Giá xăng dầu giảm lần thứ 11: Cước vận tải giảm chưa sòng phẳng

baybykiu baybykiu @baybykiu

Giá xăng dầu giảm lần thứ 11: Cước vận tải giảm chưa sòng phẳng

Nhiều hãng taxi, vận tải trên cả nước đã thông báo giảm giá cước, tuy nhiên, mức giảm nói chung đến nay vẫn chưa tương xứng với mức giảm giá xăng sau 11 lần điều chỉnh giảm.

20/12/2014 02:05 PM
1,547

Taxi đổ lỗi cho xăng dầu

Thanh Niên, tính đến thời điểm này, đã có gần 60 hãng taxi đăng ký giảm giá với Sở Tài chính Hà Nội với mức giảm trung bình chỉ từ 4 - 9%, tương ứng từ 500 - 1.000 đồng/km. Công ty CP bến xe Hà Nội cho biết đã có hơn 20 doanh nghiệp (DN) vận tải khách tuyến cố định như Công ty CP Hoàng Hà, Công ty CP xe khách Thái Bình, Xí nghiệp xe khách phía nam... đăng ký giảm giá với mức giảm từ 3 - 11%. Tuy nhiên, sự thiếu sòng phẳng là không chỉ nằm ở việc giảm "cầm chừng" mà còn ở sự chần chừ kéo dài. Tới giữa tháng 11 mới có 2/3 số DN đã đăng ký giảm. Tới thời điểm này khi giá xăng dầu tiếp tục giảm sâu thêm nhiều đợt, các DN vận tải khách tuyến cố định cũng như taxi vẫn chưa có dấu hiệu giảm giá tiếp.

Tại TP.HCM tính đến chiều 16/12, có 7 hãng giảm với mức là 500 đồng/km, chỉ chiếm hơn 3% trên tổng mức giá. Trả lời thắc mắc của PV Thanh Niên về kế hoạch giảm giá tiếp, một đại diện hãng taxi lớn ở phía nam cho rằng DN không thể điều chỉnh giá theo từng giờ từng ngày được do giá xăng trong nước thiếu tính ổn định. Còn theo ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP.HCM, “mức giảm này được Bộ Tài chính hoan nghênh”.

Tuy nhiên, theo TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, bất luận thế nào, chưa ổn định, nên DN cũng “không ổn định” theo. “Đã theo cơ chế thị trường, việc tuân theo giá thế giới là điều hiển nhiên, và giá xăng đang biến động từng ngày, DN không thể đòi hỏi một sự ổn định đến vô lý thế được. Ngoài ra, theo Nghị định 84, 15 ngày mới điều chỉnh giá xăng dầu một lần. Tuy nhiên, với sự biến động giá từng ngày thế này, việc quy định này vẫn chưa hợp lý. Chính vì chưa hợp lý nên DN vận tải có cái “cớ” làm lơ việc giảm giá giá cước. Các quốc gia vận hành theo cơ chế theo từng giờ, từng ngày đó thôi”, TS Long nói.

Còn theo chuyên gia kinh tế - tài chính Bùi Kiến Thành, câu chuyện về giá xăng dầu, giá cước vận tải VN như một vòng luẩn quẩn chưa có hồi kết. Chúng ta chưa có chế tài mạnh buộc DN đi vào đúng vòng quay của thời cuộc. Rằng giá xăng dầu giảm mạnh rồi đó, cước vận tải nên giảm thế nào phù hợp. Chưa ai đưa ra mức tính cụ thể như thế nào cho chính xác mà chỉ nói theo cảm tính. Điều này tôi nghĩ cơ quan quản lý tài chính, vận tải phải tính toán cẩn trọng kẻo thiệt đơn thiệt kép cho DN nói chung”.

Cụ thể hơn, TS Ngô Trí Long dẫn chứng: Giá dầu thô thế giới đến nay giảm đến 38% trong khi đó VN mới giảm trên 20%. Riêng mức giảm đó là chưa tương xứng với thế giới bởi chúng ta đang nhập khẩu đến 70% tổng lượng xăng dầu của cả nước. “Vấn đề là cần phải sòng phẳng với người tiêu dùng. Giá xăng thế giới giảm sâu, chúng ta phải có cơ chế giá bám sát với thế giới. Từ đó, giá các chi phí đầu vào cho DN buộc các DN vận tải phải vận hành theo đúng cơ chế bám sát đó. Cơ chế về giá của chúng ta phải theo đúng cơ chế thị trường, cạnh tranh tốt thì không có gì là khó để yêu cầu một mức giá hợp lý cả”.

 - Ảnh 1

Cước vận tải đã có động thái giảm, nhiều hãng taxi, vận tải trên cả nước thông báo giảm giá cước, tuy nhiên, mức giảm nói chung đến nay vẫn chưa tương xứng với mức giảm giá xăng sau 11 lần điều chỉnh giảm. (Ảnh minh họa)

Đề nghị đưa giá cước vận tải vào mặt hàng bình ổn giá

Đầu tháng 12, Bộ Giao thông - Vận tải có văn bản gửi Bộ Tài chính đề xuất bổ sung giá cước vận tải theo tuyến cố định, xe buýt, xe taxi và vận tải hàng hóa vào danh mục .

Theo Bộ Giao thông - Vận tải, giá cước vận tải bằng xe ô tô đang được thực hiện theo cơ chế thị trường, tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của doanh nghiệp. Tuy nhiên, thời gian qua, dù giá xăng dầu giảm mạnh nhưng các doanh nghiệp vận tải lại không giảm giá cước vận tải, gây bức xúc cho dư luận.

Nghị định 177 ban hành năm 2013 đã quy định bắt buộc kê khai giá cước taxi và tuyến cố định, các hình thức vận tải khác do Sở Tài chính trình UBND tỉnh xem xét bổ sung vào danh mục kê khai. Tuy nhiên, khảo sát tại các tỉnh cho thấy, hầu hết các địa phương chưa thực hiện quản lý giá cước vận tải hàng hóa, hợp đồng, du lịch, trong khi giá cước hàng hóa ảnh hưởng lớn đến giá thành hàng hóa.

Dù hàng hóa bằng ô tô không nằm trong danh mục bình ổn giá nhưng để tăng cường quản lý giá cước vận tải bằng ô tô, Bộ Giao thông - Vận tải đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất Chính phủ cho phép sửa đổi Nghị định 177.

Cụ thể, sửa đổi điều 3 quy định về hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá, bổ sung giá cước vận tải theo tuyến cố định, xe buýt, taxi và vận tải hàng hóa vào danh mục bình ổn giá, để cơ quan quản lý giá có thể quản lý chặt chẽ và bình ổn giá cước vận tải khi cần. Sửa đổi, bổ sung điểm 1 khoản 2 điều 15 hiện nay đang quy định chỉ giá cước vận tải tuyến cố định, taxi là danh mục bắt buộc phải kê khai, thành tất cả các loại giá cước vận tải bằng ô tô đều bắt buộc kê khai.

TTXVN đưa tin, về đề nghị của Bộ Giao thông vận tải bổ sung giá cước vận tải vào danh mục bình ổn giá, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài chính, cho biết nguyên tắc điều hành và quản lý giá phải theo pháp luật. Theo quy định tại Điều 15 của Luật Gía thì giá cước vận tải không nằm trong danh mục nhà nước bình ổn về giá.

Bên cạnh đó, vận tải ôtô hiện nay đang có sự cạnh tranh rộng rãi và mạnh mẽ của nhiều tổ chức, doanh nghiệp vận tải, giá cước vận tải ôtô được hình thành trên cơ sở cung cầu của thị trường, thậm chí nhiều doanh nghiệp đã cạnh tranh bằng cách hạ giá cước vận tải để thu hút khách hàng.

Ngoài ra, theo hiện hành thì Nhà nước vẫn có cơ chế để kiểm soát giá cước vận tải ôtô thông qua hình thức kê khai giá, thanh tra, kiểm tra để đảm bảo mức giá cước phù hợp với thị trường. Vì vậy, Bộ trưởng cho rằng chưa cần bổ sung giá cước vận tải ôtô vào danh mục bình ổn giá.

Ngọc Anh (Tổng hợp)

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý