Giới buôn "cỏ" hút tín đồ bằng thực phẩm trộn cần sa

remember1 remember1 @remember1

Giới buôn "cỏ" hút tín đồ bằng thực phẩm trộn cần sa

Mới đây, giới buôn “cỏ” thu hút các tín đồ bằng nhiều loại thực phẩm trộn “cần” như chocolate, kẹo, bánh ngọt... ngụy trang như những món ăn thuần túy.

18/05/2017 06:19 AM
606

Mới đây, giới buôn “cỏ” thu hút các tín đồ bằng nhiều loại thực phẩm trộn “cần” như chocolate, kẹo, bánh ngọt... ngụy trang như những món ăn thuần túy, không vi phạm pháp luật, được dân chơi đủ mọi lứa tuổi săn đón. Chưa hết, họ còn thiết lập những “sàn giao dịch”, phương cách nhập “hàng cấm” xuyên quốc gia.

Biến cần sa thành thực phẩm

Trở về sau chuyến mua “cỏ” thành công với L. “cần sa”, PV tiếp tục được người này tin tưởng cho thâm nhập những sản phẩm đang hot từ loại ma túy này. Anh ta móc nối, giới thiệu cho PV một đầu nậu khác, chuyên kinh doanh các mặt hàng thực phẩm độn cần sa.

“Nếu anh vốn mạnh, dám bỏ tiền ra “chơi” cái này đảm bảo mau giàu. Bây giờ, đập đá (sử dụng ma túy đá), bú cần (hút cần sa) xưa rồi. Giờ người ta ăn luôn “cần” không sợ bị phát hiện, dễ chơi, công khai chơi mà vẫn phê như thường. Em chỉ anh thằng T. “mèo”, nó vừa nhập socola cannabis (sô cô la cần sa) về. Hàng này tụi tuổi teen chuộng lắm”, L. “cần sa” quảng cáo.

Giới buôn "cỏ" hút tín đồ bằng thực phẩm trộn cần sa - Ảnh 1

Sô-cô-la và kẹo trộn cần sa được quảng cáo, bán công khai với giá khủng.

Thông qua nhiều nguồn, PV được biết, socola cannabis là một loại cần sa ngụy trang, được độn trong sô-cô-la theo những tỉ lệ nhất định.

Liên hệ với người có tên T. “mèo”, PV được biết: “Cái này mình nhập thẳng từ Czech (Cộng hòa Séc) về, đảm bảo 100% chất lượng. Hàng này gồm 2 thành phần: 70% sô-cô-la đen và 30% hạt cần sa, rất hợp với thanh niên “chuyên cần” (nghiện cần sa) và các cặp đôi thích “fly so high” (từ lóng dùng để miêu tả cảm giác phê). Đặc biệt, nó là đồ ăn, không phải hàng cấm nên sử dụng không vi phạm pháp luật”.

Khẳng định không nguy hại, không vi phạm pháp luật, nhưng khi PV hỏi sử dụng socola cannabis có thể thỏa mãn cơn nghiền hay không, T. “mèo” cho biết: “Vẫn phê như thường. Trên vỏ hộp có hướng dẫn cách sử dụng đó. Đối với người chưa quen, nên dùng nửa thanh thôi, khoảng 1 giờ sau dùng tiếp phần còn lại chứ “phang” hết là phê tê tái luôn đó. Được người quen giới thiệu, mình để giá 250.000 đồng/hộp 80g. Đảm bảo vừa ngon vừa phê”.

Cũng từ các tay buôn “cỏ”, PV được biết, ngoài socola cannabis, thị trường “ngầm” còn kinh doanh các sản phẩm độn cần sa như kẹo cao su, kẹo mút, bánh quy, bánh lười...

Theo T. “mèo”, bánh lười (lazy cakes) thực chất là một loại thực phẩm độn các loại ma túy như ma túy đá, cần sa,... Đặc biệt, lazy cakes và socola cannabis được dân chơi ưa chuộng bởi có thể tự chế, độn thêm cần sa theo ý thích.

Các đối tượng buôn những sản phẩm trên luôn khẳng định sử dụng socola cannabis, kẹo cao su, kẹo mút, bánh quy,... độn cần sa không hề gây nghiện. Ngược lại, sản phẩm sẽ đem lại cảm giác phê pha, bồng bềnh cho người sử dụng. Tìm hiểu thực tế, PV nhận thấy, trên các sản phẩm này đều viết “chỉ dành cho người lớn” (trên 18 tuổi). Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các sản phẩm trên thu hút đối tượng thuộc nhiều độ tuổi khác nhau.

Cung đường nhập “cỏ” xuyên biên giới

Sức tiêu thụ cao khiến các đầu nậu đẩy mạnh dịch vụ nhập “cỏ” từ nước ngoài về. Nhiều năm trước, “cỏ” và các chế phẩm của nó xuất hiện một cách lẻ tẻ, bí mật. Hiện nay, mặt hàng này gần như có thể thỏa mãn mọi nhu cầu của khách hàng.

Giới buôn bằng nhiều cách đã thiết lập những đường dây nhập khẩu các loại cần sa cùng nhiều chế phẩm nguy hiểm của loại cây này về Việt Nam. Tại thị trường trong nước, các đầu nậu tiếp tục chia nhỏ, phân loại rồi cung cấp cho người nghiện để thu lợi.

Sau thời gian thâm nhập, PV được L. “cần sa”, T. “mèo” tiết lộ những phương cách tiếp cận nguồn hàng chất lượng. Thông qua các đối tượng này, PV bước đầu nắm được cách thức tuyển chọn, mua, nhập các loại “cỏ”. Những người này còn hướng dẫn luôn việc tự tạo thương hiệu, tên tuổi để kinh doanh hàng cấm.

T. “mèo” tiết lộ: “Nguồn cỏ trong nước vẫn có nhưng khan hiếm và không đủ, không chất lượng bằng hàng ngoại nhập. Từ cỏ đến hạt của nó, người biết chơi cũng chỉ nhập từ nước ngoài về để bán lại. Tâm lý sính ngoại của dân mình vẫn hết sức nặng nề. Nghe đến hàng ngoại, nhiều mấy bán cũng hết”.

Giới buôn "cỏ" hút tín đồ bằng thực phẩm trộn cần sa - Ảnh 2

Các sàn giao dịch cần sa xuyên quốc gia.

Để tìm kiếm nguồn hàng ngoại nhập, T. “mèo” cho biết, ban đầu tìm đến các trang web “chìm”, chuyên buôn bán ma túy.

“Tuy nhiên, chơi với web “chìm” rất nguy hiểm nên sau này, tôi tìm những trang web nước ngoài chuyên buôn bán “cỏ”. Hiện tại, nổi tiếng nhất vẫn là các trang: “...Seedcity...”, “...PP seed...”, “...Ministry...”,... Các trang này cho phép đặt hàng, mua với số lượng lớn. Hơn thế, phía “bên kia”, người ta cũng biết cách gói hàng, chuyển hàng về cho mình sao cho dễ dàng, tiện lợi, an toàn nhất”, người này tiết lộ.

Để được tiếp cận phương thức nhập “cỏ” xuyên biên giới trên các sàn giao dịch cần sa quốc tế, PV yêu cầu T. “mèo” hướng dẫn cụ thể. Người này cho biết hiện nay, trang “Seedcity...” là một trong những sàn giao dịch cần sa lớn và uy tín bậc nhất thế giới. Hơn thế, trang này được các đầu nậu buôn “cỏ” lựa chọn bởi dễ dàng chấp nhận thành viên mới cũng như chuyển hàng hết sức uy tín.

T. “mèo” cho biết: “Đầu tiên, bạn phải chuẩn bị 1 thẻ Debit ghi nợ quốc tế thương hiệu Visa hoặc Master của bất kỳ ngân hàng trong nước nào. Sau đó, truy cập trang nói trên, đăng ký tài khoản, làm thành viên của nó”.

“Sau khi trở thành thành viên, mình sẽ được truy cập vào trang, xem các mặt hàng với giá cả tương ứng. Mua loại nào thì chọn loại đó. Thanh toán phải chọn credit card (thẻ tín dụng)”, T. “mèo” chia sẻ thêm.

Trực tiếp truy cập, đăng ký làm thành viên của “sàn giao dịch cần sa quốc tế” nói trên, PV nhận thấy nơi đây giới thiệu vô số giống cần sa từ giống thuần chủng đến các giống đã lai tạo. Bên dưới những thông tin về các loại giống cần sa này là giá cả hạt giống, cần sa thành phẩm. Để thu hút khách hàng, dưới mỗi sản phẩm cần sa, trang này đều có các bài viết quảng cáo, giới thiệu với những lời có cánh. Đặc biệt, trang này còn tổ chức mục khuyến khích khách hàng, tặng một số mặt hàng cần sa cho khách mua với số lượng lớn.

Tuy nhiên, việc thanh toán, giao nhận hàng xuyên quốc gia không hề đơn giản. Nếu không biết “mánh”, dẫu có tiền cũng không thể mua hàng hoặc không nhận được hàng từ nước ngoài gửi về.

L. “cần sa” tiết lộ: “Nếu không biết cách “dặn dò” thì bên kia họ không gửi hoặc có gửi cũng không tới đâu. Kết thúc đơn hàng, chúng tôi thường phải thêm một vài câu lưu ý bằng tiếng Anh. Sau đó người mua xác nhận lại thông tin, mã đơn hàng,... trong thư, ngồi đợi “hàng” về thôi”.

Trồng, mua bán, sử dụng cần sa đều bị phạt tù

Luật sư Cồ Lê Huy, công ty luật Đại Việt, đoàn Luật sư TP.HCM cho biết: “Theo Bộ luật Hình sự, người trồng cây cần sa đã được giáo dục nhiều lần, đã bị xử phạt hành chính nhưng vẫn tái phạm sẽ bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Người sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán các phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép cần sa bị phạt tù từ 1 - 10 năm. Người sử dụng trái phép cần sa dưới bất kỳ hình thức nào, đã được giáo dục nhiều lần và đã bị xử lý hành chính bằng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh bắt buộc mà còn tiếp tục sử dụng trái phép chất ma túy, thì bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm”.

Hà Nguyễn

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý