Giáo dục Việt Nam mất cân đối giữa 'dạy người', 'dạy chữ'

msstit msstit @msstit

Giáo dục Việt Nam mất cân đối giữa 'dạy người', 'dạy chữ'

Mới đây, tại một cuộc Hội thảo quốc gia về giáo dục đạo đứccông dân trong giáo dục phổ thông, hàng trăm nhà quản lý, tâm lý và giáo viên đã lên tiếng trước những lo ngại về việc dạy người trong nhà trường.

15/12/2013 11:28 AM
1,216

Cha ông có câu "Tiên học lễ - Hậu học văn" để đề cao tầm quan trọng của việc dạy đạo đức, dạy lối sống cho học sinh trước khi dạy kiến thức. Tuy nhiên, thời gian gần đây, có một thực trạng đáng lo ngại đang diễn ra đối với ngành giáo dục của nhiều địa phương. Căn bệnh thành tích, áp lực về thi cử... khiến chuyện dạy đạo đức, lối sống dường như bị xem nhẹ. Nhiều chuyên gia cho rằng, chương trình đào tạo các cấp học còn quá nặng về kiến thức, môn học Đạo đức, Giáo dục công dân chưa hấp dẫn học sinh. Đó là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến hậu quả ngày càng gia tăng các vụ án do lứa tuổi vị thành niên gây ra.

Theo thống kê, năm 2012, cả nước xảy ra 8.820 vụ vi phạm pháp luật (tăng 231 vụ so với năm 2011) do 13.300 trẻ em, người chưa thành niên gây ra. Trong đó, độ tuổi từ 14-16 chiếm 31,9% và từ 16-18 chiếm 61,1%, tập trung nhiều nhất ở bậc THCS (41,8%), sau đó là THPT (31,9%). Riêng TP.Hồ Chí Minh, năm qua đã xảy ra hơn 5.000 vụ phạm pháp hình sự, trong đó, người chưa thành niên là 1.223 đối tượng, tăng 11,08% so với năm 2011. Tại Gia Lai, năm 2012, trong số 711 đối tượng bị bắt giữ do phạm pháp hình sự có trên 57% đối tượng ở độ tuổi THPT, THCS.

Không chỉ có thế, xã hội còn đang phải chứng kiến ngày càng nhiều sự buông thả trong lối sống, suy nghĩ lệch lạc, hành động thiếu tôn trọng gia đình, vô trách nhiệm với cộng đồng của nhiều bạn trẻ... Có lẽ, đã đến lúc cần nhìn nhận lại chuyện dạy đạo đức, lối sống trong nhà trường để đất nước có được những chủ nhân vẹn đức vẹn tài.

Giờ học đạo đức, Giáo dục công dân trong nhà trường đang bị xem nhẹ. Ảnh minh hoạ.

Mới đây, trong báo cáo của Đoàn giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đảm bảo chất lượng và chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, ông Đào Trọng Thi, chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục thanh, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội thẳng thắn bình luận: “Bên cạnh một số nội dung đã làm được, quy trình biên soạn chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông ở một số khâu còn thiếu tính khoa học, chưa bảo đảm tính liên thông, thống nhất giữa các cấp học, môn học.

Chương trình, sách giáo khoa còn coi nặng việc "dạy chữ" hơn là "dạy người", mất cân đối giữa lý thuyết và thực hành, giữa dung lượng kiến thức, kỹ năng và thời lượng thực hiện của một số môn học. Khối lượng kiến thức trong chương trình, sách giáo khoa nhiều, dẫn đến sự "quá tải".

Nhìn nhận một cách khách quan, báo cáo chỉ rõ nguyên nhân của vấn đề này. Theo đó, quy trình biên soạn chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông ở một số khâu vẫn còn thiếu khoa học, không có tổng chủ biên chung cho môn học của tất cả các cấp học, thiếu đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm, hoạt động thường xuyên trong lĩnh vực phát triển chương trình giáo dục phổ thông...

Tri thức đang "đè bẹp" đạo đức?

Cần những giờ dạy đạo đức thiết thực, gần gũi hơn

PGS.TS. Văn Như Cương nhấn mạnh: "Tôi cho rằng, trong thời gian sắp tới, chúng ta thực hiện đổi mới cơ bản toàn diện nền giáo dục phải xét lại mối quan hệ giữa dạy chữ và dạy người sao cho đúng. "Dạy người" là việc rất khó, không phải chỉ ngồi nói lý thuyết suông. Chúng ta phải hướng các em đến những hoạt động thiết thực trong cuộc sống như cho học sinh đi làm từ thiện, đến với những vùng khó khăn để các em biết trân trọng cuộc sống của chính mình. Chúng ta cần dũng cảm quyết tâm và làm triệt để việc thu gọn lại số lượng kiến thức lý thuyết cồng kềnh để tăng cường dạy kỹ năng sống qua các hoạt động ngoại khóa cho các em".

Trao đổi với PV, GS.TS. Văn Như Cương rất đồng tình với quan điểm cho rằng chương trình giáo dục hiện nay ở Việt Nam quá chú trọng đến dạy chữ. Ông chia sẻ: "Quả thật, "dạy chữ" đang được chú trọng hơn "dạy người". Chúng ta chỉ chú trọng về kiến thức mà chưa quan tâm nhiều đến đạo đức con người. Nếu nhìn vào các môn học, tiết học theo chương trình chuẩn của bộ GD&ĐT thì tất cả các môn Toán, Lý, Hóa, Văn, Sử, địa... đã chiếm hết thời gian học chính khóa 6 buổi/ tuần của các em. Riêng bộ môn Giáo dục công dân được cho là giáo dục đạo đức thì phân bổ tiết học chỉ có một tiết/tuần. Hơn nữa, thật sai lầm khi chúng ta yên tâm nghĩ đó là môn học dạy người, rèn luyện đạo đức. Bởi, nếu đi sâu vào sách giáo khoa Giáo dục công dân để phân tích sẽ thấy rất rõ đó hoàn toàn không phải là sách dạy người".

PGS.TS. Cương phân tích: "Sách giáo khoa môn Giáo dục công dân lớp 10 đưa ra nhiều khái niệm vật chất, ý thức, tồn tại khách quan, duy vật biện chứng... giống như một giáo trình triết học sơ khai của bậc đại học. Ở lớp 11, các em được dạy học về hàng hóa, giá cả thị trường, giống như  học môn kinh tế học...  Như vậy, môn học có hơi hướng giáo dục đạo đức, rèn luyện tư duy và kỹ năng sống cho học sinh nghiễm nhiên bị lệch sang văn hóa giáo dục kiến thức. Việc dạy kỹ năng sống, dạy cách làm người, để học sinh biết cư xử đúng mực, biết rõ những chuẩn mực đạo đức xã hội cụ thể thì trong các trường phổ thông hiện nay không hề có". Thầy Cương lo ngại: "Xã hội hiện nay phát triển với đủ thứ tật xấu tiêu cực mà học sinh được tự do tiếp xúc, nhan nhản những cướp, giết, hiếp, tự tử... thì việc vướng vào các tệ nạn xã hội là tất nhiên".

Chia sẻ những kinh nghiệm của mình, GS. Văn Như Cương cho biết: "Ở trường tôi, ngoài những tiết học, môn học theo chương trình của bộ GD&ĐT, chúng tôi luôn phát triển công tác đoàn đội, và tổ chức những hoạt động mang tính chất nêu gương cho các em tự soi mình như: Tổ chức dã ngoại tham quan nhiều địa danh lịch sử, giúp đỡ học sinh nghèo, làm từ thiện. Việc giáo dục về đạo đức tư tưởng cho các em được quán triệt tới từng thầy cô giáo chủ nhiệm, nhắc nhở các em từ chuyện ăn mặc, đầu tóc, nói năng, cho đến những giao tiếp thông thường, ứng xử với người lớn, với bạn bè như thế nào là đúng, là lễ phép. Tất nhiên không thể có một giáo trình nào cụ thể và càng không thể mang vào sách vở tất cả những điều đó. Điều quan trọng là chính bản thân mỗi thầy cô hãy làm gương cho học sinh của mình. Dạy người là một quá trình, đồng bộ, phải tiến hành liên tục hàng ngày từ những việc làm và ứng xử nhỏ nhất".

Thu - Hạnh

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý