Guillaume Graechen - Những chuyện bây giờ mới kể

mu mu @mu

Guillaume Graechen - Những chuyện bây giờ mới kể

Nhà báo Phan Đăng của báo Công An Nhân Dân vừa có một cuộc phỏng vấn rất thú vị với HLV Guillaume Graechen. Trong cuộc phỏng vấn, nhà cầm quân người Pháp đã có những chia sẻ rất đời về cuộc sống của mình tại Việt Nam.

16/09/2014 07:15 PM
3,581

Kỳ 1: Mẹ tôi, vợ tôi và bạn tôi

"Từ 11 giờ đến 11 giờ 30 thôi nhé!" - đấy là yêu cầu của HLV trưởng ĐT U19 Việt Nam Guillaume Graechen khi tôi đề nghị thực hiện một cuộc nói chuyện riêng với ông tại khách sạn Thắng Lợi - nơi ĐT U19 đóng quân trong suốt quá trình dự giải U19 Đông Nam Á vừa qua.

Thế nhưng 11 giờ 30, 12 giờ, rồi 12 giờ 30...thời gian cứ trôi đi vèo vèo, và cả hai chúng tôi, cùng người phiên dịch viên thân thiết của ông cứ bị cuốn vào câu chuyện, không sao dứt được. Nếu không nhìn thấy cảnh các cầu thủ lững thững từ phòng ăn trở về - một dấu hiệu cho thấy ông Graechen đã bị quá bữa rất lâu, và buổi tập chiều đã rất cận kề thì chắc chắn là cuộc chuyện trò của chúng tôi không bất đắc dĩ phải dừng lại.

 - Ảnh 1

Gia đình hạnh phúc của HLV Graechen

Ông Graechen bảo: "Lần đầu tiên sau 8 năm ở Việt Nam tôi mới thổ lộ tất cả ruột gan mình như thế". Và sau khi chúng tôi bắt tay tạm biệt nhau thì ông còn nói thêm: "Thông thường, tôi không bao giờ nói những chuyện đời tư của mình, nhưng hôm nay, với anh thì ngoại lệ..."

- Nhà báo Phan Đăng: Khi nhận được thông báo đầu tiên về việc sẽ đến Việt Nam công tác trong ít nhất 7 năm ông đang làm gì và cảm giác của ông lúc đó ra sao?

+ HLV Guillaume Graechen: Khi đó tôi đang làm HLV trưởng CLB Muangthong ở Thái Lan. Nhưng để anh không sốc tôi phải nói luôn là Muangthong hồi ấy mới thành hình, và chỉ đá ở giải hạng Ba Thái Lan, chứ chưa được đầu tư lớn, và nổi đình nổi đám như bây giờ.

Theo chiến lược ban đầu, Muangthong sẽ là "đầu ra" cho những học viên của học viện bóng đá JMG ở Thái Lan, nhưng mọi người biết rồi đấy học viện này đã đứt gánh giữa đường... Mà vừa rồi nhìn vào thành phần của ĐT U19 Thái Lan dự giải U22 và U19 Đông Nam Á, tôi nhận ra cầu thủ đội trưởng, mang áo số 3 của họ chính là một cựu học viên của học viện JMG ở Thái. Còn có những cầu thủ khác nữa của Học viện này đang là những gương mặt đầy triển vọng của bóng đá Thái.

Giờ trở lại với câu hỏi của anh, rằng tôi nghĩ sao khi nhận quyết định sang Việt Nam làm việc. Là người của Học viện JMG tôi phải chấp nhận mọi sự phân công công tác của học viện thôi, và thực tế là tôi đã rất quen với việc chấp nhận đó. Còn với riêng Việt Nam, thú thực là tôi biết đấy là một đất nước ở châu Á, nhưng không biết nó nằm cụ thể ở chỗ nào tại châu Á.
- Cuộc chiến tranh của người Pháp ở Việt Nam - chẳng nhẽ ông chưa từng nghe về nó bao giờ ư?

+ Ồ, ông nội tôi đã từng tham gia chiến tranh Đông Dương, nhưng hồi tôi 5 tuổi, vì một khúc mắc giữa bố tôi và ông nội mà tôi không bao giờ gặp ông lần nữa. Vậy nên thực tâm phải cho đến khi nhận quyết định đến Việt Nam làm việc tôi mới tìm hiểu những thông tin cơ bản về đất nước này.

- Vậy thì khi chiếc máy bay đưa ông hạ cánh xuống Việt Nam, ông có thấy đất nước này giống với tưởng tượng của ông trước đó?

+ Tôi nhớ mãi một cảm giác là khi máy bay chuẩn bị hạ cánh xuống sân bay quốc tế ở TP HCM thì tôi đã quan sát rất kỹ và thấy bất ngờ vì cái thành phố này hoá ra rộng lớn hơn hẳn so với những gì mình nghĩ. Sau đó khi lên Pleiku làm việc thì tôi đặc biệt ấn tượng với sự gần gũi, thân thiện của con người Việt Nam. Họ làm giúp tôi tất cả các công việc có thể. Nói chung tôi cũng không nghĩ là mọi sự bắt đầu ở Việt Nam, ở học việc Hoàng Anh Gia Lai JMG lại thuận lợi với mình đến thế.

Riêng trong công việc, có một điều thuận lợi đặc biệt nữa, đó là tôi được đích thân tuyển chọn những cầu thủ sẽ gắn bó với mình trong suốt 7 năm. Ở châu Âu thì khác. Ở đó tôi chỉ có thể làm việc với những cậu bé do một bộ phận khác tuyển chọn mà thôi.

 - Ảnh 2

Cuộc phỏng vấn với nhà báo Phan Đăng.

- Hỏi thật nhé, gia đình có ủng hộ ông đến Việt Nam làm việc không?

+ Anh biết không, khi nghe tin tôi tiếp tục làm việc xa nhà, ở một nơi cách nước Pháp tới 11.000 Km thì mẹ tôi đã khóc suốt một tuần. Bố và những người chị em gái của tôi đã phải ở cạnh an ủi rất nhiều, để bà không gục ngã. Tôi và bà vốn rất gần gũi và rất hay chia sẻ với nhau những chuyện dù là bình thường nhất trong cuộc sống mà.

- Người con trai gần gũi với mẹ thông thường là một người rất nội tâm. Một người như thế có rơi nước mắt không khi thấy mẹ mình rơi nước mắt?

+ Trước mắt bà tôi không khóc. Nhưng khi lên xe lửa để ra sân bay đến Việt Nam, nghĩ đến hình ảnh của bà, thực sự là tôi đã khóc một mình.

- Sau này, khi thấy con trai không những làm việc ở Việt Nam mà còn cưới một người vợ Việt Nam và muốn định cư lâu dài ở đây thì phản ứng của bà như thế nào, thưa ông?

+ Bố mẹ tôi luôn đưa ra những lời khuyên cho tôi, nhưng sau đó thì tôn trọng toàn bộ những quyết định cá nhân của con trai mình. Tôi nhớ rõ là hôm bay sang Việt Nam tham dự lễ cưới của tôi, khi đeo những tặng vật kỷ niệm vào tay con dâu mình thì bàn tay của bố mẹ tôi đều run lên. Lần đầu tiên tôi thấy nó run lên như thế. Và tôi hiểu đấy là sự run rẩy trong hạnh phúc.

- Điều gì ở mẹ khiến ông khiến ông ấn tượng nhất?

+ Đó là sự nhạy cảm. Bà nhạy cảm đến mức kỳ lạ, trong tất cả những hoạt động, dù là nhỏ nhất, đơn giản nhất của cuộc sống này. Cho đến tận hôm nay mỗi khi cần một chỗ dựa tôi luôn gọi điện cho bà, và luôn có cảm giác là bà đứng sau tôi, tiếp thêm rất nhiều sức mạnh cho con trai mình.

- Người vợ hiện tại của ông chắc cũng có ít nhiều điểm giống bà?

+ Ồ, về tình yêu nấu nướng thì hai người giống nhau đặc biệt. (Cười...).

- Nghe nói vợ ông làm ở bếp ăn của Học viên Hoàng Anh Gia Lai JMG?

+ Trước đây thì đúng như vậy, nhưng bây giờ thì cô ấy đã ở nhà để trông hai đứa trẻ và để học rất nhiều thứ khác như tiếng Anh, tiếng Pháp, và cả lái xe nữa. Hiện tại vợ chồng tôi đã có một căn nhà ở Gia Lai, tôi cũng sắp có quốc tịch Việt Nam, nên thời gian tới chắc chắn cuộc sống của tôi sẽ là Việt Nam và Pháp.

- Những đứa con của ông thì sao nhỉ? Vợ chồng ông có muốn nó trở thành cầu thủ, rồi HLV bóng đá như bố không?

+ Cậu con trai tôi được 2,5 tuổi, và nó yêu bóng đá một cách đặc biệt. Mỗi sáng nó tỉnh dậy tôi đều phải giấu quả bóng đi, nếu không với quả bóng trong tay nó có thể phá phách tất cả các đồ đạc trong nhà (Cười...). Tôi nghĩ nó chắc chắn sẽ trở thành cầu thủ. Còn liệu có trở thành một cầu thủ như bố hay một HLV như bố hay không thì lại là câu chuyện của số phận.

- Ông Graechen này, trở lại với khoảnh khắc ông quyết định tới Việt Nam, ngoài những giọt nước mắt từ mẹ, còn điều gì khiến ông phải phân vân, suy nghĩ nữa không?

+ Vì quyết định này mà tôi đã không thể làm nhân chứng trong lễ kết hôn của Genevois Arnaud - người bạn thân thiết nhất trong cuộc đời tôi, như đã hứa với cậu ấy. Sau này, qua người vợ của cậu ấy thì tôi biết là cậu ấy cũng đã khóc vì sự việc này.

- Ông và Arnaud thân thiết đến mức nào?

+ Đến mức mà chúng tôi coi nhau như anh em ruột thịt trong gia đình anh ạ. Từ khi tôi còn là cầu thủ cho đến khi trở thành HLV, Arnaud luôn đi tới bất cứ chỗ nào tôi có mặt để cổ vũ tôi. Ngược lại, có những người chỉ cách chỗ tôi vài trăm Km, và họ nói là họ sẽ đến nhưng thực tế thì họ đã không đến. Tôi luôn trân trọng và cảm ơn cuộc đời vì có được một người bạn như Arnaud.

- Nghe cách ông nói về mẹ, về vợ, về bạn bè tôi càng củng cố thêm ấn tượng ban đầu của mình về ông, rằng ông là một người giàu tình cảm?

+ Vâng, nhiều người cũng nói về tôi như thế!

Khoảnh khắc hạnh phúc nhất cùng U19 Việt Nam

Đó là sau trận bán kết giải U19 Đông Nam Á vừa rồi, khi U19 Việt Nam đánh bại U19 Myanmar 4-1. HLV Graechen nói rằng chiến thắng với một tỷ số cách biệt đã chứng tỏ trận thua đối phương 3-4 ở chung kết giải U22 Đông Nam Á trước đó chỉ là một tai nạn. Trên xe ô tô từ sân Mỹ Đình về khách sạn Thắng Lợi sau trận đấu, ông Graechen đã điện thoại với vợ để chia sẻ niềm vui. Còn ở Pháp, khi ấy mẹ ông đang thực hiện một ca tiểu phẫu trong bệnh viện, nên ông chỉ có thể thông báo kết quả với mẹ bằng một tin nhắn trên facebook. Sáng sớm hôm sau ông nhận được hồi đáp của mẹ, và tin rằng chiến thắng của U19 Việt Nam sẽ giúp mẹ mình khoẻ khoắn hơn. /

Khoảnh khắc buồn nhất trong đời

Đó là năm 2001, khi một người bạn của ông Graechen bị tai nạn ô tô, qua đời. Ông Graechen chia sẻ: "Cậu ấy là một người tốt, một cầu thủ đầy triển vọng, và đã được một CLB ở giải VĐQG Pháp ký hợp đồng thi đấu. Trong trận đấu đầu tiên cho CLB của mình, cậu ấy thậm chí đã ghi một bàn thắng đẹp, và sau trận đấu đầu tiên đó đã được HLV trưởng cho về nghỉ phép, nhưng trên quãng đường từ CLB về thủ đô Paris thì tai hoạ đã xảy ra...". Ông Graechen nói rằng khi nghe tin người bạn mình qua đời thì ông đã bật khóc, và cách duy nhất để ông nguôi quên nỗi đau là từ sáng đến tối, cứ vùi đầu vào bóng đá mà không hề nghĩ ngợi đến bất cứ điều gì khác.

Theo Cảnh sát Toàn cầu (còn nữa)

Xem thêm video clip : Nữ CĐV khóc cuối trận U19 Việt Nam - Nhật Bản gây sốt

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý