Giao dịch 'ma': Cần 'xử' nghiêm công chứng viên nhắm mắt ký liều

mesu mesu @mesu

Giao dịch 'ma': Cần 'xử' nghiêm công chứng viên nhắm mắt ký liều

Đã xuất hiện tình trạng một bộ phận công chứng viên móc nối với các đối tượng lừa đảo để thực hiện các giao dịch ma, nhằm chiếm đoạt tài sản hoặc hưởng phần trăm hoa hồng.

05/08/2014 08:40 PM
1,028

Các giao dịch về bất động sản, ngân hàng, xuất nhập khẩu... "ma" đang mang lại những khoản lợi nhuận khổng lồ. Thế nên, rất nhiều đối tượng đã lợi dụng sự lỏng lẻo trong công tác công chứng ở một số đơn vị, một số địa phương để làm giả con dấu, giấy tờ... trục lợi bất chính.

Tiếp tay cho kẻ gian

Tại lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công chứng do sở Tư pháp TP.HCM tổ chức vào ngày 30/7/2014, ông Phạm Quốc Tuấn, Giám định viên của phân viện Khoa học Hình sự tại TP.HCM cho rằng, hiện nay, nhiều đối tượng đã liều lĩnh làm giả con dấu, giấy tờ, tài liệu của các cơ quan Nhà nước để chiếm đoạt tài sản.

Bên cạnh những sai sót của các công chứng viên thì còn đó, một bộ phận công chứng viên tiếp tay cho các hành vi lừa đảo, gian lận. Thực tế, thời gian qua, đường dây nóng của báo cũng đã nhận được một số phản ánh liên quan đến hoạt động công chứng, gây thất thoát tài sản của người dân.

Điển hình như mới đây, tại TP. Cần Thơ, cơ quan cảnh sát điều tra của TP này đã thụ lý hồ sơ liên quan đến văn phòng công chứng 24h tại TP. Cần Thơ. Vì trước đó, thấy dấu hiệu chứng thực trái với quy định nên vụ việc đang giải quyết, thì nguyên đơn và các cơ quan liên quan đã chuyển toàn bộ hồ sơ sang cho cơ quan cảnh sát điều tra.

Cụ thể, vì nợ nần nên tòa án đã xử và tuyên bà Đ.T.T. (ngụ Q. Ninh Kiều) phải trả cho bà H. số tiền trên năm tỉ đồng, cùng một người nữa với số tiền trên một tỉ đồng. Khi tòa tuyên xong, đồng thời để tránh trường hợp bà T. tẩu tán tài sản nhằm "khất nợ", cơ quan thi hành án Q. Ninh Kiều đã có những động thái để ngăn chặn việc này. Trong đó có lô đất trên 200m2 tại TP. Cần Thơ.

Và đúng như tiên liệu, rồi bà T. cũng tẩu tán tài sản, bằng cách bán lô đất nói trên cho ông H.L.. Tuy nhiên, vì lô đất này đã bị phong tỏa, cho nên chính quyền địa phương không xác nhận cho giao dịch bất hợp pháp này. Để qua mắt các cơ quan chức năng, bà T. đã mang hồ sơ đất đến văn phòng công chứng 24h. Tại đây, công chứng viên N.G.Đ. vẫn ký công chứng để bà T. bán cho ông L.. Dù công chứng viên Đ. thừa biết, lô đất này không được phép mua bán. Việc mua bán trót lọt, sau đó, phòng TN&MT Q. Ninh Kiều đã hợp thức giấy tờ và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông L.. Ngay khi có được giấy tờ hợp lệ, ông L. đã tách thành hai thửa và chuyển nhượng lại cho hai người khác. Rồi những người này lại sang nhượng các lô đất này cho người tiếp theo.

Cũng mới đây, trong đơn gửi nhiều cơ quan, bà Đỗ Thị Gái (ngụ xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, TP.HCM) kêu cứu vì tài sản chung với chồng đã không cánh mà bay. Theo đó, bà và chồng là ông Nguyễn Văn Dư (cùng ngụ xã Xuân Thới Thượng) đã ly hôn từ cuối năm 2012, nhưng hai bên vẫn chưa thể phân chia số tài sản chung là thửa đất và căn nhà tọa lạc ở ấp Xuân Thới Đông 3, xã Xuân Thới Thượng. Là người giữ bản chính số tài sản nói trên, nên ông Dư và bà B.T.N.O. đã làm giả các giấy tờ tùy thân của bà Gái, mang đến văn phòng công chứng Nhà Rồng chuyển nhượng toàn bộ số tài sản nói trên với giá 1,5 tỉ đồng cho bà T.T.X.. Vụ việc trót lọt cho đến khi bà Gái phát hiện và gửi đơn báo cho các cơ quan chức năng.

Trước đó, ông Dư và bà O. đã mang hồ sơ đến văn phòng công chứng số 4 nhưng bị từ chối công chứng. Văn phòng này cũng đã chuyển toàn bộ hồ sơ cho Công an phường 4 (Q. Tân Bình), nhưng cuối cùng vẫn để lọt. Một điểm đáng chú ý nữa là hiện nay các đối tượng cò mồi hoạt động khá nhộn nhịp tại các điểm công chứng. Và dù giấy tờ gì họ cũng công chứng được. Trong vai người cần chuyển nhượng một lô đất nằm trong vùng cấm mua bán, chuyển nhượng tại huyện Bình Chánh, PV tiếp cận ông H., một cò đất tại đây. ông H. cho biết, có thể mang hợp đồng mua bán ra phòng công chứng để giao dịch. Tuy nhiên, phí khá mắc, lên tới 3% của giao dịch đó. Chúng tôi hỏi bằng cách nào mà công chứng được, ông H. nói: "Anh hỏi làm gì, miễn sao tôi làm được thì thôi".

 - Ảnh 1

Công chứng viên cần phải tự trau dồi các quy tắc, đạo đức nghề nghiệp và phải nghiêm túc trong việc thực thi pháp luật về công chứng. ảnh minh họa.

Cần phải điều tra, truy tố

Về những sai sót, khiếm khuyết của các công chứng viên, theo các chuyên gia có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Tuy nhiên, nếu phát hiện có dấu hiệu thông đồng với các đối tượng xấu để làm giả các loại giấy tờ... nhằm chiếm đoạt tài sản thì cần phải điều tra, xử lý triệt để.

Ông Lâm Quang Thắng, Phó Chủ tịch thường trực hội Công chứng TP.HCM, kiêm Trưởng văn phòng Công chứng Q.10 cho rằng, những vụ việc xảy ra trong thời gian qua là rất đáng bàn. Đó cũng là những khiếm khuyết ở một số văn phòng công chứng. Và các hành vi không lành mạnh thì cần phải sửa chữa, chấn chỉnh để đưa vào guồng máy hoạt động công chứng.Tuy nhiên, những khiếm khuyết đó có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan.

Về chủ quan, hiện nay công chứng viên ở các văn phòng công chứng có nhiều nguồn khác nhau: Từ thẩm phán đến các kiểm soát viên, điều tra viên nên cũng có những hạn chế nhất định. Rồi bản thân một số người làm công chứng cũng không tuân thủ các quy định của pháp luật. Thậm chí, một số người còn làm gian, làm giả giấy tờ, đưa người giả vào để giải quyết cho được mục đích của mình.

Đây cũng là những hành vi bị xã hội và các cơ quan quản lý lên án. "Theo tôi, nếu xảy ra những sai sót và thuộc về lỗi chủ quan, nếu xét thấy có dấu hiệu nghi vấn thì cần thiết phải điều tra, truy tố. Đó là việc cần phải làm để loại bỏ những tác nhân xấu gây hậu quả nghiêm trọng. Mặt khác, công chứng viên cần phải tự trau dồi các quy tắc, đạo đức nghề nghiệp để hành nghề công chứng. Đặc biệt là phải nghiêm túc trong việc thực thi pháp luật về công chứng. Đây cũng là cách giữ an toàn pháp lý cho chính bản thân họ", ông Thắng nói.

Bên cạnh đó, theo tìm hiểu của PV thì một thực tế hiện nay chính là các văn phòng công chứng "mọc" lên rất nhiều theo hướng xã hội hóa. Và để cạnh tranh thì không ít nơi đã "đơn giản hóa các thủ tục" để làm cho nhanh, gọn. Tuy nhiên, hệ quả là không ít sai sót đã xảy ra. ông Trần Văn Bảy, Phó Giám đốc sở Tư pháp TP.HCM cũng cho biết, có nhiều trường hợp do sơ suất hoặc hạn chế về nghiệp vụ nên đã dễ dàng cho qua. Về vấn đề này, ông Thắng cho rằng, hiện nay, luật đã quy định, các văn phòng công chứng không được tăng giảm giá dịch vụ một cách đột ngột mà phải theo thang bậc đã quy định.

Bên cạnh đó, các văn phòng này cũng không được phép quảng cáo... Nghĩa là họ phải cạnh tranh công bằng.

Nói thêm về xã hội hóa hoạt động công chứng, ông Thắng chia sẻ, đó là một chủ trương đúng đắn và trong tương lai sẽ xã hội hóa toàn phần. Khi các phòng công chứng Nhà nước có đủ điều kiện để được chuyển đổi. Đây cũng là cách để giảm chi phí cho ngân sách Nhà nước với một khoản khổng lồ để nuôi bộ máy. Đồng thời, sẽ mở ra nhiều tiện ích pháp lý cho người dân và doanh nghiệp. Cụ thể, người dân và doanh nghiệp sẽ được quyền lựa chọn tổ chức công chứng nào có chất lượng cao, có uy tín và bảo đảm tính an toàn pháp lý cao để giao dịch. Từ đây cũng sẽ tạo ra động lực cho các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực này cạnh tranh một cách lành mạnh, phấn đấu đạt các tiêu chí mà Luật Công chứng quy định.

Nâng cao kỹ năng nhận diện dấu vân tay

Để nâng cao nghiệp vụ chọn các công chứng viên, trong các ngày 30 và 31/7/2014, sở Tư pháp TP.HCM đã tổ chức lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công chứng cho các công chứng viên trên địa bàn TP. Tại lớp này, các công chứng viên sẽ được trang bị thêm các kiến thức về kỹ năng nhận diện người, kỹ năng nhận diện dấu vân tay. Đây là những khâu quan trọng trong hoạt động công chứng.

Chí Thanh

Xem thêm video clip : Đã tìm thấy thi thể 5 nạn nhân trong vụ sập mỏ đá tại Hải Phòng

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý