Hai người bạn tù của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang

vuongxinh vuongxinh @vuongxinh

Hai người bạn tù của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang

Theo ông Phạm Văn Sang, lúc bấy giờ ký ức về người bạn tù Trương Tấn Sang của mình là một người nhỏ con nhưng cương nghị và kiên trung.

28/04/2015 11:31 PM
972

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã từng bị địch bắt, tù đày tại nhà lao Biên Hòa và nhà tù Phú Quốc. Trong số những người tù chính trị cùng chung buồng giam với Chủ tịch nước lúc bấy giờ, ông Hạ Chí Công, ông Phạm Văn Sang là hai trong số những người còn vẹn nguyên ký ức những ngày gông xiềng nơi ngục tối.

Theo tin tức trên Pháp luật TP.HCM, tại buổi tiếp xúc cử tri giữa các đại biểu Quốc hội với bà con cử tri quận 8 (TP.HCM), người tù chính trị - ông Hạ Chí Công đã có vài phút ngắn ngủi chia sẻ cảm xúc của mình nhân dịp hướng đến 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

   - Ảnh 1

Ông Hạ Chí Công tại buổi tiếp xúc cử tri quận 8. (Ảnh Pháp luật TP.HCM)

Ông xúc động: “Đất nước ta đã hoà bình được 40 năm rồi, giờ đây tôi rất xúc động khi cách đây hơn 40 năm, tôi cùng với nhiều đồng chí, trong đó có cả đồng chí Trương Tấn Sang (bây giờ là Chủ tịch nước) vẫn còn là tù binh ở nhà tù Phú Quốc (Kiên Giang)”.

“Cách đây hơn 40 năm, chúng tôi sống dưới ngục tù, khi đó, chúng tôi sống bằng chính lý tưởng cách mạng dưới chế độ Cộng sản, không còn gì khác”, ông nói.

Ông Hạ Chí Công nhớ lại những năm tháng khổ ải nơi ngục tù. “Đó là những ngày bị địch tra tấn dã man, bị búa đập vào đầu, bị đinh đâm vào tay, chân,… nằm co ro ở chuồng cọp, chờ vắt cơm nắm mỗi ngày, mặc ai sống được thì sống…”.

Nhớ lại ngày 40 anh em quyết định vượt ngục dưới sự chỉ đạo của chi bộ nhà lao, ông Hạ Chí Công xúc động: “Trước khi chúng tôi rời khỏi, đồng chí Sang đã tâm sự, dặn dò chúng tôi hết lời, dặn chúng tôi đi đường phải cẩn thận…”.

Thế rồi, mượn cơ hội bị địch bắt đi khổ sai, 40 đồng chí đã lập kế hoạch vượt ngục trên đường về, giết quân cảnh, tịch thu vũ khí. Sau đó, ông Hạ Chí Công đã về sống trong lòng Đảng, trong lòng nhân dân; còn Chủ tịch nước Trương Tấn Sang được trao trả theo Hiệp định Paris (năm 1973).

Kể từ ngày đó, dù đã hơn 40 năm trôi qua, nhưng những ký ức về những ngày sống cùng nhau trong địa ngục trần gian Phú Quốc vẫn chưa từng một lần ngủ yên trong lòng người lính Hạ Chí Công, trong lòng nhiều anh em tù chính trị khác. Ông nói rằng điều làm ông hạnh phúc, làm ông tự hào chính là người bạn tù năm xưa, đồng chí Trương Tấn Sang đã là một Chủ tịch nước sáng suốt.

Chí khí chiến đấu trong ngục tối

Ông Phạm Văn Sang (SN 1947) hiện trú làng Phượng, xã Nghĩa Xuân (Quỳ Hợp, Nghệ An) chia sẻ trên báo Nghệ An, tại nhà lao Biên Hòa cũng như nhà lao Phú Quốc, ông được chung buồng giam với người tù trí thức Trương Tấn Sang.

Tại nhà lao Biên Hòa, tổ chức của Đảng trong nhà lao đã bố trí cho đồng chí Trương Tấn Sang làm nhiệm vụ của một anh nuôi, chuyên nấu ăn phục vụ các chiến sĩ tù đày. Thực chất, mục đích của sự phân công này là để ngày ngày anh Tư Sang ra cổng nghe ngóng tình hình để về báo cáo lại cho lãnh đạo, Đảng ủy nhà lao các tình huống diễn ra bên ngoài, vì Tư Sang biết tiếng Anh. Được một thời gian, lính chiêu hồi đã khai ra sự thật nên các tù binh đã bị tách ra, bị đánh đập dã man, sau đó được đưa vào phòng biệt giam 22, khu A, nhà giam Biên Hòa.

   - Ảnh 2

Ông Phạm Văn Sang trong một lần hội ngộ với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. (Ảnh Công an Nghệ An)

Có những thời điểm, Tư Sang bị địch tra tấn dã man, chúng đã đánh anh đến nỗi bị thương rất nặng ở đầu, gần như bất tỉnh. Tuy nhiên, địch đã không khai thác được thông tin gì từ anh và cũng không biết thêm thông tin gì về lực lượng quân giải phóng miền Nam. Khí tiết của anh Sang khiến nhiều bạn tù rất khâm phục.

“Lúc ấy, đồng chí Trương Tấn Sang luôn động viên anh em bạn tù phải nêu cao khí tiết và giữ vững ý chí chiến đấu. Đồng thời phải biết nhường nhịn nhau”, ông Phạm Văn Sang nhớ lại. Sau đó, cả ông Phạm Văn Sang và anh Tư Sang cùng bị đày ra Phú Quốc, ở chung khu nhà giam 11 được khoảng 30 ngày thì bắt đầu phân chia ra tù chính trị phía nam và tù chính trị phía bắc, nhằm chia cắt nhau nên hai người đã không được ở cùng nhau. Đến tháng 3/1973, tất cả tù Phú Quốc đều được trao trả sau Hiệp định Paris 1973.

Và sau cuộc chiến, ông trở về đời thường với thương tật 1/4, chân và tay bị ảnh hưởng từ bom đạn chiến tranh nên đi lại rất khó khăn. Tuy nhiên, ông Phạm Văn Sang vẫn luôn dành cho người bạn tù, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang một tấm lòng yêu quý và khâm phục.

Ông chia sẻ, từ những ngày còn chịu cảnh gông xiềng với nhau, ông đã rất khâm phục ý chí, nghị lực của anh Tư Sang. Đến nay, trong thời bình, thấy đồng chí Trương Tấn Sang thành đạt nhưng vẫn dành thời gian cho bạn bè, những người đồng đội, đồng chí, ông càng thêm mến phục, kính nể.

N.Đ

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý