Giải mã phong tục "giằng bông sinh con trai" ở ngôi đình cổ

mitdac1 mitdac1 @mitdac1

Giải mã phong tục "giằng bông sinh con trai" ở ngôi đình cổ

(ĐSPL) Đình Sơn Đồng là một ngôi đình cổ thuộc xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức, TP.Hà Nội. Người dân Sơn Đồng từ nhiều năm nay vẫn truyền tai nhau những câu chuyện lạ lùng, thần bí, linh thiêng khó giải thích về ngôi đình nổi tiếng nhất vùng này. Điều kỳ lạ rằng, từ xưa đến nay, theo như lời đồn cứ ai giật được cây bông vào ngày hội (ngày 6/2 âm lịch hằng năm) sẽ sinh được con trai?.

25/01/2015 11:36 AM
632

Truyền thuyết tu sửa mả rồng

Được biết, đình Sơn Đồng ngày trước rất nhỏ, nhưng sau này, dân làng đã tu tạo nên ngôi đình rất bề thế, rộng rãi. Đây là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của người dân trong vùng bao đời nay. Có mặt tại đình Sơn Đồng, PV cảm nhận rõ hơn những nét cổ kính và không gian thanh tịnh nơi đây. Theo các cụ cao niên trong làng, đình làng Sơn Đồng có lịch sử hàng nghìn năm. Song có một điều kỳ lạ, ngôi đình thờ tự ai vẫn còn là một điều bí ẩn. Đã có nhiều cuộc tranh cãi, bình luận, lấy ý kiến của dân làng nhưng vẫn chưa đi đến một kết quả thống nhất.

Giải mã phong tục "giằng bông sinh con trai" ở ngôi đình cổ - Ảnh 1Phóng to

Ngôi đình cổ Sơn Đồng (ảnh:H.H).

Theo ông Nguyễn Hữu Huỳnh, Trưởng ban khánh tiết đình Sơn Đồng cho biết, có rất nhiều giả thiết về việc ngôi đình thờ tự ai được đặt ra. Nhiều người dân đã tìm, thu thập được nhiều tư liệu viết bằng chữ Nho cho thấy, đình làng Sơn Đồng có ít nhất từ thời Hai Bà Trưng (năm 30 - 40 sau Công nguyên). Trong ngọc phả đền Thượng và chùa Diên Phúc của làng ghi: "Sau chiến thắng quân Minh, Lê Lợi qua đất Sơn Đồng thấy có đền và miếu, mới gọi cố lão bản trang để hỏi thì được biết làng thờ hai vị. Vị thứ nhất là Đương Cảnh Thành hoàng tự Hùng triều, vị thứ hai là Thái phó thời Tiền Lê. Nghe xong Lê Lợi đã cho dân làng hai hũ vàng để sửa chữa, tôn tạo đền chùa".

Cũng theo ông Huỳnh, trong một lần sửa chữa đình, các cụ trong làng đã đào được tấm bia ghi: Năm Duy Tân thứ 7 (1913) hai thôn quyết định tu sửa mả rồng, long mạch chạy dài về đình, không ai được làm thương tổn, đứt đoạn. Từ nay về sau cấm đào bới, ai không tuân theo sẽ bị thần linh tru diệt. Trên nghi môn của tấm bia có hàng chữ đại tự Thánh Hậu Vương Từ. Nhưng đây cũng chỉ là tấm bia để răn đe con cháu mà thôi, cũng không có cơ sở nào khẳng định đây chính là tư liệu chính xác về ngôi đình của làng. Cũng có nhiều giả thiết cho rằng, làng Sơn Đồng có nhánh sông Hát chảy qua. Có thể cuộc chiến đấu với quân Mã Viện thất bại, Hai Bà Trưng đã nhảy xuống sông Hát tự vẫn. Dân làng lập đình thờ tôn Hai Bà Trưng làm Thành hoàng làng.

Ông Huỳnh nói thêm, những giả thiết này đưa ra không hoàn toàn chính xác, thời gian gần đây chúng tôi có họp dân để lấy ý kiến và quyết định rằng dân không nên tin vào những giả thiết đó. Ngôi đình có thể là thiên tạo cũng có thể là nhân tạo. Ngôi đình thờ ai không còn là vấn đề quan trọng, dân làng chúng tôi luôn có một lòng thành kính với các "ngài". Điều quan trọng là con cháu trong làng phải luôn khắc ghi tư tưởng uống nước nhớ nguồn với các vị tiền nhân, ăn ở, làm việc có đức và gìn giữ những truyền thống văn hoá tốt đẹp của cả làng.

Ông Huỳnh nhớ lại: "Cách đây rất lâu rồi, tôi được nghe các cụ trong làng kể lại, ngôi đình thường xuyên xuất hiện một con rắn rất to, ban đầu dân làng rất hoảng sợ không ai dám vào đình vì cho rằng rắn hiện về là báo điềm không lành. Nhưng sau đó, mỗi lần rắn hiện về là mùa màng bội thu, dân chúng tôi cũng gặp rất nhiều điều may mắn. Chúng tôi tin rằng đó là các vị thánh thần hiện về, ban phước lành cho dân làng. Một lần khác, tôi lại chứng kiến, có một người trong làng, tự ý vào đình, ngồi lên hai con ngựa thần thờ trong đình. Một thời gian sau, người đó đổ bệnh, ốm yếu, gia đình lục đục, con cái làm ăn đều thất bại".

"Những câu chuyện linh thiêng về đình Sơn Đồng đi đâu chúng tôi cũng được nghe. Những câu chuyện ly kỳ, huyền bí trên có thể có thật, cũng có thể được người dân "thần thánh hóa" để răn đe con cháu, nhưng đối với họ, ngôi đình được coi như một báu vật của làng không ai có thể xâm phạm", ông Huỳnh nhấn mạnh.

Chỉ là sự trùng hợp

Theo các cụ cao niên trong làng tiết lộ, đây là ngôi đình duy nhất ở Việt Nam, khi lễ hội diễn ra hàng năm vào mùng 6/2 (âm lịch) ai giật được cây bông trong lễ hội sẽ sinh được con trai? Ông Nguyễn Đức Tý (67 tuổi, thủ từ đình) cho biết: "Việc ai giằng được cây bông sẽ sinh con trai là có thật, từ ngày có ngôi đình thì lễ hội này cũng xuất hiện, phải nói lễ hội có từ cổ xưa. Điều này đã được người dân chúng tôi kiểm chứng qua từng năm".

Giải mã phong tục "giằng bông sinh con trai" ở ngôi đình cổ - Ảnh 2Phóng to

Ông Nguyễn Đức Tý giới thiệu các hình ảnh về lễ hội giằng bông (ảnh:H.H).

Lễ hội giằng bông cũng vô cùng đặc biệt, cây bông được làm bằng một đoạn của cây tre đực tươi bánh tẻ (không già, không non), dài gần một mét, được chuốt thành bông xù lên, nhuộm ngũ sắc, các đốt tre được trang trí giấy xanh đỏ rất đẹp. Linh vật này được đưa vào dâng lên thánh ở trong đình, trở thành vật thiêng. Có người cho rằng, cây bông đó tượng trưng cho sinh thực khí dương. Người vót bông cũng được chọn lựa rất kỹ, không thể lấy tùy tiện, thường thì chọn những người đàn ông 50 tuổi, khỏe mạnh, gia đình yên ấm. Khi vót bông xong, các cụ già và dân làng làm lễ rước cây bông từ nhà người được vót về đình, sau đó rước vào cửa thánh, tế lễ. Sau khi tế lễ xong khoảng 12h trưa, cụ cao niên nhất trong làng sẽ xin Thành hoàng làng, mang cây bông tung giữa sân để mọi người giằng nhau.

Mọi người sẽ tranh nhau giằng co, cướp bông. Đây cũng là trò được đông người tham gia, nhất là nam nữ thanh niên. Họ tin rằng, ai cướp được thì sẽ sinh được con trai. Sau khi giằng bông, người đó phải ra lễ thánh sau đó mới được rước bông về nhà treo.

Cũng theo ông Tý, thời xa xưa, người dân giằng bông suốt đêm, người ta còn dìm nhau xuống ao, suốt đêm cũng không thể lấy được bông. Bây giờ tục giằng bông cũng không còn được nguyên vẹn như ngày trước. Người dân giành bông tuy có đông và rất quyết liệt nhưng vẫn đảm bảo an ninh trật tự của lễ hội.

Có thể việc giằng được bông và sinh con trai chỉ là sự trùng hợp. Song có một điều vô cùng lạ là, năm nào cũng vậy, ai giằng được bông thì sau đó sẽ sinh được con trai?. Ông Tý kể một loạt tên những người đã giằng được bông và sinh được con trai. Đặc biệt anh Nguyễn Văn Đức, là một trong những người mới nhất giằng được bông và sau đó cũng sinh con trai.

Ông Tý còn cho hay, ông vẫn nhớ mãi trường hợp của ông Trần Đình Sở (xóm Thượng, thôn Nội), người trước đây từng giằng được cây bông. Ngày đó, gia đình ông Sở sinh được hai cô con gái, muốn có con trai để nối dõi tông đường. ông Sở đã dùng hết sức, sự nỗ lực để giành bông. Cuối cùng ông đã thắng trong lễ hội năm đó. Không lâu sau vợ ông mang bầu và sinh được con trai như ý. Cậu bé lớn lên khoẻ mạnh và là niềm vui lớn đối với đại gia đình ông.

Không có cơ sở để kiểm chứng

Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, ông Trần Đình Kháng (Trưởng thôn Thượng, Sơn Đồng) cho biết: "Quan niệm cho rằng, giằng được bông trong lễ hội đình Sơn Đồng sẽ sinh con trai đã ăn sâu vào đời sống của người dân trong làng. Từ xa xưa các cụ đã kể lại cho chúng tôi rất nhiều câu chuyện về lễ hội giằng bông này. Tuy nhiên, những câu chuyện mang màu sắc tâm linh thực ra chỉ là những câu chuyện truyền miệng của dân làng, không có cơ sở để kiểm chứng".

HẰNG HẠNH

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý