc thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

Nhưng cần xem xét, trong trường hợp này Wang Shin chưa đủ 16 tuổi. Theo Điều 12 BLHS “Tuổi chịu trách nhiệm hình sự”: "Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng". Mà khung hình phạt tối đa của tội “Giả mạo chức vụ, cấp bậc” là hai năm tù. Chiếu theo quy định của Điều 8 BLHS thì tội đó là tội phạm ít nghiêm trọng.

Như vậy, chiếu theo pháp luật Việt Nam thì Wang Shin sẽ không bị xử lý hình sự. Nhưng vẫn bị xử lý hành chính để giáo dục tại gia đình và địa phương.

Giả danh sếp lớn, con cháu VIP lừa "chạy" dự án khủng

Kim Thành

Đọc báo Pháp luật Đời Sống trong ngày cập nhật liên tục từng giờ tại chuyên mục Pháp Luật

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý