Gỡ khó cho nuôi thủy sản

bexinh bexinh @bexinh

Gỡ khó cho nuôi thủy sản

Nuôi và xuất khẩu thủy sản (TS) là thế mạnh của vùng ĐBSCL. Tuy nhiên, việc khai thác tiềm năng vẫn gặp nhiều trở ngại bởi giá cả lên xuống thất thường, thị trường xuất khẩu liên tục bị làm khó…

09/07/2014 12:08 PM
1,115

“Đầu ra” bấp bênh

Giá cá tra (CT) ở vùng ĐBSCL đang sụt giảm khiến người nuôi rối bời chuyện tiêu thụ. Ông Chương Văn Khanh - hộ nuôi CT lâu năm ở cù lao Tân Lộc (quận Thốt Nốt, TP.Cần Thơ) - nhìn nhận: “Tay nghề nuôi của nông dân bây giờ được nâng cao nên không còn lo về khâu kỹ thuật. Vấn đề trăn trở lớn nhất và mang tính quyết định vẫn là “đầu ra”. CT Việt Nam dù xuất đi gần 150 quốc gia và vùng lãnh thổ, nhưng giá cả cứ lên xuống thất thường.

Đầu tháng 4.2014, giá CT dao động ở mức 24.000 - 25.000 đồng/kg, nay rớt xuống 21.000 - 22.000 đồng/kg khiến người nuôi lỗ từ 1.000 - 2.000 đồng/kg”. Tổng cục TS cho rằng, “đầu ra” của CT bấp bênh đã ảnh hưởng lớn đến việc phát triển nghề cá ở vùng ĐBSCL. Diện tích nuôi CT từ đầu năm đến nay chỉ đạt 2.954ha, giảm 19% so cùng kỳ cho thấy nghề nuôi CT đang gặp khó.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi và xuất khẩu thủy sản An Giang Lê Chí Bình chua chát: “Lâu nay chúng ta cứ rơi vào trạng thái hễ giá cá tăng ai cũng ùn ùn nuôi, còn khi giá giảm thì kéo nhau ngưng sản xuất. Vòng lẩn quẩn này làm cho nghề nuôi CT rối bời. Nguyên nhân bởi tình trạng mạnh ai nấy làm, thiếu liên kết trong sản xuất và xuất khẩu”.

Con tôm hiện đang có giá trị cao nhất trong các sản phẩm TS xuất khẩu, nhưng việc thả nuôi cũng gặp trở ngại. Các hộ nuôi tôm ở Trà Vinh, Sóc Trăng, Bến Tre… cho biết, từ đầu năm 2014 trở về trước, do nhu cầu thu mua tôm thẻ chân trắng (TTCT) bán “xô” qua thị trường Trung Quốc khá lớn đã kéo giá tôm tăng mạnh từ 150.000 - 220.000 đồng/kg (tùy loại). Giá TTCT tăng cao, người nuôi lời nhiều nên ai cũng đầu tư nuôi loại tôm này.

Khoảng 3 tháng nay, giá TTCT giảm lại và khó tiêu thụ do Trung Quốc hạn chế mua đã làm không ít hộ gặp khó. Ông Lê Hoàng Vũ - xã Bình Thới (huyện Bình Đại, Bến Tre) - nói: “Dù con tôm là thế mạnh của các địa phương ven biển, nhưng tới nay nghề này vẫn ở dạng tự phát, không có doanh nghiệp (DN) đầu tư hay bao tiêu sản phẩm. Những lúc thị trường Trung Quốc và những thị trường khác “ăn” mạnh thì TTCT không đủ; ngược lại thì người nuôi lãnh đủ!”.

Giá cá tra giảm khiến người nuôi gặp khó.

Tập trung gỡ khó

Ông Võ Hồng Ngoãn - “vua tôm” ở xã Vĩnh Trạch Đông (TP.Liêu, Bạc Liêu) - cho rằng: “Ngành chức năng đã từng cảnh báo việc nông dân “nhắm mắt” chạy theo TTCT, bởi đây là đối tượng nuôi cần thận trọng và Trung Quốc là thị trường không ổn định, nay mọi chuyện đã rõ. Hiện TTCT giảm giá và khó tiêu thụ, còn tôm sú giá tăng lên từ 250.000- 300.000 đồng/kg lại không đủ tôm bán.

Mấy ngày nay, nhiều hộ đã ngộ ra và quay lại với con tôm sú, bởi “đầu ra” của loại tôm này rất rộng”. Giám đốc Sở NNPTNT Bạc Liêu Lương Ngọc Lân cho biết, tôm sú vẫn đóng vai trò chủ lực của nuôi TS ở tỉnh, đây là đối tượng để phát triển ổn định lâu dài. Vấn đề còn lại là tiếp tục đầu tư tăng năng suất, chất lượng tôm nuôi, giảm thiệt hại do dịch bệnh gây ra.

Các nhà máy nghiên cứu chế biến thêm nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng, mở rộng nhiều thị trường xuất khẩu để nông dân an tâm sản xuất. Còn theo UBND tỉnh Cà Mau, để năm 2014 xuất khẩu TS đạt hơn 1,15 tỉ USD thì chuyện tìm “đầu ra” luôn được đặt lên hàng đầu. Tỉnh tích cực hỗ trợ các DN đẩy mạnh xuất khẩu TS vào thị trường EU, Mỹ, Nhật Bản…

Đối với mặt hàng CT, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu TS Việt Nam Dương Ngọc Minh lưu ý: Nghị định về “nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm CT” ra đời là điều kiện thuận lợi để sắp xếp lại nghề này. Song, cần thấy rằng giá cả và “đầu ra” của CT luôn phụ thuộc vào yếu tố cung - cầu. Do đó, việc qui hoạch lại diện tích, sản lượng, thời vụ nuôi… phải gắn với nhu cầu thị trường.

Theo Giám đốc Cty Cỏ May (Đồng Tháp) Phạm Văn Bên, để ổn định “đầu ra” của CT, phải xóa ngay việc nuôi tự phát, nhỏ lẻ vì sẽ không thể tiêu thụ được. Nông dân khi liên kết được với DN thì mới thả nuôi. Cần nghiên cứu nhân rộng mô hình nuôi gia công theo hướng “nông dân liên kết với DN”. Đây là mô hình đảm bảo lợi ích cho 2 bên, đảm bảo “đầu ra” cho CT…

Theo Laodong.com.vn

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý