Hàng chục học sinh nhập viện: 'Cô gái Hà Lan' nói gì?

vuongxinh vuongxinh @vuongxinh

Hàng chục học sinh nhập viện: 'Cô gái Hà Lan' nói gì?

Hàng chục em học sinh của trường tiểu học xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc, Nam Định) bỗng nhiên xuất hiện triệu chứng đau đầu, đau bụng, buồn nôn sau khi uống sữa tiếp thị của nhãn hiệu “Cô gái Hà Lan”.

24/04/2014 06:28 AM
8,455

Trong số đó, 12 em bị nặng nhất đã được nhà trường và gia đình đưa đi cấp cứu tại bệnh viện. Nhận định của các bác sỹ cho biết, có khả năng các em học sinh trên bị ngộ độc sữa.

Từ những thông điệp tốt đẹp ban đầu, chương trình “Hỗ trợ dinh dưỡng, tặng sản phẩm sữa Cô gái Hà Lan” đã thành một nỗi buồn đối với rất nhiều học sinh và phụ huynh tại huyện Mỹ Lộc. Nhiều ý kiến cho rằng, từ trước đến nay có không ít những sự việc tương tự xảy ra, nhưng nếu không có sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan quản lý Nhà nước thì nhà sản xuất sữa rất dễ đưa ra “chứng cứ ngoại phạm”. Lần này, đại diện “Cô gái Hà Lan” sẽ nói sao với người tiêu dùng?

Nhập viện sau khi uống sữa tiếp thị

Theo tìm hiểu của PV báo Người Đưa Tin, sự việc xảy ra cách đây ít ngày tại trường tiểu học xã Mỹ Tân. Sự cố bắt đầu khi một nhóm tiếp thị sữa mang sản phẩm sữa “Cô gái Hà Lan” đến giao lưu, quảng bá, giới thiệu và tặng các hộp sữa giấy cho học sinh trong nhà trường. Mỗi học sinh được phát 1-2 hộp để “thưởng thức”. Thế nhưng, chỉ khoảng 2-3 phút sau khi uống, hàng chục học sinh trong trường bỗng dưng có biểu hiện đau đầu, đau bụng, buồn nôn. Đây là những dấu hiệu của việc bị ngộ độc thực phẩm.

 - Ảnh 1

Các em học sinh được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định (ảnh LĐO).

Theo thông tin từ lãnh đạo trường tiểu học Mỹ Tân, 12 cháu nặng nhất đã được nhà trường và gia đình đưa đi cấp cứu tại bệnh viện Nhi tỉnh Nam Định, những cháu khác nhẹ hơn được người thân đưa về nhà chăm sóc. Trong số này, có sáu học sinh bị nặng hơn đã được chuyển sang cấp cứu tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định. Triệu chứng của các em là sốt và không nôn được.

PV báo Người Đưa Tin đã liên lạc với Công an huyện Mỹ Lộc (Nam Định) để xác minh tính chính xác của thông tin trên. Chiều 20/4, trao đổi với PV, một cán bộ công an (không tiện nêu tên) cũng đã xác nhận lại sự việc. Theo lời cán bộ này, có tổng số 22 học sinh gặp triệu chứng đau bụng, buồn nôn sau khi uống sữa tiếp thị nhãn hiệu “Cô gái Hà Lan”, tuy nhiên chỉ có hơn chục cháu bị nặng được đưa đến bệnh viện, còn lại các cháu được đưa về gia đình chăm sóc. “Đến thời điểm hiện tại, các cháu cũng đã hồi phục và được xuất viện. Gia đình và các bác sỹ vẫn đang tiếp tục theo dõi xem có xuất hiện những diễn biến bất thường hay không”, vị này nói.

Nam Định ngừng chương trình tiếp nhận sữa “Cô gái Hà Lan”

Theo thông tin PV vừa nhận được, sở GD&ĐT tỉnh Nam Định đã ngừng tiếp nhận sữa “Cô gái Hà Lan” theo chương trình “Hỗ trợ dinh dưỡng, tặng sản phẩm sữa Cô gái Hà Lan” cho học sinh tiểu học chờ kết quả kiểm tra, xét nghiệm của ngành chức năng.

Trước đó, Sở này đã có Công văn số 314 (ngày 28/3) gửi phòng GD&ĐT của bảy huyện, thành phố Nam Định về việc tặng sản phẩm sữa “Cô gái Hà Lan” cho học sinh tiểu học theo chương trình hỗ trợ dinh dưỡng nói trên. Theo đó, 49 trường tiểu học tiếp nhận quà là sữa tươi “Cô gái Hà Lan” (hộp giấy, dung tích 180ml). Thời gian nhận quà dự kiến từ ngày 2/4 đến ngày 25/5 với đối tượng là học sinh và giáo viên tiểu học.

Cũng theo lời cán bộ Công an huyện Mỹ Lộc, ngay sau khi nhận được tin báo, lực lượng công an cùng các ban ngành như đại diện sở Y tế Nam Định, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã xuống trường để tìm hiểu. Lực lượng chức năng đã tiến hành niêm phong các sản phẩm sữa để phục vụ cho quá trình xác minh. “Theo tôi được biết, các mẫu sữa trên đã được cơ quan chức năng đưa đi xét nghiệm, cơ quan y tế chưa đưa ra kết luận. Tuy nhiên, theo thông tin từ phòng cấp cứu bệnh viện, trường hợp của các em học sinh trên có khả năng là do ngộ độc sữa”, vị này cho biết thêm.

Được biết, cơ quan chức năng đã thu hồi 17 hộp của 3 lô chưa dùng với thời gian sản xuất khác nhau: Một lô sản xuất ngày 30/11/2013; một lô sản xuất ngày 31/11/2013 và một lô sản xuất ngày 1/12/2013. Hạn sử dụng của các lô sữa này đều đến tháng 6/2014.

Cũng theo một nguồn tin tiết lộ cho PV, ê kíp mang sản phẩm sữa đến tiếp thị, quảng bá tại trường tiểu học Mỹ Tân là nhân viên của một công ty truyền thông, không có nhân viên của hãng sữa. Có thể công ty sữa đã thuê đội ngũ này làm nhiệm vụ quảng cáo, tiếp thị. Được biết, sau khi xảy ra sự cố, đại diện hãng sữa cũng đã liên lạc với cơ quan chức năng để hợp tác xác minh(?!). Vụ việc cũng đã được chuyển cho đội Kinh tế (Công an huyện Mỹ Lộc) để tiếp tục xác minh. Theo lời cán bộ công an huyện Mỹ Lộc, dấu hiệu của sự việc này nhìn chung tương đối rõ ràng, chỉ chờ cơ quan y tế xét nghiệm, xác minh rõ nguồn gốc số sữa trên và đưa ra kết luận cuối cùng(?!).

Được biết, nhóm trưởng của nhóm tiếp thị sữa “Cô gái Hà Lan” tại trường tiểu học Mỹ Tân cũng thừa nhận, nhóm có đến giao lưu và trao quà là sữa hộp giấy cho tất cả 586 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 của trường.

Nghi vấn ngộ độc sữa?

Trong một diễn biến khác, theo thông tin từ phòng cấp cứu bệnh viện Đa khoa Nam Định, trường hợp xảy ra với các em học sinh trên rất có khả năng là do ngộ độc sữa. Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, bác sỹ Đỗ Tiến Dũng – người trực cấp cứu tại bệnh viện hôm xảy ra sự cố cho biết, hôm đó có tổng cộng sáu cháu nhập viện Đa khoa Nam Định. “Các cháu được đưa vào nhập viện chúng tôi luôn chứ không phải chuyển sang từ viện Nhi. Triệu chứng chính là đau ngực, buồn nôn, đau bụng, sốt. Theo chẩn đoán ban đầu, có khả năng các học sinh này bị ngộ độc sữa. Sau khi cấp cứu, thấy trường hợp của các cháu cũng đã có dấu hiệu khả quan, tình hình ổn định hơn, chúng tôi đã chuyển các cháu sang viện Nhi để điều trị tiếp”, bác sỹ Dũng nói thêm.

Cũng theo lời kể của vị bác sỹ này, ngày hôm đó bệnh viện khá đông, chỉ có một bác sỹ và hai điều dưỡng trực cấp cứu nên cũng không kịp hỏi han cụ thể, chỉ nghe nói là các cháu bị đau bụng sau khi uống sữa. “Bản thân nhóm tiếp thị của công ty sữa cũng cùng với nhà trường đưa các cháu vào viện. Một lúc sau, người nhà các cháu mới có mặt tại viện”, bác sỹ Dũng cho biết thêm.

Thông tin từ Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (sở Y tế tỉnh Nam Định) cho biết, ngay sau khi xảy ra sự việc, Chi cục đã có mặt tại hai bệnh viện trên để điều tra về mặt triệu chứng, xem xét diễn biến tình trạng của các em học sinh nhập viện.

Theo ông Hoàng Tiến Cường, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, hộp sữa giấy phát cho các cháu học sinh có dung tích 180ml. Việc cấp sữa là cho toàn bộ 685 cháu của trường, nhưng không rải đều cho tất cả các lớp trong trường, mà tập trung nhiều cho học sinh của lớp 5C. Chi cục cũng đã loại trừ khả năng sữa có những chất gây dị ứng đối với những học sinh mẫn cảm với chất này.

Được biết, cũng vào thời điểm trên, hãng sữa “Cô gái Hà Lan” triển khai hoạt động tiếp thị, phát sữa miễn phí cho các em học sinh ở bốn trường tiểu học của huyện Mỹ Lộc, nhưng ba trường còn lại không xảy ra việc gì. “Để vào các trường tiếp thị, nhóm tiếp thị của hãng sữa này chỉ làm việc với sở GD&ĐT rồi Sở gửi công văn cho phòng GD&ĐT huyện, chứ không thông qua Chi cục, nên khi xảy ra rồi thì Chi cục mới nắm được thông tin”, ông Cường thông tin thêm. 

Hãng sữa “Cô gái Hà Lan” nói gì?

Trong một diễn biến mới nhất, ngày 19/4, công ty FrieslandCampina Việt Nam – chủ sở hữu nhãn hàng sữa “Cô gái Hà Lan” đã phát đi thông cáo phản hồi về vụ việc này. Thông cáo cho biết, hiện nay, công ty đang gấp rút phối hợp với các cơ quan chức năng để tiến hành việc kiểm nghiệm để xác định nguyên nhân và sẽ có phản hồi chính thức tới các bậc phụ huynh. Theo FrieslandCampina Việt Nam, dự kiến, sau một tuần kể từ ngày 21/4, kết quả xét nghiệm các mẫu phẩm sữa mà các em học sinh đã uống của Tổng cục đo lường chất lượng sẽ được công bố. Phía công ty cũng khẳng định, chất lượng được kiểm soát nghiêm ngặt từ nhà cung cấp nguyên vật liệu và suốt quá trình chế biến, đóng gói, lưu trữ trước khi đưa sản phẩm ra .

Cần nắm rõ thủ tục pháp lý để đòi quyền lợi cho mình!

Sự việc tại trường tiểu học Mỹ Tân (Mỹ Lộc, Nam Định) không phải lần đầu tiên xảy ra liên quan đến hãng sữa “Cô gái Hà Lan”. Trước đó, báo chí từng phản ánh không ít trường hợp người tiêu dùng bỗng nhiên phải nhập viện vì uống sữa.

Không chỉ là... “Cô gái Hà Lan”

Theo phản ánh của báo chí, ngày 27/10/2009, khi đi học về bụng đói, em Huỳnh Đoàn Ngọc Quang, học sinh lớp 12, trường PTTH Phan Bội Châu (TP. Phan Thiết, Bình Thuận) đã lấy hộp sữa Cô gái Hà Lan tiệt trùng nhãn hiệu Vivinal GOS thể tích 180ml của Công ty TNHH thực phẩm và nước giải khát Dutch Lady Việt Nam uống. Khoảng 10 phút sau khi uống, em có những biểu hiện ngộ độc khi thấy khó thở, mắt lờ đờ, sốt cao, nói không được, ngứa ngáy toàn thân... Gia đình đã đưa em đến bệnh viện Đa khoa tỉnh cấp cứu.

<a class=Luật sư Nguyễn Huy An (Đoàn LS TP. Hà Nội)." width="500" height="376" />

Luật sư Nguyễn Huy An (Đoàn LS TP. Hà Nội).

Cũng vào thời điểm tháng 10/2009, một vụ việc tương tự cũng từng xảy ra tại Hà Nội. Một sinh viên trường đại học Bách khoa, một học sinh trường THCS Giảng Võ (Ba Đình) và một bé trai 10 tuổi ở phường Dịch Vọng (Cầu Giấy) đã phải nhập viện sau khi uống sữa Vivinal GOS. Bệnh án tại Trung tâm chống độc (bệnh viện Bạch Mai) kết luận: Nhập viện với tình trạng, sau khi uống sữa 10-15 phút, thấy ngứa hai mắt, nghẹt mũi, sưng hai mắt, người nổi mẩn đỏ. Kết luận: Dị ứng sữa(?!).

Không lâu sau, ngày 19/10/2009, tại TP.Hồ Chí Minh, bệnh viện Nhi Đồng 1 và bệnh viện Nhi Đồng 2 cũng đã tiếp nhận một số bệnh nhi bị dị ứng nghi do uống sữa Vivinal GOS. Theo các bác sỹ, ở trẻ nhỏ tuổi (thường dưới 1 tuổi), bệnh viện vẫn gặp những trường hợp bị dị ứng với thành phần protein của sữa, còn những trẻ lớn bệnh viện chưa từng gặp những trường hợp tương tự.

“Thượng đế” có quyền khởi kiện

Trước hiện tượng ngộ độc sữa đang diễn ra rải rác hiện nay, TS. Hồ Tất Thắng, Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết, trước đó, có rất nhiều vụ việc tương tự xảy ra. Tuy nhiên, nếu không có sự vào cuộc của các cơ quan quản lý Nhà nước thì nhà sản xuất sữa rất dễ đưa ra “chứng cứ ngoại phạm”. Theo đó, khi người tiêu dùng nghi ngờ về chất lượng và an toàn vệ sinh đối với sữa do họ mua và sử dụng thì có quyền khiếu nại trực tiếp với nhà cung cấp để đòi bồi thường thiệt hại.

TS. Thắng cho biết thêm, “thượng đế” cũng có quyền khiếu nại tới Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam và các hội địa phương, khiếu nại với các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan để nhờ sự giúp đỡ. “Trong trường hợp cần thiết, họ có quyền khởi kiện hoặc ủy quyền cho Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam thay mặt họ khởi kiện ra tòa”, TS. Thắng khẳng định.

Đồng quan điểm, Luật sư Nguyễn Huy An (Đoàn LS TP. Hà Nội) nhận định, từ nhiều vụ khiếu kiện liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm nói chung, mặt hàng sữa nói riêng cho thấy, đa phần người tiêu dùng khi khiếu kiện doanh nghiệp, nhà sản xuất về chất lượng sản phẩm thường không nắm rõ quy trình, thủ tục pháp lý nên thường không đạt được mục đích khiếu kiện. Có trường hợp mang hộp sữa bị biến dạng, chai nước ngọt có cặn, rêu... đi khiếu kiện trong khi đã mở vỏ hộp mà không hề có những thông tin cần thiết như địa chỉ, thời gian mua, không có người chứng kiến khi mở sản phẩm...

Theo LS. An, trong rất nhiều trường hợp, chính người tiêu dùng không hiểu rằng, để kiểm nghiệm được một sản phẩm theo đúng quy định của pháp luật cần phải có đủ số mẫu để kiểm nghiệm và mẫu phải mang tính đại diện cho lô hàng, mẫu đó phải còn nguyên vẹn. “Do đó, người tiêu dùng trước khi muốn khởi kiện về chất lượng sản phẩm cần phải nắm rõ quy trình thủ tục pháp lý”, vị này nhấn mạnh. 

Anh Văn - Anh Đức

Xem thêm clip: Nổ nhà máy thép Pomina, nhiều nạn nhân nguy kịch

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý