Giá xăng dầu giảm sâu, cước vận tải 'cân nhắc' và...'án binh'

ban ban @ban

Giá xăng dầu giảm sâu, cước vận tải 'cân nhắc' và...'án binh'

Giá xăng dầu đã giảm lần thứ 13 với mức giảm kỷ lục nhất trong năm nay. Song, cước vận tải khách và taxi vẫn chỉ giảm mang tính đối phó.

24/12/2014 09:00 AM
1,223

Lại điệp khúc: cân nhắc và… án binh

Tin tức trên báo An ninh Thủ đô, từ đầu năm tới nay, giá xăng giảm tổng cộng 7.750 đồng/lít. Song, cước vận tải khách và taxi vẫn chỉ giảm mang tính đối phó.

Ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc Bến xe Giáp Bát thông tin, đến thời điểm này chưa nhận được thông báo giảm giá cước vận tải của doanh nghiệp nào: “Tôi nghĩ sau từ 7-10 ngày nếu có giảm giá thì các doanh nghiệp vận tải mới thông báo. Mỗi lần thay đổi giá cước, doanh nghiệp vận tải phải đề xuất với cơ quan chức năng, in ấn lại vé. Vì vậy, độ trễ giảm giá cước thường chậm hơn giảm giá xăng”.

Tuy vậy, ông Thành cũng thừa nhận, từ đợt xăng dầu giảm giá sâu đến nay mới có khoảng 20 đơn vị vận tải thông báo giảm giá cước, trên tổng số hơn 100 đơn vị kinh doanh tại bến xe này, đơn vị giảm cao nhất là 16%.

Đại diện bến xe Giáp Bát cho hay: “Chúng tôi đã gửi tới các doanh nghiệp vận tải đăng ký giảm giá cước. Hy vọng đợt này sẽ giảm sâu vì giá xăng dầu giảm mạnh. Rất ít có khả năng giá vé đợt nghỉ Tết Dương lịch này tăng dù nhu cầu đi lại cao hơn”.

Tương tự, tại bến xe Mỹ Đình, ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó Giám đốc bến xe cho biết, mức giảm vận tải khách tuyến cố định tại bến xe này dao động từ 5-7%, cao nhất là 15%.

“Ngày 22/12 giá xăng mới tiếp tục một đợt giảm sâu nữa, nếu có giảm giá cước vận tải thì cũng phải 5- 7 ngày nữa”, ông Tuấn cho biết.

Theo ông Nguyễn Quốc Mạnh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô ��iện Biên, Giám đốc Công ty CP Vận tải ôtô Điện Biên, trước đợt giảm giá xăng dầu ngày 22/12, đơn vị đã giảm giá cước vận chuyển hành khách từ 4-9%.

Cụ thể tuyến Điện Biên-Hà Nội giảm từ 375.000 xuống 360.000 đồng, tuyến Lai Châu-Hà Nội giảm 30.000 đồng còn 300.000 đồng. “Việc giảm giá mạnh như ngày 22/12 vừa qua, doanh nghiệp vận tải cũng cần “độ trễ” để thực hiện sau đó mới công bố.

Đương nhiên, sẽ có phương án giảm giá tiếp”, ông Mạnh khẳng định. Lý giải cho việc này, ông Mạnh cho rằng, sự biến động giá thành không nhất thiết phải theo biến động tức thì của giá nhiên liệu mà còn phụ thuộc vào thủ tục.

Đối với cước vận tải hàng hóa, ông Lê Văn Tiến, Chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hóa Hải Phòng cho hay, cước vận tải hàng hóa khác biệt so với vận tải hành khách. Vận tải hàng hóa chủ yếu phụ thuộc theo nhu cầu vận chuyển, theo sự thỏa thuận giữa chủ hàng và chủ xe. Vì vậy, mức giá tùy thuộc cung cầu ở những thời điểm khác nhau, nếu có giảm cũng chỉ là tương đối.

Còn với vận tải taxi, một số đơn vị cũng đã thông báo giảm giá cước, tuy vậy mức giảm còn khá khiêm tốn và mang tính đối phó. Cụ thể, một số đơn vị chỉ đăng ký giảm giá cước mở cửa từ 500-700 đồng, còn cước các kilomet tiếp theo vẫn giữ nguyên.

Đặc biệt, tại một số tỉnh, thành có nhu cầu lớn về taxi như Hà Nội, TP. HCM, mức cước giảm chậm và giảm nhẹ hơn. Tại Thái Nguyên, ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Thái Nguyên cho biết, cước taxi trên địa bàn tỉnh đã giảm từ 2.000-3.500 đồng/km so với hồi đầu năm 2014.

Cụ thể, dịch vụ taxi giá mở cửa là 6.000 đồng cho km đầu tiên, từ km thứ hai đến dưới 20km là 9.500 đồng/km. Tại Hà Nội, hầu hết các doanh nghiệp taxi vẫn “án binh bất động” sau đợt giảm giá xăng dầu kỷ lục vừa rồi, trước đó mức cước có giảm nhưng chỉ giảm giá mở cửa từ 500-700 đồng/km.

 - Ảnh 1

Giá xăng dầu giảm sâu, cước vận tải vẫn chỉ 'cân nhắc' và...'án binh'. (Ảnh minh họa).

Can thiệp bằng biện pháp hành chính hay để thị trường tự điều tiết?

Thông tin trên VTV, chưa bao giờ giá xăng trong nước lại giảm sâu đến như vậy. Giảm tới hơn 2.000 đồng/lít. Và cũng chưa bao giờ giá xăng trong nước lại có tới 13 lần giảm liên tiếp.

Là một mặt hàng cơ bản, có một điều hiển nhiên, tất cả sẽ đặt câu hỏi, giá xăng giảm, vậy bao giờ giá vận tải và giá cả hàng hóa nói chung sẽ giảm? Nếu doanh nghiệp không chịu giảm thì sao? Không lẽ cơ quan quản lý Nhà nước bó tay để người tiêu dùng chịu thiệt hay sao? Nói chung cộng đồng doanh nghiệp không thích Nhà nước dùng các biện pháp hành chính để can thiệp vào công việc kinh doanh của họ. Nhưng nếu bản thân chính họ cũng không tuân thủ quy luật của Thị trường, liệu các biện pháp hành chính có một lần nữa được sử dụng?

Nếu chỉ tính riêng cước taxi, trong khi giá xăng đã giảm tới lần thứ 13, nhiều hãng taxi mới chỉ giảm có 1 lần. Còn nếu tính về tỷ lệ, xăng đã giảm khoảng 30%, tương đương với 7.769 đồng một lít, còn giá cước taxi mới chỉ giảm ở mức từ 3 - 10%, tương đương với từ 200 - 1.000 đồng/km. Vậy một câu hỏi được đặt ra: Thế còn giá vận tải nói chung thì sao?

Một doanh nghiệp chế biến thực phẩm đề nghị được giấu tên cho biết, họ không ép được doanh nghiệp vận tải giảm giá, bởi trước đây, khi Bộ Giao thông vạn tải siết chặt tải trọng, cước phí vận tải đã tăng lên đến 20% - 30%. Vì vậy, nhìn chung các doanh nghiệp vận tải sẽ chưa vội trong vấn đề giảm giá cước.

Ngọc Anh (Tổng hợp)

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý