Giai thoại chưa kể về sự tái sinh của ma cà rồng ở vùng Tây Bắc

mitdac1 mitdac1 @mitdac1

Giai thoại chưa kể về sự tái sinh của ma cà rồng ở vùng Tây Bắc

Theo những câu chuyện dân gian do các bậc tiền bối kể lại, tổ tiên của ma cà rồng không phải là người Thái mà là người Dao...

28/05/2015 08:52 PM
292

Niềm tin vào sự tồn tại của ma cà rồng dường như phổ biến nhất trong cộng đồng người Thái. Tuy nhiên, chính người Thái lại cho rằng, nguồn gốc của ma cà rồng là từ người Dao. Khi người Thái kết hôn với người Dao thì trong cộng đồng người Thái mới xuất hiện ma cà rồng? Kể từ đó trở đi, ma cà rồng tồn tại vì nó có khả năng tự tái sinh sau khi chết!

Tìm về "quê hương" của ma cà rồng

Đi khắp vùng Tây Bắc, nơi nào có người Thái sinh sống, nơi đó ít hay nhiều đều lưu truyền những câu chuyện liêu trai về ma cà rồng. Tuy nhiên, không ai biết chắc chắn ma cà rồng có nguồn gốc từ đâu, xuất hiện từ bao giờ. Có người cho rằng, vùng đất Mai Châu (Hòa Bình) cũng nằm trong số những địa danh được cho là quê hương của ma cà rồng. Dựa trên nhận định này, từ "nước Sơn La", PV báo Người Đưa Tin đã xuôi về "ma Hòa Bình" để tìm hiểu rõ thực hư.

Biết mục đích của tôi khi đến Mai Châu, ông Hà Công Quyết (cán bộ Công an huyện Mai Châu), một người con của dân tộc Thái đã chia sẻ khá nhiều chuyện liên quan đến ma cà rồng mà ông từng được nghe. Trong đó, ấn tượng nhất có lẽ là câu chuyện đau lòng về cái chết của một người được cho là ma cà rồng xảy ra ở xóm Chiềng Sại (thị trấn Mai Châu).

Chuyện rằng: Sau khi phát hiện vợ mình là một ma cà rồng, đêm nào cũng trốn nhà đi kiếm ăn ngoài bờ ngoài bụi, người chồng đã tìm cách khóa kín tất cả các cửa trước khi đi ngủ rồi giấu chìa khóa xuống dưới gối của mình. Yên tâm rằng vợ không có lối nào để ra ngoài, từ đó, anh chồng vô tư ngủ say không lo lắng gì nữa. Một thời gian sau, anh chồng để ý thấy trên tường nhà mình xuất hiện một lỗ hổng rộng khoảng 10cm2 không biết từ bao giờ. Hóa ra, đêm đêm, cô vợ ma cà rồng của anh vẫn trốn ra ngoài kiếm ăn bằng cách chui qua cái lỗ 10cm2 ấy!?

Ngay cả khi mới sinh con, người vợ vẫn phải ra ngoài kiếm ếch, nhái, những chất tanh tưởi để ăn như thường lệ. Nhưng để con không bị đói, trước khi đi, cô ta luôn tháo cặp vú của mình, để ở nhà cho con bú. Không biết làm thế nào, nhân lúc vợ đi vắng, anh chồng quẫn trí lấy tro bếp bôi vào hai bầu vú mà cô để lại. Khi người vợ trở về thì đã muộn, cô không thể nào gắn lại vú cho mình như cũ nữa. Đứa con cũng không có sữa để bú. Hai mẹ con ôm nhau chết trong sự bất lực của người chồng.

"Bản thân tôi không tin câu chuyện này là có thật, cũng không tin vào sự tồn tại của ma cà rồng nhưng không hiểu vì sao, những chuyện như vậy lại rất phổ biến ở đây. Cách đây khoảng 4- 5 năm, khi đi ngoài ruộng, thỉnh thoảng tôi vẫn bắt gặp xác ếch, nhái được cho là bị ma cà rồng hút máu nhưng gần đây thì không thấy nữa" - ông Quyết cho biết.

Là một nghệ nhân dân gian người Thái, có hiểu biết sâu sắc về văn hóa, lịch sử, phong tục, tập quán của dân tộc Thái, ông Hà Công Tín (xóm Mỏ, Chiềng Châu, Mai Châu, Hòa Bình) cho hay: Theo những câu chuyện dân gian do các bậc tiền bối kể lại, tổ tiên của ma cà rồng không phải là người Thái mà là người Dao. Xưa kia, người Thái không có ma cà rồng. Chuyện bắt đầu khi một nhóm người Thái trên đường đi tìm miền đất hứa đã tình cờ đặt chân đến thung lũng Mai Châu.

Nơi đây vốn dĩ là một vùng quê trù phú được người Dao khai phá, xây dựng từ trước. Sau nhiều tranh chấp, cuối cùng, cả người Thái và người Dao quyết định cùng nhau chung sống hòa bình trên mảnh đất này. Trong quá trình chung sống, rất nhiều người Thái lấy người Dao cho nên những người mang dòng máu ma cà rồng của người Dao mới di truyền cho thế hệ con cháu của người Thái. Kể từ đó, người Thái mới bắt đầu có ma cà rồng. Riêng việc Mai Châu có phải là quê hương của ma cà rồng như một số người quan niệm hay không, ông Tín không dám chắc vì không thấy có tài liệu nào nói về điều đó.

   - Ảnh 1

Nghệ nhân dân gian Hà Công Tín đang tìm những tài liệu có liên quan đến nguồn gốc ma cà rồng.

Bí mật tái sinh và "mặc cả" sự sống

Nghệ nhân dân gian Hà Công Tín thông tin, ma cà rồng là một loại ma tồn tại trong văn hóa tín ngưỡng của người Thái từ nhiều đời nay, kèm theo đó là rất nhiều những câu chuyện liêu trai, ma mị. Theo quan niệm dân gian, ma cà rồng được coi là một loại bệnh. Những thứ đối với người bình thường là tanh tưởi, bẩn thỉu thì ma cà rồng lại thấy thơm ngon, hấp dẫn như mùi thơm của chuối chín. Những người mắc phải căn bệnh này cực kỳ nhạy cảm và phản ứng rất mạnh với mùi tanh. Ma cà rồng thường được chia ra làm ba loại, căn cứ vào tần suất đi kiếm ăn: Ma cà rồng đi kiếm ăn mỗi năm một lần (loại 1), mỗi tháng một lần (loại 2) hoặc ngày nào cũng phải đi (loại 3).

Ma cà rồng được cho là có khả năng biến hóa khôn lường, không ai bắt được. Trong những khả năng siêu nhiên đó, một số người cho rằng, ma cà rồng còn có thể sống lại sau khi chết. Thậm chí có người còn quả quyết rằng, khi khai quật mộ của một ma cà rồng, người ta đã không tìm thấy gì trong quan tài ngoài những vết cào xước trên bề mặt ván và một thứ chất nhớt được cho là máu đen.

Ông Tín nhận định, chuyện này chẳng rõ thực hư nhưng đã được người đời thêu dệt thành những câu chuyện rùng rợn về sự tái sinh của ma cà rồng sau khi chết. Trong đó, người ta cho rằng, ma cà rồng chỉ mượn thân xác của con người để trú ngụ cho nên sau khi chết nó sẽ phá hủy thân xác đó, rồi tiếp tục nhập vào một thân xác khác.

Đó là nguyên nhân khiến nhiều người bị cho là ma cà rồng nhưng bản thân họ cũng không biết mình bị như vậy.

Theo lời kể của ông Hà Công Quyết, dựa trên những tin tức thu thập được từ người dân địa phương, nếu ma cà rồng nào chẳng may bị ai đó phát hiện khi đang đi kiếm ăn thì ngay ngày hôm sau, ma cà rồng đó sẽ mang toàn bộ của cải, những thứ giá trị mà mình có đến nhà người kia, cúi rạp đầu cầu xin giữ bí mật thân phận của mình. Nếu người kia không chịu giữ bí mật thì ma cà rồng đó sẽ xấu hổ, không dám đi kiếm ăn và chết trong vài ngày. Tuy nhiên, đa số người dân đều không lấy gì của ma cà rồng mà vẫn giữ bí mật. Trước đây, có một trường hợp lợi dụng điều này, đòi một ma cà rồng phải cho mình rất nhiều tiền của để đổi lại sự im lặng nhưng liền sau đó đã hóa điên, tự đập đầu vào đá mà chết.

   - Ảnh 2

Ta leo, một biểu tượng tâm linh được cho là có khả năng xua đuổi và ngăn chặn sự tái sinh của ma cà rồng.

Chỉ là câu chuyện hoang đường

Dựa trên những quan niệm dân gian về ma cà rồng, Thạc sỹ Sử học Lò Văn Nét (ĐH Tây Bắc) cho hay: Để biết một người nào đó có phải là ma cà rồng hay không, người ta phải chờ câu trả lời sau khi người đó chết. Rất nhiều bí mật của loài người đã bị chôn vùi theo cái chết nhưng với ma cà rồng, cái chết lại tố cáo tất cả. Một ma cà rồng sau khi trút hơi thở cuối cùng, sẽ có hai dị vật màu đen trồi ra từ hai lỗ mũi. Đó chính là hai vật phát ra hai tia sáng màu xanh từ hai lỗ mũi của ma cà rồng mỗi khi đi kiếm ăn trong đêm. Nhiều người cho rằng, ánh sáng đó như chiếc đèn pin soi đường; nhưng một số khác lại cho rằng, đó chính là thứ vũ khí lợi hại mà ma cà rồng dùng để hút máu.

“Tuy nhiên, đây chỉ là những câu chuyện hoang đường được lưu truyền trong dân gian mà tôi được nghe kể lại, chưa được khoa học kiểm chứng cho nên không thể khẳng định tính xác thực của chúng”, ông Lò Văn Nét chia sẻ.

Dương Dung

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý