Grand Prix Áo và những lý giải dưới góc độ chiến thuật

phuongchi1 phuongchi1 @phuongchi1

Grand Prix Áo và những lý giải dưới góc độ chiến thuật

Bài viết của phóng viên BBC James Allen sẽ cho độc giả hiểu rõ hơn tại sao hai tay đua của Williams là Valtteri Bottas và Felipe Massa không thể bảo toàn được vị trí trước bộ đôi Mercedes.

20/04/2015 05:25 PM
1,292

Nếu chỉ nhìn vào bảng vị trí phân hạng và sau đó là kết quả thi đấu chung cuộc thì đội Williams đã không thể tái hiện được phong độ ấn tượng của vòng phân hạng sang cuộc đua chiều Chủ nhật. Tuy nhiên, cách đánh giá như vậy đã tầm thường hóa bản chất của cuộc đua tại Red Bull Ring.

Trên thực tế, hai chiếc FW36 của Williams đủ sức giành được chiến thắng trong ngày Chủ nhật dù việc về đích thứ ba và thứ tư vẫn là một kết quả rất ấn tượng trong mùa giải năm nay khi Mercedes đang thống trị. Bottas và Massa có thể đã giành được chiến thắng nếu Williams đề ra một chiến thuật hợp lý hơn như chúng ta sẽ chứng tỏ sau đây.

Mercedes về nhất  nhờ sự khôn ngoan về chiến thuật. 

Ở phía sau, sự khôn ngoan về chiến thuật của Force India và Ferrari cũng giúp Sergio Perez và Fernando Alonso có được kết quả tốt.

Việc Williams chiếm được trọn hai vị trí xuất phát ở hàng đầu đã cho thấy màn trình diễn xuất sắc của Bottas và Massa tuy nhiên kết quả này một phần có được là do lỗi của Mercedes. Lewis Hamilton trong những nỗ lực tuyệt vọng để lấy lại được chuỗi thành tích ấn tượng hồi đầu mùa đã nôn nóng đẩy chiếc W05 lên tới giới hạn đỉnh điểm trong Q3 khiến anh mắc lỗi trong cả hai lượt chạy. Trong khi đó, Nico Rosberg lại thận trọng một cách lạ thường ở lượt chạy đầu trước khi bị sai lầm của Hamilton phá hỏng mọi thứ ở lượt chạy cuối cùng. Cùng lúc đó, Williams đã tận dụng tối đa được sức mạnh của bộ lốp Siêu mềm (Super Soft).

Chiếc FW36 cũng đứng đầu trên bảng xếp hạng tốc độ tối đa với hơn 320km/h. Vì thế vượt được hai chiếc xe của Williams trên đường đua là rất khó. Mercedes chỉ có thể tận dụng màn xuất phát và chiến thuật thay lốp để hòng đánh bại hai chiếc FW36. Chiến thuật dùng lốp tại Red Bull Ring là rất rõ ràng với các đội đua nhóm đầu: Hai lần thay lốp là điều kiện bắt buộc, giai đoạn đầu sử dụng lốp Siêu mềm trước khi chuyển sang dùng lốp mềm (Soft) sau cả hai lần thay lốp. Yếu tố quyết định thành công của chiến thuật là lựa chọn đúng thời điểm thay lốp.

Thực tế cuộc đua đã cho thấy những quyết định mà chỉ đạo viên trưởng của Mercedes, James Vowles đưa ra đã giúp Rosberg và Hamilton chiếm trọn hai vị trí dẫn đầu khi kết thúc cuộc đua. Cốt lõi chiến thuật của Mercedes  là chủ động pit sớm để ngừng dừng lốp siêu mềm do họ biết rằng Williams gặp khó khăn khi lốp bị mòn nhanh trong bài tập chạy cự ly dài ở buổi đua thử ngày thứ Sáu và không đủ tự tin để kéo dài thời gian dùng hai bộ lốp mềm trong cuộc đua.

Sự cầu toàn của Williams khiến Bottas mất đi cơ hội có thành tích tốt hơn. 

Williams đã biết yếu điểm của mình nhưng họ đã không có phản ứng gì khi Mercedes đưa Rosberg và Hamilton vào thay lốp sớm. Và họ đã không thể tránh được kết cục: Sau khi thay lốp xong, hai tay đua của họ đã tụt xuống thứ hai và thứ tư. Tuy nhiên cũng có thể hiểu được lựa chọn của Williams, họ nắm rõ các dữ liệu của đội nhà và hiểu hai chiếc FW36 sẽ gặp khó khăn ở giai đoạn cuối cuộc đua nếu lao theo vào pit sớm như Mercedes. Hoặc có thể Williams không chắc chắn được tốc độ của chiếc W05 ở giai đoạn đầu khi Mercedes đang chạy phía sau Williams lúc đó.

Tuy nhiên hành động trên của Williams đã được lặp lại ở lần thay lốp thứ hai của Bottas, lúc này có nhiều bằng chứng cho thấy là hai chiếc xe của Mercedes không hề nhanh hơn nhiều so với các đối thủ. Vì thế Williams hoàn toàn có thể dùng cách tiếp cận táo bạo hơn để hưởng lợi như vào pit sớm ngay từ khoảng vòng 39 nhằm nhảy cóc qua Hamilton.

Ở lần thay lốp đầu tiên Mercedes đã thực hiện được một cú nhảy cóc hoàn hảo khi gọi Rosberg vào thay lốp ở vòng 11 và ở vòng 13 là đến lượt Hamilton. Williams đã phản ứng chậm khi tới vòng 14 mới đưa Massa vào pit và sau đó một vòng là Bottas. Điều này khiến Bottas bị kẹp giữa hai tay đua của Mercedes trong khi Massa còn tệ hơn khi tụt từ vị trí dẫn đầu xuống vị  trí thứ tư do tiêu tốn nhiều thời gian làm nóng bộ lốp mới.

Rosberg không nhanh hề hơn các đối thủ khi phối hợp thay lốp nhưng việc đưa xe vào, ra pit và đạt tốc độ ấn tượng với bộ lốp mới là đủ để anh chiếm được vị trí dẫn đầu. Williams đã thực hiện lần thay lốp nhanh nhất chặng đua với Bottas, người được giúp sức phần nào bởi Perez. Tay đua của Force India đã kìm chân chiếc W05 khi dẫn đầu sau lần thay lốp của Mercedes nhờ xuất phát với bộ lốp mềm và vào pit muộn hơn đối thủ. Nếu tay đua của Mexico không ghìm chân Rosberg những 10 vòng đua thì có lẽ Bottas còn tụt lại xa hơn nữa.

Trong giai đoạn sử dụng bộ lốp thứ hai, sau khi Perez đã vào thay lốp, Rosberg bất ngờ bị chậm lại một lúc và đã có lần lao ra hẳn ngoài đường đua. Vì vậy trước lần thay lốp thứ hai, Bottas chỉ kém đối thủ người Đức chưa đầy hai giây, điều này rất đáng chú ý sau khi chứng kiến tốc độ mà chiếc W05 đã thể hiện khi không bị cản đường ở các chặng đua trước.

Tới vòng 39, Hamilton tiếp tục được Mercedes gọi vào pit thay lốp sớm để nhảy cóc qua Bottas. Lúc này, tay đua người Phần Lan đã chạy được 24 vòng với bộ lốp mềm thứ nhất. Cuộc đua còn lại 32 vòng nữa. Một lần nữa Williams lại không có phản ứng gì với động thái của Mercedes bởi vì họ không dám chắc chiếc FW36 chạy được hết 32 vòng đua với bộ lốp mềm thứ hai và chấp nhận việc để Bottas tụt lại sau Hamilton. Tuy nhiên, tôi tin rằng nếu Williams mạo hiểm hơn một chút thì Bottas đã không mất vị trí thứ hai.

Một thực tế trên đường đua có thể chứng minh rõ điều này khi nhìn vào tốc độ của Bottas ở những vòng đua cuối cùng. Ở giai đoạn cuối, không như các đối thủ tốc độ của tay đua người Phần Lan không hề suy giảm. Từ vòng 48 đến khi kết thúc cuộc đua, khoảng cách giữa Bottas và Rosberg là rất ổn định, do đó có thể thấy lốp xe của chiếc FW36 vẫn còn rất tốt. Ở vòng đua chót, khi chiếc lốp đã chạy được 30 vòng, chiếc FW36 vẫn đạt được thành tích 1 phút 12,800 giây không hề thua kém các vòng đua trước đó. Vì thế, Bottas đủ sức vào pit sớm hơn hai vòng và có thể có hy vọng cạnh tranh được vị trí thứ hai với Hamilton.

Mặc khác, dù có mạo hiểm đi chăng nữa thì Bottas cũng chẳng thể gặp rắc rối lớn với bộ lốp mòn và các đối thủ phía sau. Alonso là đối thủ tiềm tàng nhất nhưng đang kém tới 12 giây và bị Massa cản trở. Vì vậy, nếu canh bạc chuyển sang hướng xấu thì điều tệ nhất là Bottas bị Hamilton vượt ở những vòng cuối, nhưng vậy thì anh vẫn đứng ở vị trí thứ ba như kết quả của chiến thuật cầu toàn.

Perez một lần nữa giành được kết quả tốt nhờ chiến thuật táo bạo. 

Ngoài ra như chúng ta đã thấy trên sóng radio của Mercedes, cả hai chiếc W05 đã bắt đầu gặp vấn đề với hệ thống tản nhiệt phanh từ khoảng vòng 32. Vì vậy, việc vượt lên trước Hamilton cũng sẽ không làm Bottas phải trả giá ở cuộc đua khi nếu phải chạy sau và núp gió Bottas, Hamilton sẽ còn gặp nhiều khó khăn hơn nữa với hệ thống phanh và khó có thể tấn công chiếc FW36.

Williams đã thực hiện được sự tiến bộ đầy ấn tượng trong mùa giải năm nay, đỉnh cao là màn trình diễn tại Red Bull Ring cuối tuần qua. Nhưng do hiện nay họ đang tranh đua ở nhóm đầu nên Williams cần thực hiện những chiến thuật táo bạo và chủ động hơn nữa thay vì chỉ đơn thuần bị động đối phó với chiến thuật của đối thủ. Nếu làm được điều này, chiến thắng sớm muộn gì cũng sẽ đến với họ.

Trái ngược với Williams, Force India lại tiếp tục có được một kết quả ấn tượng nữa nhờ áp dụng chiến thuật táo bạo. Với một chiếc xe trung bình và không có được vị trí xuất phát tốt, họ luôn dùng chiến thuật trái ngược các đối thủ để đạt kết quả cao, Nico Hulkenberg và Sergio Perez thay phiên nhau được hưởng lợi, lọt vào top 6 nhờ sự mạo hiểm và táo bạo của Force India. Tại Red Bull Ring lần này, Perez là người thu được trái ngọt nhờ sự sáng tạo và mạo hiểm. Tay đua người Mexico về đích thứ năm dù chỉ xuất phát ở vị trí 15 sau một buổi phân hạng đầy thất vọng cùng một án phạt từ chặng đua trước.

Perez có màn khởi đầu tuyệt vời tại Red Bull Ring với pha bứt pha vượt qua 4 đối thủ khi xuất phát trong đó đang chú ý có Jenson Button (McLaren), người đồng đội cũ sử dụng chiến thuật tương tự tay đua Mexico. Yếu tố này cực kỳ quan trọng vì Perez đã sớm vượt qua được đối thủ có khả năng ghìm chân anh suốt chặng đua do cùng chiến thuật.

Một sự kiện khác quan trọng không kém đó là thái độ hợp tác đầy tích cực của đồng đội Nico Hulkenberg, người dễ dàng cho Perez vượt qua khi tay đua người Mexico có lợi thế lốp mới hơn. Với mô hình chiến thuật của Perez, thời điểm hợp lý nhất để anh thay lốp lần hai là tại vòng 59. Tuy nhiên tay đua của Force India lại vào pit sớm ở vòng 55. Điều này khiến anh mất đi lợi thế từ bộ lốp Siêu mềm ở những vòng đua cuối.

Sau đấy Perez đã vượt qua được Kevin Magnussen (McLaren), tuy nhiên Ferrari đã bắt bài được chiến thuật và lợi thế của Force India nên đã yêu cầu Alonso vào thay lốp lần cuối muộn hơn dự tính ban đầu để đủ khả năng phòng thủ trước Perez ở những vòng cuối. Diễn biến sau đó đã chứng minh rõ điều này khi Alonso thảnh thơi ở giai đoạn cuối mà không hề phải lo nghĩ về Perez.

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý