GS-TSKH Vũ Minh Giang: “Chủ tịch Hồ Chí Minh là di sản quý báu của dân tộc”

mesu mesu @mesu

GS-TSKH Vũ Minh Giang: “Chủ tịch Hồ Chí Minh là di sản quý báu của dân tộc”

(Công lý) “Chủ tịch Hồ Chí Minh là di sản quý báu của dân tộc. Người là một biểu tượng không dễ gì có được. Không phải dân tộc nào cũng có niềm vinh dự lớn lao ấy”, GSTSKH Vũ Minh Giang chuyên gia cao cấp, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo ĐHQGHN khẳng định.

19/05/2015 10:04 PM
226

Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng thiêng liêng của dân tộc. Ảnh: Tư liệu

Hồ Chí Minh là biểu tượng của dân tộc

- Đã có nhiều đánh giá của các học giả, chuyên gia trong và ngoài nước về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nếu như nhận định chung nhất về Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với dân tộc thì ông sẽ nói gì?

Nhận xét, đánh giá về công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh thì có rất nhiều. Nhưng tôi khẳng định ngay rằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh là di sản quý báu của dân tộc. Người là một biểu tượng không dễ gì có được. Không phải dân tộc nào cũng có niềm vinh dự lớn lao ấy.

Người là một biểu tượng rất đặc sắc được vun bồi lên bởi nhiều yếu tố khác nhau. Hồ Chí Minh là một lãnh tụ hiện thân sức mạnh đúng đắn của thời đại, có công lớn trong việc tìm đường cứu nước và lãnh đạo công cuộc cứu nước thành công.

Nhìn lại lịch sử những năm đầu thế kỷ 20, lịch sử dân tộc đắm chìm trong đêm tối của chế độ thực dân. Trong đêm đen như thế, Người đã bỏ tất cả những gì là cá nhân để tìm đường cứu nước, đó là một biểu tượng lớn trong dân tộc khó làm phai mờ.

Nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là chí sĩ yêu nước, mà còn là biểu tượng có ý nghĩa lâu dài hơn: Đó là biểu tượng của đoàn kết. Cụ Hồ là người đã nhìn ra cái sức mạnh cội nguồn của dân tộc Việt Nam là truyền thống tương thân tương ái để làm mọi việc, chứ không đơn thuần chỉ là giành độc lập.

GS-TSKH Vũ Minh Giang, chuyên gia cao cấp, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo ĐHQGHN. 

Đoàn kết, đồng lòng của dân tộc Việt Nam không phải đến thời đại Hồ Chí Minh mới có. Từ thế kỷ XIII, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn cũng đã nói đến, đó là “trên dưới đồng lòng, cả nước góp sức thì sẽ thắng được giặc dữ”. Giặc dữ khi đó là quân Nguyên Mông, hung mãnh nhất, tàn bạo nhất lúc đó nhưng rồi cũng bị nhân dân Đại Việt đánh bại.

Nhưng đoàn kết ở thời đại Hồ Chí Minh lại có một khí thế mới, sắc thái mới. Câu “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết” không phải là để nói cho vui, mà là cả một tư tưởng được đúc kết ra từ văn hóa, tư tưởng, truyền thống dân tộc Việt Nam.

- Một điều thú vị là có không ít những đánh giá thể hiện sự ngưỡng mộ nhân cách, tài năng của Chủ tịch Hồ Chí Minh lại xuất phát từ những người từng là đối phương, những người ở phía bên kia chiến tuyến. Ông có nhận xét gì về điều này?

Hồ Chí Minh là biểu tượng của trí tuệ. Không phải vô cớ mà Người được cả thế giới ngưỡng mộ sâu sắc. Đến cả kẻ thù cũng phải kính nể.

Cách đây ít lâu, nhân dịp kỷ niệm 60 năm Giải phóng Hải Phòng, tôi có dự lễ kỷ niệm đó. Trong lúc ngồi chờ thì gặp các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước, hôm đó có nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu.

Chúng tôi ôn lại chuyện cũ, trong đó có câu chuyện liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cuối năm 1975, tôi có vào thăm Quân đoàn II. Ông Phiêu khi đó làm Chủ nhiệm chính trị quân đoàn. Khi chúng tôi vào thăm, ông Phiêu có dẫn tôi và một số nhà sử học khác, trong đó có GS Phan Huy Lê đến thăm một hiện vật mà ông Phiêu lúc đó cho rằng rất lạ. Đó là có một cái tủ 6 mặt kính với nhiều ngăn bên trong, toàn bộ 6 mặt kính đều dành để trưng bày chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh qua các thời kỳ khác nhau.

Điều đặc biệt, theo như lời ông Lê Khả Phiêu nói, cái tủ này là một kỷ vật có sẵn ở trong Bộ Tham mưu của Quân lực Việt Nam Cộng hòa, tức là quân đội của chính quyền Sài Gòn. Khi ta đến tiếp quản đã thấy rồi. Câu hỏi đặt ra là tại sao lại thế? Tôi nghĩ chỉ có thể giải thích rằng, hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được chính quân đội đối phương kính nể và ngưỡng mộ.

Cảnh giác với thủ đoạn “hạ bệ” biểu tượng

- Hiện nay, có một bộ phận tỏ ra hoài nghi về lịch sử, từ đó đi đến xét lại lịch sử, trong đó có cả công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với dân tộc. Ý kiến của ông đối với vấn đề này như thế nào?

Hiện nay, Việt Nam đang đứng trước thách thức và vận hội. Vận hội có nhiều nhưng thách thức cũng không ít.

Trong thời đại mở cửa, những đối tác muốn hợp tác với Việt Nam rất nhiều, nhưng bên cạnh đó cũng có không ít thế lực muốn Việt Nam yếu đi. Chuyện đó rất rõ. Những thế lực muốn Việt Nam yếu đi, chống phá Việt Nam thì họ luôn tìm mọi cách để thực hiện dã tâm của mình. Họ có nhiều cách, nhiều thủ đoạn mà ta hay nói là “chọc ngoáy”.  

Trong việc làm cho Việt Nam suy yếu đi thì các thế lực thù địch không chỉ nhắm vào việc làm ta suy yếu tiềm lực phần cứng, mà còn cả phần mềm nữa. Phần mềm cụ thể ở đây là làm ảnh hưởng đến uy tín, hạ bệ những hình ảnh, biểu tượng, làm xấu hình ảnh Việt Nam đi, trong đó có cả việc “hạ bệ” biểu tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Hồ Chí Minh là biểu tượng của trí tuệ, của nhân cách. Những thế lực không ưa Việt Nam mới nhằm vào những cái thứ tiêu biểu nhất để bôi lem, hạ bệ. Còn nhân loại tiến bộ thì không ai làm thế cả.

- Với tư cách là một giáo sư đầu ngành về sử học, một nhà giáo, ông có gửi gắm thông điệp gì đến giới trẻ hôm nay - đối tượng dễ bị tác động bởi những quan điểm nhìn nhận lịch sử lệch lạc như đã nói trên?

Trong thanh thiếu niên bây giờ, một phần do giáo dục bị hụt hẫng đã không hiểu về lịch sử, nghe chuyện lạ tai thì tò mò và nhiễm độc thông tin.

Ví dụ như bấy lâu nay học trong trường thấy thầy cô giảng dạy là Lê Lai đã liều mình cứu chúa, thì nay đọc trên mạng lại thấy có tin Lê Lợi mới là người giết Lê Lai. Thế là thấy lạ, thậm chí còn dẫn sách nọ sách kia, rồi vội vàng ngây thơ tin theo.

Nói thế để thấy rằng, học sinh chúng ta không được trang bị kiến thức và phương pháp luận, thiếu đi nền tảng, thiếu phương pháp tìm ra cái đúng, cái sai. Đáng lẽ dạy phương pháp học thì lại dạy thuần túy về kiến thức, nên khi gặp những tình huống này, học sinh đã không có khả năng chống đỡ.

Nên dạy cho người ta cách tìm hiểu. Nên trang bị cho người ta nhận thức rằng lịch sử là một môn khoa học. Khoa học thì luôn luôn tiệm cận chân lý. Cái mà chúng ta đang dạy cho học sinh bây giờ là tái hiện lại lịch sử, nhận thức lịch sử chứ không phải là lịch sử. Phải coi lịch sử là một khoa học. Hãy nói cho học sinh biết rằng lịch sử luôn luôn phải cần bổ sung, nhưng nguyên tắc bổ sung là anh phải có chứng cớ, có tư liệu, chứ không phải là theo ý kiến cá nhân.

Hiện nay, việc không trang bị cho học sinh những vũ khí nhận thức để tự bảo vệ trước những thông tin độc hại, nên họ dễ bị lôi cuốn, chi phối. Bởi “hiếu tri” luôn là đặc tính của con người. Thấy cái lạ là xem, thế thôi. Thậm chí, xem xong còn thêm nếm để đẩy câu chuyện đi xa hơn nữa.

Hiện tượng nói trên cũng dễ giải thích. Nhưng cũng cần phải thấy, nếu cứ để tình trạng như thế này thì hậu quả khôn lường. Bởi vì tuổi trẻ là tương lai, chủ nhân của một dân tộc, vận mệnh đất nước trong tay người trẻ. Vậy mà người trẻ lại không tin vào lịch sử dân tộc, hứng thú với việc bên ngoài “hạ bệ” biểu tượng tốt đẹp, thiêng liêng của dân tộc mình thì đó là điều rất nguy hiểm.

Xin cảm ơn ông!

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý