Giá xăng dầu: Vì sao qua kỳ điều chỉnh vẫn "án binh bất động"?

forlife forlife @forlife

Giá xăng dầu: Vì sao qua kỳ điều chỉnh vẫn "án binh bất động"?

(ĐSPL)   Sự “chần chừ” của cơ quan điều hành trong đợt điều chỉnh giá xăng dầu lần này, dù đã tới ngày điều chỉnh giá bán, có thể hiểu là một sự cân nhắc kỹ lưỡng để tránh “sốc” tâm lý cho người dân.

05/05/2015 02:31 PM
729

Theo thông tin từ Liên bộ Tài chính - Công Thương, chiều ngày 4/5, thuế nhập khẩu xăng dầu được điều chỉnh giảm từ 20% xuống còn 12%, riêng dầu hỏa và dầu diezel vẫn giữ nguyên là 20%, dầu madút là 25%.

Như vậy lần này thay vì điều chỉnh về giá thì xăng dầu được điều chỉnh giảm về thuế nhập khẩu. Theo thông tin từ Bộ Công Thương, việc điều chỉnh giá xăng dầu sẽ phải trình lên Chính phủ để lấy ý kiến và chờ phê duyệt bởi hiện tại giá xăng dầu thế giới đang diễn biến rất phức tạp.

Những ngày vừa qua, giá dầu đã bắt đầu hồi phục trở lại, có những lúc tăng lên tới mức 59 USD/thùng. Điều này sẽ tác động rất nhiều tới giá xăng dầu cơ sở trong nước.

Chính vì vậy việc giảm thuế nhập khẩu của Bộ Tài chính cùng phần nào làm giảm áp lực tăng giá xăng dầu trong nước hiện nay. Giá xăng bán lẻ vẫn đang tiếp tục ở mức 17.280 đồng/lít. Giá dầu diesel 15.883 đồng/lít, dầu hoả 16.070 đồng/lít và dầu madút 12.761 đồng/kg.

Giá xăng dầu: Vì sao qua kỳ điều chỉnh vẫn "án binh bất động"? - Ảnh 1Phóng to

 Lần này thay vì điều chỉnh về giá thì xăng dầu được điều chỉnh giảm về thuế nhập khẩu. 

Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cho biết, nếu không sử dụng Quỹ bình ổn thì giá cơ sở mặt hàng xăng có thể đã lên tới hơn 20.000 đồng/lít, tăng lên khoảng 3.000 đồng/lít so với mức giá hiện tại.

Vì vậy với mức thuế nhập khẩu giảm 12% và Quỹ bình ổn "gánh" khoảng 991 đồng/lít thì giá xăng vẫn đang bị âm tới gần 2.000 đồng/lít. Riêng mặt hàng dầu diezen và dầu hỏa thì đã bắt đầu cho lãi lần lượt là 225 đồng/lít và 591 đồng/lít.

Thông tin trên báo Infonet, một yếu tố khác, dù gián tiếp, nhưng cũng sẽ được các cơ quan quản lý đặt lên “bàn cân” trong quyết định điều chỉnh giá bán lẻ xăng, dầu trong nước lần này, đó là hiện giá bán lẻ xăng dầu của các nước trong khu vực có chung đường biên giới với Việt Nam đều đã đang cao hơn từ 2.100 – 6.200 đồng/lít. Đơn cử, giá xăng bán lẻ tại thị trường Campuchia ngày 2/5/2014 là 23.545 đồng/lít; Trung Quốc là 19.472 đồng/lít, Lào là 22.568 đồng/lít… Việc giá bán lẻ xăng trong nước quá thấp rất có thể sẽ dẫn tới tái diễn tình trạng “thẩm lậu” xăng dầu qua biên giới trong thời gian tới.

 Video về giá xăng dầu:

Rõ ràng, áp lực tăng giá đối với mặt hàng xăng trong đợt điều hành tới đây là hiện hữu. Tuy nhiên, mức tăng bao nhiêu, đủ để các doanh nghiệp không bị “lỗ”, hay sẽ trích tiếp Quỹ bình ổn giá để mức tăng không quá “nặng” phụ thuộc vào sự tính toán của cơ quan điều hành. Có điều, trong bối cảnh Quỹ bình ổn đã được “xả” trong 2 đợt điều chỉnh trước đó thì hiện số dư còn lại sẽ không còn nhiều để “bù” giá. Vì thế, việc xả tiếp Quỹ bình ổn trong trường hợp này là khó khả thi.

Cũng theo quy định tại Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu, biên độ điều chỉnh giá xăng dầu được thực hiện theo 3 mức: khi yếu tố cấu thành biến động làm giá cơ sở tăng 3%, thương nhân đầu mối được quyền quyết định giá bán lẻ tương ứng. Giá cơ sở tăng trên 3%-7%, thương nhân phải xin phép ý kiến liên bộ. Giá tăng trên 7% phải báo cáo Thủ tướng.

Sự “chần chừ” của cơ quan điều hành trong đợt điều chỉnh giá xăng dầu lần này, dù đã tới ngày điều chỉnh giá bán, có thể hiểu là một sự cân nhắc kỹ lưỡng để tránh “sốc” tâm lý cho người dân.

Từ đầu năm tới nay, giá xăng bán lẻ trong nước có đợt tăng giá duy nhất vào ngày 11/3 với mức tăng 1.600 đồng/lít. 

Đề phòng “té” giá theo xăng

Ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu VN (Vinpa) cho biết, thời gian qua, việc điều hành giá xăng dầu của liên bộ đã khá sát với biến động giá thế giới và khá công khai, minh bạch các yếu tố hình thành giá. Dựa trên công thức tính giá xăng dầu, người tiêu dùng (NTD) hoàn toàn có thể tính toán được mức độ điều chỉnh tăng, giảm giá. Để đảm bảo công bằng giữa doanh nghiệp và NTD, khi giá thế giới giảm, DN buộc phải giảm giá thì khi giá thế giới tăng, DN tăng, cũng là hợp quy luật. Vấn đề đặt ra là bên cạnh việc tăng, giảm giá xăng, dầu, cơ quan quản lý thị trường cần có biện pháp để các mặt hàng không “té” giá theo xăng, hoặc xăng giảm mà không ít mặt hàng, kể cả cước vận tải vẫn không chịu giảm tương ứng.

Giá xăng dầu: Vì sao qua kỳ điều chỉnh vẫn "án binh bất động"? - Ảnh 2Phóng to

Sự “chần chừ” của cơ quan điều hành trong đợt điều chỉnh giá xăng dầu lần này, dù đã tới ngày điều chỉnh giá bán, có thể hiểu là một sự cân nhắc kỹ lưỡng để tránh “sốc” tâm lý cho người dân.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhìn nhận, việc điều hành giá xăng dầu hiện nay đã khá nhịp nhàng, giá thế giới đang có xu hướng nhích lên thì việc tăng giá xăng, dầu là cần xem xét, tuy nhiên, liên bộ vẫn còn một công cụ điều chỉnh giá là Quỹ bình ổn. Trường hợp Nhà nước không muốn gây xáo trộn thị trường thì có thể tiếp tục xả quỹ để giữ mặt bằng giá. Giá thế giới tăng trong bối cảnh thuế bảo vệ môi trường tăng 300% từ 1.5 chắc chắn sẽ tác động tới giá bán lẻ.

Trước đó, nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cho biết, nếu Bộ Tài chính sử dụng kịp thời công cụ là Quỹ Bình ổn giá, cộng với việc điều chỉnh thuế nhập khẩu (từ 14.4 xuống 20%, thay vì 35%) thì việc tăng thuế bảo vệ môi trường từ ngày 1.5 sẽ không làm tăng giá bán lẻ xăng dầu. Nhưng đấy là trong điều kiện bình thường, hiện giá xăng dầu thế giới đang biến động tăng, dự báo trong tháng 5, giá xăng dầu sẽ tăng trên 60USD/thùng thì việc thuế bảo vệ môi trường tăng sẽ là cú bồi thêm khả năng tăng giá bán.

Hiện giá xăng RON 92 bán lẻ trong nước ở mức 17.280 đồng/lít, xăng RON 95 là 17.880 đồng/lít, dầu diesel 0,05S có giá bán 15.880 đồng/lít, dầu hỏa là 16.070 đồng/lít... Ông Phan Thế Ruệ dự báo, giá xăng ít nhất sẽ xấp xỉ 20.000 đồng/lít, các mặt hàng khác dao động tuỳ thuộc biến động giá cơ sở so với giá bán lẻ.

Chuyên gia kinh tế thương mại Phạm Tất Thắng - nguyên GĐ Trung tâm Thông tin thương mại (Bộ Công Thương) - nhận định: Với diễn biến giá xăng dầu thế giới gần 15 ngày qua, vẫn chưa có cơ sở để tăng giá xăng dầu trong nước kỳ điều hành tới, bởi giá dầu thế giới đã có những ngày giảm và số ngày giảm vẫn nhiều hơn số ngày tăng, hiện vẫn chưa chạm mốc 60USD/thùng. Bộ Công Thương cần cân nhắc khả năng xả quỹ bình ổn giá thay vì tăng giá bán.

Ngọc Anh (Tổng hợp)

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý