'Gửi' bố mẹ cho osin bệnh viện, chỉ đến thăm 'thu hoạch' phong bì

sakura1 sakura1 @sakura1

'Gửi' bố mẹ cho osin bệnh viện, chỉ đến thăm 'thu hoạch' phong bì

Làm nghề osin bệnh viện vất vả đã đành nhưng nhiều khi chứng kiến những cảnh đời rơi nước mắt.

13/10/2015 04:00 PM
723

Có những đứa con chỉ đến thăm bố mẹ khi có khách đến thăm để ôm phong bì về, có người thì bắt cho bố mẹ họ ăn thật ít cho các cụ “đi” cho nhanh…

Cả năm không tắm cho bố mẹ

Bà Bùi Thị Đan 57 tuổi quê ở Cẩm Khê - Phú Thọ, hồi mới xuống Hà Nội chỉ là đi làm giúp việc nhà. Sau đó nhà mà bà Đan giúp có người ốm nên bà vào viện chăm người ốm. Thấy công việc này dễ kiếm tiền hơn giúp việc gia đình nên bà Đan chuyển nghề.

Bà Đan tâm sự: “Mỗi người bệnh có một hoàn cảnh và số phận khác nhau. Nhiều gia đình đông con, giàu có nhưng chưa chắc bố mẹ đã sung sướng". Bà Đan cho biết: “Có những cụ chắc cả năm con cái nó không tắm cho, đến bệnh viện khi lấy máu bác sĩ phải dùng bông gạc xát đến 5-6 lần mới sạch chỗ da để lấy ven. Đụng vào da các cụ có cảm giác như bốc được đất. Quần áo cáu bẩn giặt hàng chục lần nước vẫn đen ngòm…”

   - Ảnh 1

Cô Đan (áo xanh) đang chăm sóc người bệnh ở BV Hữu nghị Việt - Xô

Với thâm niên 14 năm chăm sóc người bệnh, bà Đan cho biết: “Gặp phải bệnh nhân nặng, lở loét là vất vả lắm. Đến nỗi người nhà còn sợ, vợ con cũng không dám gần, tất cả mọi việc đều một tay osin làm lấy. Tôi còn nhớ gặp một ca, rất nặng nhưng người nhà đẩy hết việc cho osin, tôi chăm cả năm trời sau đấy ông ấy mất. Nhiều khi theo một người bệnh cả năm cũng là chuyện bình thường.”

Đến bây giờ bà Đan cũng không còn nhớ mình đã chăm sóc bao nhiêu người bệnh. Nhưng bà nhận ra rằng, chăm ở bệnh viện sẽ vất vả hơn chăm ở nhà. Vì ở viện không có chỗ nghỉ ngơi, đông người, ăn uống vạ vật. Còn ở nhà, thi thoảng bệnh nhân ngủ thì người giúp việc cũng tranh thủ chợp mắt được. Nghề osin bệnh viện phải có sức khỏe cũng như giỏi thức đêm.

Khi osin là nơi trút bầu tâm sự

Bà Đoan cho biết, có những cụ con cái đông nhưng chẳng có ai đến vào những ngày bình thường, chỉ có khi nào cơ quan, người khác đến thăm thì đến để ôm phong bì về. Có nhiều đứa con chắc cũng có vị thế trong xã hội, mỗi lần bố mẹ ốm là một lần “thu hoạch” phong bì. Khách về thì con cái cũng về, không hỏi han xem bố mẹ thế nào hay trò chuyện với các cụ nên các cụ buồn lắm.

Nhiều khi, cô Đan cũng như các osin là nơi trút bầu tâm sự của các cụ lúc tuổi già. Vì các cô có bổn phận phải biết lắng nghe dù câu chuyện cứ quên quên nhớ nhớ, chẳng có đầu đuôi có đuôi gì. Con cái các cụ sẽ không bao giờ nghe những câu chuyện “ẩm ương” của các cụ. Họ sẽ nói: “ôi thôi bố/mẹ lẩm cẩm rồi…”

Nhiều khi bà Đan chăm thường gặp phải mâu thuẫn với người nhà người bệnh. Bác sĩ chỉ định phải ăn xông, con bắt phải cho các cụ ăn cơm. Theo bà Đan thì phải cho các cụ ăn mỗi bữa 5 muỗng sữa thì con cái chỉ cho ăn 1-2 muỗng thôi. Giải thích thế nào họ cũng không nghe còn bệnh nhân thì teo tóp từng ngày. Bà Đan nghĩ rằng có thể con cái thấy phiền khi bố mẹ nằm viện lâu quá nên muốn thế để cho các cụ ra đi cho nhanh.

“Nhiều hoàn cảnh con cái có hiếu nhưng cũng có những hoàn cảnh con các cụ không rớt nước mắt nhưng mình lại rớt nước mắt. Các cụ có gì cũng hay tâm sự với mình, bảo ở nhà không tình cảm, con cái áp đặt. Răng rụng hết rồi nhưng con lại nấu những món không ăn được. Nói chuyện con nó không nghe. Có nhiều cụ chỉ thích vào ở viện, không muốn về nhà.”- Bà Đan cho biết.

Bà Đan thường gọi những bệnh nhân mình chăm sóc bằng bố mẹ. Bản thân bà năm ngoái cũng bị tai biến nhẹ, bây giờ nói năng khó khăn nhưng bà vẫn gắn bó với công việc. 14 năm làm nghề chăm người bệnh, có đến 9 năm bà Đan không được ăn Tết với gia đình.

Hỏi bà Đan bệnh thế sao không nghỉ đi, bà Đan nói: “Người ta vẫn thuê thì mình vẫn làm để kiếm thêm thu nhập, tích góp cho tuổi già. Dù nói năng không được lưu loát như trước nhưng nhìn mình làm việc nhiều người vẫn tin cậy nên chẳng bao giờ hết việc.”

Theo Hiểu Khuê/ Infonet

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý