Giọt nước mắt cay đắng của người vợ bị lây "ết" từ chồng

mitdac1 mitdac1 @mitdac1

Giọt nước mắt cay đắng của người vợ bị lây "ết" từ chồng

(Công lý) Bị dính ết từ người chồng nghiện, cuộc đời của người đàn bà xứ Mường ấy chẳng có gì ngoài đớn đau và nước mắt. Giờ, khi không biết mình sống chết thế nào, chị chỉ lo cho hai đứa con sau này sẽ không nơi nương tựa...

22/04/2015 12:43 AM
2,388

Tan giấc mộng vàng

Một buổi chiều, tôi tìm tới nhà của cặp vợ chồng nhiễm HIV, anh Bùi Văn B và Bùi Thị H ở xóm Mường Vôi (xã Liên Vũ, Lạc Sơn, Hòa Bình). Căn nhà cấp 4 thấp lè tè nằm bìa xóm, hướng mặt ra cánh đồng, gió lồng lộng thốc vào. Trong nhà chẳng có gì đáng giá, ngoài bộ bàn ghế cũ mèm cùng mấy cánh áo tả tơi vắt hờ trên dây thép.

Sau những e dè, ngượng ngùng, rào đón, mãi rồi chị H cũng "mở lòng". Chị H kể, vào cuối những năm 90 của thế kỷ trước, khi hàng chục thanh niên Mường Vôi rủ nhau đi tìm kiếm vận may trên bãi vàng Bu Lọt. Cũng có một vài người mang được nắm tiền đỏ quạnh bùn đất về cho gia đình, nhưng đa số "khi đi trai tráng, khi về bủng beo". Thậm chí đã có không ít phu vàng đã vong mạng nơi rừng thiêng nước độc, để lại nỗi đau khôn cùng cho người thân, thế nhưng có một thực tế rằng: Dẫu biết trước ẩn họa, hiểm nguy đang rình rập, nhưng vì mưu sinh, vì miếng cơm manh áo, họ vẫn phải chấp nhận lao vào. Lao vào để những mong được đổi vận vì vàng…

Ở cái xứ Mường heo hút này, đất đai trơ khấc, bạc màu thì dù người ta có "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" cũng chỉ đủ đắp đổi bữa ăn. Thế nên, nhìn nắm tiền mà đám phu vàng may mắn mang về, nhiều người vẫn thường chép miệng ước ao. Vì nó có thể thay đổi đời sống con người ta ghê lắm. Xây lại bức tường, lợp lại mái nhà, còn dư chút tiền thì mua cái xe máy nhảy chồm chồm trên đá cuội. Thế là trai tráng cả bản ầm ào kéo nhau lên rừng làm phu vàng. Có những thời điểm, số thanh niên trai tráng Mường Vôi đi "làm ăn trên Bu Lọt" lên đến vài chục người.

Ngày chui rúc hầm mỏ tìm vàng sa khoáng, đêm lán trại buồn hiu hắt. Họ tìm đến thuốc phiện để giải khuây và cũng để còn có sức chui vào tận cùng những hang sâu hun hút, như mũi tên cắm vào lòng đất. "Chồng em kể, ngày ấy mua ma túy dễ như mua rau. Vào bản tìm mua, người ta chỉ cần biết mình là "dân vàng", không phải cán bộ cài cắm vào, là họ bán. Thậm chí nhiều chủ hầm còn đi mua về bán chịu cho phu, cuối tháng trừ vào "lương". Mua kiểu ấy, nhiều khi giá cao gấp mấy lần. Họ làm thế lợi đủ đường. Vừa bắt phu lệ thuộc vào mình, vừa có tiền lợi nhuận từ bán thuốc...", chị H kể.

 Xôm tụ được vài năm thì bãi vàng bị cấm. Đám phu phen tứ tán khắp nơi, phần đa đều bỏ lại Bu Lọt những vâm vam tráng kiện, mang về toàn hình hài gầy ốm, tong teo. Và, trong số họ, nhiều người còn mang về cả "con vi rút chết người", vi rút HIV. Nhưng, điều đáng nói ở đây là cái nhận thức hết sức mơ hồ của người dân về căn bệnh HIV/AIDS, căn bệnh thế kỷ. Bởi, lúc đó người ta cũng chỉ xem "ết" như cơn hắt hơi, xổ mũi. Dù nó có thể làm cả thế giới kinh hoàng, làm chết người thì cũng là chết ở đâu đó chứ không phải ở xứ Mường Vôi này! Họ vẫn vô tư lấy vợ, lấy chồng, sinh con đẻ cái. Trong số đó có Bùi Văn B, chồng chị H.

Cuộc hôn nhân định mệnh

Không đứng ngoài phong trào đi "làm ăn trên Bu Lọt", năm 1998 - 1999, anh B cũng thấp thểnh theo chúng bạn vác cuốc xẻng lên rừng, và cũng tập tành hút xách. Đầu những năm 2000, nhằm ngăn chặn nạn khai thác vàng trái phép cùng những hiểm họa khôn lường có thể xảy ra, lực lượng chức năng của huyện Lạc Sơn và tỉnh Hòa Bình đã tổ chức nhiều đợt ra quân nhằm truy quét, đẩy đuổi các đối tượng ra khỏi rừng, trả lại bình yên cho Bu Lọt.

Một góc Mường Vôi

Quay về quê với hai bàn tay trắng, cùng dăm cơn "vật thuốc" mỗi ngày, B trở thành gánh nặng của gia đình. Ban đầu, để có tiền hút hít, B đi làm thuê làm mướn kiếm ngày vài ba chục, nhưng kể từ khi cái chuyện nghiện của anh lộ ra ngoài thì tuyệt nhiên không ai dám nhận. Đã thế, liều dùng thuốc của B mỗi ngày một tăng. "Vật" quá hóa liều, thỉnh thoảng B lại xách trộm của gia đình vài ba cân gạo hay bắt con gà, con vịt đi bán lấy tiền mua ma túy.

Khuyên răn mãi không được, bố mẹ B động viên con lấy vợ. Lúc đó, ông bà cũng chỉ hy vọng rằng, "có vợ con rồi thì nó cũng bớt chơi bời, may ra thì cai được". Đến cuối năm 2000 thì đám cưới của B với chị H diễn ra. Mặc dù, chị biết, anh từng đi đào vàng, từng nghiện và chị cũng mơ hồ cái chuyện “đã đi vàng là ết”. Nhưng, chị H chấp nhận.

   "Nói thật, lúc đó em còn ít tuổi, lại không được học hành nhiều nên cũng chả biết gì về "ết". Thấy người ta nói bệnh đó nguy hiểm dễ chết người thì em cũng chỉ biết thế thôi, chứ nào có hiểu gì. Bệnh nào mà không có thuốc chữa chả nguy hiểm, em đã nghĩ thế. Và anh ấy lại hiền nữa. Đến chơi nhà em mấy đêm liền chả dám nói gì, toàn cười. Chồng ấy thì dễ bảo. Thế là em lấy!", chị H nhớ lại.

Lấy nhau năm trước thì năm sau chị H sinh con gái đầu lòng. Cuộc sống cuốn đi. Hai vợ chồng vẫn ung dung, dù ở bản lúc đó đã có vài người từng đi đào vàng cùng với anh B chết vì HIV/AIDS. Biết chồng nghiện, chị H cũng nhiều lần động viên anh cai nghiện. Nghe lời vợ, cũng vài lần anh B tự cai nhưng không thành, nghiện vẫn hoàn nghiện. Nhiều lúc chị H gần như tuyệt vọng mỗi khi nhìn vào cơ thể chồng ngày một tiều tụy, nhìn cái nhà lụp xụp, xiêu vẹo như chuồng trâu mà không có tiền tu sửa. Mỗi lúc như thế, chị lại lấy đứa con gái ra làm thanh vịn cho mình khỏi gục ngã, cố gắng gượng mà sống tiếp.

Hai mẹ con chị Bùi Thị H

Thấy vợ mình như thế, cộng với cảnh hàng ngày phải nhìn đứa con gái bữa đói bữa no, B quyết tâm từ bỏ ma tuý. Song việc đoạn tuyệt với thứ bột trắng này không dễ. Hàng ngày, cứ mỗi khi phát hiện cơ thể mình có dấu hiệu lên cơn thèm thuốc, anh B lại nhờ vợ hoặc người thân trói chặt mình vào cây cột cuối nhà. Nhìn cảnh chồng bị trói, thương anh, nhiều lần chị H định vứt sợi dây thừng đấy đi cho anh đỡ khổ, nhưng B vẫn kiên quyết giữ lại. Và anh cai được thật, sau hơn 6 tháng kiên trì. Sức khỏe anh dần dần hồi phục…

Những nỗi đau nối dài

Cuộc sống chảy trôi. Đến đầu năm 2005, chị H mang thai tiếp đứa thứ hai. Khi đi khám định kỳ ở tháng thứ ba, chị phát hiện mình bị nhiễm HIV. "Khi nghe tin ấy, em tuyệt vọng đến cùng cực. Chỉ cần nghĩ đến cảnh khi mình nằm xuống, người ta vơ váo mảnh chăn, mảnh chiếu bó vào rồi đem chôn vội chôn vàng như mấy anh "ết" trong xóm là em đã bủn rủn chân tay rồi. Lúc đó, em đã muốn kết liễu đời mình cho xong, nhưng rồi nghĩ đến đứa con và giọt máu trong cơ thể đang lớn lên từng ngày, em lại thôi...", chị H tâm sự.

Từ khi biết tin vợ bị nhiễm HIV, B cũng sọp đi nhanh chóng. Vì dằn vặt, vì ân hận, anh ta sống như một cái bóng, lặng lẽ, im lìm. "Nhiều đêm anh ấy không nói gì, chỉ nằm ôm em khóc như mưa…", chị H kể. Chính cái day dứt ấy và những dư âm hạnh phúc trước đây đã khiến chị H không đành lòng rũ bỏ anh, rũ bỏ đứa con trong bụng dù tất thảy các y, bác sỹ đều khuyên chị tuyệt đối không nên sinh. Bởi chị nghĩ, "mình có chết cũng phải cố đẻ cho nhà chồng đứa con trai nối dõi tông đường". Mấy tháng sau, chị lâm bồn. Lại con gái. Cán bộ y tế thuyết phục, cả gia đình chị đi xét nghiệm. Bố mẹ dính “ết”, hai con thoát. Chị ơn trời đã xót thương.

Nghe cái cách chị điềm nhiên kể, cũng như cái cách chị điềm nhiêm đẻ khi biết mình mang trọng bệnh, khiến tôi không khỏi giật mình thảng thốt. Ở xứ Mường Vôi này, có rất nhiều gia đình như thế. Chồng hoặc vợ mắc bệnh HIV/AIDS, họ vẫn “quan hệ”, vẫn sinh ra những đứa trẻ mà số phận chúng được phó mặc cho “ông trời” định đoạt.

Chị H bảo: "Giờ thì em ân hận quá rồi. Giá như trước kia mình hiểu biết một chút thì đâu đến nỗi. Em không trách gì anh B cả. Bởi, trước khi lấy em, anh ấy cũng đâu biết mình bị bệnh. Có trách thì em chỉ trách mình thôi, đã biết vậy mà cố tình sinh thêm đứa nữa. Cũng may là từ mấy năm nay, Nhà nước có chính sách hỗ trợ tiền thuốc thang cho những người bị bệnh như vợ chồng em, tiền học của các cháu cũng được miễn giảm, chính quyền địa phương cũng giúp đỡ, hỗ trợ nhiều, chứ nếu không em cũng chả biết bấu víu vào đâu. Em giờ sống chết lúc nào không biết, chỉ lo hai đứa con sau này biết nương tựa vào ai...".

Nhắc đến con, chị H đã không thể cầm lòng. Nước mắt của chị bắt đầu nhòe theo những khóe chân chim. Chị bảo, chị khóc cho cuộc đời mình đã phải chịu quá nhiều những cơn bão. Và, chị khóc thương cho cả chồng bởi chị nghĩ, cũng chính vì muốn chống chọi lại với "cơn bão đói nghèo" nên anh B mới phải bươn bả mưu sinh. Và, trong cái hành trình mưu sinh đầy gian nan ấy, anh lại vô tình “rước” về cho bản thân, cho chị và cho gia đình một cơn bão khác khốc liệt hơn, đó là "cơn bão ết”.

Quả thật, lối suy nghĩ, cái nhìn đầy bao dung của chị đối với chồng, cộng với ý chí vượt thoát lên bệnh tật, khổ đau để sống vì con của chị nó khiến người nghe không khỏi rưng rưng. Bởi, nó chẳng khác gì câu chuyện cổ tích bên bờ sông Bưởi.n

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý